Một cô giáo quỳ cả hai đầu gối xuống sàn để nói chuyện với học sinh, một thầy hiệu trưởng quỳ gối trong suốt buổi phát bằng tốt nghiệp cho HS mẫu giáo khiến cha mẹ học sinh vô cùng xúc động và cảm phục.

Cha mẹ hãy thử một lần quỳ hay ngồi xuống thật thấp, ngang hàng với con để nói chuyện và cảm nhận được sự thay đổi ở trẻ.

Thầy cô giáo quỳ gối

Một phụ huynh chia sẻ câu chuyện trên báo Tuổi trẻ rằng anh rất ngạc nhiên và xúc động khi bắt gặp hình ảnh một cô giáo quỳ cả hai đầu gối xuống đất để nói chuyện với một học sinh lớp 1. Cô giáo đó là Sara Roberts, tư vấn học đường khối tiểu học Trường quốc tế Mỹ. Cô bảo: “Tôi luôn cố gắng hết sức để đối xử công bằng và có những tiếp xúc bằng ánh mắt với học sinh mỗi khi có thể”.

{keywords}

Cô Sara Roberts quỳ trò chuyện với học sinh - Ảnh: V.H.Q/Tuổi trẻ

Và đó không phải là câu chuyện duy nhất, khi cậu con trai 5 tuổi của vị phụ huynh này tặng hoa cho một cô giáo người Mỹ khác nhân dịp 20/11. Ở giữa sân trường đông đúc, khi cậu trao hoa cho cô, cô đã quỳ xuống nhận hoa và ôm cậu bé vào lòng. Người bố cứ hỏi han và bâng khuâng về hình ảnh ấy, cậu bé 5 tuổi bảo: “Cô vẫn thường quỳ xuống nói chuyện với con vậy mà ba”.

Câu chuyện của một phụ huynh khác về thầy hiệu trưởng quỳ gối trong suốt thời gian trao bằng cho các em mẫu giáo dịp tổng kết năm học, bắt tay và nói với các em điều gì đó khiến chị vô cùng thán phục và nể trọng.

Điều quan trọng là những cô cậu học sinh tí hon lên đón nhận thành quả học tập "như một người lớn đích thực".

{keywords}

Thầy hiệu trưởng quỳ trao bằng cho học sinh - Ảnh: P.Linh/Tuổi trẻ

Chuyện bình thường "bên tây"

Những câu chuyện thầy cô giáo quỳ gối trước học sinh, được nhiều người quan tâm, chia sẻ ý kiến. Độc giả Angel Nguyen chia sẻ trên báo Tuổi trẻ, "thật ra chuyện ấy rất bình thường đối với người nước ngoài, vì phương pháp sư phạm trong Tesol người ta có huấn luyện như thế. Mình là giáo viên của một trung tâm ngoại ngữ tại Gò Vấp (TP.HCM), giám đốc của mình, các giáo viên làm việc ở đây đều quỳ khi chấm bài cho học sinh. Trẻ con và học sinh sẽ cảm thấy mình được tôn trọng. Ngay cả những lớp lớn hơn như giao tiếp, Toeic... giáo viên cũng đều quỳ để chấm bài".

Bạn đọc Thuy Quynh chia sẻ, từng chứng kiến một thầy giáo người Anh quỳ gối cho thấp bằng sinh viên đang ngồi (vì thầy quá cao) khi trao đổi trong lớp học tiếng Anh của Hội đồng Anh. Và khi còn là sinh viên đại học, có các bạn cùng tuổi từ Anh sang hướng dẫn môn nói (speaking), thỉnh thoảng có bạn vẫn cúi rạp người xuống, hay quỳ để có thể nghe rõ hơn những câu trả lời vì một số bạn nói nhỏ, và vì vóc dáng bạn ấy quá cao lớn.

Trên trang cá nhân của mình, nhà văn Tâm Phan cũng chia sẻ hình ảnh bé Jenna, con gái chị, chụp cùng với cô giáo: "cách ăn mặc của cô rất bình dị thường ngày, thậm chí thoải mái như đi chơi vậy, cô còn đi dép xỏ ngón nữa. Mục đích cô đón các em học sinh là gây ấn tượng thân thiện, cởi mở như một người bạn đồng hành với các em, không phải là người "bề trên" rèn các em vào khuôn khổ kỷ luật. Khi mẹ ngỏ ý muốn chụp ảnh, cô giáo ngồi xuống để được ngang bằng với con, thể hiện sự bình đẳng cô trò.

