- Là gương mặt sáng giá của Nhà hát tuồng Việt Nam nhưng nữ nghệ sĩ trẻ vẫn phải đi hát tại các quán ca nhạc, phòng trà, dạy hát tuồng cho người nước ngoài để trang trải cuộc sống.

Người giữ lửa cho nghệ thuật tuồng

Tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi và danh hiệu học sinh xuất sắc của Trường đại học Sân khấu điện ảnh, rất nhiều cơ hội mở ra với nghệ sĩ trẻ Lộc Huyền, nhưng cô lại chọn về đầu quân cho Nhà hát Tuồng Việt Nam. Cô gái tài sắc sinh năm 1981 này đã nguyện ở lại làm người giữ lửa cho nghệ thuật tuồng trong bối cảnh sân khấu gặp nhiều khó khăn chồng chất.

Chị chia sẻ rằng, nghệ thuật tuồng đến với chị như một cơ duyên. Mười năm trước, chị đoạt Huy chương Vàng với "Hồ Nguyệt Cô hóa cáo" trong Liên hoan tài năng sân khấu trẻ toàn quốc 2003. Từ ngày ấy, chị đã biết mình sinh ra là để sống với sân khấu này.

"Ngay chính trong khoảnh khắc tràn ngập niềm sung sướng ấy, Huyền đã biết rằng, trong cuộc đời mình, dù vinh hoa hay khó nghèo thì niềm hạnh phúc ấy sẽ luôn là nguồn động viên lớn để Huyền đứng vững với nghề nghiệp. Nhiều người cũng nói với mình rằng, sân khấu truyền thống, trong đó có tuồng khó khăn quá, rằng cuộc sống hiện đại ngày nay dường như chẳng mấy ai quan tâm đến nghệ thuật tuồng ra sao, cũng chẳng còn nhiều khán giả xem tuồng, nhất là ở miền Bắc, nơi vốn không phải là "đất dụng võ" của tuồng, nhưng mình vẫn luôn tự nhủ rằng, người ta làm cái gì cũng là do có cái duyên”, Lộc Huyền chia sẻ.

Lộc Huyền sinh ra và lớn lên ở cái nôi dân ca xứ Ðoài - Ðan Phượng. Ông nội là kép tuồng nghiệp dư, bố của Huyền từng là thành viên trong đội văn nghệ của huyện. Kế thừa năng khiếu của ông cha để lại nên ngay từ nhỏ Huyền đã là cây văn nghệ của trường, của huyện, được nhận nhiều giải thưởng trong các cuộc thi giọng hát hay.

{keywords}

Nghệ sĩ trẻ Lộc Huyền

Khi Nhà hát Tuồng Việt Nam tổ chức thi tuyển diễn viên, Huyền bước vào cuộc thi bằng câu hát tuồng vừa được các chú dạy vội. Không như những môn nghệ thuật khác, tuồng đòi hỏi người diễn viên dồn cả sức lực và tâm huyết trong từng cách lấy hơi, nhả chữ, dáng người bé nhỏ của Huyền phải chịu nhiều áp lực để tập luyện. Thế mà cô gái với vóc dáng nhỏ nhắn ở ngoài đời đã tỏa sáng đặc biệt trên sân khấu.

Huyền là một trong hai diện Đoàn Thanh niên Khối các cơ quan TƯ tham dự Liên hoan Thanh niên Tiên tiến làm theo lời Bác từ ngày 15/8 đến ngày 178/8



Chị là một trong số không nhiều diễn viên có thể "nhập" vào đa dạng các vai: "đào lẳng" như Điêu Thuyền trong "Lã Bố hí Điêu Thuyền", Đát Kỷ trong "Đát Kỷ đổi hồn"; vai "đào văn" như công chúa Huyền Trân trong "Huyền Trân công chúa", công chúa An Tư trong "An Tư công chúa"; vai "đào võ" như Liễu Nguyệt Tiêm trong "Đào Phi Phụng", Hồ Nguyệt Cô trong "Hồ Nguyệt Cô hóa cáo" hay "đào thương" như Xuân Đào trong "Xuân Đào cắt thịt", Mai Hương trong "Triệu Đình Long cứu chúa"...

Hát phòng trà để kiếm thêm thu nhập

Quyết định dấn thân vào sân khấu được cho là vừa khó vừa không ra tiền nhưng Lộc Huyền chia sẻ “Lớp trẻ không làm thì ai sẽ duy trì bộ môn sân khấu dân tộc này cho các thế hệ mai sau? Nếu ai cũng chê vì nghèo, vì khó mà không làm việc, không gắn bó với tuồng thì ai sẽ là người giữ gìn một nét văn hóa của dân tộc Việt? Vì thế mình vẫn cứ bền bỉ làm việc, học hỏi và mong những đóng góp của mình có giá trị trong bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống. Nếu chỉ trông chờ vào đồng lương và tiền bồi dưỡng từ các buổi tập luyện, biểu diễn thì đúng là khá eo hẹp. Nhưng Huyền có tuổi trẻ, có sức khỏe, có đam mê, có sự năng động nên cũng chủ động tìm kiếm những cơ hội để có thể tăng thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống mà lại vẫn giữ được "lửa nghề". Vả lại, nếu thu nhập của mình khiêm tốn, thì mình cũng duy trì một mức sống khiêm tốn, vừa đủ với mình thôi...".

Xác định con đường mình đi còn gặp nhiều khó khăn nên sau những giờ luyện tập, biểu diễn trên sân khấu tuồng, Huyền cùng các đồng nghiệp của mình đi hát tại các quán ca nhạc, phòng trà, làm MC cho các chương trình ca nhạc và cả dạy hát tuồng cho người nước ngoài để kiếm thêm thu nhập.

Huyền bảo bản thân không ngại khó, ngại khổ, đi làm ngoài có ảnh hưởng đến chuyên môn hay không là tại chính mình. Cho nên chị luôn giữ những khoảng cách nhất định để với chị, sân khấu tuồng vẫn là nơi dành nhiều tâm sức nhất. Ðộ này Huyền còn tranh thủ đi học tiếng Pháp ở L'Espace vào mấy buổi tối trong tuần. Ngày trước Huyền còn khá cả tiếng Nga, tiếng Anh, được nhận danh hiệu Sao tháng giêng khi ở Trường đại học Sân khấu- Ðiện ảnh.

"Phải tranh thủ học tập thì tư duy và đời sống của mình mới phong phú lên được! Lộc Huyền đi theo nghệ thuật tuồng có vất vả nhưng khi biểu diễn đón nhận được nhiều tràng pháo tay của khán giả, càng lúc càng "say" nghề và phải phấn đấu nhiều hơn nữa!", chị chia sẻ.

Kim Minh