Bạn bè bảo tôi là người nhu nhược, hèn kém. Tôi chấp nhận bởi nếu không như thế thì chẳng lẽ tôi lại cầm dao khoét vào nỗi đau của vợ, con mình? Làm người anh hùng, dũng cảm như vậy, liệu có đáng mặt đàn ông hay không?
Cứ mỗi khi thấy Thúy Hằng ôm cái laptop leo lên giường là tôi lại thấy như có trăm ngàn mũi kim châm chích trong da thịt. Tôi không biết có điều gì trong đó cuốn hút vợ mình đến nỗi sự hiện diện của người chồng bằng da, bằng thịt chẳng có chút giá trị nào.
Đó là chuyện ngày trước. Bây giờ thì tôi đã hiểu. Ở phía sau cái màn hình máy tính ấy là một cuộc tình vụng trộm. Tôi phát hiện điều đó sau rất nhiều thời gian để ý, theo dõi, tìm hiểu vợ mình.
Nói một cách dễ hiểu là tôi đã bị cắm sừng. Cái sừng ấy mọc lên giữa lúc tôi yên tâm nhất về hạnh phúc của mình.
Thúy Hằng và tôi cưới nhau đã 12 năm. Chúng tôi yêu nhau rất nhiều và phải vượt qua không ít rào cản để đến được với nhau. Lý do chủ yếu là vì nhà tôi nghèo nên ba mẹ vợ tương lai không đồng ý cho con gái trao thân, gởi phận. Tôi đã tự hứa sẽ bằng mọi cách làm cho vợ con mình sung sướng. Đó vừa là thể hiện tình yêu của tôi đối với Thúy hằng, cũng là cách để “trả thù” gia đình vợ một cách êm ái nhất.
Sau 10 năm cày cật lực, tôi đã có nhiều thứ, kể cả một ngôi nhà nhỏ tuy xa trung tâm thành phố nhưng đủ để vợ con tôi có một nơi trú ngụ an toàn, tiện nghi. Vợ tôi bảo: “Em và các con rất biết ơn anh”. Nhìn ánh mắt lấp lánh yêu thương của vợ khi nói điều này, tôi thấy bao nhiêu mỏi mệt tan biến. Trong tôi chỉ còn lại niềm hạnh phúc lấp lánh...
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Thế nhưng sau niềm vui ấy chẳng bao lâu thì tôi đổ bệnh. Ngày nhận kết quả xét nghiệm, biết mình bị lao phổi, tôi chán nản tột cùng và nghĩ mọi thứ đã chấm hết. Khi đó vợ tôi an ủi: “Anh đừng lo. Khối người bị bệnh này và đã được chữa khỏi đó thôi. Anh cứ yên tâm chữa trị”.
Nhưng tôi yên tâm làm sao được vì sức khỏe bị suy giảm kéo theo bao nhiêu hệ lụy về công ăn, việc làm, thu nhập... Vợ tôi trở thành chỗ dựa chính trong gia đình trong gần 1 năm trời tôi nghỉ dưỡng bệnh. Chính lúc ấy, tôi nhận ra sự thay đổi của Thúy Hằng.
Ban đầu chỉ là hạn chế gần gũi vì nàng sợ tôi lây bệnh cho vợ con; tiếp theo đó là cách ly ăn uống cũng với lý do giữ an toàn cho vợ con. Dần dần tôi bị cách ly hoàn toàn. Vợ tôi không cho tôi ăn chung, ngủ chung; thậm chí nàng còn đề nghị tôi về quê sống với ba má một thời gian để chữa cho hoàn toàn khỏi bệnh. Nàng bảo: “Dưới đó không khí trong lành sẽ tốt cho sức khỏe của anh hơn”. Tôi nghe lời vợ, đâu biết rằng đó chính là khoảng thời gian vợ tôi đã có người đàn ông khác.
May mắn cho tôi là cuối cùng tôi cũng khỏi bệnh. Hôm cầm bản xét nghiệm âm tính, tôi sung sướng không cầm được nước mắt. Tôi gọi ngay cho vợ. Tôi cứ đinh ninh nàng sẽ mừng lắm khi nghe tôi báo tin, nào ngờ, nàng chỉ hỏi đúng một câu: “Thế à?”. Sau đó nàng bảo đang bận nên cúp máy.
Từ hôm đó, tôi linh cảm thấy một mối đe dọa mơ hồ. Vợ tôi đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Nàng không ăn cơm nhà mặc dù từ lâu tôi đã rất kỹ trong việc vệ sinh nhà cửa, đồ đạc. Tôi đã nhờ công ty khử trùng đến làm sạch nhà cửa ngay sau khi biết mình khỏi bệnh. Thế nhưng vợ tôi vẫn bị ám ảnh bởi một thứ vi trùng chết người. Nàng vẫn không cho tôi đến gần, không cho tôi ngủ chung. Về đến nhà là nàng lại gắn chặt với cái laptop. Ba cha con tôi phải tự lo ăn uống, tắm rửa, học hành...
