- Lần lượt mời một trong những đứa con của mình đi ăn nhà hàng là cách để trò chuyện và hiểu con của một đôi vợ chồng người Mỹ.

Những ai đã từng xôn xao vì loạt bài viết về cách người Mỹ dạy con ăn và ngủ tự lập hẳn không lạ gì với người mẹ trẻ có cái tên quen nhưng cũng rất lạ: Kẩm Nhung. Cô hiện đang sống cùng chồng và con gái nhỏ tên Xoài ở Chicago, Mỹ. Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị kinh doanh ở Đại học Minnesota, cô làm việc tại một công ty tư vấn thương hiệu cho các trường đại học và tổ chức giáo dục.

Mang thai và sinh con trong thời gian ở Mỹ, Kẩm Nhung đã quan sát tỉ mỉ những nét ưu việt trong cách người Mỹ nuôi dạy con nhỏ. Các bài viết về cách người Mỹ cho con ăn, dạy con ngủ của cô được bạn đọc rất quan tâm và bàn tán sôi nổi. Nhận thấy tầm hữu ích lớn của đề tài này với độc giả, cô đã quyết định viết Con là khách quý, tổng hợp lại các quan sát và suy nghĩ của mình về cách người Mỹ chăm con.

{keywords}

Giữa vô vàn những sách dịch về cách nuôi dạy con tại một số nước tiên tiến, “Con là khách quý” thuộc hàng hiếm hoi những cuốn sách được viết dưới góc nhìn của bà mẹ Việt.

Nhân dịp cuốn sách “Con là khách quý” vừa được xuất bản ở Việt Nam, VietNamNet có cuộc trò chuyện với Kẩm Nhung về cuốn sách cũng như quan điểm của cô về chủ đề này.

- Chị có thể lý giải kỹ hơn về quan niệm “Con là khách quý”? Trong quan niệm này điều gì là cốt lõi?

Tên sách “Con là khách quý” bắt nguồn từ câu chuyện về một đôi vợ chồng người Mỹ cứ hàng tháng lại lần lượt mời MỘT trong những đứa con của mình đi ăn nhà hàng, để trò chuyện và hiểu con hơn. Bạn có thể đọc câu chuyện này ở trang 251 trong sách. Câu chuyện này giúp mình thay đổi cách nhìn về những đứa trẻ, để nhận ra rằng mỗi đứa trẻ là một cá thể khác biệt, có những tính cách và suy nghĩ riêng, đòi hỏi bố mẹ phải lắng nghe và trò chuyện nhiều với con để giúp con phát triển thành người như chúng mong muốn. Đồng thời, trong cụm “Con là khách quý”, có một sự nhấn mạnh về vị thế. “Con” không còn là “nghiễm nhiên”, là “phận dưới”, mà “con” giờ đây đến đàng hoàng, “đầy đủ”, như một người “khách quý”, mong chờ được bố mẹ chuẩn bị sẵn sàng “tiếp đón” và tận hưởng một thời gian vui vẻ với nhau.

- Trong những kinh nghiệm chăm sóc, dạy con mà chị ghi chép được từ người Mỹ, chị tâm đắc nhất điều gì?

Một trong những điều mình thấy khâm phục nhất là sự bình tĩnh khi xử lý những tình huống với con. Một lần mình được chứng kiến một người đàn ông xử lý tình huống với hai đứa bé.

Lúc đó ở trong công viên, một đứa bé gái mặc chiếc váy hồng có đính nơ sau lưng, vươn hai tay lên “Con muốn một quả bóng thật to! Thật to!” Người đàn ông phù hơi, thổi thật chậm để tạo thành một quả bóng lớn cho bé gái đó. Nhưng ông vừa thổi xong thì một đứa bé trai nhảy lên để tranh quả bóng. Người đàn ông liền từ tốn nói: “Felix, ta đang thổi quả bóng to này cho Carrie. Con có thể đợi tới lượt, phải không nào?” Cậu bé gật đầu. Nhưng lúc ông thổi xong quả bóng thì cậu bé này lại nhảy lên tranh. Ông quay sang cậu bé và nói: “Ta hiểu, con muốn có quả bóng đó. Nhưng bây giờ là lượt của Carrie. Con có thể đợi tới lượt mình, phải không nào?” Lần này thì cậu bé đứng im, không nhảy lên tranh nữa. Sau khi thổi xong, người đàn ông quay sang bảo “Cảm ơn con, Felix. Giờ thì ta sẽ thổi cho con một quả bóng thật to nhé.”

