Giữa chốn heo hút, người đàn ông và người đàn bà nương tựa vào nhau bầu bạn. Với họ, tình người, sự đồng cảm quan trọng hơn chuyện tình dục. Gần 40 năm qua, họ đã bên nhau vượt lên những ánh mắt nhòm ngó, những lời dèm pha...
Ngôi nhà nơi ông bà gần 40 năm sống chung. |
Đồng cảnh ngộ lận đận đận tình duyên
Xóm núi Đập Lồi, xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định buổi chiều nắng đã vơi. Xóm làng thưa thớt dần, những thửa ruộng vừa gặt chỉ còn trơ cuống rạ im vắng, đến chân núi cứ ngỡ mình đã nhầm đường thì thấy thấp thoáng một mái nhà lẻ loi.
Đến đầu ngõ, lũ chó sủa inh hỏi, một cụ bà từ trong nhà nhìn ra, hỏi: “Thưa cụ, chúng cháu tìm nhà bà Hai ạ?”, cụ bà mỉm cười: “Tôi đây”. Thì ra đây chính là nhà ông Trần Văn Cầu (SN 1914, còn gọi ông Mười) và bà Nguyễn Thị Diệu (SN 1920, còn gọi bà Hai).
Mời khách ngồi trên ghế nhựa đặt trước sân, bà Diệu bắt đầu kể về cuộc đời chìm nổi đa đoan. Cô bé Diệu sinh ra ở cửa Thuận An, tỉnh Thừa Thiên - Huế, gia cảnh quá nghèo khổ nên mới hơn 10 tuổi đã phải đi ở. Cô bé xinh xắn dễ thương bị ông bà chủ nhăm nhe gả bừa cho đứa cháu bị dở người. Không chấp nhận, Diệu trốn đi trong một đêm mịt mù.
Xin làm phụ hồ đi theo những đội làm công trình xây dựng ở khắp nơi. Năm 17 tuổi, Diệu lấy chồng. Năm 25 tuổi, chồng chết để lại hai đứa con, một trai, một gái. Rồi chiến tranh loạn lạc, thân gái dặm trường chẳng thể vừa mưu sinh, vừa lo an toàn cho con, Diệu buộc phải gửi hai đứa con cho người anh trai chồng ở tỉnh Long An.
Năm 1967, bà trở lại tìm con, đứa con gái nay đã lập gia đình, nhìn chiếc áo công nhân sờn vai và dáng vẻ khắc khổ của mẹ, lạnh nhạt cau mày: “Mẹ về, sao không nói cho con lên trên đó đón, để mua bộ quần áo khác cho mẹ. Mẹ mặc thế này đến rồi nhà chồng con họ khinh!”.
Nghe con gái nói vậy, bà cố ép những giọt nước mắt chảy ngược vào lòng, rồi quay mặt đi, tự nhủ với lòng rằng cứ để gia đình thông gia nghĩ rằng con gái mình là trẻ mồ côi, có khi người ta còn quý hơn là có người mẹ nghèo khó như bà. Tủi thân, rồi chẳng lời từ biệt, bà bỏ đi từ đó.
Sau ngày hòa bình lập lại, bà theo chủ thầu đi làm công trình ở khắp nơi, rồi về thủy điện Đập Lồi dừng chân. Tại đây bà gặp ông Mười. Mấy năm gắn bó với công trình, gắn bó với mảnh đất nghèo tiền gạo nhưng giàu tình người, những con người cùng khổ cảm thông quý mến nhau.
Bà Diệu cho biết: “Những ngày nghỉ, công nhân ở gần về hết, chỉ còn tôi với ông Mười ở lại lúi húi nấu cơm dưới chân núi. Ông Mười lúc ấy cũng không gia đình, không con cái, tôi cũng cô đơn một mình.
Thấy vậy nên bà chủ đất thương tình, bảo không có chỗ nào đi, không còn chỗ nào về thì bà cho đất cất nhà mà ở, vỡ rẫy làm ruộng mà sống. Tôi đồng ý, rồi ông Mười cũng ở lại. Chúng tôi cất cái nhà lá, mỗi người mỗi gian. Nhiều người ban đầu dòm ngó, gièm pha đủ điều nhưng chúng tôi vẫn mặc kệ, bởi miệng lưỡi người đời đâu hiểu được sự việc”.
Đôi mắt đục mờ hướng về phía chân núi, ông Mười kể, đời ông cũng nghiệt ngã không kém. Ông sinh ra ở thôn Kim Sơn, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, thời trai trẻ khôi ngô, khỏe mạnh có tiếng ở trong làng, chỉ có điều gia cảnh bần hàn.
