Trong khi có biết bao hài nhi vô tội bi chối bỏ thì vẫn còn rất nhiều những ông bố bà mẹ khao khát từng ngày để có một đứa con. Họ - những người “kém may mắn” này đã từng tước đi không chỉ 1, 2 lần mà rất nhiều lần giọt máu của mình.


7 lần bị thai lưu

8 giờ sáng, tại Trung tâm tư vấn sức khoẻ và kế hoạch hoá gia đình – Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã đông người đi lại, ngó nghiêng. Bên cạnh những khuôn mặt còn ngây thơ, non nớt đang ngồi chờ ở cửa phòng kế hoạch hóa để làm thủ tục nạo hút thai là ánh mắt bần thần, bất định của một người phụ nữ lớn tuổi đang chống chọi từng ngày với di chứng nặng nề của việc nạo phá thai lúc trẻ để mong có lấy một đứa con nối dõi tông đường.

{keywords}
Rất nhiều những ông bố bà mẹ khao khát từng ngày để có một đứa con. Ảnh minh hoạ

Hỏi ra mới biết, đó là chị Nguyễn Thị Nguyệt, 32 tuổi, quê ở Hưng Yên. Hiện vợ chồng chị gặp khó khăn trong đường con cái, chị chia sẻ: “Tôi đi chữa nhiều năm nay rồi, cứ có thai là bị lưu phải phá bỏ”, không nói hết câu chị lại ôm chị gái khóc nức nở.

Rồi chị bắt đầu kể, “Tôi lớn lên ở một xã nghèo ở Hưng Yên. Trong khi mọi người cùng lứa được đi học hành tử tế thì bản thân tôi lại phải đi làm thuê để kiếm thu nhập. Hồi đó tôi làm công nhân cho một xí nghiệp may nhỏ ở thành phố Hưng Yên rồi quen anh M - người yêu đầu tiên của mình.

Yêu được 1 năm, để tiết kiệm chi phí, tôi và anh quyết định dọn ra ở cùng nhau cho đỡ tốn kém. Được một thời gian thì tôi có bầu.

Lúc đó vì cả hai đang khó khăn không thể cưới và có con được nên tôi “nhắm mắt đưa chân” quyết định phá bỏ đi đứa con của mình khi cháu mới gần 20 tuần tuổi. Tôi đau đớn, dằn vặt một thời gian dài vì điều đó. Cuối cùng, tôi và anh ấy cũng không thể đến được với nhau bởi một phần vì không chịu được tính nóng nảy của anh, phần khác vì bố mẹ anh chê tôi nghèo, không cao ráo nên chúng tôi quyết định chia tay.

Rồi hơn 1 năm sau tôi cũng lấy chồng. Đó là một người đàn ông cùng quê với tôi. Thế nhưng cuộc đời thật oái oăm, sau khi lấy chồng, tôi không thể nào giữ nổi những đứa con của mình”.

“5 năm là vợ chồng, đã có 7 lần tôi mang thai, nhưng cứ đến tháng thứ 4, thứ 5 thì thai lại bị lưu vì trước đó hậu quả của việc nạo phá thai không an toàn khiến cho tôi bị mỏng thành tử cung. Vợ chồng tôi “khát” một đứa con mà đợi mòn mỏi cũng không được”, chị buồn bã.

32 ngỡ 50

Đến trung tâm tư vấn sức khoẻ và kế hoạch hoá gia đình – Bệnh viện Phụ sản Trung ương không nhớ bao nhiêu lần nhưng mỗi lần đến chị Nguyệt đều mang trong mình một nỗi đau, một niềm ân hận day dứt.

Khác với những người phụ nữ trẻ khác có chồng hay bạn trai đi cùng còn chị , có chồng nhưng anh nhất quyết không đi cùng chị.

“Anh ấy bảo có hay ho gì tới những chỗ như thế, em tự đi một mình đi. Nói nhiều thì sợ anh ấy nóng tính lại đánh mình. Thế rồi cực chẳng đã tôi lại phải gọi điện nhờ chị gái đưa đi vì bây giờ tôi yếu lắm, không thể tự mình xoay xở được”, chị nói.

Nhìn sang tôi, chị bảo: “Em có thấy chị như một bà già u50 không? Chị mới 32 tuổi thôi. Nhưng vì uống thuốc này, thuốc nọ, nằm bệnh viện điều trị vì thai lưu hàng năm trời mà giờ chị tiều tuỵ như thế này đó. Tuổi trẻ các em bây giờ hãy sáng suốt, đừng để phải lầm lỡ khổ cả đời”.

Nhìn vào hình ảnh chị, tim tôi như nghẹn lại. Sức khỏe chị vốn đã không tốt lắm sau nhưng lần nằm viện, giờ chị phải chịu sự đau đớn về thể xác, và nhất là cảm giác tội lỗi khi từng phá thai khiến bây giờ anh chị khó có được đứa con nối dõi.

“Nếu lần này không giữ được nữa thì coi như mọi hi vọng sẽ dập tắt”, chị nói.

Chào chị ra về nhưng hình ảnh người phụ nữ gầy gầy, xương xương ngồi cúi mặt xuống đất cầu nguyện cứ ám ảnh tôi mãi.

(Tên nhân vật đã được thay đổi)

Minh Anh - Hạnh Thuý