Không bao lâu sau ngày cưới, tôi cay đắng nhận ra mình không có chỗ đứng trong gia đình chồng.

Nhà chồng tôi không thuộc diện khá giả nhưng họ luôn tự hào mình là người thành phố, còn tôi chỉ là một cô gái vùng cao xa xôi heo hút. Trong mắt họ và những người xung quanh, việc tôi lọt vào gia đình họ là phúc lớn ba đời. Chồng tôi là con trai út trong gia đình có ba chị em. Ngoại hình anh không có gì nổi trội nhưng tôi yêu anh ở tính điềm đạm, hiền lành. đáng tiếc là khi lấy nhau rồi, tôi mới nhận ra tính hiền lành đó đi cùng với sự nhu nhược.

Bố mẹ chồng coi khinh tôi ra mặt. Tôi không giỏi nấu nướng nhưng những món cơ bản, tôi vẫn làm được, vậy mà đến bữa, tôi vào bếp thì mẹ chồng đuổi ra, chị chồng đến chơi xót mẹ quay ra mắng tôi: “Sao không vào nấu cho mẹ, lấy mợ về để thờ sao?”. Rồi chị chồng đi vào bếp, dội vào tai tôi là cái giọng đanh chát của mẹ chồng: “Thà mình cố một tí, chứ để cho nó nấu kiểu nhà nó, bố ai mà ăn được”.

Việc lớn, việc bé trong nhà, tôi không bao giờ được bàn bạc. Hễ tôi mở miệng ra là mẹ chồng lại dè bỉu “đồ nhà quê”. Có lần, nghe mọi người bàn chuyện đi chơi, tôi buột miệng nói về ngôi chùa linh thiêng và thác nước hoang sơ tuyệt đẹp trên quê tôi, mẹ chồng “báng” luôn: “Trên cái đất khỉ ho cò gáy đó thì có gì hay ho mà đi”.

{keywords} 

Khó nhất là lận đận mãi tôi vẫn chưa xin được việc làm, mẹ chồng càng có cớ để xỉa xói, khinh thường. Nghe những lời đay nghiến, nhiều lúc tôi cũng điên tiết, nhưng nghĩ mình là phận dâu con nên nín nhịn. Bị đè nén mãi, vốn là người trầm tính, tôi càng trở nên kiệm lời. Tôi quyết định xin việc làm để khỏi sống cảnh phụ thuộc, chấp nhận làm một nhân viên bán hàng với mức lương bèo bọt 1,5 triệu/tháng, nhưng tôi cũng cảm thấy vui vì sáng sớm là đi, chập choạng mới về, ít phải chạm mặt mẹ chồng. Không bị “trói chân” nhưng hết giờ là tôi về nhà, không lượn lờ, la cà, vậy mà có hôm tắc đường về muộn là bị mẹ chồng mắng nhiếc, nào là đi làm không đủ nuôi cái mồm, nào là trốn tránh việc nhà...

Có lẽ vì bị khủng hoảng tinh thần nên hai năm sau ngày cưới tôi mới có thai. Sinh con, những tưởng tôi sẽ có được niềm vui từ con, thằng cháu nội mà ông bà trông ngóng sẽ giúp thu dần khoảng cách giữa tôi với nhà chồng. Nhưng không, một lần nữa, tôi lại bị đánh bật ra. Vì sinh mổ và bị nhiễm trùng vết khâu phải nằm viện nên tôi không có sữa. Nằm trong viện, tôi đã khóc rất nhiều, thương con vừa mới chào đời đã phải cách ly mẹ. Chị tôi lặn lội từ quê xuống chăm em, còn gia đình chồng bỏ mặc. Tôi tự an ủi mình là họ bận chăm sóc con tôi nên không một lời trách cứ. Đếm từng ngày để xuất viện về nhà, tôi sững sờ khi mẹ chồng không muốn cho tôi gần con. Trước mặt chị gái tôi, bà giả lả là tôi còn chưa hết đau nên cứ nghỉ ngơi. Tôi ngờ ngợ nhưng cũng phải nghe lời bà. Hàng ngày tôi vẫn sang phòng con, nhưng hễ tôi đến gần nó là bà lại tìm cách tách ra. Chưa hiểu bà có ý đồ gì nhưng bức xúc nên tôi hỏi: “Sao mẹ lại như vậy, nó là con của con cơ mà”. Mẹ chồng tôi cũng chẳng cần ý tứ: “Con cô sinh ra nhưng là máu mủ, dòng giống nhà này. Tôi không muốn cháu tôi lớn lên nhếch nhác, kém cỏi như mấy đứa trẻ con trên bản nhà cô”.

