Chỉ vì làm trái ý cô mà một cậu bé bị cô giáo đánh trước sự chứng kiến của các bạn cùng lớp. Một em bé phải ngủ gầm cầu vì bị bố mẹ đuổi ra khỏi nhà. Em gái 15 tuổi bị chính người chú ruột xâm hại tình dục hay bé trai phải làm việc quần quật cả ngày trong khi các bạn của em được tới trường….
12 tuổi đã bị xâm hại
Những câu chuyện về nạn bạo hành trẻ em ở Việt Nam được chia sẻ trong cuộc toạ đàm về vai trò của cha mẹ trong việc phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em được tổ chức sáng 18/11 tại Nhà khách Quốc Hội của Việt Nam khiến nhiều người nghe vô cùng day dứt.
Trong đó có lẽ phải kể đến câu chuyện thương tâm và đáng buồn của một bé gái 16 tuổi ở Hưng Yên vừa mới được Ngôi Nhà Bình Yên tiếp nhận. Em bị xâm hại tình dục bởi một người bạn thân của bố. Điều đau lòng nhất là việc xâm hại đó đã diễn ra trong một thời gian khá dài (4 năm) và gia đình không mảy may nghi ngờ về những bất thường đó.
Nhiều trẻ em ở Việt Nam đang bị chính bố mẹ của mình bạo hành. Ảnh minh hoạ |
Theo bà Nguyễn Thị Phượng, phòng tham vấn, Trung tâm Phụ nữa và phát triển, Hội phụ nữ Việt Nam chia sẻ thì khi bé được tiếp nhận thì đã 16 tuổi, bản thân bé đã bị xâm hại đến mang thai, bây giờ cái thai đã khá lớn nên không biết phải xử lý như thế nào cho vẹn toàn.
“ Có một điều chúng tôi trăn trở nhất đó là ngay cả bố mẹ, những người thân cậy nhất của con cũng không thể nắm được những trở ngại mà con đang gặp phải để hỗ trợ, giúp đỡ con cùng tố giác. Họ - những cha mẹ đã, đang vô tình tiếp tay cho kẻ xấu hám hại con mình để đến khi biết chuyện thì lại đi thương thảo với kẻ đã làm hại con mình, khi thương thảo không được thì mới đi tố giác, điều này là vô cùng bất lợi”, bà Phượng nói.
Một câu chuyện khác cũng đau lòng không kém được chia sẻ là việc là một em bé bị bố xích cả hai chân vào cột nhà nhiều ngày liền và không cho ăn cơm vì em này nghiện chơi điện tử. Người mẹ đứng bên cạnh chỉ biết chứng kiến mà không thể làm gì. Sau đó phải nhờ đến chình quyền, hội phụ nữ thì em mới được giải cứu.
“Tôi không nghĩ những người làm bố, làm mẹ lại tàn độc đến như thế. Chỉ vì đứa con bỏ học chơi game mà đối xử với con như một con vật”, một phụ nữ ở Hà Nam chia sẻ.
Mẹ hay bố bạo lực nhiều hơn?
Theo bà Trần thị Hương, phó chủ tịch hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam thì câu chuyện về bạo lực, xâm hại trẻ em tưởng chừng như chỉ diễn ra ở những nơi dân trí thấp, nơi mà truyền thông đại chúng vẫn chưa tuyền truyền đến tận nơi nhưng không phải, bạo lực trẻ em đang diễn ra ở ngay những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng…
Không thấy bạo lực không có nghĩa là không có. Ảnh minh hoạ |
Theo số liệu điều tra, mỗi năm cả nước có hơn 1000 vụ bạo hành trẻ em và đáng chú ý là nhiều trẻ bị chính cha mẹ, người thân, thầy cô giáo, những người có trách nhiệm bảo vệ và chăm sóc bạo hành. Nguyên nhân một phần là do sự phát triển kinh tế thị trường, sự phân hoá giàu nghèo làm nảy sinh các vấn đề xã hội phức tạp làm nảy sinh sự biến đổi những giá trị sống, lối sống, hành vi lệch chuẩn ..của trẻ em. Trong đó nguyên nhân quan trọng khiến nhiều trẻ em bị bạo lực, xâm hại thời gian dài là do hành vi không tố giác, tố cáo kịp thời của những bậc phụ huynh.
Buổi toạ đàm, nhiều đại biểu cũng chia sẻ về bạo lực gia đình, về mức độ nặng nhẹ của cha mẹ khi dạy dỗ con cái và nhiều ý kiến cho rằng người mẹ đang có xu hướng bạo lực với con nhiều hơn bố.
Chia sẻ về điều này bà Nguyễn Thị Phượng cho rằng: “Theo một khảo sát, người ta cho rằng 90 % bạo lực là xuất hiện từ nam giới chứ không phải từ nữ giới. Tuy nhiên nữ giới thì thường yêu con theo kiểu “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Người mẹ là người thầy đầu tiên hình thành nên nhân cách con nên vai trò người mẹ rất quan trọng. Vậy người mẹ thiếu kiến thức sẽ làm gương xấu cho con noi theo”.
Bà Phượng cũng chia sẻ thêm, hiện nay nhiều gia đình cho rằng thương con thì đánh con. Tôi kịch liệt phê phán điều này. Tôi chưa bao giờ đánh con mà tôi lấy tiêu chí “yêu thương đi cùng với nghiêm khắc” để dạy dỗ con. Ngày nay, bạo lực trong gia đình nhiều hơn trong xã hội vì vậy chính những người bố thay vì đánh con, chửi mắng con thì hãy lắng nghe, chia sẻ với con. Những người mẹ ngoài bao bọc con hãy định hướng cho con một phương cách làm người tốt nhất thì bạo lực mới không có nguy cơ xảy ra.
Hạnh Thuý