Tôi đọc các ý kiến về ngủ trưa và gần đây nhất có bài "Người Việt ngủ trưa là vì lười nhác" của Nguyễn Tú (Hà Nội), tôi đồng ý với quan điểm của tác giả là không nên ngủ trưa vì ngủ trưa có tác động tiêu cực như tác giả và các bình luận khác đã nêu.

Tôi không đồng ý với cách hiểu, quan điểm của tác giả về lí do tại sao người lao động ngủ trưa, và đặc biệt là ngủ trưa của người Việt là do lười nhác. Vậy tôi xin hỏi tác giả là, những người ngủ trưa ở phương Tây như tác giả đã nêu có lười nhác hay không? Nếu họ cũng là người lười nhác thì tác giả phải đổi tựa đề là: Người ngủ trưa là vì lười nhác. Tựa đề của tác giả vô tình làm cho hình ảnh người Việt xấu trong mắt thiên hạ. Vì nếu ngủ trưa là hiện tượng của lười nhác thì tại sao tác giả lại nêu đích danh người Việt!

Ngủ trưa là không nên hoặc có chăng là chợp mắt tại chỗ nếu cảm thấy cần thiết. Ví dụ trong trường hợp tối hôm trước đó bạn thức khuya làm việc và buổi sáng đó bạn phải đi làm đúng giờ, hoặc vì lý do đột xuất nào đó bạn thức dậy sớm quá. Tất nhiên bạn cố gắng sắp xếp để tình trạng đó không lặp lại nhiều.

{keywords}
Ảnh: Internet

Theo tôi, lý do làm cho nhiều người ngủ trưa là có một phần nào đó do khí hậu, nhưng lí do chính là vì môi trường làm việc, đặc thù công việc. Môi trường làm việc không chuyên nghiệp, không năng động, không nhiều việc, không mang tính công nghiệp hóa, năng suất lao động thấp thì không có sự ràng buộc về sự liên tục của công việc. Chính tần số công việc không nhiều hay nói cách khác không gây áp lực, làm cho người lao động ỷ lại, cộng với năng suất lao động thấp không làm cho người lao động hứng khởi làm việc hay nói cách khác người lao động có suy nghĩ là làm nhiều hay làm tranh thủ thì thu nhập cũng chăng hơn được bao nhiêu. Từ đó tạo thành một thói quen là nghỉ ngơi, và sự nghỉ ngơi đó được chọn vào giờ trưa kết hợp ăn trưa. Khi đã nghỉ trưa rồi thì buổi tối người đó ngủ ít hơn, cho nên ngày hôm sau lại phải cần ngủ trưa. Vậy là thói quen này thành quy luật do các yếu tố môi trường công việc tạo nên.

Lý giải cho quan điểm của tôi, tôi xin lấy ví dụ: cũng người lao động đã từng ngủ trưa đó, nếu chuyển sang một môi trường làm việc mà ở đó công việc đòi hỏi tính liên tục, tất cả hãng, xưởng đều làm việc, không ai ngủ trưa thì chắc chắn người đó sẽ tự cảm thấy không buồn ngủ, không muốn ngủ, chứ không phải vì quy định được ngủ hay không được ngủ trong hãng, xưởng đó. Vì chưa chắc hãng, xưởng đó có khái niệm/quy định gì về việc ngủ trưa hay không ngủ trưa. Biết đâu có ai vì mệt mỏi mà ngủ thì cũng không ai phê phán gì, ngược lại có khi còn được động viên nghỉ cho khỏe lấy sức mà làm tiếp.

Cũng con người Việt Nam, sang Hàn Quốc hay các nước công nghiệp phát triển, họ làm việc mà không ai ngủ trưa hay chia đôi thời gian làm việc ra làm hai để ngủ ở giai đoạn giữa. Hoặc cũng con người Việt Nam mới sang định cư, hoặc đi du lịch, công tác sang nước phát triển, họ không cố tình vi phạm khi tham gia giao thông hay xả rác như khi họ ở Việt Nam vì chính hệ thống đường sá, tín hiệu giao thông, cộng đồng tham gia giao thông, môi trường và hành vi con người bản địa làm cho họ cảm thấy không nên làm (sợ chê cười), không cần phải làm (đường sá rộng rãi), không được làm (có hệ thống camera tự động). Đó là minh chứng cho sự tác động của môi trường xung quanh.

Vậy để muốn không ngủ trưa, từ cấp quản lý cao nhất đến các nhà nghiên cứu kỹ thuật ứng dụng đến người làm việc phải ý thức được là công ăn việc làm phải được tạo ra nhiều, vận dụng tính chuyên nghiệp, công nghiệp vào môi trường làm việc. Sắp xếp bố trí thời gian bắt đầu làm cho đến thời gian nghỉ sao cho hợp lý. Người lao động cũng nên hiểu được việc tác động tiêu cực do ngủ trưa mang lại để bớt dần thói quen và cuối cùng là không ngủ trưa.

Đinh Thiên (TP.HCM)