Em chẳng muốn về quê ăn Tết, giỗ nữa. Rất mệt mỏi và ô nhục. Sau khi nấu nướng xong, thì chỉ có gia đình chồng dùng bữa. Các cháu nội cùng mẹ, chờ cả nhà nội dùng bữa xong, dọn xuống còn gì thì ăn nấy!
Kính gửi chị Hạnh Dung,
Em năm nay 40 tuổi, lập gia đình năm 27 tuổi. Vợ chồng em đều sống ở TP.HCM. Chúng em có 2 con. Kinh tế gia đình khá ổn vì em làm việc ở công ty nước ngoài. Vấn đề làm em day dứt và đau lòng nhất là gia đình chồng rất ít gần gũi với các con dâu.
Nhà chồng em ở Cái Bè, Tiền Giang. Chúng em quen nhau khi học đại học. Nhà anh nghèo nhưng anh rất chăm chỉ học hành cũng như làm việc. Tính gia trưởng của anh em chỉ phát hiện sau khi sinh con đầu lòng. Là vì, nhà chồng có đến 8 con trai, tức là có 8 con dâu. Em là con dâu thứ 6. Từ khi cưới em về thì em không bao giờ biết mặt chị dâu thứ 2,3. Em chỉ gặp được chị dâu thứ 5 chừng 2 đám giỗ, sau đó không còn gặp.
Và bây giờ em cũng chẳng muốn về quê ăn Tết, ăn giỗ nữa. Rất mệt mỏi và ô nhục. Nhà chồng đông anh em, con cháu, nhưng mỗi kì có đám giỗ hay Tết chỉ có 2 hay nhiều lắm là 3 con dâu về. Các con dâu, phải quán xuyến mọi công việc bếp núc theo sự sắp xếp của mẹ chồng, anh chị em ruột bên chồng.
Sau khi nấu nướng xong, bày lên bàn thì chỉ có gia đình chồng, tức là các con ruột và rể cùng dùng bữa. Các cháu nội sẽ ăn dưới bếp cùng mẹ, dĩ nhiên là phải chờ sau khi cả nhà nội dùng bữa xong, dọn xuống, hâm lại cho nóng, còn gì ăn nấy! Trong bữa ăn ấy, món nào do ai làm kém ngon thì anh em bên chồng sẽ chỉ bảo thêm, để rút kinh nghiệm lần sau!
Và bữa trưa của các nàng dâu bên nhà chồng em sẽ vào lúc 2-2h30 chiều, lúc nào cũng vậy, ngày lễ cũng như ngày Tết. Ngày Tết, ngồi dưới bếp, nhìn em dâu ngủ gục vì mệt còn nhà chồng thì sum họp ăn uống vui vẻ, em vô cùng xót xa, nhớ và thương cha mẹ ruột vô cùng. Chồng em cứ động viên em hoài, ráng đi. Em hỏi anh sao không cho vợ ăn cùng, anh nói ba má gia giáo lắm!
Ba má chồng khó tính nên em không dám nói trực tiếp, hỏi em chồng thì nó nói ăn chung với dâu sao nói chuyện trong nhà? Em tự nhủ lòng sẽ không bao giờ đi phục dịch người ta nữa, vì các con em cũng đã lớn. Chúng rất thương mẹ, con gái em nói, nhà mình không thiếu ăn sao mẹ phải gom đồ ăn thừa nhà nội cho con ăn? Em nghe mà thấy xót xa! Dâu xứ miền Tây phải sống như vậy ư?
Chị ơi, em chỉ muốn một điều là trốn hẳn như các chị dâu kia, hoặc là ráng chịu để đức cho con, nhưng em mệt mỏi quá rồi, phụ nữ tuổi 40 sức khỏe kém đi rồi hay sao? Chị cho em lời khuyên nhé. Chào chị.
