Làng nhiều nơi giờ chỉ còn cái vỏ xấu xí mà hồn cốt đã mất từ lâu. Giờ người làng cũng ích kỉ, kèn cựa nhau ghê gớm, không mấy ai còn giữ được tình cảm tối lửa tắt đèn. Làng cũng quán xá, tệ nạn, cũng lô đề, vỡ hụi li bì.

Xin ra khỏi họ

Ông Chử Văn Xuân chìa cho tôi xem một lá đơn độc đáo nhất trần đời: lá đơn xin "ly dị"… họ.

Đơn viết: “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Độc lập - Tự do - Hạnh phúc… Tuyên bố độc lập tách riêng thành một nhánh họ Chử Văn Thạch Cáp. Tôi Chử Văn Xuân, sinh năm 1927 một thành viên cao tuổi dòng họ Chử Thạch Cáp tuyên bố tách riêng một nhánh họ Chử như sau: Năm 2001, dòng họ Chử chúng tôi lập gia phả của họ. Do bất đồng trong việc lập gia phả, lộn xộn, trái với kỷ cương lễ giáo, đạo lý, gây bè phái mất đoàn kết nội bộ, phản bội tổ tiên, chèn ép gia đình tôi.

Do đó gia đình tôi cự tuyệt không công nhận bản gia phả bất hợp lý này. Cùng lúc đó trưởng họ Chử Văn Hạnh tuyên bố gia đình tôi tạm dừng không sinh hoạt với dòng họ nữa. Từ đó đến nay, hàng năm đến ngày giỗ tổ và tảo mộ, gia đình tôi vẫn tiến hành tổ chức riêng biệt, độc lập thành một nhánh không quan hệ với dòng họ nữa.

Với lý do đó tôi đề nghị trưởng họ Chử Văn Hạnh cắt phần gia phả của gia đình tôi và trả lại nguyên bản không được tẩy xóa. Kể từ nay gia đình tôi tuyên bố độc lập, cắt đứt quan hệ, tách riêng thành một nhánh họ Chử Văn vĩnh viễn không quan hệ với dòng họ do Chử Văn Hạnh trưởng họ”.

{keywords}

Đơn xin ly dị họ của ông Xuân.

Cuối đơn ông Xuân còn ghi rõ: “Đồng kính gửi UBND xã Tứ Xã để biết và báo cáo đảm bảo an ninh chính trị xã hội nếu có sự cố xảy ra bất thường. Bản tuyên bố này vĩnh viễn lưu truyền để lại cho các thế hệ mai sau của gia đình tôi. Tứ Xã ngày 21/3/2014. Chử Văn Xuân”.

Chuyện họ hàng ở Tứ Xã (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) cực kỳ phức tạp. Xã có đến trăm chi họ thì phân nửa trong số đó xảy ra lộn xộn, tranh nhau vai trên, vế dưới trong đó có họ kỷ lục với trên ba mươi chi, họ ít cũng dăm bảy chi.

Chi họ nào cũng rốt ráo vận động xây nhà thờ, đắp mả tổ. Thói đời, cái sau thường bao giờ cũng phải to hơn, cao hơn, hoành tráng hơn cái trước. Thỉnh thoảng làng xóm lại chứng kiến một vụ… li dị họ cười ra nước mắt.

Tỷ như Hội đồng gia tộc họ K vận động ông trưởng họ để lại một phần đất làm nhà thờ tổ. Lúc đầu trưởng họ đồng ý nhưng đám con cháu cứ bàn ra, tán vào về giá cả nên sau lại ngãng ra. Hội đồng gia tộc bèn mua một mảnh đất bên ngoài thì vị trưởng họ liền đổi ý. Nhưng tất cả đã quá muộn. Hội đồng vẫn kiên quyết bổ đầu đinh trong họ ra mà đóng góp xây nhà thờ.

Trưởng họ bị một phen bẽ mặt liền về vận động đám người thân của mình xây một nhà thờ họ riêng. Buổi họp bàn chưa xảy ra mà ông trưởng họ trên đường đi vận động đã bị cảm gục chết ngay ở cổng nhà người khác.

Kể từ đó một họ K chia tách thành hai, mâu thuẫn vẫn còn day dứt mãi. Gặp nhau chẳng thèm chào hỏi. Ngày giỗ tổ không buồn thắp hương chung. Chạp họ dọn mộ tiền nhân cũng thiếu cảnh cụng chén đụng bát cười nói.

Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn quê ở Tứ Xã. Ông kể gốc là họ Bùi nhưng đến đời mình ăn thừa tự bên ngoại tức họ của ông Tổng Cóc (người lấy bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương làm lẽ) nổi tiếng nên cải thành họ Nguyễn. Thế nên ở làng mới có chuyện con đẻ nhưng khác họ bố mình là vì thế.

Cái chức trưởng họ, phó họ giờ oai ghê gớm. “Mai anh bố trí đi đón bà nhé, ăn mặc lịch sự vào, đừng để họ nhà gái nó khinh cho!”. “Dạ, dạ, cháu nhớ rồi thưa ông”. Người cháu năm nay đã ngoại tám mươi, tóc phơ phơ bạc, tay chân run rẩy đứng nghe lời huấn thị của “ông trẻ” mới chỉ ngoài bốn mươi phân công chuyện đi rước dâu cho con trai.

