Trong 2 giờ trao đổi trực tuyến với bạn đọc, các chuyên gia đã giải đáp nhiều
thắc mắc liên quan đến quyền lợi của người bệnh khi tham gia BHYT theo luật BHYT
sửa đổi.
BHYT là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, 1 trong những trụ cột an sinh xã
hội quan trọng nhất. Hiện đã có hơn 67 triệu người Việt Nam tham gia BHYT và
Chính phủ cũng như Bộ Y tế cũng đã đặt ra lộ trình BHYT toàn dân (100% dân số
tham gia BHYT) vào năm 2020.
Tại Kỳ họp thứ 7, QH khóa XIII, ngày 13/6/2014, các ĐBQH thông qua Luật Sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế (Luật sửa đổi) với 82,73% đại biểu
tán thành. Nhiều nội dung của luật được sửa đổi, bổ sung, trong đó có những nội
dung có tính đột phá mạnh mẽ để khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật BHYT
cũ, tạo cơ chế pháp lý để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.
Luật sửa đổi có một số điểm mới, và với những điểm mới này, quyền lợi của người
tham gia BHYT đã được quan tâm nhiều hơn.
Luật sửa đổi có nhiều điểm đột phá có lợi cho người bệnh như: Mở thông tuyến
(đang là vấn đề nhức nhối), miễn phí khám chữa bệnh 100% nếu tham gia đóng BHYT
liên tục 5 năm; Tham gia BHYT là bắt buộc; Khuyến khích tham gia theo hộ gia
đình; Tăng quyền lợi và mức hưởng; ...
Tuy có nhiều quy định mới như vậy nhưng người dân vẫn còn đặt ra nhiều băn khoăn
về cách thức triển khai thực hiện làm sao cho hiệu quả, thuận lợi, tránh rườm rà
làm mất đi tính hấp dẫn của BHYT.
Luật sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2015 và tác động sâu rộng tới quyền lợi thiết
thân của gần 70 triệu người đang tham gia BHYT, cũng có thể khiến loại hình bảo
hiểm này trở nên hấp dẫn hơn đối với các đối tượng còn chưa tham gia.
Các khách mời tham gia giao lưu tại tòa soạn Báo VietNamNet. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Để giải đáp thắc mắc của bạn đọc liên quan quyền lợi của mình khi tham gia BHYT
theo luật mớibáo VietNamNet tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề Nhiều
quy định có lợi cho người bệnh trong Luật BHYT sửa đổi với sự tham gia của các
khách mời:
1. Ông Hà Văn Thúy, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế)
2. Ông Nguyễn Phúc Khoát, Phó trưởng phòng chế độ BHYT (Ban Thực hiện chính sách
BHYT - BHXH Việt Nam).
3. Ông Lê Văn Quân, Phó Giám đốc bệnh viện K
NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU
Thông tuyến không hạn chế quyền lợi người bệnh
Nguyễn Đức Thọ , Nam - 61 Tuổi
Xin cho hỏi Thông tuyến trong bảo hiểm y tế cụ thể là thế nào?
Ông Hà Văn Thúy: Đây là quy định hết sức quan trọng tạo điều kiện thuận lợi nhất
cho người tham gia BHYT được tiếp cận các dịch vụ y tế tại các cơ sở khám bệnh,
chữa bệnh. Việc thông tuyến khám chữa bệnh trong BHYT được quy định cụ thể như
sau:
- Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, người tham gia bảo hiểm y tế đăng ký KCB BHYT tại 01 cơ sở nhưng được khám, chữa bệnh tại các cơ sở KCB tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh.
- Từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí điều trị nội trú khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước.
- Từ ngày 01 tháng 01 năm 2015, Người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện KT - XH khó khăn, đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo tự đi KCB không đúng tuyến được thanh toán chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương.
