Sống 30 năm êm đềm dưới thân phận một người con trai, lấy vợ, sống hạnh phúc, bỗng nhiên một ngày lại phát hiện ra mình có… buồng trứng. Lại có “chị” đã yên bề gia thất mới biết mình có... tinh hoàn. Rối loạn chuyển hóa khiến nhiều người rơi vào tình cảnh bất hạnh.
Không cao to, lực lưỡng nhưng ngay từ nhỏ Trần Mạnh Đạt (Thanh Hóa) từ nhỏ đã được xác định là nam giới vì có đủ “bộ phận” đặc trưng.
Chồng là… phụ nữ
Lớn lên, Đạt cũng có râu lún phún, ra dáng là một nam thanh niên khỏe mạnh. Tính cách nhút nhát, kín đáo nên Đạt cũng không có nhiều bạn bè, cũng ít trao đổi chuyện phiếm nên không hề nhận ra cơ thể mình có vài điểm khác biệt so với bạn cùng lứa. Đến năm 22 tuổi, sau khi học hết Cao đẳng Điện, Đạt về quê lập nghiệp, làm quen với một bạn gái và lập gia đình.
Cuộc sống bề ngoài của đôi vợ chồng trẻ không hề có gợn sóng. Đạt yêu chiều vợ, chăm sóc vợ chu đáo, có hiếu với bố mẹ hai bên. Nhưng Đạt luôn luôn có nỗi buồn giấu kín trong lòng, đó là đời sống vợ chồng không được mạnh mẽ như mong muốn. Nguyên nhân cũng có thể do “súng” của anh hơi nhỏ, khả năng “giương nòng” cũng yếu ớt. Do hai vợ chồng còn trẻ, lại không được giáo dục về giới tính, nên không hề phát hiện ra, khi “lâm trận”, Đạt cũng không hề “nhả đạn”.
Một ca phẫu thuật chuyển đổi giới tính tại Bệnh viện Việt Đức. (Ảnh: Tuấn Kiệt) |
Thấy chồng buồn, chị Ngọc – vợ Đạt cũng luôn động viên chồng. Chị yêu chồng vì nết, lấy anh vì sự chăm sóc ngọt ngào anh dành cho chị chứ không hề quan trọng chuyện tình dục. Điều khiến hai họ sốt ruột là đến hai vợ chồng mãi cũng không có con. Đến một ngày, anh Đạt bỗng đau bụng dữ, buồn nôn, đã vậy lúc đi tiểu còn có chút máu. Vì thế, anh đi khám bệnh. Kết quả siêu âm ổ bụng không chỉ khiến anh kinh hãi mà bác sĩ cũng “té ngửa”, phải siêu âm lại nhiều lần: Anh Đạt có đủ tử cung và hai buồng trứng. Việc anh đi đau bụng lẫn đi tiểu ra máu thực chất là kinh nguyệt. Không tin vào sự thật phũ phàng, anh đi lên bệnh viện T.Ư kiểm tra. Không chỉ kết quả siêu âm vẫn y nguyên hình ảnh buồng trứng mà xét nghiệm nhiễm sắc thể cũng cho thấy anh Đạt nhiễm sắc thể XX - sắc thể của phụ nữ.
Theo một số nghiên cứu, 1/4.500 trẻ sinh ra có bộ phận sinh dục ngoài không xác định được giới tính. Nếu tính cả dị dạng lỗ tiểu thấp thì tỷ lệ dị dạng bộ phận sinh dục lên tới 1/125 trẻ. Hiện Bệnh viện Nhi T.Ư đang theo dõi và điều trị cho hơn 700 trẻ bị RLPTGT. Mỗi năm tại bệnh viện cũng tiếp nhận từ 40-70 ca phát hiện mới” - PGS-TS Vũ Chí Dũng |
PGS–TS Vũ Chí Dũng – Trưởng Khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền BV Nhi Trung ương cho biết, anh Đạt gặp chứng rối loạn phát triển giới tính (RLPTGT) kiểu lưỡng tính giả nam (là nữ nhưng phát triền bề ngoài như nam). Rối loạn này khiến âm vật phình to, dài ra như dương vật khiến gia đình lầm lẫn, lại có trường hợp dương vật phát triển rất nhỏ, bìu lại bị chẻ đôi khiến nhìn bên ngoài giống như bộ phận sinh dục nữ. Do đó, gia đình của những trẻ em này đã nhầm lẫn giới tính và “mặc định” con mình là nam (nữ), trong khi thực chất các em lại có giới tính ngược lại. Hầu hết các ca RLPTGT đều được phát hiện sớm khi các gia đình thấy bộ phận sinh dục của trẻ có chút bất thường hoặc phát triển cùng lúc hai bộ phận sinh dục.
