Trong 2 giờ giao lưu với bạn đọc VietNamNet, 4 chuyên gia khẳng định: Tất cả các loại amiang đều độc hại và đều có thể gây ung thư. Cần cảnh báo rõ nguy cơ này cho người sử dụng và cấm sản xuất tấm lợp fibroximang càng sớm càng tốt.
Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Lao động Quốc tế và Bộ Y tế đã khẳng định amiang trắng có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người và là tác nhân gây ung thư. Tuy nhiên vẫn còn những quan điểm trái chiều về vấn đề này.
Amiang là khoáng chất tồn tại trong tự nhiên, được khai thác thành sản phẩm thương mại từ hơn 100 năm nay. Có nhiều loại amiang khác nhau như amiang xanh, nâu,... trong đó amiang được sử dụng hiện nay chủ yếu là amiang trắng.
Sản phẩm amiang trắng trên thương trường, đóng bao lớn, khi làm phải nghiền nhỏ ra, thành dạng sợi trắng, đem sử dụng phối hợp với những thành phần khác để làm nên một số sản phẩm như tấm lợp nhà fibroximang (phổ biến ở Việt Nam), các thiết bị chịu ma sát như má phanh ô tô, xe máy...
Tại hội thảo khoa học ngày 10/12/2014, Bệnh viện Bộ Xây dựng đã công bố kết quả nghiên cứu đánh giá tình hình sức khỏe người lao động trực tiếp tại xưởng sản xuất tấm lợp amiang trắng ở VN. Theo đó, không có trường hợp nào mắc bụi phổi amiang, ung thư, mà mới chỉ có tổn thương màng phổi. Bên cạnh đó, có tỷ lệ khá cao công nhân trực tiếp sản xuất mắc một số bệnh viêm mũi, họng, xoang, thanh quản mãn tính. Các bệnh về mắt, dạ dày, thận... cũng xuất hiện nhưng tỷ lệ không cao.
|
Các khách mời tham gia giao lưu tại tòa soạn VietNamNet chiều 23/12/2014 |
Bộ Xây dựng và Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam cũng đã khẳng định rằng chỉ có amiang xanh và amiang nâu là độc hại với sức khỏe nên đã bị cấm sử dụng ở Việt Nam, còn amiang trắng thì không có ảnh hưởng đến sức khỏe trong điều kiện thực hiện nghiêm ngặt vệ sinh an toàn lao động. Đồng thời cho rằng, các tác động của amiang trắng đến sức khỏe con người là chưa rõ ràng và cần phải được nghiên cứu thêm.
Tuy nhiên, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khẳng định lại rằng tất cả các loại amiang, kể cả amiang trắng đều độc hại và không có ngưỡng an toàn đối với tất cả các loại amiang. Kết quả nghiên cứu ở nhiều nước cho thấy một khi đã đưa amiang vào sử dụng, thì không thể kiểm soát được tình trạng tiếp xúc với amiang.
Theo Bộ Y tế, các nghiên cứu về tác hại của amiang trắng đối với sức khỏe con người đã được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới trong hàng chục năm qua đã cho thấy đủ bằng chứng kết luận amiang trắng có tác hại đối với sức khỏe con người. Do đó, Bộ Y tế và WHO cùng với nhiều tổ chức và các nhà khoa học đang cùng khuyến cáo Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách sớm cấm sử dụng amiang trắng tại Việt Nam.
Nhà báo Phạm Anh Tuấn- Phó Tổng biên tập báo VietNamNet tặng hoa PGS.TS Nguyễn Huy Nga |
Vậy đâu là sự thật về amiang trắng? Thắc mắc này sẽ được các chuyên gia-khách mời sau đây giải đáp trong Giao lưu trực tuyến: Amiang trắng với sức khỏe, độc hay không?