Dâu miền Tây - bandocxingiauten@
Chẳng phải tất cả những nàng dâu miền Tây đều phải sống như vậy đâu bạn ạ. Đây có lẽ là một nếp riêng của gia đình chồng bạn mà thôi. Bạn làm dâu gia đình chồng tính ra đã 13 năm. 13 năm qua không biết bạn đã bao giờ thử tìm cách thay đổi nếp sống này hay chưa? Bạn đã thử bao giờ thuyết phục chồng cùng với bạn và những anh em ruột, chị em dâu ruột thay đổi nếp sống này hay chưa? Hay là bạn luôn luôn im lặng chịu đựng, luôn sợ hãi ba má chồng và ấm ức trong lòng cho đến tận bây? 13 năm chịu đựng và im lặng thì bây giờ cơ hội để bạn làm gì đó thay đổi cũng đã chẳng còn là bao nhiêu. Tính cách của bạn chắc cũng không đủ để làm cuộc “cách mạng” nhà chồng vì với một phụ nữ quyết liệt, dám đấu tranh và đấu tranh tới cùng vì điều mình nghĩ là đúng thì chắc bạn cũng đã không chấp nhận những phân biệt đối xử lạ lùng như vậy suốt 13 năm.
Tuy vậy, bạn cũng nên thử một lần cuối cùng. Nói chuyện thẳng thắn với chồng và yêu cầu chồng ủng hộ mình trong những chuyện thay đổi nếp nghĩ, nếp sinh hoạt của gia đình chồng. Hãy vạch cho chồng thấy rằng chuyện đó hiện giờ không chỉ ảnh hưởng đến bạn và các con dâu khác trong nhà mà còn ảnh hưởng đến các cháu, thế hệ thứ 3. Còn nhỏ, các cháu phải theo ba mẹ về quê, nhưng lớn hơn chút nữa, chắc chắn bọn trẻ sẽ không chấp nhận cách đối xử này. Bởi về quê với các cháu là để có được không khí gần gũi, yêu thương, chăm sóc giữa những người thân yêu chứ không phải để chứng kiến cảnh mẹ mình và những cô dì khác bị đối xử như osin không công và chính mình cũng không hề được nhìn tới. Hãy nói với chồng bạn rằng bạn đã nghe lời anh ấy mà ráng tới 13 năm và bây giờ không thể ráng thêm được nữa.
Nếu chồng bạn không hiểu ra mọi việc, bạn có thể lựa chọn một phương án nào phù hợp với bạn hơn cả trong hai phương án bạn đã đề ra: hoặc đừng về nữa, cho đến khi chồng bạn phải có cách giải quyết vấn đề. Hoặc tiếp tục về với suy nghĩ “Để đức cho con” như bạn viết trong mail. Lựa chọn phương án một, bạn có thể vẫn tiếp tục gửi lễ về để cúng trên bàn thờ của gia đình chồng. Lựa chọn phương án hai, bạn phải cố gắng nghĩ rằng mình đang làm điều này cũng vì hạnh phúc riêng của gia đình mình, để cho được “trong ấm ngoài êm”. Khi về, bạn có thể cùng 1, 2 chị em dâu có mặt thuê người nấu, dọn cỗ bàn riêng cho mình và các cháu ở nhà sau, không nên ăn thừa những gì còn lại trên bàn ăn của cha mẹ chồng và các anh chị em khác. May ra những cách như thế này có thể giúp bạn và các chị em dâu bớt cảm giác “ô nhục” mà “tự đánh lừa” mình rằng dâu con ăn riêng sẽ được thoải mái hơn.
Dù lựa chọn cách nào đi chăng nữa, điều quan trọng là bạn phải cảm thấy được thanh thản, nhẹ nhàng sau khi đã quyết định và hành động. Không nên giữ quá lâu trong mình những cảm xúc tồi tệ như vậy. Phải làm gì đó thay đổi hoặc ít ra hãy thay đổi chính bản thân mình, cảm xúc của mình, suy nghĩ của mình. Nếu không dám làm gì và chấp nhận mọi việc theo nề nếp cũ thì gạt bỏ cảm xúc của mình đi. Còn không thì hãy yêu cầu, phản kháng, đấu tranh một cách nhẹ nhàng, ôn hòa nhưng cương quyết.
(Theo Hạnh Dung/Phunuonline)