Ngay từ khi bé còn nhỏ, mẹ nên cho con tiếp xúc với tiếng Anh thông qua trò chơi, tranh ảnh, bài hát...

Cách đây mấy hôm, vợ chồng tôi có tổ chức một bữa tiệc nhỏ mừng sinh nhật lần 5 cho con. Mấy cô bạn thân của tôi cũng dắt con sang để chúc mừng sinh nhật Bông. Con có mời một số người bạn cùng lớp đến tham dự.

Khi các con chơi đùa, bé Bông hí hửng cầm quyển tập tô ra khoe với các bạn. Bông mở từng bức vẽ và có thể đọc dõng dạc tên tiếng Anh của những bức hình đó. Khi tôi bê hoa quả lên cho các con ăn, Bông hô to "apple", "watermelon"... Mấy cô bạn tôi đều ngạc nhiên bởi vốn từ và khả năng phát âm của con. Họ cứ bảo tôi sao cho con đi học tiếng Anh ở trung tâm sớm thế, bé mới có 5 tuổi.

Tôi nói là không hề cho con đi học trung tâm hay giáo viên nước ngoài nào, mà chỉ đơn giản là hai mẹ con tự học ở nhà, bạn tôi không tin. Nhưng sự thật thì tôi cho con tiếp xúc với tiếng Anh thông qua tranh ảnh, bài hát chứ không hề ép con đi học ngoài. Tôi thấy, chỉ một vài bước tiếp cận đơn giản ban đầu cũng khơi dậy được ở con niềm hứng thú với môn tiếng Anh.

Mấy cô bạn đều muốn hỏi xem tôi dạy con học tiếng Anh ra sao để về áp dụng với con mình. Tôi không ngần ngại chia sẻ cho họ một số phương pháp dạy con học của tôi, đảm bảo hiệu quả.

{keywords}

Không cần trường song ngữ, giáo viên Tây....con gái tôi vẫn nói tiếng Anh như gió (Ảnh minh họa)

1. Học qua tô tranh màu

Tôi hay mua cho con những quyển tập tô màu, mỗi quyển là một chủ đề khác nhau như cho bé tô con vật, đồ chơi, hoa quả… Với cách thức này, tôi không chỉ kích thích khả năng nhận thức màu, phát huy khả năng tô vẽ của con, mà đặc biệt nâng cao vốn từ tiếng Anh của con, vì trong cuốn tập tô có chú thích các từ bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt.

Mỗi trang tranh màu của con, tôi để bế tự tô theo màu cháu thích, con thích hình gì trước thì cứ để con tô, không nên bắt ép bé theo quan điểm cá nhân của mình. Trước khi bé chọn hình vẽ, tôi sẽ nói qua cho con tên gọi tiếng Việt của từng hình. Sau khi con tô xong, tôi sẽ hỏi lại “con vừa tô hình gì thế?”, khi bé nhớ được tên tiếng Việt, tôi sẽ nói luôn cho bé tên tiếng Anh của bức hình.

Một ngày tôi để cho bé tô khoảng 3 bức hình, sau mỗi bức hình đó, bé đều hào hứng khoe thành quả và trả lời ngọt lịm tên cả tiếng Anh và tiếng Việt tác phẩm của con.

2. Học qua trò chơi

Trẻ con luôn có tính tò mò và thích thú với những bí mật. Tôi hay tận dụng điều này để khơi gợi được cho con niềm đam mê đối với ngoại ngữ. Tôi hay dụ dỗ bé Bông bằng trò chơi tiếng Anh thông qua chiếc hộp bí ẩn. Trong đó tôi để những vật dụng quen thuộc với bé, cho bé sờ, chạm, cảm nhận mà không được nhìn và cố gắng nói ra đồ vật đó bằng tiếng Anh.

Mẹ hãy làm cô tiên hô biến chiếc hộp bí ẩn cho thật đa dạng và phong phú. Lúc thì có thể là ôtô, đồ chơi, thú bông, đồ dùng học tập, lúc cũng có thể là một quyển truyện tranh bằng tiếng Anh cuốn hút. Nếu món đồ chơi mà bé khó đoán, mẹ hãy tìm cách gợi ý một cách dễ hiểu.

Mỗi khi bé đoán đúng được một đồ vật trong hộp, tôi sẽ không ngần ngại mà thưởng cho con một thẻ bài siêu nhân, càng sưu tập được nhiều thẻ bài trong một tuần, con sẽ được bố mẹ dẫn đi chơi công viên, đi ăn hay đi xem một bộ phim mà con thích.

3. Học qua thẻ tranh

Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã dạy trẻ học Tiếng Anh bằng thẻ tranh và từ. Tôi sẽ chuẩn bị sẵn một số thẻ hình con vật, đồ chơi…bằng tiếng Anh có một mặt tranh và một mặt là từ.

Với những bức tranh hình con vật, tôi sẽ kết hợp miêu tả bằng hành động để con dễ nhận biết, sau khi con đoán, tôi sẽ lật tranh cho bé xem đáp án. Sau khi dạy con hết 3-5 tranh, tôi lật từng tranh và đọc rồi yêu cầu con đọc lại. Mối lần, tôi cho con đọc 1-2 lần trong vòng 5 phút.

Ngoài ra, để kiểm tra khả năng nhận thức và trí nhớ của con, tôi chuẩn bị 3-5 tranh đã dạy con và đặt cách chỗ con khoảng 1-2m. Sau đó, tôi sẽ đọc tên bức tranh mà để xem con có nhặt đúng bức tranh đó không, nếu bé nhặt đúng sẽ được thưởng.

4. Học qua bài hát

Học tiếng anh quá các bài hát, ý tưởng tuy cũ nhưng chưa bao giờ là lỗi thời. Bông nhà tôi giờ có thể hát say sưa, nhuần nhuyễn một bài hát tiếng Anh mà bé yêu mến dù bé chưa hiểu hoàn toàn ca từ của bài hát.

Những bài hát tiếng Anh hay có trong những bộ phim hoạt hình hấp dẫn hoặc các chương trình ca nhạc thiếu nhi, là những món ăn tinh thần không thể thiếu của trẻ nhỏ. Tôi hát cùng con, tham gia cùng con và đương nhiên, tôi cũng không ngại kể cho con nghe ý nghĩa ca từ.

Con không nhất thiết phải hiểu hết toàn bộ bài hát nói gì. Quan trọng nhất ở đây bé có niềm hứng thú với tiếng Anh và không cảm thấy bị gò bó hay ép buộc phải học nhiều. Thỉnh thoảng, tôi còn cố hát sai lời để trêu bé, để con hứng chí sửa sai cho mẹ và càng nhớ hơn nhiều từ của bài hát.

5. Học qua truyện tranh

Mỗi tối trước khi đi ngủ, tôi thường dành chút thời gian đọc truyện cho con nghe. Tôi hay mua những cuốn có kèm hình minh họa và có lời thoại cả bằng tiếng Anh và tiếng Việt.

Truyện tranh có những bức vẽ đẹp nên gây sự hứng thú cho bé. Với mỗi hình minh họa trong truyện, tôi sẽ hỏi lại bé xem đây là con gì, đồ gì... mỗi lần như vậy tôi có thể kiểm tra khả năng nhớ từ của con.

Mỗi một bậc làm cha mẹ lại có những cách khác nhau để giúp con mình phát triển một cách toàn diện. Các mẹ nên nhớ dạy trẻ học tiếng anh không nên ép buộc con, hãy cố gắng tạo hứng thú để phát huy khả năng ngôn ngữ của trẻ.

(Theo Khám phá)