{keywords}
Cô giáo quỳ xuống để chụp ảnh cùng bé Jenna. Ảnh: FB Tâm Phan

"Mình chưa thấy ở Việt Nam mà trò đứng còn cô giáo ngồi quì gối như thế này cả. Mình chỉ nhớ cô ngồi trên bục giảng uy nghiêm, đập thước kẻ cái đét, làm những học trò tí hon giật mình, dựng thẳng lưng, mặt không dám thể hiện cảm xúc, trong lòng hình thành 1 nỗi sợ thầy cô. Ở Thụy Sỹ, không một đứa trẻ nào phải lớn lên trong nỗi sợ vô cớ như vậy", nhà văn Tâm Phan viết.

Nhìn vào mắt con, nói điều phải trái

Theo "Phương pháp giáo dục con của người Mỹ" của tác giả Trần Hân: Ở Mỹ tất cả người lớn đều cúi người xuống hoặc ngồi xổm khi nói chuyện với trẻ nhỏ, đến khi mắt của họ và mắt của đứa trẻ ngang bằng nhau họ mới bắt đầu nói chuyện. Đối với người Mỹ đây cũng là một quy tắc và chuẩn mực bắt buộc phải tuân theo. Đó là vì trẻ em cũng cần được tôn trọng.

Phần lớn người Mỹ cho rằng, mối quan hệ giữa người lớn và trẻ nhỏ là bình đẳng, dù bạn bao nhiêu tuổi thì quyền bình đẳng cũng phải được tôn trọng như nhau. Khi nói chuyện, nếu người lớn không ngồi xuống thì trẻ sẽ phải ngước lên để nhìn trong khi ở Mỹ họ quan niệm rằng khi bạn để người khác phải ngước nhìn nghĩa là bạn đang không tôn trọng họ, nên khi nói chuyện với trẻ nhỏ bạn cần ngồi xuống để chứng tỏ sự bình đẳng và tôn trọng đối với bé.

Với họ, nếu bạn đứng khi nói chuyện với trẻ thì bạn vô tình khiến chúng phải ngước lên để nhìn, như vậy sẽ khiến đứa trẻ cảm thấy chóng mặt hay mỏi cổ, đồng thời tạo cảm giác ức chế. Không những thế, khi phải ngửa mặt lên để nhìn người lớn sẽ khiến trẻ tự ti, điều đó có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến sự trưởng thành của trẻ cũng như sự phát triển tâm lý lành mạnh sau này của trẻ. Chính vì thế, người Mỹ luôn ngồi xổm hay cúi thấp người khi nói chuyện với trẻ.

Cha mẹ cũng không nên đung đưa người khi nói chuyện với trẻ, hãy dùng ánh mắt dịu dàng âu yếm để nhìn vào mắt trẻ, nói một cách nhẹ nhàng tự nhiên giúp chúng cảm nhận được sự chân thành của bạn. Có như vậy mới khiến trẻ được tôn trọng và tự tin hơn khi trò chuyện.

{keywords}
Ảnh: Internet

Nhà văn Tâm Phan cũng chia sẻ: Một kỹ năng vô cùng quan trọng trong việc dạy con, đó là ngồi xuống ngang hàng với con, nhìn vào mắt con, nói điều phải trái. Đừng tưởng cha mẹ/thầy cô giáo đứng lừng lững uy nghiêm, tay cầm roi thì nói gì trẻ cũng nghe nhé. Khi đó nỗi sợ đã lấn át hết tâm trí của trẻ, nó không nghe và không hiểu gì hết. Nếu cha mẹ/thầy cô ngồi xuống, nói chuyện với con, trẻ sẽ cảm thấy yên tâm và coi đó là 1 người bạn để cùng nói chuyện.

Có lẽ các bạn chưa từng thử làm điều này với đứa con ngang bướng của mình, nhưng xin các bạn thử làm 1 lần thôi để thấy tính hiệu quả của phương pháp này. Không phải tự nhiên mà cô giáo bạn Jenna ngồi quì gối để được ngang bằng với học sinh. Kỹ năng này được dạy trong các trường sư phạm trong việc giáo dục trẻ nhỏ. Không chỉ các giáo viên mà các bậc phụ huynh cũng cần phải học kỹ năng này. Hãy làm bạn với con chứ việc "làm cho con sợ mình" chỉ chứng tỏ sự bất lực của người lớn trong việc nuôi dạy trẻ.

M. Thư (tổng hợp)