Dù được bác sĩ khuyên đẻ mổ nhưng M. Phương vẫn quyết tâm đẻ thường và 3 ngày chiến đấu với cơn đau đẻ với cô thực sự kinh khủng.

41 tuần thai khỏe mạnh, chưa bao giờ biết đến một lần ốm nghén, nôn ói hay mệt mỏi đã khiến bà mẹ trẻ M. Phương (Hà Nội) tưởng rằng ca sinh nở của mình cũng diễn ra êm đẹp, nhẹ nhàng. Tuy nhiên, đúng là đời không thể nói trước được gì bởi cho đến bây giờ, M. Phương vẫn chưa thể quên được cảm giác đau đớn 3 ngày chiến đấu với cơn đau đẻ ở trong bệnh viện. Cô bị rỉ ối sớm, bác sĩ đã khuyên nên đẻ mổ nhưng vì muốn đẻ thường và được sự động viên của chồng cũng như gia đình nên bà mẹ 9x này đã quyết tâm sinh thường. Dù vậy, với cô 3 ngày đau đẻ thực sự kinh khủng.

Sau ca sinh nở, M. Phương đã dành thời gian rảnh rỗi để ghi lại cảm xúc về ca sinh nở “thuộc dạng khó” của mình. Trong thai kỳ, bà mẹ trẻ cũng thường xuyên dành những dòng nhật ký tình cảm để gửi đến con yêu – bé Ngô - trong bụng. Mời các mẹ cùng chia sẻ với những dòng nhật ký mang thai và sinh nở xúc động này.

Nhật kí mẹ vĩ đại 38 tuần 4 ngày

Người mẹ vĩ đại 68kg đang ở mốc 38 tuần 4 ngày. Đến lúc này, hình như cậu bạn trong bụng không còn nhiều khoảng trống để tung những cú đạp hùng hục như trước nữa, cậu ấy dường như trở thành 1 vận động viên uốn dẻo chuyên nghiệp. Mỗi sáng khi mẹ vĩ đại thức dậy, hoặc lúc đang lim dim nằm tận hưởng cơn buồn ngủ kéo đến, thậm chí cả khi tắm, lúc đánh răng, khi nấu bếp, lúc đi dạo... không chừa 1 khoảnh khắc nào, cậu bé trở mình, trườn vài cái điệu nghệ, lăn từ bụng trái sang bụng phải, quay ngược lại từ phải sang trái, làm mẹ giật mình cũng muốn uốn éo theo. Nhiều khi mẹ còn sờ được cái mông tròn vo nổi lên cao vút, tét nhẹ vào thì cậu uốn mình giấu đi ngay, hay đôi lúc bàn chân nhỏ xíu lại huých "nhẹ" vào mạng sườn mẹ, ắt hẳn chật chội quá nên cu cậu muốn duỗi chân cho đỡ mỏi đây.

Mẹ vĩ đại hay trêu cậu. Thấy cậu bắt đầu những pha nhào lộn thì ngay lập tức dò tìm chân cậu để cù kì, y rằng lúc ấy cậu khoái chí lắm, hùa theo mẹ với trò chơi đuổi bắt ngay. Cậu thụt chỗ này, thò chỗ nọ, rõ ràng có máu buồn giống bố mẹ mà lại ham đùa, chơi 1 lúc mệt rồi mới chịu nằm yên.

Bố vĩ đại thì hay hát cho cậu nghe. Các bài hát của bố chẳng theo 1 thể loại gì, đa số là bài hát thiếu nhi, nhưng hứng chí lên, bố lại ca mấy bài nhạc đỏ hay bài hát cổ, đến mẹ nghe cũng chỉ muốn đi ngủ chứ chưa nói tới cậu bé. Bố mong sau này cậu sẽ hát hay (giống bố) và nhảy đẹp, nhưng thích nhất là quân số của cả nhà bằng 1 đội bóng mini. Mẹ ngất…

{keywords}

Với M. Phương, 3 ngày đau đẻ thực sự kinh khủng. (ảnh minh họa)

Kí sự nằm ổ - 41 tuần tròn êm

… 24 tuổi, mang trong mình một bé trai hơn 40 tuần mà chưa chịu ra đời. Mình thấm thía được nhiều hơn những khó khăn của người phụ nữ khi sinh nở. Vào giai đoạn 3 tháng đầu tiên, có lẽ trước đó do ham chạy nhảy, kèm theo tâm lý thoải mái ngay từ khi phát hiện sự tồn tại của cậu bạn trong bụng, mình không được trải nghiệm những cơn nghén đáng sợ. Sự mệt mỏi cũng chưa từng làm phiền trong hơn 40 tuần ấy. Chứng kiến 1 vài người bạn gặp phải các triệu chứng khó ăn, mất ngủ, đau lưng, nôn khan cả ngày, người ủ rũ vì mất sức… mà mình thật thương lắm. Mình có đôi lời gửi gắm tới những chị em bạn bè đang chuẩn bị cho kế hoạch mang bầu, rằng trước ý định có con, hãy chăm chỉ tập luyện kèm 1 chế độ ăn uống đầy đủ, tránh kiêng khem. Bởi việc ăn uống đúng bữa, đủ chất khiến cho cơ thể miễn dịch, khỏe mạnh hơn nhiều, phòng ngừa bị nghén. Tâm lý cũng khá quan trọng, hãy luôn tạo cho mình niềm vui, niềm lạc quan.

Những tưởng quá trình mang bầu trôi qua êm đềm là vậy, thì mốc cuối cùng – giai đoạn sinh nở - cũng sẽ dễ dàng. Tuy nhiên, cho tới bây giờ, mình vẫn chưa quên được 3 ngày trực chiến tại bệnh viện trước khi bé Khôi Nguyên chào đời.

