Phong trào nhịn ăn để thanh lọc cơ thể đang lan nhanh khắp nhiều nơi, đặc biệt ở các văn phòng, công sở. Trên một diễn đàn, chủ đề này có hàng ngàn bài viết chia sẻ kinh nghiệm. Trên Facebook cũng có những hội nhịn ăn thanh lọc cơ thể thu hút hàng trăm người tham gia nhóm.
Nhịn ăn để thải độc, giảm béo
Hiện có nhiều trường phái với cách phương pháp thanh lọc như ăn bữa sáng, bữa trưa và ăn nhẹ vào bữa tối; hoặc chỉ ăn trái cây và uống nước trong 2-5 ngày. Có người nhịn hoàn toàn, chỉ uống nước chanh đường hoặc mật ong, đường suốt 12 ngày.
Nhiều người áp dụng phương pháp nhịn ăn và chỉ uống nước chanh để thanh lọc cơ thể. Ảnh: Internet |
Anh H. một người từng nhịn ăn cho biết sau một tuần: "Ngoại trừ triệu chứng hơi mệt khi vừa ngủ dậy, sụt cân, và rất thèm ăn, cơ thể về cơ bản vẫn hết sức ổn...". Anh H. cho biết đã tham khảo rất nhiều phương pháp nhịn ăn để thanh lọc cơ thể nhưng thực hiện theo cách mà anh cảm thấy thoải mái nhất với mình bằng cách nhịn ăn và uống mỗi ngày một cốc nước chanh ấm pha thìa mật ong cho bữa sáng; nước chanh pha vài thìa đường cho bữa trưa; một cốc nước chanh mật ong cho bữa tối. Xen kẽ trong ngày (khi khát) chỉ là nước lọc.
Anh H cho biết, sau 7 ngày sụt mất vài kg nhưng cảm thấy nhẹ nhõm hơn.
Nhiều người từng trải qua quá trình nhịn ăn cho biết, trong 2-4 ngày đầu họ thực sự vật vã với cảm giác đói. Lúc nào cũng chỉ nghĩ đến ăn và phải tưởng tượng hoặc xem hình ảnh món ăn cho đỡ... đói. Nhưng từ ngày thứ 5 trở đi thì cảm giác nhẹ nhàng hơn. Nhiều người áp dụng phương pháp này vẫn duy trì các hoạt động thường xuyên của mình như: đi làm, đi xe đạp, đi bơi, nội trợ, chăm con...
Với phái nam dường như sử dụng phương pháp nhịn ăn để thải độc làm mới cơ thể là chính thì với chị em mục tiêu giảm cân, làm đẹp là chủ yếu.
Cần thận trọng
Hiện trên mạng lan truyền nhiều phương pháp nhịn ăn. Có người sử dụng phương
pháp yoga nhịn ăn, có người nhịn 5 ngày, 7 ngày, có người theo lộ trình 12 ngày
kết hợp uống nước chanh... có người biến tấu một chút cho phù hợp với bản thân.
Tuy nhiên khi áp dụng bất cứ phương pháp nào cũng cần tìm hiểu kỹ càng.
Với phụ nữ, mục đích chính nhịn ăn là để giảm cân, làm đẹp. Ảnh: Internet |
Cần khám sức khỏe để chắc chắn rằng sức khỏe của bạn tốt, không bị các bệnh
như áp huyết thấp (người có bệnh áp huyết thấp dưới 110 không nên áp dụng),
thiếu máu, viêm phổi cấp, bệnh ác tính về máu, thiếu máu, bệnh tim, suy nhược
nặng,… Người có thể trạng gầy yếu, trẻ em đang lớn, phụ nữ trong những ngày "đèn
đỏ" tuyệt đối không nên áp dụng.
Chỉ nên áp dụng phương pháp này vào khoảng thời gian các công việc không quá
nhiều và không quá áp lực (tinh thần thần phải ổn định). Tránh hoạt động mạnh,
lái xe (tập thể dục, lao động chân tay, bê vác nặng,…). Bạn có thể rơi vào trạng
thái có cảm giác thèm ăn “mãnh liệt”, dẫn đến việc ăn bù và ăn uống quá tải. Một
số người còn bị rối loạn ăn uống, đau bụng, đi ngoài, táo bón, trầm cảm…
Nên ghi lại lịch sử hoạt động của mình khi sử dụng phương pháp này, có các thông số về huyết áp, nhịp tim và các triệu chứng đi kèm để thông báo với bác sĩ khi cần thiết.
Ảnh: Internet |
Trao đổi về liệu pháp này, TS.BS Trần Thị Minh Hạnh (phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM) cho biết trên Tuổi trẻ: cần phải hết sức thận trọng với việc nhịn ăn để thanh lọc cơ thể, chữa bệnh vì chưa có những nghiên cứu khoa học chính thức về vấn đề này. Chúng ta cũng chưa có bằng chứng khoa học nào về việc cải thiện hay suy giảm sức khỏe từ việc nhịn ăn. Vì thế, tùy thể trạng của từng người cụ thể để điều chỉnh cách ăn uống và dung nạp dinh dưỡng một cách hợp lý, mọi người không nên áp dụng đại trà việc nhịn ăn. Mỗi người có một thể trạng và sức khỏe khác nhau. Khi muốn ăn kiêng và cần một giải pháp về dinh dưỡng, để an toàn thì cần đến tư vấn với bác sĩ.
Đối với việc giảm cân thì nhịn ăn không phải là giải pháp tối ưu và lâu bền. Có thể thời gian đầu cân nặng sẽ giảm nhưng sau đó khi ăn trở lại thì cân nặng sẽ tăng lại và có khi còn tăng cân nhiều hơn trước. Nhịn ăn để giảm cân sẽ khiến cho cơ thể không chỉ giảm khối mỡ mà còn giảm cả khối cơ và có thể cả khối xương, cơ thể còn bị thiếu các vitamin và khoáng chất dẫn đến thiếu máu, loãng xương, sẽ mệt mỏi nhiều hơn. Muốn giảm cân lành mạnh thì phải giảm năng lượng đưa vào nhưng phải đảm bảo đủ chất đạm, các vitamin, khoáng chất, nước và chất xơ. Bên cạnh đó còn phải tăng cường hoạt động thể lực.
PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cũng cho rằng thay vì thanh lọc bằng cách nhịn ăn hoàn toàn, mọi người nên ăn một chế độ ăn “sạch”, tức là sử dụng thực phẩm sạch và cân đối các nhóm chất dinh dưỡng, ăn nhiều rau xanh, quả chín, giảm lượng thịt sử dụng hằng ngày xuống 50-60 gam/ngày mà tăng lượng cá, đậu phụ lên.
M. Thư (tổng hợp)