- “Ngay từ ngày mới về làm dâu, mẹ chồng đã dặn lĩnh lương phải đưa hết cho bố chồng cầm, cần tiêu gì thì lại xin bố”, chị Ly kể.

Kể từ khi lấy chồng, chị Ly (hiện đang sống với gia đình chồng ở Hải Phòng) luôn sống trong áp lực, ức chế. Đã có lúc stress đến mức chị nghĩ quẩn nhưng may gia đình phát hiện và ngăn cản kịp thời. Nguyên do cũng bởi chị phải sống ở một gia đình không dành tình yêu thương cho chị.

Bố chồng “lột” cả tiền mua sữa cho cháu

Kết hôn năm 2012, hai năm làm dâu là hai năm sống trong địa ngục với chị Ly. Chán nản, buồn bực, ức chế không nói nổi thành lời. Chồng đi làm xa nhà, chị ở nhà với bố mẹ chồng và em trai của chồng.

Bố mẹ chồng đều khỏe mạnh nhưng chỉ ở nhà rong chơi cả ngày, không làm gì ra tiền. Chồng chị đi làm, được đồng nào đưa hết cho bố mẹ chi tiêu. Ông bà quen sống như vậy nên ngay từ ngày đầu mới về làm dâu, mẹ chồng đã dặn con dâu là lĩnh lương phải đưa hết về cho bố giữ, cần tiêu gì thì lại xin bố, con làm gì thì phải xin phép.

{keywords}

Đã có lúc stress đến mức chị nghĩ quẩn... Ảnh minh họa

“Ngày ấy lương mình được 4 triệu, mình bảo với bố chồng là tháng này con làm được 4 triệu, con góp với bố 2 triệu, còn 2 triệu cho con xin để Tết mua quà bánh đi Tết và mừng tuổi. Bố chồng liền bảo bố không bắt con phải góp. Con dùng lại từ ngữ đi, mà là trách nhiệm của các con đi làm về phải đưa tiền cho bố mẹ. Mình thẫn thờ cả người, ký ức đầu tiên mình nhớ mãi”, chị Ly nhớ lại những ngày đầu tiên ở nhà chồng.

Chị bảo, bố mẹ chồng luôn có tư tưởng, sinh con ra, nuôi con lớn thì giờ con phải có trách nhiệm báo hiếu với bố mẹ. Con đi làm được đồng nào phải về đưa cho bố mẹ hết. Nếu không nghe theo thì bảo con bất hiếu.

Ngày chị mang thai, thỉnh thoảng thèm món nọ món kia, lương đưa hết cho bố chồng, chị phải lấy tiền tiết kiệm, tiền bố mẹ đẻ cho ra ăn uống. Có lần chị thèm quá ra ăn bát canh, không biết ai về kể với mẹ chồng mà về chị bị chửi là “ăn đầy mồm đầy miệng, ăn không mua về cho bố và em”.

“Mình sinh được 10 ngày, người ta đến thăm cho tiền, mẹ chồng cũng đòi đưa tiền để bà cất đi. Người ta cho tiền để mua sữa cho con sao lại mang cất đi, mình không chịu đưa. Chồng mình bay về thăm vợ đẻ, mang theo 20 triệu, bố mẹ chồng lột sạch. Lột hết tiền chồng mình rồi quay sang đòi tiền người ta đến thăm, mình phản ứng thì chửi mình. Em chồng mình bảo chị như vậy là không được, đồng ý là phụ nữ cần có tiền trong tay nhưng tiền triệu là không được. Có mấy trăm phòng ngày đen đỏ thì được. Cuối cùng phải đưa hết cho bố chồng”, chị uất ức kể.

Ngăn cản không cho ra ở riêng

Chị Ly bảo, sống ở gia đình như vậy nên nhiều lần chị uất ức, cũng nghĩ quẩn làm liều nhưng người nhà phát hiện và ngăn cản. Dần dần chị sống như cái bóng, giả câm giả điếc. Chị nhẫn nhịn chịu đựng như vậy cũng vì rất tin và yêu chồng.

“Vừa xa chồng, con nhỏ, nhà chồng áp lực nhưng mình vẫn một lòng một dạ, yêu chồng yêu con hi vọng, nhẫn nhịn, chờ đợi. Chồng mình sống đức độ, hiếu thảo với cha mẹ lắm, mình yêu chồng vì điểm này. Nhưng sống với nhà chồng áp lực quá”, chị chia sẻ.

