Lâu nay đọc báo chỉ toàn thấy các nàng dâu ca cẩm nỗi niềm, rằng mẹ chồng khó tính, rằng mẹ chồng lẩm cẩm, rằng mẹ chồng ác, ghê gớm... Những lời thốt lên đầy tâm trạng ấy thường xuất phát từ phía các nàng dâu trong một trạng thái "khó ở với mẹ chồng".

Phóng viên lại ghi nhận được chính những nỗi niềm từ phía mẹ chồng. Xin chia sẻ với bạn đọc như một thông tin tham khảo để cả hai phía có cái nhìn khách quan hơn.

Tôi cũng là mẹ chồng, tôi cũng đã từng có mối quan hệ xấu với con dâu. Và tôi hiểu được, mối quan hệ nào muốn cải thiện cũng phải từ hai phía. Nhưng phía đầu tiên, nhất thiết phải từ con dâu.

Tôi có hai người con trai. Điều đó có nghĩa tôi có hai người con dâu. Và như thế, tôi có hai mối va chạm. Tôi biết rất rõ mình phải là người điều hòa mối quan hệ của cả gia đình, từ những việc vặt đến những việc lớn.

Với người con dâu đầu tiên, thú thực tôi không muốn nó về làm dâu trong nhà. Bằng kinh nghiệm sống của mình, tôi hiểu rằng nó không phù hợp với nếp sống gia đình tôi, mà trước tiên là không phù hợp về bằng cấp so với con trai tôi. Hồi con trai tôi quen bạn gái, năm thì mười họa mới thấy con bé xuất hiện ở nhà tôi. Đùng một cái, con trai đòi cưới vợ làm tôi ngỡ ngàng vì tôi cũng có nhắm cho con trai một mối khác.

{keywords} 

Thái độ đầu tiên của tôi: không chấp nhận. Nhưng khi con trai một mực đòi cưới, tôi đành chấp nhận vì đó là hạnh phúc của con mình. Thế nhưng, tôi như người đã bị đặt ngồi vào một chiếc ghế.

Ngày đầu tiên sau lễ cưới, tôi cố tình ở lì trong phòng tránh không đụng mặt với con dâu. Có tiếng gõ cửa phòng, con bé bước vào với thái độ hình như đã chuẩn bị trước nhưng vẫn run: “Mẹ ơi! Từ nay con hiểu gia đình mình là gia đình của con. Mẹ là mẹ của con. Con có gì sai, mẹ cứ la rầy chỉ dạy con thêm”. Ngước thấy tôi đang ngó trân, con bé hoảng hồn rút lui.

Câu nói đầy thiện ý đầu tiên của con dâu chào mẹ chồng đã làm tôi suy nghĩ. Tôi cũng từng làm dâu nhưng chưa bao giờ nghĩ và nói lên được điều này. Dĩ nhiên sự vui vẻ thân tình không có ngay tức thì, nhưng khoảng cách lạnh nhạt đã thu hẹp lại.

Đối với người con dâu thứ hai, mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn. Nhưng có một lần khi gia đình nó về thăm nhà. Tôi kêu ca cái tủ lạnh nhà mình hỏng. Tuần sau, con trai tôi mang về cái tủ lạnh mới. Trong một lần khác về chơi, tôi nói với con dâu "cái tủ lạnh thằng Thắng mới mua dùng thích hẳn, để được nhiều đồ hơn". Con dâu tôi nghiêm mặt lại "anh Thắng mới mua cho mẹ ạ? anh ấy không nói gì với con". Và tôi hiểu mình đã "sơ hở". Con trai tôi đã mua mà không nói gì với con dâu. Như thế là nó sai và đã vô tình làm cho con dâu tôi hiểu rằng "con trai bà chỉ biết có mẹ mà không tôn trọng vợ".

Sau lần đó, khi cần thiết phải mua một món đồ gì đó mà các con trai của tôi mang về, tôi đều gọi điện hỏi xem cả hai vợ chồng đã thống nhất chưa. Và cũng sau lần đó, con dâu tôi trở nên tôn trọng tôi hơn. Khi thấy tôi hỏi nhiều, nó nói "mẹ cứ yên tâm, chúng con đều bàn kỹ rồi. Đồ gì biếu mẹ, mẹ cứ dùng ạ". Và tôi biết, con dâu tôi cũng chủ động thay đổi để mối quan hệ trở nên tốt hơn.

Có rất nhiều dẫn chứng trong cuộc sống va chạm hàng ngày giữa mẹ chồng nàng dâu. Nhà ai cũng có cả, mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi người mỗi tính. Nhưng với kinh nghiệm sống của mình, tôi khẳng định không có mẹ chồng nào khó, cũng như không có cô dâu tệ. Chỉ có điều là họ chưa có một điểm tương đồng. Người ta không nói đến mình không có nghĩa là không nghĩ đến mình. Vấn đề là thiện ý chân thành của đôi bên dành cho nhau. Nếu nói tâm lý một chút thì có lẽ nàng dâu nên chủ động cải thiện tình hình trước. "Lấy chồng là lấy cả gia đình chồng", các nàng dâu có lẽ cũng từng nghe thấy câu nói này. Và khi phải "lùi một bước" thì chưa chắc đã là người thua thiệt. Các nàng dâu nhớ nhé, mẹ chồng không "ác" thế đâu!

Ghi theo lời tâm sự của bác Phùng Thị Dân (Thạch Xá, Thạch Thất, Hà Nội)

(Theo GiadinhNet)