Khi tranh chấp quyền trực tiếp nuôi con, người trong cuộc nào cũng tin rằng đứa trẻ sống với mình sẽ tốt hơn, được thương yêu, quan tâm, chăm sóc kỹ càng hơn. Tất cả đều vì quyền lợi của đứa trẻ. Tuy nhiên, đứa trẻ cần nhiều hơn việc đảm bảo một cuộc sống đủ đầy hay môi trường phát triển thuận tiện…

Anh Biên(*) và chị Hoa kết hôn năm 2003, có hai con chung tên Tấn (SN 2006) và Quỳnh (SN 2010).

Quá trình chung sống, cả hai thường mâu thuẫn, cãi vã do anh Biên không làm tròn trách nhiệm của người chồng, người cha. Làm quản lý nhân sự tại một ngân hàng, lương khá cao nhưng Biên không đóng góp gì vào cuộc sống chung bởi có bao nhiêu, anh ta “nướng” sạch vào các trận cá độ.

{keywords}
Ảnh minh họa

Đầu năm 2012, chị Hoa đề nghị chồng thay đổi lối sống, quan tâm hơn đến gia đình. Chẳng những không tiếp thu lời vợ, Biên còn đùng đùng nổi giận, cho là vợ quản lý khắt khe, can thiệp sâu vào cuộc sống của mình nên bỏ ra ngoài sống.

Suốt một năm ly thân, nhiều lần chị Hoa điện thoại, nhắn tin đều không được chồng đáp trả. Anh ta cũng chỉ đến thăm con duy nhất một lần. Đầu năm 2014, Biên khẳng định tình cảm không còn nên muốn ly hôn, nuôi hai con mà không cần vợ phải cấp dưỡng. Chị Hoa cho biết vẫn còn yêu chồng, các con cần cha, mâu thuẫn cũng không đến mức trầm trọng nên không muốn ly hôn.

Tháng 2/2014, TAND Q.Bình Thạnh tuyên xử cho hai người ly hôn, con chung mỗi người nuôi một đứa. Quỳnh sống với mẹ, Tấn về ở với cha. Chị Hoa kháng cáo xin được nuôi hai con, yêu cầu anh Biên cấp dưỡng ba triệu đồng/người/tháng. Mới đây, TAND TP.HCM mở phiên phúc thẩm, tuyên bác đơn của chị.

Tòa cho rằng anh Biên có điều kiện kinh tế khá hơn, nuôi dạy con sẽ tốt hơn, mỗi người nuôi một trẻ là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, khi phiên xử kết thúc, nhìn vẻ mặt buồn thiu của Tấn với những chia sẻ về ba mới thấy hết điều một đứa trẻ cần.

Từ ngày về chung sống với ba, Tấn thường xuyên nhịn đói bởi không quen với mùi vị thức ăn ba mua về từ quán. Biên vẫn thói quen ăn nhậu, thức đêm coi bóng đá nên gần như ngày nào cũng để con đi học trễ. Thậm chí, nhiều khi anh ta quên cả việc đón con, cô giáo phải điện thoại cho chị Hoa hoặc cha mẹ Biên để nhờ đến đón.

Nhớ mẹ, nhớ em, Tấn không được ba đưa về thăm, cũng không có điện thoại gọi về. Thương con, chị Hoa sắm cho Tấn chiếc điện thoại để dễ dàng liên lạc thì Biên phản ứng, cho rằng con chưa đủ tuổi sử dụng. Chị Hoa chỉ còn cách ghé thăm con thường xuyên. Nhưng những lần như vậy, đáp lại sự vui mừng của con, Biên lạnh lùng tuyên bố vợ cũ đang… quấy nhiễu cuộc sống cha con mình.

Về ở với cha, Tấn được chuyển sang học một trường quốc tế, được mua cho những món đồ chơi đắt tiền, nhưng rõ ràng thằng bé rất cô đơn trong cuộc sống sung túc vì thiếu sự chăm sóc, hơi ấm của tình thương.

Chị Linh và anh Thụy chung sống không đăng ký kết hôn. Năm 2005, Trung - cậu con trai của hai người chào đời. Trong khai sinh, Trung mang họ mẹ.