Toàn cảnh buổi giao lưu. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Đỗ Trần Quốc Duy , Nam - 37 Tuổi
Luật BHYT của ta còn quy định người dân phải tham gia KCB theo tuyến. Tôi
muốn hỏi tại sao phải theo tuyến như thế? Luật KCB cho phép người dân có quyền
tiếp cận nơi họ muốn đăng kí KCB. Giờ bắt họ khám theo tuyến vậy có phải hạn chế
quyền lợi của dân và tạo ra đủ thứ khổ ải như “giấy chuyển viện” không?
Ông Hà Văn Thúy: Việc phân tuyến chuyên môn kỹ thuật trong KCB là cần
thiết. Ngày 11/12/2013 Bộ Y tế ban hành Thông tư số 43/2013/TT-BYT về Quy định
chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa
bệnh. Thông tư này quy định tuyến chuyên môn kỹ thuật, danh mục kỹ thuật, phân
tuyến chuyên môn kỹ thuật và thẩm quyền phê duyệt danh mục kỹ thuật đối với hệ
thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, Thông tư được áp dụng đối với cơ sở
khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân trong toàn quốc, trừ cơ sở khám
bệnh, chữa bệnh do Bộ Quốc phòng quản lý.
Khi người bệnh đang điều trị tại cơ sở YT mà vượt quá khả năng điều trị của cơ
sở thì cơ sở có trách nhiệm chuyển người bệnh đến cơ sở tuyến khác, đảm bảo giải
quyết kịp thời cho người bệnh. Như vậy, việc phân tuyến không hạn chế quyền lợi
của dân.
Trên thực tế, một kỹ thuật có thể được thực hiện tại nhiều chuyên khoa, chuyên
ngành, nhưng theo danh mục kỹ thuật của Thông tư thì các kỹ thuật chuyên môn
được phân loại và sắp xếp ở các chuyên khoa, chuyên ngành phù hợp nhất để thuận
lợi cho việc áp dụng thực hiện và tra cứu, cùng với đó là thể hiện mặt bằng kỹ
thuật y tế về chuyên môn kỹ thuật ở mỗi tuyến, cụ thể là các tuyến khác nhau sẽ
có các kỹ thuật giống và khác nhau.
Theo quy định, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở nhóm nào sẽ phải thực hiện được
đa số kỹ thuật chuyên môn kỹ thuật theo nhóm tương ứng đó. Đồng thời cũng khuyến
khích cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phát triển năng lực chuyên môn kỹ thuật, thực
hiện các kỹ thuật của tuyến trên và hạn chế thực hiện các kỹ thuật mà cơ sở khám
bệnh, chữa bệnh tuyến dưới đã thực hiện được.
Lan Vân , Nữ - 43 Tuổi
Nhà tôi ở ngay rìa ngoại thành Hà Nội, BS huyện rất kém, Trạm y tế thì
khỏi nói, nhưng nếu muốn ra BV trung ương ở Hà Nội khám bệnh chỉ có vượt tuyến
vì BS không cho đi. Sao thẻ BHYT lại phiền phức vậy?
Ông Hà Văn Thúy: Việc KCB và chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật luôn được
thực hiện theo quy chế chuyên môn, cụ thể: Bác sĩ phải thăm khám trực tiếp cho
người bệnh trước khi kê đơn hoặc lựa chọn hình thức điều trị cho phù hợp, nếu
vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở KCB thì phải chuyển người bệnh đến cơ sở
KCB khác đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Đây là quy định cho tất cả đối tượng KCB,
kể cả người bệnh không có thẻ BHYT. Đồng thời, quy định nhằm giảm tải cho các cơ
sở tuyến trên và bớt tốn kém cho người bệnh.
Ông Hà Văn Thúy đang giải đáp những thắc mắc của bạn đọc |
Hồng Thu, Nữ - 36 Tuổi
Tôi sinh sống ở Hà Nội, hộ khẩu ở quê. Vậy tôi muốn đăng kí KCB ban đầu ở bất kì
BV nào ở Hà Nội có được không?
