Chiều  27/8, buổi tọa đàm Con đường du lịch tâm linh vùng duyên hải Đông Bắc gắn với triều đại nhà Trần đã được Tổng cục Du lịch và UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức tại Tuần Châu (TP Hạ Long).

Diễn ra trong không khí cởi mở, thẳng thắn, buổi tọa đàm đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của lãnh đạo Tổng cục Du lịch, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh và các doanh nghiệp lữ hành trong nước. Các đại biểu đều đánh giá cao tiềm năng xây dựng và phát triển tuyến du lịch tâm linh của khu vực duyên hải Đông Bắc - vùng đất chứa đựng nhiều di tích lịch sử, văn hóa quan trọng. Trong đó, tâm điểm của toàn tuyến là những di tích gắn bó chặt chẽ với triều đại nhà Trần ở Hải Dương và Quảng Ninh như đền Côn Sơn - Kiếp Bạc;  đền An Sinh, chùa Quỳnh Lâm, Đồn Cao (huyện Đông Triều); quần thể di tích danh thắng Yên Tử, chùa Ba Vàng (TP Uông Bí); bãi cọc Bạch Đằng, đền thờ Trần Hưng Đạo (TX Quảng Yên); tuyến bảo tàng, thư viện, đền thờ Trần Quốc Nghiễn (TP Hạ Long); đền Cửa Ông, đền Cửa Suốt, thiền viện Trúc Lâm Cái Bầu (huyện Vân Đồn)

{keywords}
Ông  ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch phát biểu tại tọa đàm

Đại diện một số công ty lữ hành cho biết, họ đều đang xây dựng những tour mới ở khu vực này để phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch của các địa phương còn chưa đa dạng và thiếu bền vững, nhất là trong việc đảm bảo lợi ích cho cộng đồng dân cư trực tiếp làm du lịch tại chỗ. Một số vấn đề như  công tác đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nội dung đội ngũ thuyết minh viên tại các điểm đến; kết nối sản phẩm du lịch tại các địa phương; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến các điểm đến; xây dựng điểm đến an toàn, vệ sinh; tạo cơ chế chính sách huy động thu hút nguồn lực đầu tư vào các khu, điểm tâm linh dựa trên quy hoạch điểm tâm linh; đẩy mạnh liên kết các địa phương, có chính sách hỗ trợ các công ty lữ hành ... cần được các cấp chính quyền chú ý và có những chính sách đầu tư đột phá

{keywords}
Đoàn khảo sát" Con đường du lịch tâm linh"của Tổng cục Du lịch Việt Nam 

Dưới góc độ lịch sử, nhà thơ Trần Nhuận Minh - người gắn bó với mảnh đất Quảng Ninh lại lo ngại về những bài thuyết minh, hướng dẫn tại nhiều di tích chưa thể hiện chính xác lịch sử, dẫn đến việc du khách hiểu nhầm giá trị điểm đến. Ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh đưa ra ý kiến về quản lý du lịch, cho rằng không thể hành chính hóa du lịch tâm linh. Bài toán đặt ra là phải giữ chân du khách ở lại lưu trú, tăng chi phí chuyến đi và gìn giữ tài nguyên du lịch một cách lâu dài.

Kết thúc buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định: Về cơ bản, những điểm du lịch được quy hoạch trong tuyến đều là những địa điểm có danh tiếng và nền tảng phát triển lâu dài (như Yên Tử, hệ thống đền thờ các tướng nhà Trần,...). Để có thể tạo nên một “con đường du lịch tâm linh” hiệu quả, điều quan trọng nhất là phải tạo ra sự khác biệt, đem đến cho du khách những trải nghiệm luôn luôn mới mẻ. Chính quyền địa phương giữ vai trò quan trọng trong việc liên kết các sản phẩm để tạo nên “chuỗi du lịch” đồng bộ, đầu tư hạ tầng giao thông và kích cầu thông qua việc hỗ trợ chính sách cho các doanh nghiệp lữ hành. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, quảng bá cũng cần được quan tâm đẩy mạnh hơn nữa. Trên cơ sở những kết quả khảo sát, Tổng cục du lịch sẽ xây dựng sơ đồ tuyến điểm và công bố chính thức “Con đường du lịch tâm linh vùng duyên hải Đông Bắc gắn với triều đại nhà Trần” trong thời gian sắp tới.

PV (TH)

 Chương trình khảo sát sản phẩm du lịch tâm linh, biển đảo của vùng duyên hải Đông Bắc do Tổng cục Du lịch tổ chức từ ngày 23-28/8/2014, với sự tham gia của 70 đơn vị, đại diện cho các doanh nghiệp lữ hành ba miền Bắc – Trung – Nam và các cơ quan thông tấn báo chí. Ở Quảng Ninh, đoàn Famtrip đã tới đền An Sinh, chùa Quỳnh Lâm, Đồn Cao (huyện Đông Triều); quần thể di tích danh thắng Yên Tử, chùa Ba Vàng (TP Uông Bí); bãi cọc Bạch Đằng, đền thờ Trần Hưng Đạo (TX Quảng Yên); tuyến bảo tàng, thư viện, đền thờ Trần Quốc Nghiễn (TP Hạ Long); đền Cửa Ông, đền Cửa Suốt, thiền viện Trúc Lâm Cái Bầu (huyện Vân Đồn) và huyện đảo Cô Tô.