Cay xộc sống mũi, nước mắt cứ thế trào ra, lần đầu tiên, từ khi làm dâu tôi “bật” lại bà. Thế là mẹ chồng lu loa là tôi hỗn láo rồi gọi chồng tôi và các chị về họp gia đình. Chị chồng chửi bới tôi không tiếc lời, mắng chồng tôi không biết dạy vợ. Chồng tôi ngồi trơ như tượng gỗ không một lời bênh vực vợ. Khi chỉ có hai vợ chồng, tôi vừa mở lời giải thích thì anh quát: “Im ngay, sai lè lè mà còn to mồm”.

Tôi vừa uất ức vừa thất vọng về chồng. Nghĩ về tương lai của mình chỉ là bức tranh ảm đạm, tôi đã tính đến chuyện ly hôn nhưng con tôi còn quá nhỏ. Đêm đó, mẹ tôi lại gọi điện khóc lóc báo tin chị tôi bị chồng ngược đãi nên ôm con bỏ về nhà. Tôi không muốn con tôi lớn lên mà không có bố bên cạnh, cũng không muốn mẹ tôi, người phụ nữ già nửa đời người chưa thuộc hết con chữ lại phải gánh thêm một nỗi đau. Tờ đơn ly hôn chính tay tôi viết rồi lại tự đốt nó đi.

Từ hôm ấy, tôi sống trong nhà lầm lũi như một cái bóng. Ngày ngày tôi đi làm, tôi cố gắng gom góp, dành dụm để có tiền lo cho con rồi sau này có điều kiện sẽ ra ở riêng. Tôi đã gồng mình lên làm thêm đủ thứ việc để có thêm thu nhập. Thời gian ở bên con thật ít ỏi, mà nếu có nhiều cũng chẳng dùng hết, vì từ việc con ăn, con ngủ mẹ chồng tôi đều giành làm hết. Nhiều lúc không chịu đựng được sự vô lý của bà, tôi đã đôi co. Những lần như thế, trong nhà lại căng thẳng và đã có lần vì tôi phản ứng quyết liệt, chồng tôi đã cho tôi một cái tát như trời giáng.

Đã có lúc, tôi tính thuê nhà ở riêng nhưng mẹ chồng tôi ra điều kiện: “Đi đâu thì đi, để thằng cháu lại”. Tôi biết không dễ để ra đi nên đành ngậm ngùi ở lại. Bốn năm qua, tôi vẫn sống bên lề cuộc sống của con. Sự đau đớn, mệt mỏi như vắt kiệt sức sống của tôi, nhất là khi phát hiện ra chồng tôi có người đàn bà khác. Tôi thấy mình không thể tiếp tục cuộc sống như thế này nữa. Một người bạn tốt bụng cho tôi mượn nhà để ở trong thời gian ba năm cô ấy ra nước ngoài. Trước tòa, tôi có thể chứng minh thu nhập của tôi đủ nuôi con. Được bạn bè tiếp sức, tôi có thêm can đảm để lần thứ hai viết đơn ly hôn.

Hôm đó, tôi xin nghỉ trọn một ngày, đưa con đi chơi. Vậy mà chốc chốc mẹ chồng lại gọi điện rối rít giục đưa nó về. Con của mình mà cứ như là đi mượn. Nghĩ thế, nước mắt chực trào, tôi ôm con vào lòng, hỏi: “Mai mốt mẹ con mình dọn ra ngoài sống, con có thích không?”. Không ngần ngừ, con trai tôi đáp: “Không!”. “Sao lại không?”, tôi hoảng. “Vì mẹ không thương con, mẹ đi suốt ngày, mẹ bỏ mặc con cho bà. Nếu ở với mẹ, mẹ sẽ bỏ con một mình cả đêm cho thạch sùng cắn chân, con học dốt không có ai dạy bảo. Mẹ không có nhà, không có tiền mua dép cho con đi, không có tiền cho con ăn quà, mua đồ chơi…”. Tôi sững sờ nhưng cố trấn tĩnh: “Ai nói với con như thế?”. “Bà nội. Mà con không thích sống với mẹ đâu, con muốn ở với bà cơ”.

Tôi chết lặng, không thể tin chính mẹ chồng tôi đã "bơm" vào đầu đứa cháu bé nhỏ những điều xấu xa và vô vàn nỗi sợ đó. Nhìn con vùng khỏi tay tôi để chạy đi tìm bà, nước mắt tôi ứa ra. Lẽ nào tôi đã mất con?

(Theo Thu Nhật/Phunuonline)