Facebook nở rộ, không ít chị em bất hòa với mẹ chồng đã tận dụng “kênh” này chia sẻ những cảm xúc, chuyện xích mích và nói xấu mẹ chồng… Họ không lường được hậu quả có thể xảy ra với tổ ấm của mình.

Mẹ chồng phẫn nộ vì con dâu đổi “kênh”

Không hiếm chuyện mẹ chồng, nàng dâu xích mích nảy lửa, thậm chí, có những cuộc cãi vã một mất một còn. Nhưng nếu xưa chủ yếu là chuyện lời đi tiếng lại thì nay rất nhiều chị em phụ nữ không làm chủ được cảm xúc, đã tung lên facebook mọi bực dọc với mẹ chồng.

Chị Ngọc Lan – thành viên của một diễn đàn dành cho các bà mẹ thổ lộ: “Mình không muốn chồng khó xử nên đã không chấp nhặt với mẹ chồng trong sinh hoạt thường nhật. Nhưng bà khó tính quá. Mình chẳng còn cách nào khác, là đổi kênh, trút giận lên “phây”. Cũng có lần chồng mình vào đọc được, khuyên mình giữ chuyện trong nhà, nhưng mình thấy ngay cả nói trên đó mà cũng không được nữa thì bức bối lắm!”.

May cho chị Lan là mẹ chồng chị chẳng bao giờ sờ đến máy tính. Bà cũng không biết mạng, biết “phây” là cái gì. Khi thấy con dâu tự nhiên “bằng mặt” với mình, bà tự nghĩ con dâu đã thay đổi, ngoan hiền hơn. Bà đâu biết trên “phây”, cô con dâu đang làm “dậy sóng” bởi những câu chuyện nói xấu mình.

{keywords}
Ảnh minh họa

Nhưng chị Kim Nhung ở phố Phó Đức Chính (Hà Nội) thì không may mắn như vậy. Cũng như nhiều người, ngoài việc khoe con, chia sẻ chồng thích ăn gì, có chiều vợ không, chị cũng dành thời lượng rất lớn để nói xấu mẹ chồng. 

Nào là bà hôi, bà còn giữ thói quen nhai trầu, bà nấu cơm hôm thì nhão quá, hôm lại khô quá, rồi cứ chiều cháu để cháu sinh hư. Chưa hết, chị Nhung còn nói mẹ chồng ngáy rất to.

Cho đến một hôm nọ, đứa cháu hướng dẫn bà vào “phây” để khỏi lạc hậu. Bà tò mò muốn biết cháu kết bạn thế nào, học hành ra sao nên chăm chú nghe cháu hướng dẫn. Rồi cháu lại dẫn bà vào thăm “phây” của con dâu. Thế rồi, bà đọc được những gì chị Nhung viết về bà. Mặt bà đỏ gay, giận dữ. Đầu tiên bà nói với con trai, rồi gọi cả con dâu vào mắng nhiếc. Chuyện bé đã bị xé thành chuyện to.

Một trường hợp khác là mẹ chồng chạm mặt con dâu khi lên diễn đàn. Bà Ngô Thị Hoa (đường Đại Cồ Việt, Hà Nội) tá hỏa khi biết con dâu tham gia “Hội những người nói xấu mẹ chồng”. 

Trước đây bà và con dâu vẫn sống thuận hòa, không có lời ra tiếng vào. Cô con dâu cũng tỏ ra lễ độ, kính hiếu. Nhưng sau một vài tuần tập tành, bà đã có thể lướt facebook khá nhanh, đồng thời đã kết bạn được rất nhiều người.

Bà đã vào “phây” con dâu và đọc được những lời lẽ hết sức bất ngờ: “Mẹ chồng mình chỉ ham đồ rẻ, mua rau ôi, cá ươn, rồi lúc ngủ nghiến răng ken két. Mẹ chồng mình còn rất hay hỏi chồng mình làm thu nhập bao nhiêu, mình tiêu mỗi tháng hết bao nhiêu. Mình cứ phải nhịn bà ấy như nhịn cơm sống…”.

Lúc đó, bà mẹ chồng mới vỡ lẽ. Hóa ra cô con dâu giả dối, sống với bà bằng mặt không bằng lòng. Là người nóng tính, bà đã làm om xòm cả nhà. Con trai bà Hoa đòi bỏ vợ, vì không thể chịu được một người dám bêu xấu mẹ chồng như vậy.

Càng nói càng chứng tỏ sự thiếu hiểu biết

Mạng xã hội facebook ngày nay tiện lợi đến nỗi, chỉ cần một phút vừa chụp ảnh, vừa làm thao tác, người ta đã có thể đưa ảnh, những lời bình và nhận về chia sẻ của một cộng đồng lớn. Nhưng người tham gia facebook cũng cần phải học, phải biết tiết chế cảm xúc của mình. Đó là lời khuyên của không ít chuyên gia xã hội.

Bà Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chỉ ra: “Người lớn nên làm gương cho trẻ em. Bởi những gì mà người lớn nói trên facebook thì rất có thể các em học theo và làm tương tự. Như vậy, khi không muốn người khác làm gì với mình, thì cũng đừng làm như vậy đối với người khác trên mạng xã hội”.

Thế nhưng, không ít những cô dâu trẻ tuổi đã không nghĩ như vậy. Ngược lại họ thấy thanh thản, bớt căng thẳng, hả hê vì đã dùng facebook làm nơi kể xấu mẹ chồng, gia đình nhà chồng. Mỗi ngày một chuyện, facebook đang dần trở thành nơi “tụ họp” của những nàng dâu thích nói xấu mẹ chồng.

Nhưng những người con dâu lên mạng nói xấu mẹ chồng không hiểu rằng chính cách giải tỏa đó càng chứng minh họ thiếu hiểu biết, thiếu lễ độ trong cuộc sống và cách ứng xử. Người nào nghĩ rằng “phây” là một cứu cánh, một chỗ để giải tỏa bực bội là rất sai lầm.

Bởi không phải người lớn tuổi nào cũng không thích vào mạng. Các cụ có thể nhập cuộc bất cứ lúc nào, và khi phát hiện con dâu nói xấu, thì hậu quả cho tổ ấm sẽ thật khôn lường.

(Theo Pháp luật Online)