Ông trẻ là trưởng họ nên oai lắm. Ngồi mâm trên nhiều người hãi chẳng dám vào cùng nên lắm lúc riêng ông một mâm, một cỗ.

Ba đời không hòa giải

Làng nhiều nơi giờ chỉ còn cái vỏ xấu xí mà hồn cốt đã mất từ lâu. Giờ người làng cũng ích kỉ, kèn cựa nhau ghê gớm, không mấy ai còn giữ được tình cảm tối lửa tắt đèn. Làng cũng quán xá, tệ nạn, cũng lô đề, vỡ hụi li bì.

Những ngôi làng cổ trên đất Tổ với văn hóa độc đáo như hát xoan Kim Đức, hát ghẹo Tam Cường, nói phét Văn Lang… không hiểu sao đều nghèo cả. Có lẽ vì nghèo mà họ thể hiện ước muốn cuộc sống tốt đẹp hơn qua lời ca, tiếng hát, qua chuyện kể hoặc vì họ thanh sạch, nề nếp quá mà nghèo chăng?

Tứ Xã điển hình cho những làng quê thời kinh tế thị trường, nơi văn hóa truyền thống thì phai nhạt mà văn hóa mới chưa kịp thấm sâu. Trong một ngõ nhỏ ở Tứ Xã người ta chỉ cho tôi hai ngôi nhà liền nhau của hai anh em ruột Bùi và Ngọt (đã đổi tên).

Ông Nguyễn Hữu Cửu (xã Tứ Xã) kể chuyện hài cốt nghiêng: Chủ tịch xã thay mả bố. Mở nắp quan tài ra thì hài cốt của cụ nằm nghiêng, mặt úp vào ván thành. Cho là có sự động địa linh thiêng gì, vàng mã hương nhang được đốt lên đùng đùng, mọi người có mặt sụp lạy, cúng bái lia lịa.
Một ông chạy lại nhìn rồi bảo: “Không có sự gì đâu. Các ông bà có nhớ hôm mai táng cụ, xe tang của ta suýt bị đổ không? Góp bao nhiêu tiền họ làm gì không biết mà có con đường ra nghĩa địa cứ để ngập ghềnh, mấp mô mãi. Thế này sẽ có vụ đổ xe tang. Còn khối hài cốt bị nghiêng”.

Bố mẹ họ mất đi để lại cho hai mảnh đất. Đất người em ở đằng sau, đất người anh ở đằng trước, muốn ra ngõ người em phải đi qua đất nhà anh. Một buổi chẳng biết cơn cớ gì người anh cho gọi thợ xây bịt lối không cho em đi qua ngõ nữa.

Ngọt sang nói với Bùi phải trái mãi không xong tức mình kiện ra tòa. Tòa xử người anh phải đập bỏ bức tường bao chắn ngõ mở lối cho người em đi. Bức tường đập xuống, tình cảm anh em cũng bị đập bỏ theo.

Dân gian vẫn thường bảo: “Nhất thế tụng, bách thế thù” nghĩa là một đời kiện, trăm đời thù. Hai anh em nọ thề với nhau ba đời không thèm hòa giải. Lúc hấp hối vì bạo bệnh người em chẳng buồn sang nhìn mặt anh lần cuối.

Người anh thấy vậy dặn thân nhân cố tình để trống kèn ầm ĩ ba ngày ba đêm không cho nhà người em yên giấc. Người nhà em cũng chẳng phải loại vừa vun lá, chất rơm đốt một đống rấm to đùng. Khói bốc lên mù mịt không phải để xua muỗi, xua mòng mà xua bớt khách khứa đến dự đám ma của anh mình.

Đòn thù thâm độc giữa thủ túc với nhau ngay cả khi một người đã chết.

Làng lại có chuyện bà N.T.Thờ (đã đổi tên) dứt ruột sinh được mười hai người con nhưng số phận hẩm hiu chỉ dưỡng được có hai người, một trai và một gái. Chồng chẳng may mất sớm để mình bà Thờ cun cút nuôi con.

Lớn lên, con gái lấy chồng, yên bề gia thất ở xã khác còn bà ở với người con trai trên mảnh đất của tổ tiên. Vì một mâu thuẫn nào đó người con trai giận mẹ, dựng một ngôi nhà gần đó ở riêng. Tuy ở riêng nhưng anh này thù ghét mẹ đẻ mình đến mức toàn buộc trâu bò ngay cột nhà của bà để chúng ỉa đái, mùi xú uế xộc thẳng vào buồng cho bõ tức.

Ông chú ruột thấy cảnh chướng tai gai mắt ra khuyên: “Cháu à, làm con không được đối xử như thế! Mẹ có dở cũng là mẹ của mình…”.

Anh con trai không nói năng gì nhưng kể từ đó đâm ra thù lây cả ông chú. Anh ra chợ mua một con chó nhỏ về lấy ngay tên ông chú ruột mà đặt tên cho nó để ngày ngày mắng chửi cho bõ tức. Mắng chửi một cách công khai mà ông chú đắng họng không thể nói năng được gì.

(Theo NNVN)