Yêu một cô gái, đã hứa hôn, nhưng khi chuẩn bị thành gia thất thì ông bị tai nạn. Một tay gãy quặt, chân tập tễnh, Mười sang nhà vợ chưa cưới, chợt nghe người mẹ cô gái nói với con: “Có lẽ thôi đi, chứ nó thành tật rồi, lấy về nuôi tốn cơm, rồi nó “báo” mình đó con”.
Anh lặng thinh quay về, vung dao chặt đứt ngón tay út, thề không bao giờ lấy vợ nữa, rồi bỏ làng đi từ đó. Qua bao cuộc thăng trầm, ông dạt vào vùng quê làm công nhân kiếm sống và gặp bà Diệu.
Tình người vượt lên tình đôi lứa
Ông lão nhỏ thó chợt ngừng lời. Vết thương lòng trong ông lẽ nào vẫn còn ám ảnh sau bao năm tháng dâu bể cuộc đời? Để xua tan đi không khí buồn bã, khách hỏi: “Ông thương bà Hai không?”. Ông trả lời: “Thương chứ, bả rủ rê ở cùng nhà cho có bạn mà”.
Hai nhân vật của "câu chuyện tình trong trẻo" |
Bà Diệu chợt cười: “Ông Mười 100 tuổi rồi mà vẫn… còn là “trinh nam” đấy. Ổng không cho ai đụng vào người, kể cả tôi. Bây giờ mắt ổng mờ nên tôi thường dắt tay đi, nhưng khi cảm giác phía trước là đường thẳng thì ổng lại đẩy tôi ra”.
Bà Diệu kể, sau khi dựng nên cái chòi để che nắng che mưa thì hai người nương vào nhau mà sống như anh em bạn bè, ngày ngày cặm cụi cày cuốc, trồng cây ở mảnh vườn nhỏ để trang trải cuộc sống. Cuộc sống với họ như thế là bình an. Họ không cần tình dục, cũng chẳng cần tiền bạc.
Cách đây 3 năm, khi thấy căn nhà xuống cấp mưa gió dột nát, lại phải sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, một nhà hảo tâm đã gửi 40 triệu đồng để ông bà sửa nhà, có chỗ tránh mưa nắng. Nhưng khi được chính quyền trao tiền, ông bà không nhận và nhờ chính quyền đem cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
“Sao cụ không nhận khoản tiền đó để sửa lại nhà? Ngôi nhà bây giờ cũng hư hỏng nhiều rồi, lỡ lúc mưa gió thì sao?”. Bà cụ mỉm cười giải thích: “Hai chúng tôi già rồi, sống nay chết mai biết đâu được. Bây giờ còn làm lụng được chưa đến mức phải ngửa tay xin ai, với lại cả cuộc đời chưa bao giờ biết đến số tiền lớn thế, tiêu sao hết. Thà mình dành phần đó lại cho gia đình nào đó cần thiết hơn mình có phải hay không”.
Rồi năm 2008, một số người trong làng thấy hoàn cảnh của hai ông bà khó khăn nên đến kéo điện, mua cho cái quạt và một cái vô tuyến. Nhưng cái vô tuyến đó cũng để cho nhện giăng bởi ông bà phần không biết sử dụng, phần sợ tốn điện. Bà kể: “Mấy năm trước, xã bảo lên nhận hỗ trợ tiền điện 90 nghìn đồng nhưng tôi không nhận. Tôi có dùng bao nhiêu đâu, nhường cho người khác”.
Ở tuổi gần đất xa trời, ông Mười mắt đã mờ, sức khỏe yếu dần. Từ ngày qua tuổi 90, ông được trợ cấp tiền người già 120 ngàn đồng/tháng. Khoản tiền đó ông phụ giúp bà Hai lo cơm nước.
Còn bà Hai, hàng ngày dành thời gian chăm sóc mảnh vườn, rồi lại đi khắp làng bán mấy mớ rau, trái đu đủ, nải chuối vườn, kiếm vài đồng tiền lãi coi như đủ muối mắm. Hai ông bà có ba sào ruộng, nhưng gần chục năm nay ông Mười già yếu không làm việc nặng được nên đem cho người ta cấy mướn mỗi năm lấy được 150kg thóc.
Trong căn nhà chỉ có hai cái giường in dấu thời gian, chiếc vô tuyến giăng đầy mạng nhện, vài chiếc ghế nhựa đầy bụi im lìm góc nhà, tấm hình mấy đứa trẻ con ở đầu làng bà Hai xin về ngắm trong những đêm lạnh lẽo...
Tài sản chẳng có gì, chỉ có “chuyện tình” trong trẻo của họ là đáng giá, là câu chuyện tình người nương nhau sống giữa khốn khó không một chút toan tính vụ lợi, không một sự so bì. Quy luật cuộc đời là như thế, hạnh phúc không phải nhiều tiền bạc, mà đến từ những điều rất bình dị đời thường
(Theo Pháp luật Việt Nam)