- Theo các luật sư, trường hợp này có phạm tội bức tử hay không phải chứng minh được có sự đối xử tàn ác của gia đình chồng và mối quan hệ lệ thuộc.

15 ngày sau sự việc thai phụ ôm con 2 tuổi nhảy xuống dòng sông Lô tự vẫn ở Việt Trì, Phú Thọ, gia đình thai phụ đã gửi đơn đề nghị đến các cơ quan chức năng, cơ quan điều tra, đề nghị xem xét điều tra và khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với: Lê Hải Sơn (chồng), Nguyễn Thị Đa (mẹ chồng) và Lê Thị Hải Nga (chị chồng) về tội bức tử theo điều 100 của Bộ luật Hình sự.

Phóng viên VietNamNet đã có cuộc trao đổi với các luật sư về vấn đề này.

Ls Trần Xuân Thành: Cơ quan điều tra có thể chứng minh

Thông qua những thông tin trên báo chí, cũng như thông qua những thông tin trong đơn đề nghị của gia đình thai phụ gửi các cơ quan chức năng, luật sư Trần Xuân Thành, Công ty Luật Tuệ Anh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, muốn chứng minh được trường hợp này có phạm tội bức tử hay không thì phải chứng minh được những yếu tố sau:

Thứ nhất là phải chứng minh được có sự đối xử tàn ác của chồng, của mẹ chồng và của chị chồng đối với nạn nhân. Thứ 2 là chứng minh mối quan hệ lệ thuộc.

“Nhưng trường hợp này là đã có sự lệ thuộc rồi” – LS Trần Thành nói.

{keywords}

Mẹ con chị Mai ( Ảnh do gia đình cung cấp)

LS Trần Xuân Thành phân tích: Lệ thuộc thì có lệ thuộc về kinh tế, lệ thuộc vào quan hệ huyết thống, lệ thuộc vào nhân thân, vào quan hệ gia đình. Ở đây là mối quan hệ mẹ chồng – con dâu, vợ - chồng nên có thể nói rằng có đã có mối quan hệ lệ thuộc giữa người thực hiện hành vi và nạn nhân.

Vì vậy, trong trường hợp này, để có thể kết luận được là có bức tử hay không thì chỉ cần chứng minh được được 2 yếu tố cơ bản như sau:

Thứ nhất là có hành vi đối xử tàn ác với nạn nhân, hoặc là có những hành động ngược đãi với nạn nhân, từ đó khiến cho nạn nhân lâm vào tình trạng quẫn bách về tâm lý, không thoát ra được tình trạng đó nên đã thực hiện việc quyên sinh.

Thứ 2 là phải chứng minh được việc tự tử của nạn nhân có mối quan hệ với những hành động đối xử từ phía gia đình đó hay không? Việc chứng minh này có thể thông qua rất nhiều con đường khác nhau. Và bằng nghiệp vụ, nếu có, các cơ quan điều tra có thể tìm ra để chứng minh.

Một là tìm hiểu xem, người vợ có để lại thư tuyệt mệnh hay không? Nếu không thì có thể thông qua những lời kể lại của hàng xóm láng giềng, hoặc thông qua những người đồng nghiệp... đã chứng kiến những hành động chửi mắng, đánh đập, nhiếc móc của chồng/mẹ chồng/chị chồng với nạn nhân.

Những trường hợp nhân chứng là người được nghe gián tiếp tức là đã từng nghe nạn nhân khi còn sống kể lại về những hành động chửi mắng, đánh đập, nhiếc móc của chồng/mẹ chồng/chị chồng với nạn nhân thì vẫn có giá trị nhưng giá trị không cao bằng những người đã tận mắt nghe, nhìn thấy.

“Trong trường hợp này, chắc chắn là phải có vấn đề thì mới xảy ra những sự việc tự tử như thế. Và việc tự tử là có thật, có người chứng kiến được sự việc đó chứ không phải là bị giết, bị xô. Mà có việc tự tử thì phải có nguyên nhân dẫn đến việc tự tử đó. Nguyên nhân thì hiện nay không có nguyên nhân nào ngoài những nguyên nhân mà trong gia đình đang xảy ra những sự việc dẫn đến sự quẫn bách” – LS Trần Xuân Thành cho biết.

Còn đối với ý kiến phỏng đoán của mẹ chồng cho rằng người vợ bị trầm cảm, theo LS Thành, “chuyện này phải liên quan đến việc, hiện nay cô này làm việc ở đâu? Các anh em đồng nghiệp có thấy dấu hiệu đấy hay không?