Ông Nguyễn Phúc Khoát:
Nếu Bạn đang sinh sống tại Hà Nội nhưng hộ khẩu ở quê thì
theo qui định về hướng dẫn đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu, Bạn cần đang ký
tạm trú, tạm vắng, báo cơ quan BHXH tỉnh nơi quản lý, phát hành thẻ BHYT cho
Bạn. Căn cứ danh sách các cơ sở y tế tuyến tương đương, đủ điều kiện tiếp nhận
đăng ký KCB ban đầu, thực hiện việc đăng ký KCB ban đầu cho Bạn, đồng thời thông
báo cho BHXH Hà Nội.
Trần Anh , Nam - 62 Tuổi
Tôi là cán bộ về hưu ở Nam Định. Tôi khám và điều trị cao huyết áp ở BV
Bạch mai thì có cần phải thủ tục chuyển viện không? Điều trị theo phác đồ ở Bạch
mai có đỡ, không được điều trị tiếp mà phải về BV Nam định thì xử lý sao?
Ông Nguyễn Phúc Khoát: Theo quy định trường hợp người bệnh bị
mắc các bệnh mà vượt quá khả năng điều trị của tuyến chuyên môn kỹ thuật thì cơ
sở y tế đó có trách nhiệm chuyển bệnh nhân lên tuyến cao hơn.
Do vậy, trường hợp của bác nếu đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Nam Định, nếu
bệnh vượt quá khả năng, phải chuyển lên bệnh viện Bạch Mai điều trị thì phải có
thủ tục chuyển tuyến.
Phan Long , Nam - 35 Tuổi
Những bệnh nhân khi đi nước ngoài khám chữa bệnh sẽ được hưởng BHYT như
thế nào?
Ông Nguyễn Phúc Khoát: Thực tế thực hiện cho thấy có nhiều
trường hợp ra nước ngoài điều trị nhưng không có kết quả lại trở lại điều trị
tại cơ sở trong nước. Tình trạng người dân một số tỉnh biên giới phía Bắc sang
Trung Quốc chữa trị rất khó kiểm soát, nhất là chữa trị tại các cơ sở đông y.
Một số trường hợp có chi phí rất lớn nhưng chỉ được thanh toán lại một phần rất
nhỏ, thủ tục phức tạp mà lại chỉ được thanh toán một phần rất nhỏ, gây hiểu lầm
về chính sách.
Do đó Luật sửa đổi lần này quy định chỉ thanh toán khi khám chữa bệnh tại các cơ
sở trong nước cho phù hợp với mức đóng và mức thanh toán theo quy định về giá
dịch vụ y tế của Việt Nam hiện nay.
Ông Nguyễn Phúc Khoát đang trả lời trực tuyến |
Minh Thắng , Nam - 33 Tuổi
Bố tôi điều trị ung thư ở Viện K Hà Nội. Đã gần hết năm mà BS đòi gia đình về
quê xin giấy chuyển viện (trong khi trước đó đã xin giấy 1 lần rồi). Đang điều
trị tại sao lại bắt về xin lại giấy chuyển viện? Xin các bác giải thích giúp.
Ông Lê Văn Quân: Vì theo quy định của Bộ y tế (thông tư
37/2014/TT-BYT ngày 17/11/2014) thì giấy chuyển viện đối với người có thẻ BHYT
mắc các bệnh, nhóm bệnh cần chữa trị dài ngày thì giấy chuyển tuyến có giá trị
sử dụng đến hết năm dương lịch (31/12 của năm đó). Tuy nhiên trường hợp đến ngày
31/12 của năm đó, người bệnh vẫn đang điều trị nội trú tại cơ sở khám chữa bệnh
thì giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng hết đợt điều trị nội trú đó. Hết đợt
điều trị nội trú đó, người bệnh ra viện và trong năm tiếp theo người bệnh phải
lấy giấy chuyển viện mới.
Văn Giá , Nam - 67 Tuổi
Nhiều người cho rằng khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT vẫn nhiều thủ tục hành
chính nên người dẫn vẫn ngại dùng thẻ BHYT mỗi khi đi khám bệnh? Quan điểm của
chuyên gia về vấn đề này?