- PGS.TS.BS Nguyễn Huy Nga, cục trưởng cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế;
- TS. Trần Tuấn, Nhóm Hợp tác Thúc đẩy Chính sách Y tế dựa vào Bằng chứng Khoa học;
- GS.TS Đinh Ngọc Sỹ - Chủ tịch Hội Lao và Bệnh phổi Việt Nam;
- PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Tú (Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam).
Ba bạn đọc cũng đến tòa soạn VietNamNet để cùng giao lưu về amiang, trong đó có ông Trương Quốc Bảo, một người dân sống gần khu sản xuất tấm lợp tại Phả Lại (Chí Linh, Hải Dương).
NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU
Amiang- mối nguy bệnh tật ?
Lanh Hoang , Nữ - 20 Tuổi
Tấm lợp fibroximang có nguy cơ gây ung thư đến cỡ nào? Liệu những gia đình sử
dụng vật liệu lâu năm này có bị ung thư?
PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ: Bản thân tấm lợp fibroximang không gây nguy cơ ung thư nhưng quá trình gia công, xử lý và sử dụng loại tấm lợp này sẽ phát tán bụi amiang và đây mới là thủ phạm gây nên ung thư.
Không phải tất cả những người tiếp xúc với amiang trong cùng một gia đình sẽ có những biểu hiện giống nhau vì: việc tiếp xúc với bụi Amiang của mỗi người khác nhau, nồng độ khác nhau, thời gian khác nhau và các yếu tố gây ung thư của loại bụi này tác động làm biến đổi gen gây ung thư của từng người khác nhau nên biểu hiện cũng sẽ có sự khác biệt với từng cá nhân.
Minh Thắng , Nam - 40 Tuổi
Nhiều tài liệu đề cập amiang là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư, đặc biệt
ung thư phổi hoặc trung biểu mô. Điều này có đúng tại Việt Nam không? Tại Việt
Nam có những bệnh ung thư trên không? Có phải nguyên nhân là amiang không?
PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Tú: Điều này đúng với Việt Nam. VN đã có 9 trung tâm ghi nhận ung thư và từ năm 1987 - 2012, VN đã ghi nhận được 150 trường hợp ung thư trên biểu mô. Theo các nghiên cứu trên thế giới, 80% trường hợp trên biểu mô nguyên nhân là do amiang. Bộ Y tế phối hợp với tổ chức Y tế thế giới và các Bệnh viện của Nhật Bản gửi mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân đã khẳng định 20% số mẫu này là xác nhận ung thư trung biểu mô.
Các bệnh ung thư khác như ung thư phổi, xơ hoá phổi đã có, tuy nhiên chưa có điều kiện để nghiên cứu sâu về căn nguyên vì các ung thư này đa căn nguyên. Tuy nhiên, ung thư phổi do amiang cao gấp 6 lần ung thư trung biểu mô. Hiện nay ung thư phổi ở VN ngày càng gia tăng.
Toàn cảnh buổi giao lưu |
Thu Hường , Nữ - 30 Tuổi
Hiện nay có nhiều ý kiến về tác hại của Amiang trắng vậy GLTT này có đưa
ra được câu trả lời và khẳng định được vấn đề này không?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Amiang trắng đã được Viện Nghiên Cứu Ung thư Quốc
tế khẳng định là chất gây ung thư trên cơ sở tổng hợp hàng trăm nghiên cứu trên
người và động vật. Và Tổ Chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Lao động Quốc tế
(ILO) cũng đã chính thức thừa nhận. Vì thế chúng tôi khẳng định Amiang trắng là
một trong những chất độc hại gây ung thư.
Xuân Hương , Nữ - 35 Tuổi
Quê tôi ai cũng lợp tấm lợp này, có ai biết gì đâu? Vậy muốn biết nó gây
bệnh hay không gây bệnh thì tôi phải hỏi ai?
PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ: Tác hại của Amiang tới sức khỏe con người đã được
biết rất rõ ràng. Em có thể tìm hiểu thêm thông tin trên các trang mạng khoa học
của Bộ Y tế, Cục Quản lý Môi trường Y tế và các chuyên gia y tế.