Nếu cô này đang làm việc tại bệnh viện thì việc mẹ chồng nói cô này trầm cảm là không khả thi, bởi người ta không phải là người lao động ở nhà, không tiếp xúc xã hội, mà đây là một cán bộ, đang làm việc trong bệnh viện. Công việc hoàn thành, không có vấn đề gì xảy ra cả. Thế thì không có cơ sở nào để bảo người ta bị trầm cảm”.

“Tất nhiên, tại thời điểm nữ y tá ôm con nhảy xuống dòng sông Lô thì chắc chắn, tinh thần đã có vấn đề không bình thường. Nhưng vấn đề không bình thường này có 2 dạng, 1 dạng là trong bệnh lý kéo dài, 1 dạng là do bộc phát ức chế thần kinh trong 1 khoảnh khắc không kiểm soát được. Việc bộc phát đó không có nghĩa là người ta bị bệnh tâm thần hay là người ta có những dấu hiệu về bệnh lý trầm cảm” – LS Trần Xuân Thành nói.

Luật sư Bùi Đình Ứng: "Chưa đủ cơ sở để cấu thành tội bức tử"

Không hoàn toàn đồng ý với ý kiến của LS Trần Xuân Thành, LS Bùi Đình Ứng, Trưởng văn phòng Luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, trong trường hợp này (thông qua những thông tin có được từ báo chí) thì những hành vi ứng xử của chồng và gia đình chồng chưa đủ cơ sở để cấu thành tội Bức tử.

LS Bùi Đình Ứng phân tích: Tại Điều 100 Bộ luật Hình sự năm 1999 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (BLHS) quy định về hành vi bức tử người khác bị coi là tội phạm là trường hợp: “…đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm người đó tự sát…”.

Tức là, để cấu thành tội này thì hành vi của người bị truy tố phải là hành vi tàn ác, thường xuyên đánh đập, bỏ đói, bỏ rét… nạn nhân. Và người vợ đã nhiều lần tố cáo lên cơ quan chính quyền về việc bị chồng, bị mẹ chồng, bị chị chồng đối xử tàn ác với cháu, với tôi. Hoặc những hành vi tàn ác đó đã có nhiều người chứng kiến mà phẫn nộ. Còn mắng nhau, cãi nhau không phải là tàn ác.

Thêm nữa là, để cấu thành tội Bức tử thì mối quan hệ giữa nạn nhân và người bị truy tố phải là quan hệ lệ thuộc. Lệ thuộc ở đây tức là lệ thuộc về kinh tế, lệ thuộc vào tinh thần. Nếu rời chồng, rời bà mẹ chồng ra thì cô này không thể tồn tại được nên phải ngậm đắng nuốt cay chịu đựng cho đến khi không chịu được nữa mà chết thì mới là bức tử.

Ví dụ như trường hợp người vợ ốm đau,bệnh tật không có công ăn việc làm, và lệ thuộc hoàn toàn vào người chồng, vào mẹ chồng. Nhưng lại bị người chồng, bị mẹ chồng bỏ mặc, rồi nhục mạ, đánh đập, ngược đãi thường xuyên khiến dư luận phản ứng. Sau đó, người vợ này ức quá mà đi tự tử thì người chồng, người mẹ chồng mới bị cấu thành tội bức tử.

Còn trong trường hợp này, người vợ có công ăn việc làm, đã từng bỏ ra ở riêng, tức là cô ấy đã có thể chủ động được cuộc sống. Hơn nữa, sau khi ra ở riêng, người chồng thuyết phục, làm công tác tư tưởng và người vợ đã đồng ý trở về sống chung với gia đình chồng, tức là tình cảm vợ chồng vẫn còn.

Còn việc vợ chồng mâu thuẫn, xô xát, và người chồng tức lên tát vợ một cái thì cũng không phải là hành vi đối xử tàn ác. Việc bà nội không yêu quý cháu, mẹ chồng nàng dâu không hợp tính hợp nết nên thường xuyên mâu thuẫn cũng không thể cấu thành tội bức tử được.

“Kể cả là trường hợp vợ chồng, mẹ chồng, chị chồng – nàng dâu vừa đánh nhau xong, nàng dâu đi tự tử thì cũng không phải là bức tử” – LS Bùi Đình Ứng nói.

Minh Anh – Hạnh Thúy