- Một số người dân phố cổ ngộ nhận mãi về những giá trị của phố cổ, cho rằng “chỉ có phở phố cổ ngon, không đâu có được”.
Tôi sinh ta ở Hà Nội và từng sống ở nhiều loại nhà tại nhiều quận trên địa bàn thành phố: nhà cũ ở phố thuộc địa Pháp, tập thể cao tầng thời bao cấp, nhà chung cư cao tầng ở đô thị mới và nhà riêng xây lại mới ở phố cũ…
Tôi chưa từng ở phố cổ nhưng đời sống sinh hoạt từ nhỏ và đi lại với bạn bè suốt gần 40 năm qua trong phố cổ rất nhiều, bởi thế cũng rất muốn chia sẻ với mọi người về cuộc sống phố cổ.
Một góc đẹp ở phố cổ Hà Nội. Ảnh: Internet |
Cái hay
Không ai phủ nhận phố cổ là khu trung tâm, nhưng nói cho chính xác thì phố cổ Hoàn Kiếm là trung tâm kinh doanh buôn bán (trung tâm chính trị phải là quận Ba Đình). Mật độ tuyến phố chuyên doanh và các doanh nghiệp (trong nước và nước ngoài) ở địa bàn quận này cao nhất trong toàn thành phố Hà Nội, do đó dung lượng và tốc độ tiêu thụ hàng hóa ở đây cũng rất cao. Địa bàn này kinh doanh tốt, dễ kiếm tiền, sôi động từ sáng tới đêm.
Địa bàn phố cổ, ngay cả thời mới chỉ có 4 quận nội thành (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa) thì đã là trung tâm, bởi vị trí gần gũi với những điểm đến ưa thích trong nội đô của người dân. Khi Hà Nội mở rộng thành 9 quận và đến khi sáp nhập thêm Hà Tây thành 10 quận 18 huyện – thị xã, khu phố cổ lại càng là “trung tâm của trung tâm”, có lợi thế về sự đi lại thuận tiện. Tuy các cơ quan và doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn, không đóng trụ sở ở phố cổ (mà đóng ở các phố “thuộc địa cũ” với các tòa “nhà Pháp” cũ hoặc đã được cải tạo) nhưng từ phố cổ đến các cơ quan, doanh nghiệp lớn này không bao xa.
Tôi từng đi làm ở địa bàn quận Hoàn Kiếm nhưng vài năm nay đã làm ở địa bàn một quận “mới” (gọi là mới những cũng đã hình thành cả chục năm). Mỗi lần có việc đi vào quận Hoàn Kiếm và khu vực phố cổ thì các đồng nghiệp đều nói vui với nhau là “được lên phố”.
Cái dở
Phố cổ là địa bàn kinh doanh tấp nập, có thể nói là nhất thủ đô. Địa bàn này kiếm tiền dễ, nhưng tiêu tiền cũng nhanh và tốn kém.
Tôi đã suy nghĩ để tự giải thích tại sao một bát phở, hay một đĩa mì xào ở đây lại đắt nhiều hơn so với các nơi khác, thậm chí đắt hơn so với phố ẩm thực Tống Duy Tân – địa điểm cũng rất “trung tâm” cách đó chỉ một vài cây số. Và tôi đã hiểu vì sao. Khi vào ăn ở một quán vỉa hè phố cổ, bạn không có chỗ để xe. Ở đó có một đội ngũ nhân viên chuyên dắt xe của khách chạy đi vài chục, thậm chí vài trăm mét để dựng tại đó. Và khi bạn thanh toán xong, phải chờ đợi vài phút thì nhân viên nhà hàng mới đi dắt xe về tới nơi cho bạn. Nghĩa là, ngoài tiền thuê cửa hàng, trả lương nhân viên phục vụ bàn, chủ quán còn phải trả lương cho đội dắt xe, gửi xe, và phải thuê lại mặt bằng ở nơi để xe cho khách nữa.
Vì vậy, cũng một bát phở đó, bạn phải trả thêm những phí này. Không phải vì “ngồi ăn tại đất vàng nó đắt”, mà vì diện tích phố cổ chật chội nên sự tiện ích giảm đi, muốn đủ tiện ích rất đỗi giản dị như nơi khác (để xe ngoài cửa quán, ăn xong ra lấy xe đi luôn), bạn phải trả thêm tiền để có được điều kiện bình thường tối thiểu đó.