Chị kể rằng, chồng chị đi xuất khẩu lao động 6 năm, làm ra bao nhiêu tiền đều đưa về cho bố mẹ sửa sang nhà cửa và nuôi em ăn học, không giữ lấy một đồng nào cho riêng mình. Giờ lấy vợ rồi vẫn vậy, làm ra bao nhiêu vẫn gửi về cho bố mẹ chi tiêu hết.

Điều khiến chị bức xúc là trong khi ông bà khỏe mạnh, không chịu làm ăn nhưng lại đòi giữ hết tiền của con cháu. Ông bà thắt chặt chi tiêu của con cháu nhưng lại mua vàng đeo.

{keywords}

Ông bà thắt chặt chi tiêu của con cháu nhưng lại mua vàng đeo. Ảnh minh họa

“Chồng mình đưa tiền về cho hai mẹ con chi tiêu, nhưng vừa đi làm được 2 ngày là bố chồng ở nhà lấy hết tiền mua vàng đeo. Rồi lại gọi điện cho chồng mình bảo hết tiền cho hai mẹ con mình ăn rồi, phải gửi tiền về ngay lập tức. Mình mới nói cho chồng hiểu rõ ngọn ngành, từ đó chồng mình cũng hiểu vấn đề hơn. Chồng giảng hòa và dỗ mình cố nhẫn nhịn, để khi mình ra riêng ở không ai nói được câu nào. Mình tin chồng mình nên cố nhẫn nhịn. Cố gắng chờ đợi chứ mình không sống nổi với gia đình chồng thế này nữa”, chị kể.

“Có lần chồng mình bảo đầu tư cho 20 triệu để bố mẹ mở quán bán hàng nhưng bố mẹ bảo già rồi không muốn phục vụ ai. Mình đi làm về đưa tiền cho ông bà, bà bảo 7 triệu con gửi không đủ chi tiêu sinh hoạt đâu. Ý muốn mình đưa tháng 10 triệu.

Mình mới bảo, vợ chồng con chỉ có 7 triệu thôi, bố mẹ chi tiêu thế nào thì tiêu. Con đi làm không ăn cơm ở nhà, chỉ có về sinh hoạt điện nước ở nhà thôi. Còn cháu thì sữa và cháo mình mua. Ông bà chỉ việc cho ăn. Bố chồng liền bảo thế thì rút tủ lạnh cho bớt điện đi, vì tủ lạnh chỉ dùng để chứa mỗi đồ con chị. Rồi từ nay giảm thức ăn xuống, đám cưới đám xin đám nào đáng đi thì mới đi”, chị kể tiếp.

Chị chia sẻ với chồng, hai vợ chồng cũng bàn đến chuyện mua đất ra ở riêng. Nhưng lần nào xin ra ở riêng bố mẹ chồng cũng ngăn cản. Bảo kể cả sau này em chồng lấy vợ thì vẫn phải ở chung.

“Bây giờ hai vợ chồng mình ra riêng là hết nguồn, không có tiền chi tiêu nên ông bà tìm mọi cách không cho ra. Nhà cửa, đồ đạc do chồng mình xây sửa mua sắm hết, mình chấp nhận ra đi tay trắng, làm lại từ đầu. Nhưng ông bà tìm mọi cách để hai vợ chồng không mua được đất.

Chồng mình bảo bố mẹ không làm ra gì cả, anh phải lo cho bố mẹ. Mình nói là lo cho bố mẹ em không phải đối nhưng cái gì cũng có mức độ thôi, không phải mình bỏ đói bố mẹ. Bố mẹ anh sướng hơn tất cả mọi người rồi. Anh xây nhà cho bố mẹ ở, nuôi em ăn học, nuôi bố mẹ, toàn bộ chi phí anh lo hết. Giờ có vợ con rồi phải khác chứ đừng chỉ nghĩ đến bố mẹ…”, chị đắng lòng.

Sống trong gia đình chồng áp lực, nhưng xin ra riêng bố mẹ chồng nhất định không cho, chị Ly không biết làm cách nào để thoát ra tình cảnh này. Chị bảo, chẳng lẽ lại nghĩ đến chuyện ly hôn khi cuộc sống vợ chồng cứ mãi phụ thuộc bố mẹ chồng như thế. Chị rất cần những lời khuyên lúc này.

Kim Minh

(Tên nhân vật đã được thay đổi)