- “Ngoài việc phối hợp, tăng cường liên kết chặt chẽ giữa các ban, ngành, cơ quan đoàn thể, báo chí để phát triển du lịch tại Ninh Bình, chúng tôi đã cho xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng mới. Hiện tại có 800 nhà hàng, khách sạn đang được đầu tư, phát triển về chất”.

Bà Dương Thị Thanh - phó Giám đốc sở VHTT&DL Ninh Bình chia sẻ tại buổi toạ đàm “Khảo sát sản phẩm du lịch Ninh Bình 2014”.

Sau khi quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Danh mục di sản thế giới, từ ngày 18 đến 20/7, Sở VHTT&DL Ninh Bình, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Hải Phòng tổ chức đoàn Famtrip khảo sát một số tuyến điểm du lịch Ninh Bình và tổ chức tọa đàm “Khảo sát sản phẩm du lịch Ninh Bình 2014”.

{keywords}

Đoàn Famtrip tham gia khảo sát một số tuyến du lịch tại Ninh Bình.

Đoàn Famtrip gồm lãnh đạo Sở VHTT&DL Ninh Bình; Hiệp hội Du lịch Ninh Bình; Hiệp hội Du lịch Việt Nam; Trung tâm xúc tiến du lịch và Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định; các doanh nghiệp hoạt động du lịch, doanh nghiệp lữ hành của Hà Nội (30 doanh nghiệp), Hải Phòng (15 doanh nghiệp), Nam Định (5 doanh nghiệp), Ninh Bình (gần 20 doanh nghiệp) cùng đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Tại đây, đoàn tổ chức khảo sát thực tế các tuyến điểm du lịch như: Khu quần thể danh thắng Tràng An, Động Thiên Hà, Hang Mòi, khu du lịch sinh thái Vườn chim Thung Nham, khu du lịch sinh thái Vân Long, mái đá của chùa... nhằm có cái nhìn khách quan, toàn diện về những tiềm năng, lợi thế cũng như hạn chế, yếu kém của các tuyến điểm du lịch. Từ đó, đóng góp ý kiến để xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch Ninh Bình trong năm tới.

Cho rằng Ninh Bình sẽ là một điểm du lịch hấp dẫn trong nhiều năm tới với nhiều khu, điểm du lịch nổi tiếng với mật độ dày đặc; người dân và người làm du lịch mến khách; có nhiều món ăn nổi tiếng (cơm cháy, thịt dê...). Hiện tại, đây vẫn còn có những hang động, khu sinh thái mới… Song việc quảng cáo ra nước ngoài chưa nhiều. Bên cạnh đó, khu vui chơi giải trí ban đêm cho khách quá ít, tình trạng chèo kéo khách hàng còn nhiều, có những nơi “treo đầu dê, bán thịt chó”, thậm chí đòi tiền típ của khách, một vị đại diện sở văn hoá Hải Phòng nhận định: “Đây cũng là vấn đề chung còn tồn tại ở đại đa số khu du lịch trong nước. Tuy nhiên, Sở VHTT&DL Ninh Bình cần quyết liệt quản lý, cảnh cáo các nhà hàng, cửa hàng còn tình trạng trên. Riêng vấn đề tiền típ thì hãy để khách du lịch tự típ và coi đó như một nét văn hoá tự nhiên vốn có”.

Về những tồn tại trên, bà Dương Thị Thanh, PGĐ Sở VHTT&DL Ninh Bình khẳng định: “Chúng tôi đang giải quyết những vấn đề trên một cách quyết liệt. Tuy nhiên, tại các tuyến điểm du lịch, những người lái đò, người phục vụ bản thân là nông dân nên trình độ văn hoá, học thức còn hạn chế. Chính vì thế, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở, chúng tôi sẽ đào tạo thêm kỹ năng cho họ.

Bên cạnh đó, ngoài việc tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm du lịch ở Ninh Bình, chúng tôi mong muốn có sự liên kết chặt chẽ giữa các ban, ngành, cơ quan đoàn thể, báo chí để phát triển bền vững hơn. Cùng với việc liên kết đó, nhiều cơ sở hạ tầng sẽ được đầu tư xây dựng. Hiện, hơn 800 nhà hàng, khách sạn đang được chúng tôi đầu tư, phát triển về chất để chào đón du khách”.

Về vấn đề quảng bá, quảng cáo, bà Thanh cho hay: “Mỗi năm Sở VHTT&DL Ninh Bình chi khoảng 10 tỉ để thực hiện việc quảng bá, triển lãm, tham dự hội chợ, in ấn tài liệu và sản xuất phim về du lịch Ninh Bình để thu hút khách nước ngoài nhiều hơn nữa”.

Hạnh Thúy