Nhiều người nói ăn phố cổ ngon. Nhưng hình như điều đó xưa rồi. Tôi từng đọc cuốn “Món ngon Hà Nội” của Vũ Bằng và qua những trải nghiệm hiện nay ở phố cổ thì thấy có lẽ ăn phố cổ chỉ ngon cái thời ông Vũ Bằng (những năm 50-60 thế kỷ trước) và sau đó một chút mà thôi. Tôi đã từng thử 1 lần ăn phở Bát Đàn. Cái cảm giác phải xếp hàng tự phục vụ mình như thời bao cấp trong thời buổi kinh tế thị trường đã khó chịu, tới khi ngồi xuống ăn thì thấy bát phở cũng quá bình thường, không hơn gì những bát phở ở Cầu Giấy, Từ Liêm. Một lần khác ăn phở xào ở phố cổ, tôi được nhà hàng đưa ra một đĩa phở toàn bánh phở và thịt bò (không có rau), và ấn tượng đặc biệt là mặn chát phải bỏ giữa chừng (dĩ nhiên là giá không hề rẻ). Ai bảo ăn phố cổ ngon, còn tôi không công nhận.
Tôi có một số bạn bè sống trong khu phố cổ. Ngoài niềm kiêu hãnh là “dân phố cổ”, dường như họ rất ít đi tới những “phố mới” thuộc Cầu Giấy, Thanh Xuân hay Từ Liêm... Mọi thứ sinh hoạt, mua bán của họ đều quanh quẩn “4 quận cũ” thậm chí chỉ quanh quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng. Vì vậy có thể hiểu vì sao một số người ở phố cổ chưa nhìn ra được rằng những khu phố mới, những đô thị mới cũng đã tiến bộ nhiều, từ số lượng tới chất lượng cuộc sống, từ hệ thống siêu thị, cửa hàng cung cấp hàng hóa tới các quán ăn. Do chưa tới và chưa tiếp xúc với những “khu mới”, một số người dân phố cổ ngộ nhận mãi về những giá trị của phố cổ, cho rằng “chỉ có phở phố cổ ngon, không đâu có được”. Riêng về ẩm thực, cá nhân tôi xin xác nhận, mỗi nơi có một món đặc thù, nhưng chỉ trừ chả cá Lã Vọng, còn các món khác thì phố cổ đã bị nhiều nơi khác qua mặt rồi.
Đó là cuộc sống mặt tiền phố cổ, những nơi “hái ra tiền”. Còn bên trong? Tôi đã đọc một công trình khảo sát của các nhà nghiên cứu cách đây 10 năm, khi Hà Nội chưa sáp nhập Hà Tây. Kết quả cho thấy: 1/3 người nghèo của Hà Nội cũ là người phố cổ. Tôi giật mình và cũng thấy ái ngại.
Một cảnh sinh hoạt của cư dân phố cổ. Ảnh: DT |
Đi thăm người bạn ở phố cổ hồi còn là sinh viên, tôi không khỏi ái ngại cho cuộc sống của người dân nơi đây. Khỏi nói về diện tích siêu nhỏ của những “hộ gia đình” mà nhiều người đã biết, diện tích sinh hoạt chung cũng rất hạn chế. Cả một số nhà dễ đến 20 hộ (nhà 2-3 tầng), gần 100 con người chỉ có duy nhất 1 nhà vệ sinh ở tầng 1. Chỉ điều đó thôi bạn đã có thể hình dung ra sự “khủng khiếp” khi sinh hoạt ở phố cổ ra sao.
Hạ tầng cơ sở của phố cổ đã quá xuống cấp, dẫu nhiều nhà mặt tiền đã cải tạo để nhìn đẹp đẽ hơn thì bên trong vẫn không thay đổi được sự thấp cấp vào bậc nhất thủ đô của hạ tầng nơi đây. Tôi nhớ ngày đó vì nhà chật nên bạn tôi thường đi cả ngày, ngoài giờ đi học lại đi nhiều việc khác và đi chơi, tối mịt mới về, có lẽ chỉ để ngủ.
Phố cổ như những ma trận chằng chịt. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng mỗi lần lên phố cổ là lần đó tôi lạc đường, nếu không xem trước bản đồ.
Tôi chưa từng ở phố cổ. Và tôi cũng không có ý định sống ở đây. Nhiều người bảo nơi đây tấc đất tấc vàng, nhưng đối với tôi, kể cả khi đủ tiền mua hết cả một số nhà trên phố cổ (điều này thì quá xa vời rồi), tôi cũng không có ý định mua nhà ở đây. Giả sử có mua, rồi tôi sẽ lại cho thuê lấy tiền, chứ không ở phố cổ. Thuận tiện ít (và rất đắt đỏ), bất tiện nhiều.
Lê Trung Hưng (quận Ba Đình)
Bài viết thể hiện quan điểm độc giả