Với rất nhiều phụ nữ, thế giới của họ hoàn toàn thay đổi sau khi có con. Đứa trẻ trở thành "trung tâm" cuộc sống của người mẹ và mọi suy nghĩ, lo lắng, tình cảm của họ đều chỉ xoay quanh bé mà thôi.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia về hôn nhân gia đình thì mọi sự thái quá đều nguy hiểm. Bi kịch của nhiều gia đình xuất phát từ việc người mẹ quá mải mê chăm sóc con mà quên mất... chồng, cũng như quên mất việc chăm sóc, vun vén gia đình như thời còn son rỗi. Đừng đổ lỗi tất cả cho người đàn ông khi họ cảm thấy hụt hẫng lúc này, các chuyên gia khuyến cáo, cũng đừng vội chỉ trích người chồng là ích kỷ, "đã không giúp vợ chăm con lại còn ghen với con". Đó là một thái độ cực đoan và hiển nhiên không giúp ích được gì cho hạnh phúc gia đình.
Trang Huffingtonpost vừa đăng tải một bức thư gây nhiều tranh cãi của một cô giáo đã lập gia đình, có ba con. Trong thư, nhân vật chính đưa ra quan điểm đối lập với khá nhiều phụ nữ khác, khi tuyên bố, bí quyết gìn giữ hạnh phúc gia đình và chăm sóc con trẻ của cô là "Ưu tiên chồng trước con".
"Trước khi có con, tôi luôn hình dung mình sẽ trở thành một người mẹ vĩ đại, có sự kiên nhẫn, hài hước và yêu con vô bờ bến như trong những bộ phim. Tôi tin chắc mình sẽ trở thành một bà mẹ tận tụy như vậy, vì tính tôi sống giản dị, chăm chỉ. Tôi thậm chí không có đôi hoa tai ngọc trai hay chuỗi vòng cổ cầu kỳ nào", người mẹ trẻ tự miêu tả về mình trong vài dòng.
Khi hai vợ chồng cô đón đứa con đầu lòng năm 2009, lời khuyên của các bác sĩ tâm lý đã khiến cô giật mình tỉnh ngộ. "Tôi lập tức đặt ra những kỳ vọng thực tế cho chính mình, với tư cách một người mẹ và cho cả hai vợ chồng, với tư cách là một cặp đôi. Đạt được mục tiêu làm gì nếu việc đó không bền vững? Ai cũng muốn trở thành người mẹ tốt nhất có thể, nhưng bạn sẽ không thể đắm chìm 100% tâm trí của mình nơi đứa trẻ, tới mức trở nên xa lạ và thờ ơ với chính chồng của mình. Cũng như quên bẵng mất việc chăm sóc chính bản thân mình. Nói cách khác, bạn cần tìm được sự cân bằng giữa tưởng tượng và thực tế, mà nói cho đúng hơn là đối mặt với những quan niệm định kiến mà xã hội, các bà mẹ khác đã đặt ra cho mình", theo kiểu "phải như thế thì mới được coi là bà mẹ tốt chứ!".
Thách thức định kiến xã hội về vai trò của người mẹ cũng là chủ đề của bài báo do chuyên gia tâm lý Amber Doty chấp bút, dưới tiêu đề "Hãy đặt chồng bạn lên trước". Trong bài báo đó, Doty tuyên bố - không chút ngần ngại và e dè - rằng chồng của bà mới là mối ưu tiên số 1 trong cuộc sống. Lý giải cho quyết định của mình, nữ chuyên gia này so sánh việc "đầu tư tình cảm cho bạn đời của mình cũng là một sự đầu tư có lợi cho toàn cục gia đình nói chung. Ưu tiên những nhu cầu của người chồng sẽ làm giảm nguy cơ li dị và tăng khả năng đứa trẻ được sống trong một mái nhà hạnh phúc, có đầy đủ sự chăm sóc của cả bố lẫn mẹ".
Chắc chắn sẽ có người nhảy lên phản đối dữ dội lập luận này của Amber Doty, nhưng cũng không ít người sẽ gật đầu điên cuồng trước quan điểm đó. Làm cha làm mẹ là việc cực kỳ khó và thú thật đi, bạn đâu muốn phải làm việc đó một thân một mình. Hãy điểm lại xem đã có lần nào bạn đặt các nhu cầu của chồng bạn , hay chính mình, lên trước nhu cầu của bọn trẻ hay chưa? Chắc chắn, một đêm hò hẹn lãng mạn với chồng sẽ giúp xoa dịu những căng thẳng của những ông bố bà mẹ trẻ suốt ngày quay cuồng trong bỉm sữa rất nhiều.