Ông Nguyễn Phúc Khoát:
Theo tôi, thủ tục đi khám chữa bệnh BHYT đã
được quy định trong Luật BHYT, một số ít các trường hợp muốn thụ hưởng những
quyền lợi cao hơn, muốn tránh những thủ tục hành chính đáng lẽ phải thực hiện
theo quy định nên chưa muốn sử dụng thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh. Do vậy, vấn
đề này cần phải được khắc phục bằng cả sự đồng lòng của người tham gia BHYT, của
cơ sở khám chữa bệnh và tổ chức BHXH.
tran binh gam , Nữ - 34 Tuổi
Theo luật bảo hiểm y tế mới, khi điều trị nội trú trái tuyến được hướng
tối thiểu 60%. Vậy nếu mẹ tôi nhập cấp cứu vào bệnh viện nhân dân gia đình nhưng
mẹ tôi chỉ có bảo hiểm ở bệnh viện quận Bình Thạnh, mẹ tôi có được hưởng 80% bảo
hiểm tự nguyện như từ trước tới giờ mẹ tôi vẫn được hưởng không, hay là chỉ 60%
trái tuyến. Xin cảm ơn
Ông Nguyễn Phúc Khoát: Theo quy định của Luật BHYT thì bệnh nhân phải vào
viện trong trường hợp cấp cứu thì được hưởng chế độ BHYT như trong trường hợp
đúng tuyến.
Bích Trang, Nữ - 33 tuổi
Tôi tham gia BHYT bắt buộc đây mà có mấy khi dùng đến thẻ??? Lần nào chẳng may
phải đi viện tôi đều bỏ tiền túi ra, BV đông kinh khủng, thủ tục thì rườm rà quá
các bác ạ. Xin hỏi có cách nào và bao giờ chúng tôi bớt khổ với thủ tục BHYT
đây?
Ông Nguyễn Phúc Khoát: Theo tôi mọi người cần có một cái nhìn khách quan, đầy đủ
hơn về vấn đề này. Thực tế, người dân đã quan tâm nhiều hơn tới việc cần có BHYT
khi đi khám chữa bệnh vì thực sự BHYT giúp họ tránh được những rủi ro về mặt tài
chính khi đi khám chữa bệnh. Nhiều người đã được quỹ BHYT chi trả hàng trăm
triệu đồng, tính trên toàn quốc, quỹ BHYT đã chi cho người có thẻ BHYT trên 40
nghìn tỷ đồng một năm.
Các bác sĩ cũng thường xuyên tư vấn và khuyên người bệnh của mình sử dụng thẻ
BHYT. Một số ít trường hợp muốn thụ hưởng những quyền lợi cao hơn, muốn tránh
những thủ tục hành chính đáng lẽ phải thực hiện theo quy định nên chưa muốn dùng
thẻ BHYT ngay khi đi khám chữa bệnh nhưng sau đó lại đòi hỏi cơ quan bảo hiểm
chi trả như đối với những người đúng tuyến.
Do vậy, vấn đề này cần phải được khắc phục bằng cả sự đồng lòng và phối hợp chặt
chẽ giữa cơ sở khám chữa bệnh, tổ chức bảo hiểm và người tham gia BHYT. Bên cạnh
đó các nhà hoạch định chính sách cũng đang khẩn trương xúc tiến xây dựng loại
hình BHYT bổ sung để đáp ứng nhu cầu điều trị và thụ hưởng những dịch vụ y tế
cao hơn cho một số đối tượng có thu nhập cao trong xã hội đồng thời xây dựng gói
dịch vụ cơ bản để đảm bảo tính công bằng trong cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh
BHYT.
Vũ Nam , Nam - 26 Tuổi
Tôi muốn hỏi quy trình khám chữa bệnh BHYT ở BV hiện nay? Tôi có người
nhà đi khám ở BV K mà thủ tục vô cùng phức tạp, không có ai hướng dẫn cả, không
biết bắt đầu từ đâu. Do bệnh viện đông quá nên chờ rất mệt mỏi. Có cách nào giảm
khổ cho người dân không?