{keywords}

Tác giả cuốn sách - Kẩm Nhung.

Mình đã rất ngạc nhiên vì sự bình tĩnh của người đàn ông này. Ông ấy đã không tìm đường tắt: Ông không quay sang “ra lệnh” cho cậu bé “Đợi đến lượt đã!”. Không giận dữ vì cậu bé không nghe lời. Không thổi đại một quả bóng cho Felix trước cho xong chuyện. Ông cứ đi theo một con đường đã định, nhắc nhở cậu bé, thông cảm với mong muốn của cậu bé, nhưng vẫn kiên định nhắc cậu bé đợi, rồi khen ngợi khi cậu bé ngoan.

- Cuốn sách ghi chép về cách dạy con của người Mỹ, văn hóa, môi trường và điều kiện sống bên đó rất khác Việt Nam. Vậy mẹ Việt có thể học hỏi được những gì từ kinh nghiệm của họ?

Tất nhiên có rất nhiều khác biệt, từ điều kiện chăm sóc trẻ, môi trường, cho đến những quan niệm về cách nuôi dạy trẻ. Tuy nhiên, thực ra, có rất nhiều điểm gần gũi, đó là bố mẹ Việt và bố mẹ Mỹ đều hết sức yêu thương và mong muốn điều tốt nhất cho con cái. Những ông bố bà mẹ Việt ngày nay cũng chia sẻ những mục tiêu như người Mỹ là mong muốn nuôi dạy nên những đứa trẻ khỏe mạnh, tự lập, biết yêu thương và cảm thông với người khác.

Chính vì vậy, những cách làm của người Mỹ được chia sẻ trong sách Con là khách quý phần lớn là những cách làm hoàn toàn dễ áp dụng được ở Việt Nam, chỉ cần biết phương pháp, nguyên lý là có thể thực hiện ở Việt Nam. Mình đã biết rất nhiều mẹ Việt cho con ăn, cho con ngủ, dạy con tự lập kiểu Mỹ, rất thành công, con rất khỏe, vui vẻ và mẹ rất nhàn.

- Theo chị, điểm khác nhau căn bản nhất giữa cách chăm sóc, dạy con của người Việt và người Mỹ là gì? Chị đã sống ở Việt Nam và ở Mỹ, chị có nhận thấy sự khác biệt trong nhận thức, cách cư xử của mẹ Việt và mẹ Mỹ đối với con cái?

Mình thấy người Mỹ có một lợi thế là họ chăm sóc trẻ khá bài bản. Họ có đủ sách vở, tài liệu, bác sỹ hướng dẫn... nên họ chỉ cần đọc và làm theo, vậy là đứa trẻ sẽ lớn lên khá khỏe mạnh, và bố mẹ không phải quá đau đầu về con. Ở Việt Nam, khả năng tiếp cận nguồn thông tin chính thống về cách chăm sóc trẻ khoa học vẫn còn hạn chế. Về cách dạy trẻ, ở Mỹ đã có sẵn một môi trường giáo dục tích cực, ví dụ rất ít khi họ đánh hay mắng con, cũng như họ không chủ động can thiệp vào cách người khác nuôi dạy con. Chính vì thế mà việc dạy con hoàn toàn do bố mẹ làm chủ, chứ không bị tác động nhiều do người ngoài.

- Người Việt giàu tình yêu thương nhưng lại bao bọc con thái quá, làm cho đứa trẻ “chậm lớn” và thường ỷ lại bố mẹ. Nhưng cách chăm con, dạy con của người Mỹ lại bị đánh giá là “lạnh lùng, vô tình” khi để trẻ phải tự lập quá sớm. Chị nghĩ sao về những đánh giá này? Bản thân chị có thích điểm gì ở cách dạy con của mẹ Việt không?

Thật ra, cách đánh giá về cách nuôi dạy con của người Việt hay người Mỹ rất khó để nói đó là người nào thì bao bọc thái quá, người nào thì lạnh lùng, vô tình. Có lẽ điều tốt nhất là nhìn nhận sự tốt đẹp từ cách làm của cả hai bên, từ đó áp dụng trong cách mình nuôi dạy con cái mình.

