Nhằm hệ thống lại các kỹ năng sống và chăm sóc, dinh dưỡng cho trẻ, sáng 18/9, lần đầu tiên Báo điện tử Suckhoedoisong.vn tổ chức buổi tư vấn truyền hình trực tiếp với chủ đề “Kỹ năng nuôi, dạy trẻ”.
Ba khách mời tham gia tại buổi giao lưu gồm: TS. Vũ Thu Hương - Giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai và ThS.BS. Lê Thị Hải - Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia.
Trẻ biếng ăn một phần do tâm lý mẹ
Trong các câu hỏi gửi đến cho các chuyên gia tư vấn, vấn đề dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ nhận được rất nhiều sự quan tâm của độc giả và khán, thính giả. Nhiều bậc phụ huynh bày tỏ, họ rất “đau đầu”, “bất lực” trước việc trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng, còi xương..., thậm chí nhiều bà mẹ đã thử thay đổi khẩu phần ăn cho trẻ nhiều lần nhưng vẫn không giải quyết được tình trạng biếng ăn của trẻ và phải cầu cứu bác sĩ. Chuyên gia dinh dưỡng Lê Thị Hải với những kiến thức và kinh nghiệm của mình đã lần lượt giải đáp những thắc mắc của các bậc phụ huynh về vấn đề này. ThS.BS. Lê Thị Hải cho biết, đây cũng là vấn đề mà chị và các đồng nghiệp rất hay gặp trong quá trình tư vấn hàng ngày. BS. Hải cho rằng, với những bé biếng ăn, có thể thay đổi đa dạng thức ăn cho bé. Một số loại đồ ăn khô như rau củ luộc, cơm xay để bé tự bốc ăn. Vấn đề tâm lý của mẹ rất quan trọng. Mẹ càng lo lắng, ép con ăn thì con càng sợ. Trong 1 bữa ăn, cho bé ăn nhiều thứ, mỗi thứ 1 tí để bé không thấy chán. Có thể cho bé ăn thức ăn riêng với nhiều loại. Tình trạng chung của nhiều trẻ ở Việt Nam và thế giới, khoảng 40-60% trẻ biếng ăn. Bố mẹ càng quan tâm quá mức đến ăn uống của bé thì bé càng biếng ăn. Lời khuyên của các chuyên gia là không được chiều con ăn vặt vì như vậy bé sẽ không muốn ăn bữa chính. Để trẻ tự chọn đồ ăn và bữa ăn không kéo dài quá 30 phút. Thường xuyên thay đổi bữa ăn, hỏi bé muốn ăn gì...
Các khách mời tại buổi giao lưu trực tuyến. |
Nguyên tắc đồ lót, nguyên tắc bàn tay
Đối với vấn đề giáo dục trẻ ,TS. Vũ Thu Hương cho biết, có đến 40% bố mẹ gặp vấn đề khi trẻ ương bướng, khó bảo. TS. Hương cho rằng, dạy các con học chào hỏi không thể bằng roi vọt, quát mắng mà bằng sự bắt chước. Bố mẹ hãy chào trước. Chào tất cả mọi người, bé sẽ bắt chước theo và sẽ hình thành thói quen. Người lớn cũng chào trẻ con trước. Nếu trẻ bướng, việc đánh đập con không bao giờ được khuyến khích.Trả lời câu hỏi của Hoài Nam (TP.HCM) và một số bạn khác có cùng mối quan tâm về vấn đề đang khá nhức nhối trong xã hội hiện đại, đó là việc giúp trẻ tránh khỏi các mối nguy bị xâm hại tình dục, TS. Vũ Thu Hương đã đưa ra lời khuyên với 2 nguyên tắc khá mới mẻ. Thứ nhất là nguyên tắc đồ lót, tức là khi mua đồ lót cho con thì dặn con khu vực trong đồ lót là bất khả xâm phạm, bất kì ai động vào mà không được con đồng ý là người xấu. Kể cả bố mẹ hay bác sĩ không hỏi ý con hay không được con đồng ý thì cũng không được động vào. Nguyên tắc thứ hai là nguyên tắc bàn tay: Bên trong lòng bàn tay là bố mẹ được phép ôm, khoác vai con. Bên ngoài bàn tay là ông bà, anh chị em được cầm tay, cùng lắm là khoác vai. Đầu ngón tay là hàng xóm, bạn bè chỉ nên chơi cùng, không được chạm vào cơ thể. Những trẻ cởi mở thì nên dạy bé giáo dục biết bảo vệ bản thân. Bố mẹ phải chú ý quan sát để phát hiện phát triển sinh lý.