Ông Lê Văn Quân: Quy trình khám chữa bệnh cho người có BHYT ở viện K thực
hiện theo quy định. Trước đây, cơ sở ở Quán Sứ mặt bằng còn chật hẹp, người bệnh
quá đông gây quá tải, có thể người bệnh hiểu nhầm hoặc khó khăn trong khám bệnh
dù BV đã có các hướng dẫn, quy định cụ thể, chi tiết.
Hiện nay viện K đã triển khai 3 cơ sở trong đó cơ sở mới 1000 giường ở Tân Triều
(địa chỉ: số 30 đường Cầu Bươu - Thanh Trì - Hà Nội), rộng rãi khang trang hơn,
thuận lợi cho người đi khám. Tại 3 cơ sở BV đều công khai các bản hướng dẫn về
quy trình tại các địa điểm bệnh nhân dễ quan sát. Ngoài ra BV còn có bộ phận
thường trực, có bàn hướng dẫn bệnh nhân khi khám bệnh.
Hiện nay việc đi khám BHYT rất thuận lợi: BV áp dụng áp dụng quy trình 5 bước
trong việc đón tiếp khám chữa bệnh cho người bệnh. Cụ thể là: 1.Đón tiếp, kiểm
tra thẻ BHYT, vào mã bệnh nhân, phát số khám bệnh, 2. Bệnh nhân đi khám bệnh
được vào các buồng khám bệnh. 3. Tùy mức độ bệnh tật, người bệnh được chỉ định
làm các xét nghiệm cận lâm sàng. 4, Khi có các kết quả xét nghiệm cận lâm sàng,
bệnh nhân về buồng khám để được bác sĩ kết luận, chẩn đoán bệnh, kê đơn thuốc
(nếu có)/ hoặc cho nhập viện. 5. Bệnh nhân đi thanh toán chi phí khám bệnh/hoặc
vào điều trị nội trú.
Ông Lê Văn Quân giải đáp những thắc mắc về bệnh viện K |
Thanh Thảo , Nữ - 36 Tuổi
BV K có 3 cơ sở, tôi muốn hỏi cả 3 cơ sở này đều khám BHYT hay như thế
nào? Đợt trước khám ở cơ sở Quán Sứ, tôi phải đóng thêm 200 ngàn tiền chụp CT và
được giải thích là tiền “chênh”. Còn ở cơ sở Tân Triều lại không phải đóng gì.
Sao 1 bệnh viện lại mấy chế độ vậy thưa BS?
Ông Lê Văn Quân: Để thuận lợi cho người bệnh, hiện tại 3 cơ sở của bệnh
viện K đều có thực hiện khám chữa bệnh BHYT nhằm giảm tải đối với khám chữa bệnh
ung bướu, tuy nhiên trong thời gian tới bệnh viện đang sắp xếp và quy hoạch lại
công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở này. Tại cơ sở Quán Sứ không được nhà nước
đầu tư máy chụp CT. Hệ thống máy chụp CT ở đây được liên doanh liên kết xã hội
hóa theo đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, mức thu bao gồm cả các chi phí
khấu hao máy để trả nhà cung cấp thiết bị nên giá thu cao hơn 200.000 đồng so
với mức của BHYT thanh toán. Trước khi chụp người bệnh cũng đã được giải thích
kỹ việc này và tự nguyện thực hiện.
Còn tại ở cơ sở Tân Triều, các máy CT được nhà nước đầu tư nên giá thu theo đúng
quy định của Bộ y tế.
Mạnh Cường, Nam
- 44 tuổi
Thời gian qua có nhiều vụ việc cho thấy chuyện quản lý, điều hành liên quan đến
BHYT còn nhiều vấn đề. Tôi nghĩ muốn cho chính sách này trơn tru thì cần xem lại
cả hệ thống bộ máy quản lý, vận hành BHYT nữa, chứ chính giám định viên còn
thông đồng với BS, BV thì làm sao mà nói được ai nữa? Chỉ chết bệnh nhân.