Cuối cùng thì tôi cũng biết vợ mình ngoại tình. Người đàn ông đó đã đến với Thúy Hằng trong thời gian tôi bệnh. Anh ta đã có vợ nhưng họ vẫn công khai đi lại với nhau. Tôi còn biết vợ của người đàn ông kia đã gặp gỡ, van xin, đe dọa Thúy Hằng, yêu cầu nàng rời xa chồng chị ta ra. Thế nhưng vợ tôi như con nghiện, không thể nào cắt cơn được. Đỉnh điểm của tình yêu mù quáng đó là nàng yêu cầu tôi ly hôn. “Anh ký đi. Nếu không ký thì em cũng đơn phương gởi đơn ra tòa vì anh không có khả năng làm đàn ông”- nàng đặt lá đơn trước mặt tôi.
Cuối cùng tôi phải ký đơn. Tòa đã thụ lý. Tôi chuẩn bị tinh thần cho cuộc sống một mình với 2 đứa con còn thơ dại vì vợ tôi nói sẽ “nhường” quyền nuôi con cho tôi.
Thế nhưng trước ngày tòa dự định đưa vụ việc ra xét xử sau nhiều lần hòa giải không thành thì vợ tôi đột ngột bị tai nạn. Mẹ vợ tôi chạy đến tìm tôi. Bà khóc ngất: “Chắc là có ai đó cố tình hại nó. Mẹ xin con đừng ly dị lúc này...”. Bà khóc rất nhiều khiến tôi cũng mủi lòng.
Tôi đến bệnh viện chăm sóc Thúy Hằng, ròng rã 3 tháng trời cho đến ngày nàng xuất viện trên chiếc xe lăn. Một chân nàng đã bị dập nát phải cắt bỏ, chân kia cũng bị tổn thương, đòi hỏi phải có thời gian để phục hồi. Từ đó, Thúy Hằng gần như câm nín. Nàng chẳng buồn nói chuyện với tôi, với các con mà suốt ngày cứ chìm trong u uất.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Tôi không nhắc gì đến chuyện ly hôn nữa bởi tôi thấy nói chuyện ấy trong hoàn cảnh của Thúy Hằng như thế thì thật nhẫn tâm. Thật lòng, tôi không muốn cạn tàu ráo máng với người vợ mình đã từng yêu thương. Tôi không biết là trong tôi có còn tình yêu hay không nhưng tình thương dành cho vợ thì vẫn còn. Tôi bảo: “Em cứ yên tâm dưỡng bệnh, anh sẽ chăm sóc em, chăm sóc các con chu đáo”.
Vợ tôi gục mặt vào lòng tôi khóc ngất. Cuối cùng nàng chỉ nói được mấy lời: “Xin lỗi anh, em đã sai rồi”.
Có điều gì đó như vỡ òa, xóa tan sự ngăn cách bao lâu nay giữa chúng tôi. Bất giác tôi thấy Thúy Hằng đáng thương hơn đáng giận. Tôi ôm nàng vào lòng: “Em đừng nghĩ đến chuyện đó, hãy cố gắng dưỡng bệnh. Chỉ cần em khỏe thì mọi chuyện sẽ ổn”.
Chúng tôi sống cạnh nhau như thế đã được 6 tháng. Giờ đây vợ tôi có thể đứng lên, tập đi trên chiếc nạng gỗ. Nàng bắt đầu làm việc trở lại trên máy tính vì nàng vốn là chuyên gia về sáng tạo. Tôi thấy Thúy Hằng đã vui trở lại nên cũng mừng.
Thế nhưng, cách đây hơn 1 tuần, vợ tôi bỗng nhắc lại chuyện ly hôn: “Em sẽ về sống với ba mẹ... Em không muốn trở thành gánh nặng của anh...”. Ba mẹ vợ tôi cũng nói vậy. Ông bà cảm ơn vì thời gian qua tôi đã chăm sóc Thúy Hằng chu đáo. Mẹ vợ tôi nói: “Con còn trẻ, còn tương lai. Hai đứa ly hôn đi, ba mẹ sẽ đón con Hằng về bên đó để con được tự do...”.
Thế nhưng điều lạ là giờ đây tôi chẳng ham muốn được tự do. Tôi nghĩ tới luật nhân quả, nghĩ đến sự phù phiếm của đời người. Dường như tôi cũng đã quen với cuộc sống chay tịnh, không ham muốn, không đòi hỏi, không tranh đấu... Nếu phải thay đổi thì tôi cũng không biết mình sẽ thay đổi như thế nào...
Bạn bè bảo tôi là người nhu nhược, hèn kém. Tôi chấp nhận bởi nếu không như thế thì chẳng lẽ tôi lại cầm dao khoét vào nỗi đau của vợ, con mình? Làm người anh hùng, dũng cảm như vậy, liệu có đáng mặt đàn ông hay không?
(Theo Baophapluat)