Lúc mới đến với nhau, chàng yêu thương, chiều chuộng con nàng như con đẻ. Nhưng khi có con chung với nàng, chàng bắt đầu phân biệt đối xử…
Chị D. (ở huyện Ba Tri, Bến Tre) đã có một đời chồng và hai đứa con trai. Trong thâm tâm chị nguyện sẽ ở vậy, gắng làm lụng để nuôi hai con tốt hơn. Nhưng rồi duyên số đẩy đưa, sau đó chị gặp anh B., một người con trai chưa vợ rất mực thương chị.
Hôn nhân rạn nứt vì phân biệt đối xử
Anh B. thường qua lại giúp đỡ chị này nọ trong cuộc sống. Anh xem hai con của chị như con của anh, ngày nào anh cũng qua phụ chị trông nom, quan tâm chăm sóc các con. Qua thời gian, sắt đá cũng động lòng và cuối năm 2004, chị và anh B. chính thức cưới nhau. Sau đó chị cùng hai con dọn về sống chung với anh B. Rồi chị và anh B. có với nhau một đứa con trai. Và cũng bắt đầu từ đây, anh B. có phần phân biệt giữa con chung và con riêng.
Theo trình bày của chị D., mỗi khi anh B. nhậu về là la mắng chị và đánh đập các con của chị. Chị biết chuyện phân biệt “con em”, “con chúng ta” là điều khó tránh khỏi nhưng phân biệt, đối xử đến độ đánh đập như thế là điều trước đây chị chưa từng hình dung.
Thấy các con còn nhỏ, chị gắng nhẫn nhịn và chịu đựng, những mong anh B. sẽ khắc phục tính tình để vợ chồng cùng lo cho các con tốt hơn. Nhưng rồi anh B. vẫn chứng nào tật nấy, không chịu sửa đổi.
Năm 2014, khi chị đang mang thai, anh B. không hề quan tâm chăm sóc chị và các con mà còn nhậu nhẹt nhiều hơn. Và cứ nhậu vô là anh B. chửi mắng chị và các con. Có lần do chồng làm quá trớn, không thể chịu đựng được nữa, chị đánh nhau với anh B. dù đang bụng mang dạ chửa. Kể từ đó, chị cùng các con dắt nhau về bên chị ruột của chị sống cho đến nay.
Rồi chị D. nộp đơn yêu cầu TAND huyện Ba Tri (Bến Tre) giải quyết cho chị được ly hôn với anh B. Trong đơn, chị trình bày hôn nhân giữa chị và anh B. đã rạn nứt, không thể hàn gắn. Về con chung, chị yêu cầu tòa xử cho chị được nuôi cả hai đứa, đồng thời anh B. phải cấp dưỡng.
Cho ly hôn vì không có biện pháp hóa giải
Anh B. thì không đồng ý ly hôn với chị D. Anh nói sau khi hai người cưới nhau và về sống chung một nhà, lúc nào anh cũng thương yêu, quan tâm chăm sóc gia đình và các con. Anh luôn coi các con của chị cũng như con anh và không hề thay đổi.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, hai đứa con của D. lớn lên không biết nghe lời, không biết tôn trọng cha mẹ. Anh thấy tụi nó ngày một lớn càng khó dạy bảo nên anh có lúc la rầy. Cũng vì việc anh dạy bảo tụi nó không nghe nên tụi nó và anh đâm ra mâu thuẫn, nghịch nhau. Anh kể mới hai tháng trước, hai đứa còn xách dao rượt đánh anh nữa. Mặc dù vậy anh vẫn coi chúng là con, anh vẫn còn thương chị D. nên muốn hàn gắn vợ chồng để cùng nhau chăm sóc con cái.
Sau nhiều lần hòa giải không thành, TAND huyện Ba Tri đưa vụ án ra xét xử. Theo tòa, xét thấy trình trạng hôn nhân giữa chị D. với anh B. đã xảy ra mâu thuẫn trầm trọng. Trong quá trình chung sống, do anh B. không khéo léo về cách dạy dỗ con cái mà cứ hay chửi mắng, đánh đập con riêng của vợ tạo thành mâu thuẫn giữa cha dượng với con riêng. Thậm chí giữa con riêng với cha dượng còn xảy ra chuyện xách dao đánh nhau. Những việc này làm cho chị D. khó xử trong cuộc sống vợ chồng.
Tòa cho rằng cả hai bên cũng không có biện pháp hóa giải mâu thuẫn để hàn gắn, tiếp tục sống chung. Và hiện chị D. cũng cương quyết ly hôn mà không đồng ý hàn gắn. Từ đó, tòa nhận định yêu cầu ly hôn của chị D. là có căn cứ để chấp nhận.
Về hai con chung, tòa thấy rằng cháu trai đã trên chín tuổi và có nguyện vọng theo mẹ nên tòa tôn trọng quyền quyết định của cháu. Với cháu gái mới sinh, tòa cũng chấp nhận yêu cầu của chị D. được nuôi dưỡng vì phù hợp với quy định mẹ được ưu tiên nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
(Theo PL TPHCM)