Lê An , Nam - 29 Tuổi
Nhà tôi mới lắp tấm lợp này, đọc báo thì người bảo độc, người bảo không.
Vậy những người nông dân như tôi thì biết làm sao? Bán thì tôi mua, chả ai nói
cho biết nó gây bệnh. Tôi đề nghị Đảng và Nhà nước phải cấm ngay nếu nó độc.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Chúng tôi xin khẳng định lại rằng: Amiang là một
loại chất độc, gây ung thư và các bệnh nguy hiểm khác. Amiang dễ dàng bị phơi
nhiễm ra môi trường khi bị đập, phá dỡ... Do đó, nếu như bạn đang sử dụng các vật
liệu này, bạn nên hạn chế việc phá dỡ, đập hoặc các hành động khác gây ra bụi
amiang. Và về lâu dài, bạn nên chuyển sang sử dụng các loại vật liệu khác không
chứa amiang để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga trả lời trực tuyến bạn đọc VietNamNet |
Nguyễn Thu Hà , Nữ - 20 Tuổi
Nhà em ở quê có lợp mái amiang. Nhà có trần và sơn lớp bảo vệ lên tấm
lợp. Điều này đã đủ để đảm bảo an toàn chưa? Liệu bố mẹ em có nguy cơ bị ung thư
do dùng mái lợp amiang không?
PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ: Việc lợp mái Fibro Xi măng có trần và sơn bảo vệ là
đã hạn chế được phần nào việc phát tán của bụi Amiang - tác nhân chính gây ung
thư. Tuy nhiên, trong quá trình thi công hoặc tháo dỡ, bụi Amiang sẽ dễ phát tán
trong không khí. Do vậy, không thể khẳng định là bố mẹ bạn có thể bị ung thư hay
không.
Nguyễn Minh , Nam - 50 Tuổi
Thưa các giáo sư có phải thủ phạm gây ung thư phổi là amiang? Vì ở chỗ
tôi ở khu phố Lục Đầu Giang có nhà máy sản xuất amiang có hơn 100 nhà nhưng có
tới 34 trường hợp mắc bệnh và chết vì ung thư. Xin các giáo sư cho ý kiến?
PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ: Amiang chắc chắn là một trong những yếu tố gây nên
ung thư phổi và màng phổi. Đây là kết luận của các nhà nghiên cứu ung thư quốc
tế với những bằng chứng khoa học không thể chối cãi.
Tuy nhiên đây cũng không phải là yếu tố duy nhất. Với ung thư màng phổi, 80% là
do amiang. Với ung thư phổi còn nhiều yếu tố khác như thuốc lá, khói bụi công
nghiệp,... Đối với những người nghiện thuốc lá mà không tiếp xúc với Amiang
thì tần suất xuất hiện ung thư phổi gấp 8 lần so với người không hút thuốc lá.
Với những người hút thuốc là mà có tiếp xúc với Amiang thì tần suất xuất hiện
ung thư phổi gấp đến 45 lần so với người hút thuốc lá mà không tiếp xúc với
Amiang.
Với 34 trường hợp mắc bệnh ở Lục Đầu Giang, ngoài Amiang cần xem xét các yếu tố
khác cũng có thể gây nên ung thư phổi.
Nguyễn Thu Hà , Nữ - 30 Tuổi
Em có đọc được là không có ngưỡng an toàn tiếp xúc với amiang trắng. Vậy là
nếu em hít phải một sợi amiang thì nghĩa là em sẽ bị ung thư? (nhà em ở quê có
lợp tấm lợp fibro xi măng
PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ: Đúng là không có ngưỡng an toàn khi tiếp xúc với
Amiang trắng nhưng cơ chế gây nên ung thư do Amiang không tính bằng số sợi tiếp
xúc như bạn nghĩ mà là các yếu tố gây độc với tế bào trong sợi Amiang mới là tác
nhân gây nên ung thư. Không phải là bạn hít phải một sợi là bạn sẽ bị ung thư
nhưng nếu trong nhiều năm sau đó bạn vẫn tiếp xúc thường xuyên với bụi Amiang
thì nguy cơ ung thư sẽ rất cao.