Có khi nào bạn nghĩ rằng, mình và chồng mình là một đội. Và những đội thắng cuộc luôn thực hành, tập luyện cùng nhau. Chỉ có sát cánh đồng lòng thì sự kết nối, trò chuyện, trao đổi giữa hai người mới được duy trì. Tất nhiên, đứa trẻ sẽ dễ dàng chen ngang vào cuộc trò chuyện (cũng như lúc cao hứng) của bố mẹ, nên chính vì thế, những khoảnh khắc "trốn con đi riêng" như vậy là cực kỳ quan trọng. Xin lỗi con, nhưng đôi khi mẹ cũng mong được bố ôm vào lòng lắm chứ!
Câu hỏi đặt ra là suy nghĩ đó có biến chúng ta thành những bà mẹ tồi hay không?
Có, chắc chắn nhiều độc giả sẽ phát xét như vậy. Nhiều người bức xúc với ý nghĩa rằng một bà mẹ "ích kỷ phớt lờ con cái của mình" để chăm sóc, âu yếm chồng. Những người khác thì vò đầu bứt tai không hiểu nổi vì sao một người phụ nữ lại sinh con khi mà cô ta đã xác định từ trước là đứa trẻ sẽ không phải là mối ưu tiên "tối thượng và duy nhất".
Nhưng hãy để những bà mẹ tồi đó có cơ hội làm rõ mọi chuyện. "Nếu như con cái là lý do tồn tại duy nhất của người mẹ, chúng sẽ lớn lên nghĩ rằng mình là cái rốn của vũ trụ, không cần phải chia sẻ thời gian hay món đồ sở hữu với bất kỳ ai. Bạn có mong muốn con mình trở thành người như thế?".
Việc yêu cầu trẻ đợi bố mẹ một phút hoặc nói "Không" với chúng sẽ không hề khiến trẻ bị tổn thương hay tự kỷ gì cả. Việc thể hiện tình yêu thương và trân trọng với chồng của bạn càng không làm ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Trên thực tế, hoàn toàn ngược lại mới đúng. Bằng cách đôi lúc ưu tiên chồng và chính mình hơn trẻ, các bà mẹ sẽ dạy cho con họ cách tôn trọng người khác và tôn trọng bản thân ra sao. Được chứng kiến bố mẹ chúng yêu thương, quan tâm nhau sẽ khiến trẻ có được sự kiên nhẫn và đam mê. Nói cách khác, đó không phải là sự ích kỷ của người mẹ mà thật ra là họ đang nuôi dưỡng tình cảm của đứa trẻ thì đúng hơn.
Tất nhiên, bạn sẽ không đáp chuyến bay đến Paris để tận hưởng tuần trăng mật lần thứ n với chồng trong lúc con bạn bước lên sân khấu nhận bằng tốt nghiệp ở trường. Nhưng gửi con đến nhà ông bà ngoại một đêm ư? Chắc chắn việc đó không thể biến bạn thành bà mẹ không-thể-tha-thứ được.
Nói tóm lại, trân trọng bạn đời, yêu quý con cái và tìm kiếm thời gian cho bản thân hoàn toàn có thể song hành tồn tại trong một cuộc hôn nhân lành mạnh và một gia đình hạnh phúc. Khi bạn cố xây dựng một thứ gì đó thì nền móng vững chắc luôn là yếu tố then chốt, đó là lý do vì sao người mẹ 3 con nói trên khẳng định, cô sẽ tiếp tục ưu tiên quan hệ với chồng lên trước các con. Là bậc làm cha làm mẹ, mục tiêu của chúng ta là nuôi dậy những đứa trẻ khỏe mạnh, vui vẻ, sống tự lập và tôn trọng bố mẹ. Là một người vợ, ta không hề mong muốn cảnh vợ chồng hờ hững nhìn nhau qua bàn bếp và cảm thấy xa cách vạn dặm với người đàn ông mà ta đã kết hôn hơn chục năm trước. Và với tư cách một người phụ nữ, bạn nên cảm thấy tự hào với danh hiệu "Người vợ và người mẹ".
Phương Lâm