Đây là câu chuyện xảy ra trong gia đình tôi và chính tôi là người đã có những hành xử với một đứa trẻ khiến sau này tôi phải ân hận mãi. Lúc đó, tôi cứ nghĩ mình làm đúng, nhưng sau này, tôi mới thấy đó là việc làm sai. Tôi xin chia sẻ câu chuyện của mình để các anh chị, phụ huynh, khi gặp hoàn cảnh như tôi hãy cố gắng tìm ra con đường đúng, cách giáo dục đúng hơn khi trẻ con phạm lỗi.

Năm 2006 – 2007, khi Game Võ Lâm Truyền Kỳ mới du nhập vào nước ta, không biết bao nhiêu trẻ con, người lớn thậm chí có cả người già “dính” vào con đường nghiện ngập game. Nhiều gia đình tan thương, có những cái chết oan uổng từ hậu quả của việc mê game. Cháu tôi, con chị Hai, cũng bị xoáy vào vòng cuốn ma lực hấp dẫn của game. Chị tôi ly hôn với chồng nên nó sống với chung với ông bà ngoại. Ba má tôi thì lo công việc, cũng có chăm lo cho nó nhưng có lẽ thời đó vì game có sức hấp dẫn quá lớn, cháu tôi không thể nào cưỡng lại. Có bữa, ban đêm nó lẻn trốn khỏi nhà để đi chơi game đến sáng hôm sau. Mê game, cháu bỏ bê luôn chuyện học hành, cúp tiết liên tục. Ba má tôi hăm he, dọa nạt, roi vọt thế nào nó cũng không dứt được. Đến một ngày, nhà trường thông báo cho nó thôi học vì số ngày nghỉ trong tháng quá nhiều. Lúc đó nó mới học lớp 9.

{keywords} 

Ba má tôi quyết định cho thay đổi môi trường, gửi nó vào thành phố Hồ Chí Minh để tôi trông nom, dạy bảo. Nó vào, tôi gửi vào Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 1 để học. Sau bao nhiêu lần phân tích, ngọt có, nhạt có, mềm có, cứng rắn có, răn đe có nhưng hầu như nó chỉ dạ dạ được lúc đó rồi thôi. Hễ tôi đi làm là nó ở nhà lại chui vào tiệm Net. Không biết bao nhiêu lần tôi phải làm giấy cam kết, giấy bảo lãnh, rồi năn nỉ giáo viên chủ nhiệm, giám thị cho nó đi học lại. Nhưng cuối cùng thì nhà trường cũng không chịu nổi nó.

Sau lần đó, tôi cho nó về quê. Nó cũng bảo, nó chán học rồi, không muốn đi học nữa. Nó về quê phụ chị tôi buôn bán ngoài chợ. Ít lâu sau ba má tôi lại đau lòng, xót cháu nên bảo tôi cho nó thêm cơ hội. Tôi đồng ý vì khi về quê thấy cảnh nó dãi nắng dầm mưa buôn bán ngoài chợ. Nó cũng bảo giờ nó đã hối hận, thấy bạn bè đồng trang lứa sáng sáng mặc áo trắng đi học, nó buồn, muốn đi học lại. Tôi đồng ý, đưa tay cứu vớt nó thêm lần nữa.

Lần này, tôi chuyển nhà trọ, xuống tận Thị Nghè sống. Buổi sáng, trước khi đi làm, tôi mua đồ ăn sáng sẵn cho nó. Vậy mà, được đâu 1 tuần, một bữa tôi về nhà đột xuất vì công ty cúp điện, tôi phát hiện nó không phải đi học mà là đi chơi game. Uổng công bao lâu nay tôi tin tưởng. Tôi tiếp tục chuyển nhà và cho nó cách ly với các tiệm game 24/24 trên này, xuống tận Gò Vấp. Thời gian đầu tưởng đã cách ly được nhưng tôi thật không ngờ. Chiều đó như mọi lần, tôi đi làm về, thấy nhà cửa tối thui, nhà khóa cửa. Tôi ra hỏi chủ nhà thì bảo nó gửi chìa khóa từ sáng sớm. Tôi mở cửa phòng và phát hiện quần áo của nó được gom đi hết. Cả chiếc xe đạp tôi mua cho nó cũng khoảng 1 triệu mấy, rồi cả mấy triệu bạc tiền lương của tôi trong tủ nó đều gom đi sạch. Tôi vừa tức, vừa lo tìm cả mấy ngày liền không có. Cả gia đình tôi ngoài quê tìm cũng không có. Tôi nhờ bạn bè nhắn tin nó qua game, động viên nó về cũng không thấy nó đâu. Tôi mang trong mình cảm giác tội lỗi vì chính tôi mà nó ra nông nổi thế.