Lúc con trai vừa một tháng tuổi thì hai người chia tay. Anh Thụy mang con về Sóc Trăng sống, chị Linh lên TP.HCM lập nghiệp. Không lâu sau, anh Thụy ra nước ngoài, giao cháu Trung cho chị ruột là vợ chồng bà Huyền nuôi dưỡng.

Chị Linh bận công việc nên thi thoảng mới xuống thăm con. Năm Trung đến tuổi đi học, không thấy chị Linh về cũng không liên lạc được, vợ chồng bà Huyền quyết định làm lại giấy khai sinh, đổi họ thay tên và nhận Trung làm con nuôi.

Một lần về thăm, biết sự thật, chị Linh yêu cầu được nhận lại Trung nhưng vợ chồng bà Huyền không đồng ý. Chị đành gửi đơn đến tòa, yêu cầu xác định mẹ cho con và xin được quyền trực tiếp nuôi con.

Trong phiên xử sơ thẩm, anh Thụy ủy quyền đại diện cho vợ chồng bà Huyền. Hai bên đều thừa nhận chị Linh chính là mẹ ruột của cháu Trung.

Tòa kết luận, vợ chồng bà Huyền nhận Trung làm con không được sự đồng ý của mẹ ruột, cũng không tiến hành thủ tục nhận con nuôi theo đúng các quy định của pháp luật. Anh Thụy là cha nhưng đang định cư ở nước ngoài, theo luật, mẹ ruột sẽ là người được quyền ưu tiên trực tiếp nuôi con.

Do đó, tòa tuyên chị Linh là mẹ và được quyền trực tiếp nuôi cháu Trung. Vợ chồng bà Huyền kháng cáo. Tuy nhiên, cấp phúc thẩm nhận thấy anh Thụy đã ủy quyền, lại đang ở nước ngoài không có điều kiện chăm con, trong khi chị Linh còn độc thân, có công việc ổn định nên giao Trung cho mẹ ruột là hợp lý. Tòa bác kháng cáo của vợ chồng bà Huyền.

Chị Linh cho biết, bận làm ăn, bảy năm qua chị đành để con sống với vợ chồng bà Huyền; nay cuộc sống ổn định, chị muốn nhận lại con để làm tròn trách nhiệm người mẹ, thương yêu, lo lắng, chăm sóc con thật tốt…

Không ai có thể và có quyền ngăn cản mối quan hệ ruột thịt này, vợ chồng bà Huyền trả lại cho chị Linh quyền của một người mẹ đã mang nặng đẻ đau, được trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con là điều tất yếu.

Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là vì sao chị Linh không về sớm với con hơn, khi những năm tháng đầu đời đứa trẻ cần nhất là tình thương của mẹ.

Vợ chồng bà Huyền chia sẻ, đã nuôi đứa trẻ từ khi cháu mới đầy tháng, đã vượt qua tháng ngày con khóc thét đòi bầu sữa mẹ, rớt nước mắt chứng kiến những thời khắc quan trọng của đời con: chập chững bước đi đầu tiên, tiếng gọi mẹ cha và ngày đầu con đi học với bao bất ngờ, bỡ ngỡ. Tình cảm chất chồng theo năm tháng, vợ chồng bà không muốn xa đứa trẻ cũng là điều dễ hiểu.

Một người mẹ mang nặng đẻ đau, một người cô có công nuôi dưỡng và yêu cháu như con ruột. Giá như mỗi bên hy sinh một chút để đứa trẻ được nhận đầy đủ tình thương, tự do “bay nhảy” trong những mối quan hệ thân thuộc thì sẽ tốt hơn nhiều so với chuyện "thắng, thua".

Đối với những phiên tranh chấp quyền trực tiếp nuôi con, theo một thẩm phán, kết quả của tòa thường dựa trên điều kiện, môi trường sống ở đâu sẽ tốt nhất cho con.

Tuy nhiên, để con không thiếu hụt tình thương, tâm sinh lý được phát triển bình thường, đòi hỏi người lớn phải có sự chung tay nuôi dạy, tạo điều kiện để con được thương yêu, chăm sóc. Không nên vì sự ích kỷ mà tạo những giới tuyến ngăn cản con thụ hưởng tình yêu thương.

(Theo Phụ nữ Online)