Ông Nguyễn Phúc Khoát: Hiện có trên 2000 cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên và
trên 9.000 cơ sở y tế tuyến xã tham gia khám, chữa bệnh BHYT, trong năm 2013 có
trên 131 triệu lượt người có thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh. Trong khi đó đội ngũ
giám định viên trên toàn quốc chỉ có khoảng 2000 người do vậy chưa thể giám định
được toàn bộ hồ sơ thanh toán. Công tác kiểm tra, giám sát vẫn còn những hạn
chế, chưa được thực hiện thường xuyên, tình trạng lạm dụng quỹ BHYT vẫn xảy ra
tại một số cơ sở KCB. Trong thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường công tác
giám định BHYT, nâng cao trách nhiệm của cơ sở KCB trong quản lý, sử dụng quỹ
BHYT, giáo dục nâng cao ý thức, thái độ phục vụ của nhân viên y tế, xử lý nghiêm
các hành vi vi phạm, ngành y tế và BHXH đang tích cực đẩy mạnh ứng dụng công
nghệ thông tin trong quản lý, thay đổi phương pháp giám định, phương thức thanh
toán BHYT để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác KCB BHYT.
Tiết kiệm chi phí khi mua BHYT theo hộ gia đình
Thu Mai, Nữ - 32 Tuổi
Tôi muốn hỏi BYT khuyến khích tham gia BHYT theo hộ gia đình. Nếu tham gia theo
hộ gia đình thì quyền lợi thế nào? Có quy định cụ thể gia đình bao nhiêu người
không? 2 người (là vợ chồng) cũng là gia đình mà gia đình 4-5 thế hệ đến 10
người cũng tính là 1 gia đình.
Ông Nguyễn Phúc Khoát: Qui định tham gia BHYT theo hộ gia đình là bao gồm toàn
bộ người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú cùng tham gia mua thẻ BHYT,
không giới hạn số lượng người miễn là cùng hộ khẩu hoặc đang ký tạm trú;
Khi khi tất cả thành viên thuộc hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế thì mức đóng
được giảm dần từ thành viên thứ hai trở đi, cụ thể như sau:
- Người thứ nhất đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở;
- Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của
người thứ nhất;
- Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Vũ Ngọc , Nam - 35 Tuổi
Tôi muốn hỏi BYT khuyến khích tham gia BHYT theo hộ gia đình. Nếu tham
gia theo hộ gia đình thì quyền lợi thế nào? Có quy định cụ thể gia đình bao
nhiêu người không? 2 người (là vợ chồng) cũng là gia đình mà gia đình 4-5 thế hệ
đến 10 người cũng tính là 1 gia đình.
Ông Hà Văn Thúy: Theo quy định của Luật BHYT, hộ gia đình tham gia
BHYT bao gồm toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú (trừ những
người đã tham gia BHYT khác). Nếu tham gia theo hộ gia đinh thì sẽ được giảm mức
đóng từ thành viên thứ hai trở đi. Cụ thể như sau:
+ Người thứ nhất đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở;
+ Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của
người thứ nhất;
+ Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Đào Hùng, Nam - 58 tuổi
Tôi thấy có quy định Bắt buộc tham gia BHYT, vậy con tôi đi học ở nước ngoài có
Bắt buộc phải mua BHYT trong nước không?
Ông Nguyễn Phúc Khoát: Tham gia BHYT bắt buộc theo hộ gia đình là toàn bộ người
có tên trong cùng hộ khẩu và đăng ký tạm trú phài tham gia, tuy nhiên nếu con
bạn đã đi học ở nước ngoài, thuộc đối tượng đăng ký tạm vắng, không bắt buộc
phải mua thẻ BHYT.
Trần Minh Thư , Nữ - 42 Tuổi
Tôi thấy báo chí nói luật BHYT quy định tham gia BHYT là bắt buộc. Tôi muốn hỏi
tại sao là bắt buộc? Bởi vì hiện nay ngoài BHYT của Nhà nước thì cũng có rất
nhiều loại hình BHYT tư nhân phát triển và những loại BHYT này cũng mang lại
quyền lợi lớn cho người dân, được khám ở nơi tốt, phục vụ chu đáo tận tình. Vậy
có nên Bắt buộc không? Xin cảm ơn các khách mời
Ông Hà Văn Thúy: Luật BHYT hiện hành đang quy định các đối tượng có “trách
nhiệm” tham gia BHYT nhưng trên thực tế việc tuân thủ pháp luật của các đối
tượng này chưa cao. Để thực hiện được mục tiêu này thì cần phải quy định bắt
buộc tham gia đối với tất cả các đối tượng, Nhà nước đã sử dụng cơ chế hỗ trợ
ngân sách trực tiếp cho một bộ phận người dân tham gia BHYT để thúc đẩy tham gia
BHYT xã hội bắt buộc.