Hơn 1 tháng sau, nó chơi game hết sạch tiền, quá giang xe đò về quê. Thêm 1 lần nữa, cả nhà tôi ra sức khuyên can nó. Ba má và cả mẹ nó gọi vào xin tôi tha thứ và cho nó thêm 1 cơ hội cuối cùng. Tôi vì thương ba má, thương chị và cũng vì không muốn nó vào đời quá sớm nên đồng ý.

Lần này, tôi quyết tâm “cải tạo” nó. Tôi chuyển nó vào học lại lớp 9 ở 1 trường dân lập tại Gò Vấp, để cách ly bạn bè, những tay game thủ trong hội của nó ở quận 1. Tôi chặn hết mọi nguồn tiền của nó. Tiền học hay bất cứ tiền gì ở lớp, chính giáo viên chủ nhiệm sẽ là người thông báo và tôi đến trường nộp trực tiếp. Tiền ăn sáng, ăn trưa, tôi lên tận căn tin trường để nói chuyện với bà chủ căn tin, cứ nó ăn gì ghi sổ, tôi sẽ đến thanh toán vào cuối tháng. Ngay cả tiền gửi xe đạp 500 đồng/ lượt, tôi cũng đến gặp bác bảo vệ để đóng hằng tháng. Sau này tôi mới biết, dù tôi không cho tiền, nó vẫn có tiền vào tiệm Net. Nó “cày game thuê” cho những đứa bạn cùng hội. Vì nó chơi rất giỏi nên “level” tăng rất nhanh, có đứa thuê nó chơi, hoặc nó chơi xong rồi “bán account” cho các đối tượng có nhu cầu.

Rất nhiều lần tôi bắt gặp nó chơi game ở tiệm và nhiều lần nó hứa với tôi sẽ dứt bỏ. Nó cũng trình bày rằng “dù con có bỏ game nhưng lên lớp nghe bạn bè nói chuyện về game, có đứa khích bác, con chịu không được, bỏ không được”. Tôi dặn nó tránh xa đám bạn đang bàn bạc chuyện game, vào toilet vốc nước thật mạnh vào mặt để tỉnh táo người. Nó bảo, có đôi lần nó đấm cả bàn tay vào tường đến rướm máu để giải tỏa bức xúc.

Chuẩn bị thi học kỳ 2, một buổi trưa nó bảo có thi và đi sớm hơn thường ngày. Tôi thấy thái độ nó khác lạ nên đi theo sau nó. Chưa đến trường nó đã rẽ vào tiệm Net và tôi vô bắt ngay tại trận. Lần này, tôi không đánh nó nữa mà cho nó 2 điều kiện lựa chọn: một là chặt đứt ngón tay trỏ của bàn tay trái (nó thuận tay trái), ngón tay chuyên bấm phím game, hai là cạo đầu để nhớ kỹ lời hứa hôm nay với tôi. Đương nhiên là nó điều kiện thứ 2. Chính tôi dẫn nó ra tiệm hớt tóc và yêu cầu anh thợ cạo nhẵn mái tóc của nó. Ngồi sau lưng nhìn nó bị người ta cạo từng nhúm tóc như một tội đồ, tôi đã khóc rất nhiều nhưng lần này tôi cương quyết.

Sau khi bị cạo đầu nó thề sẽ không bao giờ chơi game nữa. Nhưng khi nó tới trường với cái đầu nhẵn bóng, nhà trường không cho nó vào học vì lý do “hình ảnh đầu tóc quá phản cảm, như người ở tù mới ra”. Tôi lại phải viết bản tường trình. Nhà trường thông cảm, họ cho nó đi học lại nhưng với điều kiện nó phải đội một cái nón len để nhìn khỏi phản cảm, khỏi ảnh hưởng đến suy nghĩ của nhiều phụ huynh khác. Nhà trường cũng khuyên tôi không nên làm thế với trẻ dù nó có phạm lỗi nặng nề như thế nào. Đó không phải là cách hay.

Cháu tôi “nổi tiếng” khắp cả trường vì cái đầu nhẵn bóng và thình tích ghiền game tới mức bị cạo đầu. Nó cũng phải nhận những lời khích bác, châm chọc của bạn bè, nhưng may cho tôi là nó đã bỏ ngoài tai. Nó không bao giờ chơi game nữa mà chú tâm vào chuyện học hành. Dù vậy, kỷ niệm đó là “vết thương” hằn sâu vào cuộc đời của nó.

Tôi chia sẻ câu chuyện này với các phụ huynh khác để mọi người rút kinh nghiệm khi giáo dục con cái. Trước đây tôi nghĩ mình đã làm đúng vì sau chuyện đó, cháu tôi không chơi game nữa nhưng giờ đây tôi hiểu ra mình áp dụng một phương pháp giáo dục con em rất phản cảm, hay nói đúng hơn đó là sự sỉ nhục. Mà đối với trẻ con, dù chỉ bị đối xử sỉ nhục một lần thôi cũng đủ để nó phải mặc cảm suốt cả cuộc đời.

(Theo PNO)