Không ít cặp đôi yêu và cưới “thần tốc” để rồi nhanh chóng kết thúc “mộng tình” tại phiên tòa ly hôn... Theo Thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A, giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.Hồ Chí Minh, đừng bao giờ xếp kết hôn vào nhóm việc “làm thử” và để tránh sốc sau hôn nhân thì trước khi quyết định kết hôn, cả hai người hãy tự đặt cho mình ba câu hỏi…

Quen 4 ngày thì cưới, sau 3 tháng ly hôn vì vỡ mộng

TAND quận Lê Chân, TP.Hải Phòng mới xét xử vụ án ly hôn giữa anh Bùi Hoàng H., SN 1971 và vợ là chị Nguyễn Thị Bích L., SN 1981. Cả hai người đều muốn nhanh chóng giải quyết dứt điểm cuộc hôn nhân này và không có tranh chấp về tài sản, con cái. Có mặt tại phiên xử, gia đình, bạn bè của cả hai bên đều vô cùng ngạc nhiên vì anh H. và chị L cưới nhau sau 4 ngày quen biết và bỏ nhau sau 3 tháng sống chung.

Trước khi kết hôn với chị L., anh H. đã qua một đời vợ và có hai đứa con. Anh có công việc ổn định tại một khách sạn và đang thuê nhà ở trên đường Nguyễn Đức Cảnh, một trong những trục đường chính của TP.Hải Phòng. Anh H. ăn nói mềm mỏng, đẹp trai nên dù có con riêng vẫn được nhiều phụ nữ ưu ái. Còn chị L. là nhân viên bán thuốc ở một hiệu thuốc, cũng đã qua một đời chồng và có một cô con gái. Xinh xắn nên chị L. nhận được nhiều lời tỏ tình, tuy nhiên chị có ý tìm người đàn ông đáp ứng các tiêu chuẩn: đẹp trai, có văn hóa và có nhà đẹp.

Ngày 2/1/2014, qua giới thiệu của bạn bè, chị L. và anh H. gặp nhau. Anh H. mời chị L. về nhà mình chơi và ngay khi ở nhà anh H. về, chị

{keywords}
Ảnh minh họa

L. đã yêu cầu anh H. về nhà chị ở xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng để xin phép bố mẹ chị cho hai người sống chung với nhau. Ngày 6/1/2014, tức là sau khi gặp mặt 4 ngày, chị L. và anh H. đăng ký kết hôn. Sống với nhau được khoảng một tháng, chị L. và anh H. bắt đầu phát sinh mâu thuẫn. Theo lời khai của anh H. tại tòa thì chị L. đòi ly dị do thất vọng về tiền bạc.

“Cô ấy thấy tôi có nhà mặt đường tưởng tôi là người giàu có, tự quyết định cưới, bắt tôi về quê làm thủ tục đăng ký kết hôn. Nhà tôi ở mặt đường thật, nhưng là nhà tôi đi thuê nên có lẽ cô L. đã vỡ mộng” - anh H. kể lại. Còn theo chị L, do anh H. ghen tuông vô cớ quá đáng khi thấy chị vẫn giữ mối liên hệ với chồng cũ, khiến chị không thể chịu đựng nổi.

Phụ nữ vỡ mộng nhiều hơn đàn ông

Anh H. và chị L. dù đều đã qua một đời vợ, một đời chồng nhưng rốt cuộc vẫn bị “sa chân” vào tình cảnh “vỡ mộng tình”. Điều này cho thấy vỡ mộng tình yêu là “căn bệnh” ­­­­không của riêng ai, nếu như người trong cuộc đặt quá nhiều kỳ vọng vào hôn nhân. Có một nhà văn đã nói: “Hôn nhân là dịch bài thơ tình ra văn xuôi”, thế nên vỡ mộng tình cũng là trạng thái thường gặp.

Theo thống kê tạm thời của chuyên gia tâm lý, hiện tượng sốc sau ngày cưới xảy ra ở cả nam lẫn nữ, chiếm 35% số ca tư vấn hôn nhân – gia đình ở Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ lệ sốc ở nữ cao gấp đôi ở nam giới, do phái nữ thường đặt nhiều kỳ vọng vào hôn nhân hơn.

Có nhiều phụ nữ tìm đến tư vấn tâm lý vì những lý do rất đơn giản như: sốc vì chồng quá bừa bộn, sốc vì chồng ở bẩn, thậm chí sốc vì chồng không bóp tuýp kem đánh răng theo đúng cách mà người vợ đã được dạy ở nhà bố mẹ đẻ.

Phân tích muôn vàn trạng thái sốc này, Thạc sĩ văn hóa Nguyễn Thị Phượng – chuyên gia tư vấn của Tổ chức Phát triển sức khoẻ cộng đồng Ánh Sáng cho rằng, khi “tấm áo chinh phục” đã được cởi bỏ, việc phải đối mặt với con người thật của chồng khiến người vợ có nhiều bất ngờ. Khi yêu, con gái thường rất hiếu thắng, luôn muốn người yêu phải nâng niu, nhường nhịn mình. Nhưng trong cuộc sống cũng như trong hôn nhân, sự hiếu thắng sẽ sớm đem lại thất bại.

Còn theo Thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A, đừng bao giờ xếp kết hôn vào nhóm việc “làm thử” và để tránh sốc sau hôn nhân thì trước khi quyết định kết hôn, cả hai người hãy tự đặt cho mình ba câu hỏi: Vì sao việc kết hôn lại quan trọng với tôi như vậy? Nếu không lấy người đó thì có sao không? Có phương án nào khác nếu tôi không kết hôn không? Việc trả lời những câu hỏi này giúp người trong cuộc có được sự chuẩn bị cho hôn nhân, không phải để chắc chắn về những điều dự kiến mà để có cuộc sống chủ động và ôn hòa hơn, nhằm tránh sốc.

(Theo PLO)