Đây là một trong những mục tiêu của Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn Bắc Giang giai đoạn 2017-2020.

Đến hết năm 2020, Bắc Giang phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của tỉnh 2%/năm, các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) 4%/năm. Phấn đấu đến cuối năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn dưới 4% và hết năm 2018 không còn hộ nghèo là gia đình người có công với cách mạng.

Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách về giảm nghèo để cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống của người nghèo; tăng khả năng tiếp cận và sử dụng hiệu quả các dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo.

 

Kế hoạch xác định các chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2020 là: Phấn đấu đến hết năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 35.000 hộ nghèo thoát nghèo so với kết quả điều tra tại thời điểm 01/10/2015; đảm bảo hộ nghèo/người nghèo tiếp cận và sử dụng hiệu quả các dịch vụ xã hội cơ bản trước hết về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều; 100% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 100% người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo được cấp thẻ hoặc được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế theo Luật Bảo hiểm y tế; trên 90% số trường học đạt chuẩn về quốc gia;

Trên 98% trẻ em trong độ tuổi quy định được huy động đến trường đi học, trong đó không có trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo không được đến trường do nguyên nhân về kinh tế; 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định; trên 90% dân số thành thị được sử dụng nước sạch và trên 95% dân số ở nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; trên 75% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh.

Bên cạnh đó, 100% hộ nghèo có nhu cầu và đăng ký vay vốn làm nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để làm nhà ở; 100% người nghèo trong độ tuổi lao động có như cầu học nghề đều được hỗ trợ đào tạo nghề và giới thiệu việc làm…

Chương trình được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh; ưu tiên nguồn lực của Chương trình đầu tư cho huyện nghèo, xã nghèo (xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu) và thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Đối tượng được áp dụng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi toàn tỉnh; ưu tiên hộ nghèo dân tộc thiểu số, phụ nữ thuộc hộ nghèo; người dân và cộng đồng trên địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo; huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn; xã an toàn khu, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi theo quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền; các tổ chức và cá nhân có liên quan.

Nội dung các hoạt động giảm nghèo bao gồm: thực hiện giảm nghèo về thu nhập, nâng cao đời sống vật chất của người dân, phấn đấu mỗi năm giảm bình quân 2% hộ nghèo; hỗ trợ cho người nghèo được tiếp cận và sử dụng hiệu quả các dịch vụ xã hội cơ bản để giảm nghèo bền vững.

M.M - Bích Thủy (tổng hợp)