Ví dụ, mình đã gặp ở Mỹ rất nhiều em từ Việt Nam sang đi du học từ rất sớm, hoặc khi ở Việt Nam gặp rất nhiều bạn sinh viên năng động đi làm thêm, tham gia nhiều hoạt động, hẳn là bố mẹ các bạn ấy không “bao bọc con thái quá” rồi. Khi sang Mỹ thì mình thấy tình cảm của người Mỹ với con cũng rất ấm áp, quan tâm. Ví dụ, cô đồng nghiệp của mình, cô ấy 30 tuổi rồi hai bố con vẫn hẹn nhau đi ăn trưa để trò chuyện.

- Xu hướng của một bộ phận người Việt trẻ muốn dạy con theo phương pháp hiện đại, học hỏi cách dạy con từ phương Tây (đặc biệt là Mỹ). Nhưng cách dạy này lại thường bị ông bà (lớp người của thế hệ trước) không ủng hộ. Cũng có những bà mẹ thừa nhận rằng ngày mang thai thì đọc đủ thứ sách dạy con thế này thế khác, nhưng khi đứa con ra đời họ lại bị chi phối bởi tâm lý làm mẹ nên không thể áp dụng các phương pháp dạy con đó được. Theo chị có cách nào để vượt qua được các rào cản này không?

Một trong những lý do mình viết cuốn “Con là khách quý – Ghi chép cách người Mỹ nuôi dạy con” dưới dạng sách là vì nó sẽ dễ “gối đầu giường”. Để một bà mẹ trẻ có thể gặp những băn khoăn thắc mắc của mình trong đó để được giải đáp ngay. Để một bà ngoại bà nội có thể “ngó qua” cuốn sách và khi thấy những thông tin được viết rõ ràng trong đó thì bà cũng dễ ủng hộ cách làm của các ông bố bà mẹ trẻ hơn.

- Có ý kiến cho rằng, trẻ 1-2 tuổi thì đã nhận thức được gì đâu mà dạy, chỉ chăm sóc thôi. Thế nên họ thường để trẻ phát triển tự nhiên cho đến khi đi học mới bắt đầu dạy. Chị nghĩ gì về ý kiến này? Theo chị, các bậc phụ huynh nên bắt đầu dạy trẻ từ độ tuổi nào?

Trẻ học được nhiều chứ. Đó là thời kỳ khám phá của trẻ mà. Tất cả mọi thứ trong thế giới đều lạ lẫm với trẻ và đây là một hành trình rất thú vị cho cả trẻ và bố mẹ. Từ “dạy” không khô cứng là bố mẹ phải chỉ bảo tận nơi, mà chỉ đơn giản là tạo một môi trường để trẻ học hỏi và khám phá. Trẻ em Mỹ được khám phá về nghệ thuật (vẽ, đất nặn...) từ rất sớm. Các em được nghe kể chuyện, nghe nhạc, nhảy múa. Đi công viên, bảo tàng, sở thú, chợ, đi trang trại, đi bơi, đi dạo hồ....Nói chung, với trẻ nhỏ, người Mỹ thường để trẻ học bằng trải nghiệm, thông qua chơi, chứ không phải là học là ngồi vào bàn và tập viết, tập đọc. Ngay như học ngoại ngữ cũng thông qua chơi, qua các hoạt động. Và kể cả học về các vấn đề trong cuộc sống, nhiều em được chơi trò “Game of life” (Trò chơi cuộc sống), để các hiểu về những điều xảy ra trong cuộc sống, khi đi học, đi làm, lập gia đình....

- Bản thân chị có áp dụng những phương pháp chăm sóc, dạy con này trong gia đình mình không? Kết quả đạt được như thế nào?

Mình đạt được nhiều lợi ích khi học tập cách người Mỹ nuôi con. Bé Xoài thích thú việc ăn uống. Bé thích quan sát, đi chơi, khám phá thế giới... nên là hành trình lớn lên của con làm mẹ cũng thấy thú vị. Mình học tập được từ người Mỹ việc có một tâm lý khá vững khi nuôi con, xuất phát từ sự học hỏi, chuẩn bị đầy đủ về quá trình nuôi dạy con, và một sự thoải mái, tự tin, giúp cho mình vui vẻ và tận hưởng thời gian làm mẹ.

Kim Minh (thực hiện)