TS. Hương cũng nhấn mạnh, trẻ nhanh chóng hòa nhập cũng là một kĩ năng tốt nhưng bố mẹ nên quan sát biểu hiện của bé với người khác giới, với bạn bè để có những điều chỉnh kịp thời.
Không thể lấy cảm giác về nhiệt độ của người lớn áp dụng cho trẻ con
Các vấn đề về những sai lầm trong chăm sóc khi trẻ ốm, sốt hay các kỹ năng về sơ cứu khi trẻ hóc dị vật, bỏng, đuối nước... cũng được các độc giả quan tâm và được PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng giải đáp khá cụ thể. TS. Dũng lưu ý, các bà mẹ thường có thói quen tra cứu các vấn đề về chăm sóc trẻ trên mạng, tuy nhiên, từ “bác sĩ google” đến bác sĩ thật còn rất xa. Những cháu ra nhiều mồ hôi chủ yếu do gia đình không biết chăm sóc. Đặc điểm của trẻ con là nóng trước khi mình nóng, lạnh trước khi mình lạnh, tức là điều chỉnh nhiệt độ của trẻ kém hơn người lớn, chịu dao động nhiệt độ kém hơn, vì vậy không thể lấy người lớn ra áp dụng với trẻ.
TS. Dũng cũng cho rằng trẻ em hiện nay có 2 cái khổ: ăn và học, nhất là ở các thành phố lớn. Nhiều trẻ bị bố mẹ ép ăn quá sẽ vô tình làm khổ con. Như trường hợp của một độc giả nói rằng, con chị không có bệnh về dạ dày, nhưng vì bố mẹ ép con ăn quá nhiều khiến bé có tâm lý chán ăn và dẫn đến gầy, sút cân và các triệu chứng khác. Các chuyên gia đều nhận định, các bác sĩ nhiều khi phải “chữa bệnh” cho bà mẹ trước khi chữa chứng biếng ăn cho con cái họ. Bởi việc cho các bé được tự do thỏa thích ăn những gì bé thích chính là biện pháp tâm lý rất hiệu quả đối với chứng biếng ăn của trẻ. Cho con ăn cũng là cả một nghệ thuật...
Với một đứa trẻ, ngoài việc trau dồi học tập các kiến thức trong nhà trường, vấn đề rèn luyện kỹ năng ứng phó với các tình huống bất ngờ trong đời sống hàng ngày cũng quan trọng không kém. Đó là những kỹ năng mà trẻ thực sự cần để đảm bảo sống tốt và sống an lành trong môi trường của chúng. Bên cạnh việc rèn luyện kỹ năng xã hội cho trẻ, việc đào tạo các kỹ năng sơ cứu và kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ cũng rất cần thiết đối với cộng đồng và các bậc phụ huynh nhằm tạo dựng một môi trường an toàn và chất lượng sống tốt cho trẻ. Đây cũng là ý nghĩa mà Báo và các chuyên gia gửi gắm trong buổi tư vấn truyền hình trực tiếp “Kỹ năng nuôi, dạy trẻ” và các bài viết cùng chuyên đề sẽ được lần lượt giới thiệu đến bạn đọc trên các ấn phẩm của Báo trong thời gian tới đây.
(Theo SKĐS)