Ai cũng bảo chị may mắn có mẹ chồng hiểu chuyện và thông cảm cho con dâu. Nhưng chỉ có chị mới biết rằng, chẳng ở đâu may mắn rơi vào đầu mỗi người, đều do cách suy nghĩ ứng xử mà nên cả.

Ngày chị lấy chồng, bố mẹ chị thở phào vì quăng được quả bom nổ chậm cao mét sáu và nặng 47 kg, nhưng các cụ lại lo không kém khi cô con gái ở nhà vốn rất đoảng lại về làm dâu bà mẹ chồng là giáo viên về hưu lại sống một mình với con trai. Mỗi ngày trôi qua, bố mẹ chị thấp thỏm lo sợ mẹ chồng con dâu có mâu thuẫn gì thì nhà chị lại muối mặt. Vì thế, mỗi lần gọi điện thoại hỏi thăm con gái, mẹ chị lại thẽ thọt: “Con liệu đường mà ứng xử, đây không phải là nhà mình đâu….”.

Ban đầu chị vô tư, cứ nghĩ rằng mẹ nào cũng là mẹ, chỉ cần mình thương mẹ chồng như mẹ mình là được rồi, nhưng mọi việc không đơn giản vậy. Bởi mẹ đẻ con gái đôi lúc còn có mâu thuẫn với nhau huống hồ đây lại là mẹ chồng con dâu. Mẹ chồng chị vốn nổi tiếng là người nghiêm khắc và kỹ tính, trước đây hồi còn đi dạy học sinh mà vào lớp bà thì cứ gọi là “số đen tận mạng”, bà rèn cho tới nơi tới chốn. Nhiều học sinh đến khi trưởng thành mà vẫn còn ám ảnh mỗi khi nghĩ lại việc đã được cô giáo cũ rèn rũa thế nào. Mới về làm dâu, chị bị ức chế vì làm gì đi đâu cũng bị bà soi, từ việc rửa rau cho đến úp cái bát hay phơi cái quần áo. Chị bực mình lắm, vì chị cũng không phải là người không biết thu vén nhà cửa hay không nấu nướng được. Nhưng rửa rau bà chê nát, úp bát bà chê không có trật tự, phơi quần áo bà chê nhăn nhúm, quét nhà bà chê bẩn… tóm lại ít khi chị làm cái gì mà bà hài lòng mà cứ mỗi lần làm bà lại làm lại. Chị thấy mình như bị coi thường thái quá.

{keywords}
Dần dần chị làm theo bà và thấy bà ít theo dõi cũng như ít phàn nàn về chị nữa (Ảnh minh họa).

Chị tức tưởi khóc với chồng, chồng chị chẳng biết làm sao ngoài an ủi chị, vì từ xưa đến nay anh cũng ít đụng chạm vào việc nhà. Sau mấy đêm liền suy nghĩ, chị quyết định thay đổi. Chị cho rằng nếu mình cứ bị ức chế và bực bội như thế này thì chẳng phải cả đời chị sẽ sống thế sao. Nói là làm, chị hỏi bà về cách rửa rau thế nào cho đúng, rồi nhờ bà hướng dẫn úp bát ra sao cho hài lòng bà, thậm chí phơi quần áo phải biết giũ sạch sẽ trước khi phơi để bớt công là ủi. Dần dần chị làm theo bà và thấy bà ít theo dõi cũng như ít phàn nàn về chị nữa.

Nhưng mọi việc vẫn chưa yên ổn. Bởi bà quý con trai như ngọc, bà chẳng bao giờ cho chồng chị đụng chạm vào bất cứ việc gì trong gia đình. Mỗi lần chị nhờ chồng chị cắm hộ nồi cơm hay phơi quần áo là bà liếc xéo tỏ thái độ khó chịu và bắt anh để việc đó cho bà làm. Đương nhiên là bà nói đến thế thì làm sao chị dám để bà làm được, vậy là cứ đi làm về mình chị quay cuồng với cơm nước và dọn dẹp còn anh chỉ ngồi chơi xem ti vi rồi đi ngủ.

Thế rồi mẹ chồng chị ốm phải nằm viện, tất nhiên là chị phải nghỉ làm để ngày đêm ở trong viện chăm sóc mẹ chồng. Chị và mẹ chị vắng nhà rồi thì chẳng ai nấu nướng dọn dẹp cho chồng chị ăn nữa, đương nhiên là anh phải ăn ở ngoài, kết cục là bị đau bụng đi ngoài mất hơn một ngày và phải truyền nước. Hôm chị đưa mẹ ra viện, về nhà nhìn nhà cửa tanh bành, bát đũa trong chậu mốc lên, quần áo bốc mùi, túi rác cả tuần không đổ ruồi nhặng bu kín. Lấy cơ hội đó, chị khẽ khàng bàn bạc với mẹ chồng tầm quan trọng của việc đưa người đàn ông vào bếp. Sau vụ việc đó, bà chấp nhận để chị “dạy chồng” cơm nước và dọn dẹp nhà cửa mà không khó chịu nữa. Chị đã thành công.

{keywords}
Chị và bà còn quý nhau hơn mẹ đẻ con ruột (Ảnh minh họa).

Dù rằng suy nghĩ của hai thế hệ rất khác nhau, nhưng dù đi đâu làm gì chị cũng luôn hỏi ý kiến mẹ chồng, tất nhiên chị luôn nói thêm một câu: “Con muốn hỏi mẹ trước, con sẽ cân nhắc mẹ nhé”. Mẹ chồng chị chẳng biết chị có áp dụng thật không nhưng luôn thấy hài lòng vì con dâu lúc nào cũng tôn trọng mình.

Trước đây bà còn có thói quen nữa là hay kể xấu con dâu với hàng xóm. Rất nhiều lần đi chợ chị bị hàng xóm túm lại hỏi han, chị biết rằng có thanh minh đi nữa thì họ lại có thể kể xấu chị cho mẹ chồng chị biết. Lời nói qua miệng người khác sẽ biến hóa đi nhiều nên đáp lại sự tò mò của họ, chị chỉ mỉm cười và nói: “Chắc cô nghe ở đâu chứ mẹ cháu không bao giờ nói cháu vậy đâu” rồi chị đi chợ luôn. Đương nhiên là mẹ chồng chị biết chuyện này, bà thấy xấu hổ vì bà cố tình nói xấu con dâu nhưng chị chẳng bao giờ kể lể bất cứ điều gì về mẹ chồng. Từ đó, những câu chuyện về chị cũng chấm dứt hẳn.

Đến nay, cuộc sống của chị đã trôi qua 15 năm, mẹ chồng chị đã già, nhưng chị và bà còn quý nhau hơn mẹ đẻ con ruột. Bố mẹ chị thở phào, không ngờ đứa con gái mà ông bà hết sức lo lắng lại có thể hòa hợp được với gia đình họ như vậy. Ai ai cũng bảo làm sao chị có thể hòa hợp với bà mẹ chồng như vậy. Chị chỉ dịu dàng: “Khi không thay đổi được hoàn cảnh, hãy thay đổi suy nghĩ và hành động của mình, lúc đó mọi thứ sẽ khác”.

(Theo Afamily.vn)