Sau khi thông tin một nữ sinh bị dính bầu khi đi bơi được lan truyền, các bác sĩ sản khoa cho rằng đây là chuyện hoang đường bởi tinh trùng không thể sống được trong nước.

Tinh trùng không thể sống được trong nước

Bác sĩ Lê Thị Kim Dung – chuyên gia về sản khoa và nam khoa tại Trung tâm Y tế lao động Thái Hà cho biết trên Infornet rằng không thể nào có bầu do đi bơi. “Đây là thông tin hoang đường nhất mà tôi từng nghe. Tôi khẳng định không thể có chuyện đi bơi dính tinh trùng rồi có bầu”, bác sĩ Dung khẳng định.

Theo bác sĩ Dung, tinh trùng của nam giới khi phóng ra khỏi cơ thể không thể sống sót trong không khí vài chục giây. Còn trong môi trường nước, đặc biệt là nước ở bể bơi sặc mùi clo thì tinh trùng chết ngay tức khắc. Hơn nữa, để thụ thai theo kiểu còn trinh mà vẫn có bầu, tinh trùng phải được bơm trực tiếp vào tử cung mới có thể thụ thai được.

{keywords}
Ảnh minh họa

Bác sĩ Dung kể bà gặp cô gái còn trinh nhưng vẫn có bầu do quan hệ bên ngoài, tinh trùng xuất ra một con chui qua được phần màng trinh khiến người phụ nữ có bầu. Nhưng trường hợp này cũng rất hiếm.

Còn đi bơi, người phụ nữ còn mặc qua một lớp quần bơi dày, tinh trùng có sống sót trong nước cũng không thể ngoi vào tìm trứng để thụ thai.

Bác sĩ Dung khôi hài “Nếu đúng là có thai từ việc đi bơi, tôi nghĩ đứa trẻ chắc là thiên thần như trong truyền thuyết về Sọ Dừa, Thánh Gióng".

Có thai do đi bơi là hoang đường!

Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Vương Văn Vệ - Giám đốc bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội cho biết trên báo Đất Việt: "Việc có thai do đi bơi là hoàn toàn hoang đường. Tinh trùng muốn thụ thai được phải hàng triệu con, sau đó có 1 con đi đến đích, chúng cũng phải thâm nhập vào được âm đạo của nữ giới thì mới có cơ hội để “bò” lên đến trứng. Còn khi ra đến môi trường nước, tinh trùng đã chết ngay lập tức, chẳng có lý nào lại có thai".

TS Vệ cũng chia sẻ thêm, việc cô gái vẫn còn trinh tiết nhưng lại mang thai cũng có khả năng xảy ra. Vì chỉ cần quan hệ tình dục loanh quanh khu vực cấm địa, xuất tinh mà chưa cần đi sâu đến chỗ “cái màng” thì “đạn” vẫn có cơ hội đi sâu vào bên trong. Khả năng thụ thai vẫn có, tuy nhiên xác suất này cũng vô cùng hiếm hoi. Do đó, theo ông, nếu thực sự có thai nhưng chưa từng quan hệ tình dục thì nữ sinh này cần xem xét kỹ các mối quan hệ của mình, có lúc nào lỡ say mà không biết mình bị quấy rối hay không. Còn vị bác sĩ hỏi “có đi bơi” hay không là do bác sĩ này đùa bỡn khi nữ sinh khăng khăng mình chưa từng quan hệ tình dục mà thôi.

Theo TS Vệ, vấn đề của em nữ sinh này là đã học đại học nhưng lại không có kiến thức gì về sức khỏe sinh sản, tình dục, dẫn đến những sai lầm rất khó hiểu của mình.

Bác sĩ nam khoa Nguyễn Bá Hưng – Trung tâm hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec cũng đồng quan điểm: "Tôi chưa từng gặp phải trường hợp tương tự như lời bạn gái trên chia sẻ, mà nếu có xảy ra thì đó là trường hợp hiếm. Ở trong môi trường bình thường thì tinh trùng chỉ có thể sống từ 1-2 tiếng, còn trong môi trường nước của bể bơi thì thời gian sống càng ngắn hơn. Nên chuyện đi bơi mà mang thai thì rất khó có thể xảy ra."

Tinh trùng là những tế bào sinh dục có thể di chuyển được. Nếu lấy một giọt tinh dịch soi lên kính hiển vi thì sẽ thấy tinh trùng chuyển động như một đám nòng nọc bơi trong nước. Thành phần chính của tinh trùng bao gồm: nước, các chất protein, đường và muối khoáng.

Tinh trùng trưởng thành đầy đủ rất nhỏ (dài 0,05mm) và mắt thường không thể nhìn thấy. Để trở thành tinh trùng, nó trải qua 4 giai đoạn: Đầu tiên là tinh tử - các tế bào mầm (tế bào gốc); sau đó là tinh bào; rồi đến tiền tinh trùng và cuối cùng mới là tinh trùng có khả năng bơi lội tự do. Nhưng chỉ bơi trong môi trường tinh dịch còn không thể bơi trong nước như người ta vẫn nghĩ.

K. Minh (tổng hợp)