Nếu không quy định bắt buộc thì sẽ có nhiều nhóm đối tượng, nhất là các đối
tượng khỏe mạnh, có thu nhập cao sẽ không tham gia và như vậy, không giải quyết
được tình trạng “lựa chọn ngược” chỉ có người ốm mới tham gia BHYT, gây nguy cơ
mất cân đối quỹ BHYT, ảnh hưởng đến tính bền vững của BHYT.
Tính pháp lý của việc bắt buộc tham gia BHYT cũng có ý nghĩa nhân văn tương tự
như quy định bắt buộc tiêm chủng với phụ nữ có thai và trẻ em dưới 6 tuổi trong
Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Kinh nghiệm của các nước đã thực hiện thành
công BHYT xã hội (Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản…) đều phải quy định bắt buộc tham
gia thì mới đạt được mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân.
Hồng Thắm, Nữ - 29 tuổi
Quỹ BHYT sẽ thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh khi người bệnh có thời gian
tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có tổng số tiền cùng chi trả trong năm
lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (khoảng gần 7 triệu đồng).
Tôi đọc thấy nội dung này trên VietNamNet. Tôi thấy rất tốt nhưng muốn hỏi: Tham
gia BHYT liên tục 5 năm có cần nhất thiết phải ở cùng 1 cơ sở KCB không?
Khoản đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ bản, là khoản đồng chi trả
trong 1 năm, hay trong cả 5 năm tham gia liên tục?
Làm sao thống kê được khoản đồng chi trả của tôi trong quãng thời gian tham gia
khám BHYT? Giờ tôi khám mỗi BV 1 lần, các bác thống kê thế nào? Hơn nữa, việc
thanh toán 100% này (nếu đủ 2 điều kiện trên) áp dụng cho chi phí nào: Khám
bệnh, chữa bệnh (ngoại trú hay nội trú)? BYT cần làm rõ những điểm này cho người
bệnh yên tâm. Cảm ơn các chuyên gia.
Ông Nguyễn Phúc Khoát: Nghị định 105/2014/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thực
hiện BHYT quy định cụ thể: khi người tham gia bảo hiểm y tế đủ 5 năm liên tục,
không phân biệt người đó tham gia theo nhóm đối tượng nào và có số tiền cùng chi
trả chi phí khám chữa bệnh từ thời điểm đủ 5 năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì
được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho đến hết năm tài
chính, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến; Người tham
gia BHYT lưu giữ hóa đơn chứng từ gửi cơ quan BHXH, sau khi xác định, BHXH sẽ
cấp giấy miễn cùng chi trả chi phí KCB cho đến hết năm
tài chính.
Thế Vinh , Nam - 40 Tuổi
Quỹ BHYT sẽ thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh khi người bệnh có thời
gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có tổng số tiền cùng chi trả trong
năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (khoảng gần 7 triệu đồng). Tôi đọc thấy nội dung
này trên VietNamNet. Tôi thấy rất tốt nhưng muốn hỏi: Tham gia BHYT liên tục 5
năm có cần nhất thiết phải ở cùng 1 cơ sở KCB không? Koản đồng chi trả trong năm
lớn hơn 6 tháng lương cơ bản, là khoản đồng chi trả trong 1 năm, hay trong cả 5
năm tham gia liên tục?
Ông Hà Văn Thúy: Theo quy định về chính sách, pháp luật BHYT việc tính
thời gian 5 năm liên tục không liên quan đến cơ sở KCB BHYT.
