Dù thừa nhận tình cảm giữa hai người đã hết nhưng người chồng vẫn không muốn ly hôn vì sợ con gái và cha vợ buồn. Tòa bác các lý do này bởi ly hôn là chuyện của vợ chồng quyết định.

Trong đơn xin ly hôn gửi TAND huyện Chợ Lách (Bến Tre), bà Ngh. (ngụ xã Vĩnh Thành) viết ngắn gọn như sau: Trước đây bà với ông T. yêu nhau, tự nguyện đến với nhau. Sau đó hai người tổ chức đám cưới để thành vợ chồng. Hai năm sau, họ có với nhau một đứa con gái rất kháu khỉnh, dễ thương. Bà và ông T. đã sống hạnh phúc với nhau trong hơn 20 năm qua.

Đều có người khác

Năm 2010, bà Ngh. phát hiện ông T. có quan hệ không trong sáng với một phụ nữ khác. Kể từ đó, tình cảm giữa bà với ông T. cứ lục đục suốt. Rồi bà và ông T. ly thân, mạnh ai nấy sống, không ai quan tâm tới ai. Nay bà thấy tình cảm vợ chồng đã nguội lạnh nên chỉ muốn được tòa cho ly hôn với ông T. để không còn ai ràng buộc ai.

{keywords} 

Ông T. thì giãi bày vợ chồng có mâu thuẫn là do vào năm 2009, công việc làm ăn của ông bị thua lỗ. Sau đó vợ chồng cùng con gái dắt díu nhau lên Sài Gòn làm ăn. Rồi năm sau, bà Ngh. làm giấy tờ để có hộ khẩu ở TP thì lại không có tên ông trong đó. Ông quá bực tức nên có nhiều lúc cự cãi với bà Ngh. Cũng từ đó, giữa ông và bà mỗi người sống một nơi.

Ông thừa nhận là trong lúc làm ăn ông có quen biết với phụ nữ khác nhưng chỉ giới hạn ở mức bạn bè bình thường. Còn bản thân bà Ngh. cũng chung sống với người đàn ông khác như vợ chồng. Mới hồi tết âm lịch năm rồi, bà Ngh. còn đưa bạn trai về quê chơi.

Nay tự dưng bà Ngh. đòi ly hôn, ông T. có hai nguyên do không đồng ý: Thứ nhất, ông muốn cho con gái an tâm học hết những năm cuối của đại học mà không bị ảnh hưởng từ chuyện hôn nhân của cha mẹ. Thứ hai, ông còn có ơn với người cha vợ từ trước. Nay cha vợ đã lớn tuổi, sức khỏe đã yếu, nếu nhỡ nghe được chuyện con cái không hạnh phúc dẫn đến ly hôn thì ông sẽ buồn tủi, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe. Việc bà Ngh. muốn ly hôn thì đến khi nào cha vợ mất, ông sẽ đồng ý...

Ly hôn là quyền nhân thân

Xử sơ thẩm mới đây, TAND huyện Chợ Lách đã chấp nhận yêu cầu ly hôn của bà Ngh. với ông T. bởi theo HĐXX, các lý do mà ông T. đưa ra để không đồng ý ly hôn là không phù hợp.

Thứ nhất, con gái của hai ông bà nay đã thành niên (22 tuổi), có đầy đủ khả năng nhận thức, điều khiển hành vi để lựa chọn cách cư xử phù hợp với hoàn cảnh thực tế.

Thứ hai, quyền ly hôn là quyền về nhân thân của mỗi người. Vì vậy giữa ông bà phải dựa trên điều kiện, hoàn cảnh, tình trạng hôn nhân để quyết định có nên ly hôn hay không. Và thực tế, chính ông T. cũng thừa nhận đã không còn tình cảm vợ chồng với bà Ngh. Hai người đều đã ly thân, có người khác thì việc duy trì quan hệ hôn nhân không có ý nghĩa gì nữa bởi mục đích của hôn nhân không đạt được.

HĐXX cũng nhận xét việc ông T. không đồng ý ly hôn vì thương con, nặng ân nghĩa với cha vợ là có nghĩa, có tình nhưng đó lại là một lẽ khác, không thể dựa vào đó để quyết định hôn nhân của ông bà được.

Tình nghĩa vợ chồng

Vợ chồng chung thủy, thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững.

(Theo Điều 18 Luật Hôn nhân và Gia đình)

Căn cứ cho ly hôn

Tòa án xem xét yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì tòa án quyết định cho ly hôn.

(Theo khoản 1 Điều 89 Luật Hôn nhân và Gia đình)

(Theo PLO)