Nhật ký đi đẻ

Ngày thứ nhất (10/10/2014)

Hôm đó mẹ vào viện kiểm tra do đêm hôm trước bị rỉ ối. Bác sĩ nói để an toàn nhất thì mổ đẻ vì đã quá ngày, thế nhưng đại gia đình mình lại muốn mẹ đẻ thường cho con được khỏe mạnh vậy là mẹ quyết định chờ đợi cơn đau chuyển dạ. Nhưng cả ngày hôm đó, mẹ chờ mãi, chờ mãi mà chẳng thấy xuất hiện cơn đau dù nước ối vẫn rỉ. Mẹ càng lo hơn, nhìn từng ca từng ca một đến rồi đi, mà mẹ chỉ muốn mổ cho xong. Bao nhiêu mẹ bầu khác đến sau mà đẻ dễ lắm, thậm chí còn có người còn về luôn làm tâm lý mẹ cực kỳ hoảng sợ. Vậy nhưng may mắn là có bà nội, bà ngoại và bố luôn ở bên cạnh trấn an tinh thần và động viên nên mẹ có cảm giác vào viện để an dưỡng thôi.

Con trai có biết không, hôm 10/10 đó với mẹ dài lắm ấy, cảm giác như 1 tuần trôi qua.

Ngày thứ 2 (11/10/2014)

Mẹ bắt đầu đau chuyển dạ vào 11giờ đêm. Hôm trước thì nhìn người khác đau, mẹ cũng chỉ mong đau theo, mà khi đến lượt mẹ đau rồi thì nói thật là muốn... chết lắm. Chưa có bao giờ mẹ bị đau như vậy mà mẹ cũng không tưởng tượng được sao đau đẻ lại ghê gớm thế. Những cơn gò bụng, thúc xuống hông, cảm giác có ai đó cấu xé cào trong bụng mẹ ấy.

Cả đêm hôm đó, mẹ cứ ngồi tính giờ xem cơn đau cách nhau bao phút, vì theo sách vở thì nếu các cơn gần nhau là sắp sinh. Đau mà không dám kêu vì sợ mất sức. Nhiều mẹ khác vào viện kêu la kinh lắm, hét ầm lên, người mệt lả, làm mẹ cũng sốt ruột. Nhưng mẹ vẫn không dám kêu la vì sợ không có sức để rặn đón con chào đời.

Sáng hôm đó, bác sĩ vào kiểm tra nói tử cung mẹ mới mở 1cm, và bảo phải 4cm mới đẻ được, lúc đó mẹ tuyệt vọng lắm con biết không? Cả đêm đau quằn quại mà mới được từng đó. Mẹ bảo bố là muốn mổ luôn, nhưng bố lại cứ động viên mẹ cố gắng chịu đựng. Cả ngày 11 đó mẹ chìm trong sự đau đớn, ăn từng bữa cơm chan nước mắt…

{keywords}

Niềm hạnh phúc nghẹn lời khi con chào đời khỏe mạnh. (ảnh minh họa)

Ngày thứ 3 (12/10/2014)

Những cơn đau vẫn tiếp tục hành hạ mẹ cho đến hết đêm 11 và cả ngày 12. Cho đến 7 giờ tối, bác sĩ nói tử cung đã mở được 3 phân và cho phép mẹ lên bàn đẻ. Với những mẹ khác thì được tiêm gây tê ngoài màng cứng giúp đẻ không đau nhưng mẹ thì không. Vì khi siêu âm, con nặng 3,5kg – khá to – nên bác sĩ không cho phép mẹ được tiêm. Quá trình đau đẻ của mẹ còn kinh khủng hơn từ lúc tiêm thuốc kích đẻ. Không chỉ không được tiêm thuốc giảm đau mà mẹ còn phải tiêm thuốc kích đẻ khiến những cơn đau dồn dập và kinh khủng hơn rất nhiều.

Nằm trên bàn đẻ mà mồ hôi mẹ cứ toát như tắm, ướt sũng quần áo, khi tiêm kích đẻ xong thì cơn đau tăng lên nhiều lần, lúc này mẹ không hét không được dù vẫn biết rằng hét lên sẽ khiến mẹ mất sức. Mẹ đã kêu lên với bác sĩ bảo: “Bác sĩ cho cháu rặn đi, cháu đau quá.” 10 lần như vậy…

Tới 20h30, bác sĩ bảo tử cung mẹ đã mở hoàn toàn. Lúc này bác sĩ mới lại gần để yêu cầu mẹ rặn đẻ. Mẹ đau gần 2 ngày, nên mất sức. Lúc đẻ phải rặn tầm chục hơi mới được. Con đầu to nên phải rạch tầng sinh môn nữa, rất đau và vô cùng đáng sợ.

Khi cảm giác hẫng bụng chợt đến, bác sĩ bảo: "Mẹ giỏi quá, con trai ra với mẹ rồi đây!", mẹ chẳng còn nhớ tới sự đau đớn trong 2 ngày vừa qua nữa, mẹ ngồi thẳng dậy tìm con. Nghe tiếng oe oe là mẹ nhẹ lòng rồi, mẹ chỉ muốn ôm con, hôn con cho bõ đủ 9 tháng 10 ngày qua.

Hành trình con chào đời thật dài và khó khăn như thế đó bạn Ngô à. 1 tháng rồi, mẹ chưa bao giờ quên cảm giác đau đớn những cũng ngập tràn hạnh phúc khi nghe tiếng con khóc chào đời. 1 tháng qua, mẹ hạnh phúc thật nhiều mỗi lần nhìn con chúm chím cười sau mỗi lần tuti. Mẹ sẽ làm tất cả để nụ cười luôn nở trên môi con.

Yên con trai mẹ thật nhiều!

(Theo Thái Nam/Khám phá)