“Cuộc thi đã làm cho tôi sống lại những tháng ngày sống chung với chị ấy - một người phụ nữ đầy nghị lực và bản lĩnh. Phải chăng cuộc đời này có luật nhân quả, chị bị mắc bệnh AIDS khi đã thoát khỏi nghề”, Trang Hạ - tác giả đoạt giải cao trong cuộc thi "Khát vọng yêu thương” chia sẻ.

Tôi đã sống cùng nhân vật

Tôi biết rằng, những người phụ nữ làm nghề mại dâm họ không mong muốn làm công việc ấy. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh, vì những lý do riêng buộc họ phải chọn con đường ấy để rồi bị xã hội kỳ thị, lên án và hắt hủi.

Tôi biết về cuộc thi “Khát vọng yêu thương” rất muộn, đó là những tuần cuối cùng. Với tôi lúc đó thực tâm nghĩ đây là một cuộc thi nghiêm túc, hướng tới giá trị nhân văn chứ không phải những bài cướp, giết, hiếp, mô tả một ngày, hai ngày cuộc sống của gái mại dâm…mang tính giật gân, câu khách.

{keywords}
Bức ảnh gây xúc động tại lễ trao giải cuộc thi "Khát vọng yêu thương" diễn ra sáng 9/9.

Cách đây mấy năm, trong một cuộc triển lãm ở Sài Gòn, tôi có quen người phụ nữ là nhân vật chính trong bài dự thi của tôi. Chị ấy cũng là một người viết sách. Khi tiếp xúc tôi thấy chị ấy là một người phụ nữ đặc biệt và có cuộc sống vô cùng đau khổ. Chị ấy bao nhiêu năm làm gái mại dâm, nghiện ma tuý thì không bị HIV nhưng đến khi ra nghề chị ấy lại bị nhiễm HIV từ một việc làm thiện nguyện.

Thế rồi sau đó tôi quyết định vào Sài Gòn nửa tháng để sống cùng, nói chuyện cùng và sinh hoạt cùng chị với mục đích được sống lại trong những câu chuyện ấy. Đặc biệt tôi cho rằng chị không bao giờ nhận thức được hết những gì mà chị đang gặp. Chính vì sống như vậy nên tôi đã nhìn được, thấy được từ đó có thể hỗ trợ về mặt tinh thần ít nhiều cho chị.

Trong nửa tháng ấy, tôi được sinh hoạt cùng, ăn cùng nhưng không ngủ cùng vì nhà chị chật quá. Cũng vì chị và 4 đứa con chị bị AIDS nên chủ nhà hắt hủi, kỳ thị. Chị ấy phải chọn thuê trong một khu gần nghĩa địa, đường dẫn tới nhà phải đi qua những đoạn “bát nháo” nhất.

Mới đây, tôi có gọi điện và đề nghị viết về cuộc đời chị, tất cả mọi chất liệu, tư liệu về chị tôi đã có sẵn, chị rất ủng hộ tôi.

Thứ nhất, cuộc đời của chị ấy là một chuỗi bi kịch nối dài. Bản thân chị ấy đã từng hoạt động mại dâm hơn 10 năm nay và sau đó chị ấy chuyển sang làm chuyên gia tư vấn cho những người làm nghề mại dâm. Chính vì thế, chị ấy nhận thức rõ ràng về những giá trị bên trong của những phụ nữ bán dâm.

Thứ hai, chị ấy rất ủng hộ những công việc có tác động tốt đến nhận thức xã hội về những người làm nghề mại dâm. Nhưng quan trọng nhất vẫn là do bản thân chị ấy hàng ngày đều gặp những kỳ thị trong cuộc sống nên chị ấy biết chắc chắn sự kỳ thị của xã hội, láng giềng, hàng xóm ghê gớm như thế nào.

Hạnh Thuý

Sáng ngày 9/9, tại khách sạn Hà Nội, lễ trao giải cuộc thi "Khát vọng yêu thương" do CSAGA, Plan phối hợp với báo Gia đình xã hội, báo Lao động xã hội tổ chức.
Sau hai tháng phát động cuộc thi, ban tổ chức đã chọn được 15 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải.
Giải nhất cuộc thi thuộc về tác phẩm:
Đường về cho người lạc lối, tác giả Trần Văn Hiếu, báo Phụ nữ Việt Nam.
Giải nhì thuộc về 2 tác phẩm: Sài Gòn một kiếp người của tác giả Trang Hạ và tác phẩm Bán dâm lấy tiền chữa bệnh cho chồng của tác giả Đoàn Biên Thùy
Ngoài ra ban tổ chức còn trao 3 giải ba và 9 giải khuyến khích cho các tác giả tham dự.
Cuộc thi góp phần không nhỏ trong việc mang lại cái nhìn tích cực và tiến bộ của giới truyền thông nói riêng và cộng đồng, xã hội nói chung đối với những phụ nữ bán dâm. Qua đó người thân và cộng đồng xã hộ hiểu hơn các khía cạnh trong cuộc sống của phụ nữ bán dâm, giảm định kiến, kỳ thị với họ và sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện để họ hòa nhập cộng đồng.