Dâu trưởng hay dâu thứ đều quan trọng nếu biết dung hòa các mối quan hệ và trách nhiệm gia đình

“Thời xưa, vợ chồng con trai trưởng luôn được cha mẹ, dòng họ xem trọng và đặt nhiều kỳ vọng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ phải gánh trọng trách và nghĩa vụ nặng nề, đặc biệt là nàng dâu trưởng. Trong xã hội hiện đại, trách nhiệm của dâu trưởng đã bớt nặng nề hơn nhưng chưa phải là đã hoàn toàn được xóa bỏ” - bà Hoàng Thị Mỹ Vân, Trung tâm Tư vấn tình cảm tình yêu và giới tính T&K (TP HCM), nhận định.

Trăm dâu đổ đầu… dâu trưởng

Tán đồng ý kiến của bà Vân, chị Thư (ngụ tại quận Tân Bình, TP HCM) tâm sự: Hơn 10 năm về nhà chồng, chị chưa ngày nào được ung dung, nhàn tản chỉ vì làm dâu trưởng. Gia đình chồng là trưởng tộc, chồng chị là cháu đích tôn. Vì thế, chị phải chung vai với cha mẹ chồng gồng gánh việc gia đình, dòng họ. Quanh năm không tháng nào không có giỗ, thậm chí có tháng tới 3-4 đám, nên chỉ cần nghĩ đến là chị đã thấy “oải”. “Vợ chồng tôi là công nhân viên, kinh tế eo hẹp nên cứ nghĩ đến các khoản đóng góp, giỗ chạp là xanh xám cả mặt mày” - chị Thư thổ lộ.

{keywords}

Các thành viên trong gia đình cùng chia sẻ trách nhiệm, không nên dồn hết cho dâu trưởng. (Ảnh chỉ có tính minh họa)

Tuy không sống cùng gia đình chồng nhưng chị Uyển (ngụ tại quận Bình Thạnh, TP HCM) cũng không thoát khỏi trách nhiệm của nàng dâu trưởng. Là con trưởng nên mọi khoản đóng góp để lo việc gia đình, bao giờ vợ chồng chị cũng phải chủ động và gánh phần nhiều nhất. Mới đây, cha chồng chị ở Nghệ An gọi điện thoại báo tin chuẩn bị xây nhà thờ họ, dự trù kinh phí trên 200 triệu đồng. “Chi phí mua gỗ hết 70 triệu đồng, bố mẹ sẽ lo. Phần còn lại, bố nhờ vợ chồng con và 2 em hỗ trợ. Bố mẹ già rồi, không làm gì ra tiền nhưng xây nhà thờ họ là việc đại sự không thể không làm con ạ”- bố chồng chị nhắn nhủ.

“Nói khéo là 3 anh em đóng góp nhưng bố chồng tôi thừa biết 2 người em chồng không có khả năng, chủ yếu đẩy trách nhiệm cho vợ chồng tôi bởi đây không phải là lần đầu. Vợ chồng tôi chẳng dư dả gì nên vừa cúp điện thoại, bực quá tôi phán luôn: “Người sống còn chưa có chỗ ăn ở đàng hoàng mà lo cho người chết. Không có tiền thì làm vừa phải thôi, ông bà cứ đua đòi cho con cái khổ”. Nghe xong, chồng tôi lên tiếng bênh bố, thế là xảy ra trận cãi vã kịch liệt” - chị Uyển nhớ lại.

Hóa giải khó khăn

Với chị Thi - nhân viên kế toán của một doanh nghiệp nhà nước tại quận 3, TP HCM - điều khiến cô dâu trưởng như chị cảm thấy áp lực nhất chính là chuyện phải sinh được con trai “nối dõi tông đường”. Sau nhiều lần cố gắng “canh me” con trai, kết quả anh chị thu được 2 “ả vịt trời”. Đều là viên chức nhà nước, nếu tiếp tục sinh con thì con đường sự nghiệp của vợ chồng chị coi như “đứt gánh”. “Chúng tôi thuyết phục các cụ chỉ cần nuôi dạy tốt, 2 đứa con gái hơn hẳn cả thằng con trai. May mà các cụ hiểu ra, không còn thúc ép nữa” - chị Thi bày tỏ.

Sau những năm làm dâu vất vả, hiện cuộc sống của chị Thủy (ngụ tại quận 11, TP HCM) đã dễ thở hơn vì nhận được sự cảm thông của gia đình chồng. Chị Thủy tâm sự: Ngày đầu làm dâu, đứng trước cả núi việc và trọng trách nặng nề của dâu trưởng, chị rất sốc nhưng rồi không còn cách nào khác là phải cố gắng hòa nhập và làm thật tốt để ghi điểm với nhà chồng.

Vốn giỏi nội trợ từ thời con gái, chị Thủy tổ chức các mâm cỗ giỗ chạp một cách gọn gàng khiến gia đình chồng hài lòng. Khi giành được sự tin tưởng của nhà chồng, chị nhờ cả chồng vào cuộc để thuyết phục gia đình thỉnh thoảng thuê người nấu nướng để chị và mọi người trong nhà đỡ vất vả. Với cách nói thấu tình đạt lý, chị đã nhận được cái gật đầu của cả gia đình nhà chồng.

Sẻ chia trách nhiệm

“Quen với cuộc sống hiện đại, nhiều chị em sẽ cảm thấy áp lực lớn khi đảm đương chức dâu trưởng theo quan niệm truyền thống. Để hóa giải điều này, dù là dâu trưởng hay dâu thứ, chị em phải biết dung hòa giữa các mối quan hệ và trách nhiệm gia đình. Bên cạnh đó, mỗi thành viên trong gia đình nên chia sẻ trách nhiệm, giúp đỡ nhau, không nên chỉ dồn hết trách nhiệm cho dâu trưởng” - bà Hoàng Thị Mỹ Vân nhìn nhận.


(Theo NLĐ)