37 tuổi, hai đời chồng, chưa có một mái nhà riêng, nhan sắc đang lụi tàn, sức khỏe dần yếu kém nhưng phải gồng vai nuôi con, nuôi chồng và hứng chịu những trận đòn vô lý của chồng mà chưa một lần có suy nghĩ rằng sẽ bỏ nhau vì... sợ tiếng đời.

Đó là chân dung của chị tôi.

Ba năm qua, kể từ ngày chị chắp nối với anh Tr., người đàn ông kém chị bốn tuổi. Chị luôn chiều chồng để sống. Ngoài đứa con riêng của chị, hai người còn có đứa con chung mới 17 tháng tuổi. Anh rể tôi hay nhậu nhẹt và đề đóm. Hầu như ngày nào anh cũng nhậu, số đề ngày nào cũng đánh từ vài chục đến cả trăm ngàn. Hai người đi làm chung chỗ nhưng chị tôi không được giữ tiền, mọi thứ chi tiêu đều do anh Tr. “tiền phát gạo đong”. Vậy mà mỗi khi nhẵn túi, không có tiền đưa cho vợ, mâm cơm không có thức ăn là anh mắng chửi và đánh đập vợ. Lần gần đây nhất chị tôi bị chồng đánh “lãng nhách” là ngay mùng Một Tết Giáp Ngọ, chị về nhà cha mẹ ruột, mừng tuổi cha mẹ mỗi người 100 ngàn. Số tiền này là do người chủ nơi hai vợ chồng làm việc đã cho riêng chị. Chị nghĩ như thế là mình được toàn quyền sử dụng. Thế mà khi Tr. biết được anh ta đã đánh chị bầm sưng một bên má với lý do: “Mày tài lanh quá! Tao đã hứa lì xì ổng bả mỗi người năm chục mà mày qua mặt tao lì xì một trăm là sao?”.

{keywords}

Bị chồng đánh bầm mắt mà chị tôi chỉ mong chồng hứa không đánh vợ nữa

Ngày tư ngày tết, chị tôi nhịn cho qua chuyện, còn tự lừa dối mình ấy là do chồng quá chén mà ra, chứ ai lại tính toán chi li với ông bà già vợ mấy chục ngàn. Thế nhưng được nước làm tới, mới đây anh ta lại đánh chị tôi vì… dám đi chợ hết 200.000đ! Trước giờ anh ta giành quyền nắm giữ “tay hòm chìa khóa”. Sáng hôm ấy là Chủ nhật không phải đi làm, Tr. đi uống cà phê bỏ quên chiếc bóp ở nhà, trong bóp có 200 ngàn. Chị tôi gọi điện xin chồng tiền đi chợ, Tr. bảo còn 200 ngàn trong bóp. Ai ngờ khi về, Tr. hỏi tiền, chị tôi nói đã đi chợ hết. Anh ta cứ thế đấm liên tục vào mặt vợ vì “tội”… qua mặt chồng.

Đau lòng hơn, anh ta còn gọi điện thoại chửi mắng cha mẹ vợ, nói rằng số tiền đó chị tôi đã mang về cho cha mẹ. Hai vợ chồng ở tạm trong căn nhà mái lá cất trên phần đất của người thân. Cha mẹ chồng đã mất, bà con bên chồng không còn ai nên càng phân bua, chị tôi càng bị chồng đánh nhiều hơn.

Vậy mà khi nhờ người làm đơn tố cáo hành vi cố ý gây thương tích của người chồng, chị tôi chỉ muốn chồng hứa về sau sẽ không đánh mắng vợ nữa chứ chị không muốn ly hôn. Tôi bảo chị “buông”, chị còn hai đứa con cần có mẹ. Buồn thay, chị bảo: “Mình đã gãy gánh một lần, giờ ly hôn nữa sợ… tiếng đời cười chê. Thôi ráng nhịn mà sống em ạ!”. Khi nào chị mới chịu buông cuộc hôn nhân này?

(Theo PNO)