Mổ dễ, điều trị tâm lý khó
Bác sĩ Dũng cho biết, lưỡng tính do RLPTGT có trường hợp giả và thật. Người lưỡng giới thật sẽ có cả nang trứng và ống sinh tinh còn giả thì hình thức như nam nhưng lại có buồng trứng hoặc hình thức tưởng nữ nhưng lại có tinh hoàn. Do hạn chế hiểu biết, điều kiện kinh tế không cho phép nên cũng có không ít trường hợp sống trong thân xác giới tính giả đến tận khi dựng vợ, gả chồng. Có cô gái đã lập gia đình, mãi không có kinh nguyệt cũng không có con, đi khám phát hiện mình có đủ tinh hoàn, dương vật. Còn cái mà cô tưởng là “bộ phận nữ giới” chỉ là sự phát triển bất thường mà thôi.
Lại có cô gái đến tuổi 20 cũng không dám có người yêu, chỉ vì tại bộ phận nhạy cảm kia lại “thò” ra một “cậu bé” nho nhỏ. Có anh chàng râu quai nón, có “thằng nhỏ” nhưng vòng 1 lại căng tròn, đầy đặn. Cũng có người âm thầm sống cuộc đời “đàn ông” của mình tới 50 năm. Tuy nhiên, “thằng nhỏ” của anh ta lại khá khiêm tốn, cũng không “cục cựa” gì nên anh tự ti, không dám yêu đương lập gia đình. Đến khi bị đau bụng dữ dội, đi khám, bác sĩ mới phát hiện anh bị… u nang buồng trứng. Đến lúc này giới tính thật của anh mới được sáng tỏ. Tuy nhiên, anh chấp nhận sống tiếp cuộc đời đàn ông vì “gia đình bạn bè tôi đến giấy tờ tùy thân đều xác định tôi là nam giới. Tôi cũng không biết sống cuộc đời nữ giới thế nào” – anh này cho biết.
PGS.TS Trần Ngọc Bích – nguyên Trưởng khoa phẫu thuật nhi (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, ca lưỡng tính đầu tiên được phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Đức là từ năm 1986. Từ đó tới nay, mỗi năm đều có những trường hợp dị dạng bộ phận sinh dục đến khám và phẫu thuật. Các bệnh nhân lớn tuổi đều phải trải qua cuộc sống khó khăn, ám ảnh và mặc cảm về thân thể. Họ đã sống cuộc đời “giả trang” từ rất lâu do đó khó có thể thích nghi với giới tính và thói quen mới. Những người đã lập gia đình còn bị sốc vì đổ vỡ hạnh phúc. Do đó, các ca RLPTGT cần phải được phát hiện sớm và tái tạo lại bộ phận sinh dục theo đúng nhiễm sắc thể. Việc phẫu thuật này hoàn toàn khác với việc phẫu thuật chuyển đổi giới tính vì họ thực sự là những người bị bệnh cần được chữa trị.
Tuy nhiên, theo TS Bích đối với các trường hợp bệnh nhân lớn tuổi thì việc không phải trường hợp nào cũng phẫu thuật về giới tính theo nhiễm sắc thể mà còn tùy thuộc vào mong muốn của người bệnh.
Không ít người không muốn quay về giới tính thật mà muốn tiếp tục sống giới tính giả vì “quen thế” nên chỉ phẫu thuật “làm đẹp” hơn mà thôi. “Trước khi phẫu thuật cần phải làm công tác tinh thần cho những người “giả nam, giả nữ” này rất kỹ. Bởi phẫu thuật xong thì việc quay lại giới tính họ vốn sống là rất khó. Ngoài ra, việc thay đổi giới tính cũng khiến họ phải trải qua nhiều cú sốc tâm lý. Thậm chí, có người phải trị liệu cả đời để tìm lại chính mình” – TS Bích cho biết.
Mới đây, Bộ Y tế cũng đã có văn bản công nhận 4 bệnh viện có đủ điều kiện để xác định lại giới tính là Bệnh viện Nhi T.Ư, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Phụ sản T.Ư và Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM). Tại các cơ sở này đều có bác sĩ chuyên khoa xác định được giới tính; Bệnh nhân sẽ được làm được các xét nghiệm về giới, xét nghiệm về nội tiết, gene và các tiêu chuẩn xét nghiệm được đảm bảo và phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Đây sẽ là các căn cứ để sau này người bệnh làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng để xác định lại giới tính của mình trong giấy tờ tùy thân.
(Theo Dòng đời)