Khoản đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ bản là khoản tiền được
tính lũy kế trong năm tài chính (không bao gồm phần KCB trái tuyến; Không phân
biệt chi phí nội trú hay ngoại trú. Tổ chức BHXH có trách nhiệm thống kê khoản
tiền này để làm căn cứ thanh toán cho người bệnh.
Mai Thu , Nữ - 26 Tuổi
Xin các chuyên gia cho biết tiêm vắc xin phòng bệnh có được sử dụng thẻ BHYT
trong thanh toán không ạ?
Ông Hà Văn Thúy: Với mức đóng BHYT hiện nay, quỹ BHYT chỉ chi trả cho các chi
phí khám chữa bệnh, không bao gồm các chi phí YT dự phòng đã được ngân sách chi
trả. Do vậy, những dịch vụ đã được ngân sách NN đài thọ như tiêm phòng vắc - xin
sẽ không được không chi trả.
Phạm Văn Mão , Nam - 64 Tuổi
Tháng 1 năm 2015 theo luật BHYT sửa đổi thì những người hưởng lương hưu phải
chịu 4,5% mức lương hàng tháng. Chúng tôi muốn được giải thích rõ hơn về mức phí
này. Có phải tháng nào chúng tôi cũng bị trừ 4,5% tiền lương để chi cho BHYT
không?
Ông Hà Văn Thúy: Đối tượng hưu trí, mất sức lao động hàng tháng được
quỹ bảo hiểm xã hội và ngân săch nhà nước đóng BHYT, người nghỉ hưu không phải
trích tiền lương để đóng BHYT như ý kiến của anh.
Tuyết Ngọc, Nữ - 34 tuổi
Sao BHYT Nhà nước không liên kết hay học hỏi BHYT tư nhân để tăng cường hiệu quả
quản lý, giảm bớt cái khó cái khổ? BHYT tư nhân hiện đang được nhiều người tin
dùng.
Ông Nguyễn Phúc Khoát: BHYT là chính sách an sinh xã hội của Nhà nước, trong khi
đó BHYT tư nhân mang tính chất kinh doanh, do vậy công tác quản lý và hoạt động
hoàn toàn khác nhau. BHYT tư nhân hiện đang sử dụng thường chỉ tập trung cho
những người có điều kiện về kinh tế, họ có khả năng chi trả những mức phí đóng
BHYT cao hơn rất nhiều, trong khi đó, BHYT Nhà nước có mức phí thấp và hỗ trợ
rất nhiều cho các đối tượng chế độ, chính sách, người nghèo, đồng bào dân tộc
thiểu số…
Trần Sơn, Nam - 30 tuổi
Người bị bại liệt, không đi được, nhưng có thẻ BHYT, vậy thủ tục khám bệnh phải
thế nào?
Ông Nguyễn Phúc Khoát: Theo quy định, thủ tục khi đi KCB khám chữa bệnh BHYT thì
cần thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh. Nếu Bạn bị liệt được cấp thẻ BHYT diện
bảo trợ xã hội sẽ được hỗ trợ tiền chi phí vận chuyển từ tuyến huyện trở lên
trong trường hợp cấp cứu và điều trị nội trú.
Thanh Loan , Nữ - 34 Tuổi
Tôi xin hỏi các chuyên gia, sao BHYT không chi trả cho người khám hiếm
muộn? Hiếm muộn là tự nhiên, có phải người bệnh muốn vậy đâu?
Ông Hà Văn Thúy: Theo quy định, trong các trường hợp không được hưởng
BHYT có việc sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (Điều 23 sửa đổi, bổ sung của Luật
BHYT).
Nguyên nhân gây hiếm muộn rất khó xác định đồng thời chi phí cho chẩn đoán và
điều trị cũng rất lớn. Trong khi đó hiện nay quỹ BHYT chỉ đảm bảo chi trả cho
KCB, phục hồi chức năng, khám thai định kì và sinh con.
Do thời gian giao lưu có hạn, lượng câu hỏi bạn đọc gửi đến quá lớn, nên một
số thắc mắc chưa được giải đáp, VietNamNet đã chuyển các câu hỏi còn lại của quý
vị đến các khách mời.
Xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị!
VietNamNet