Dăm ba người đàn bà thường đến nhà chúng tôi chơi với bố, khi tôi còn nhỏ. Trong những buổi chiều cuối tuần, hay khi bố được nghỉ phép, nghỉ lễ, họ kéo đến nhà cả hội dăm bảy người, đủ đàn ông đàn bà.
Họ dựng xe đầy trước sân rồi kéo nhau ra nhà sau, nơi mẹ tôi đã bày sẵn một bàn nhậu nhỏ, rồi cười nói ầm cả lên. Tôi vẫn nhớ những người đàn bà đó: trang điểm đậm và ăn mặc thật “mốt”, sực nức mùi nước hoa. Họ là dân buôn, họ chơi với bố tôi vì nể nang, vì hâm mộ bố thật sự.
Tôi vẫn nhớ mẹ luôn đứng ngoài cuộc, hoặc đứng từ xa nhìn những cuộc vui đó. Chưa bao giờ mẹ tôi ngồi cùng bàn nhậu với bố và những người bạn của bố. Dễ hiểu thôi, mẹ có biết nhậu đâu. Mẹ cũng chẳng có chuyện gì để nói với họ. Nhưng cái cách mẹ tận tâm chuẩn bị các món nhậu và sai tôi đủ thứ việc làm tôi khó chịu đến bức bối. Tôi khó chịu cả với mẹ - người luôn nhẹ nhàng đi lên nhà trên để trông coi gian hàng tạp hóa sau khi đã nói cái câu tôi thuộc: “Mọi người ăn tự nhiên. Chị vào nhà làm chút việc!”. Tôi luôn chạy theo sau, hỏi: “Người đàn bà đó là ai, mẹ?”. Mẹ trả lời mông lung: “Bạn bố chứ ai!”.
Có lần, bố đi chơi vài ngày với một người đàn bà nào đó. Đó là lần duy nhất tôi phát hiện mẹ khóc. Mẹ khóc qua điện thoại, không biết ở đầu dây bên kia, bố có nhận ra. Lần ấy bố tôi mê muội thật, chứ không còn bông phèng như mọi lần. Mẹ biết vậy, nên mẹ buồn lắm. Vậy mà, khi bố “đi nghỉ phép” về, bước xuống xe cùng một người đàn bà, và tôi lại hỏi “người đó là ai?”, mẹ cũng chỉ đáp “bạn bố!”.
Rõ ràng, những người đàn bà khác đã can thiệp sâu sắc vào cuộc sống của mẹ tôi, theo cách này hay cách khác, nhưng mẹ luôn bình thản gọi chung họ là “bạn bố”. Tôi vẫn nghĩ, sức hút của bố đến từ hai nguyên do. Trước hết là từ vẻ nam tính, phong độ; người đàn ông làm việc thì hét ra lửa, mà đối với bạn bè thì cởi mở, hào phóng; nhưng quan trọng hơn, là từ sự không thỏa mãn dường như toát ra trong mọi việc bố làm. Nhập ngũ rồi về quê cưới vợ theo lệnh của ông bà nội, bố tôi hoàn toàn… bất mãn với cuộc hôn nhân sắp đặt. Mẹ tôi là cô gái làng bên, tuy thảo người đẹp nết nhưng là người bố tôi chưa gặp lần nào, chưa kịp yêu thương đã phải gọi là vợ. Sau này bố kể, ngày đưa mẹ vào Nam, bố chưa hề coi là mình đã có gia đình. Có lẽ mẹ cảm nhận được tâm trạng ấy, nên mẹ đã chịu đựng một cách khó hiểu những cơn ham vui của bố, đã bình tĩnh đón nhận bao sóng ngầm do những người đàn bà khác khua lên trong đời sống của mình.
Tôi hiểu rằng khi bố ra khỏi ngôi nhà có mẹ, ra khỏi cái trục cuộc sống mà mẹ là trung tâm, thì bố chợt nhận ra sự chông chênh thật sự trong mình. Bấy lâu nay, những cuộc vui của bố đã được duy trì không phải nhờ “những người đàn bà đó”, mà nhờ mẹ đã âm thầm chuẩn bị cho bố và để yên cho bố vui chơi.
Lần gần đây nhất gặp bố, là khi bố tôi lên thành phố khám bệnh. Bố tôi đã nghỉ hưu và gặp vấn đề lớn về tim. Tôi đã ở hẳn thành phố để lập nghiệp. Buổi tối trong bệnh viện, tôi bắt gặp bố đang nói chuyện qua điện thoại với mẹ, rồi thu âm cuộc gọi, và hí hửng bật nghe lại. Mọi người đàn bà - bạn bố cũng đã xa thật xa, chỉ còn thật gần ngay cạnh bố lúc này là những lời nhẹ nhàng mẹ nói…
Bỗng dưng tôi nghĩ, ngày đó, biết đâu bố đã nghe tiếng khóc của mẹ qua điện thoại. Một thứ tiếng nhẹ như hơi thở.
(Theo Phunuonline)