Do tác động của con người và thời gian, tấm lợp fibro xi măng tại nhà bạn sẽ bị
bào mòn và giải phóng các bụi Amiang ra môi trường và chắc chắn bạn sẽ còn tiếp
xúc nhiều. Tốt nhất nên thay thế loại tấm lợp này bằng vật liệu che chắn khác
thân thiện với sức khỏe hơn.
PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ giải đáp các thắc mắc của bạn đọc VietNamNet |
Hồng Tươi , Nữ - 31 Tuổi
Amiang gây ung thư trên người theo cơ chế như thế nào?
PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ: Nói một cách ngắn gọn rằng các yếu tố gây độc của
sợi Amiang sẽ tác động làm biến đổi các gen kiểm soát sự phát triển của tế bào
làm các tế bào đó không bị "chết theo chương trình", vì thế các tế bào phát
triển không thể kiểm soát được và trở thành các khối u ác tính trong cơ thể.
Bảo Hân , Nữ - 28 Tuổi
Bên cạnh nguy cơ gây ung thư, Amiang còn có thể gây tác hại gì tới môi
trường, kinh tế và xã hội?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Bên cạnh nguy cơ gây ung thư, Amiang cũng gây tổn
thất không nhỏ đến môi trường, kinh tế và xã hội. Về mặt Kinh tế, đơn cử hiện
nay, mỗi 1 năm, lợi ích của ngành sản xuất Amiang mang lại là 800 triệu USD,
trong khi chi phí cho điều trị và đền bù nạn nhân và xử lý môi trường lên tới
2,4 tỷ USD (gấp 3 lần). Như ở Australia, trung bình mỗi ca điều trị các bệnh do
Amiang gây ra tiêu tốn đến hơn 1 triệu USD. Ở Nhật, năm 2005, có sự kiện gọi là
"Cú sốc Kubota" do công ty Kubota (một công ty sản xuất các máy móc và thiết bị
có sử dụng Amiang) đã phải đền bù hàng trăm triệu USD cho các nạn nhân của
Amiang: người dân ở cộng đồng và công nhân trong các nhà máy của Kubota. Tổn
thất của Amiang gây ra cho cộng đồng là rất lớn.
Hoàng Oanh , Nữ - 36 Tuổi
Hiện nay, qua theo dõi định kỳ các công nhân trong nhà máy sản xuất tấm
lợp Amiang, không phát hiện được trường hợp ung thư nào. Vậy có thể hiểu là
Amiang an toàn được không?
PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ: Câu trả lời là "không"! Bởi lẽ tác hại của Amiang
tới sức khỏe con người là thầm lặng và lâu dài. Những kỹ thuật khám sức khỏe
định kỳ như hiện nay sẽ không thể phát hiện các yếu tố tiềm ẩn gây nên ung thư
do loại vật liệu này. Một khi các biện pháp khám sức khỏe định kỳ phát hiện ra
bệnh thì đó là giai đoạn quá muộn. Như vậy, không thể khẳng định rằng Amiang an
toàn ngay cả khi công nhân trong nhà máy sản xuất tấm lợp Amiang chưa phát hiện
ra ung thư.
lananhhoang ,
Nữ - 20 Tuổi
Có phải tất cả các loại amiăng đều độc hại? Loại amiăng nào có thể
được sử dụng?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Tất cả các loại amiang đều độc hại. Theo
khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới thì tất cả các loại Amiang đều có thể gây
ung thư, điển hình là Ung thư trung biểu mô (80%), ung thư màng phổi, màng bụng,
màng tim, dạ dày, thanh quản, buồng trứng... Ngoài ra Amiang gây bệnh bụi phổi
Amiang - Asbestosis (xơ hóa phổi).
Anh Lan , Nữ - 20 Tuổi
Tuy gây hại sức khỏe con người nhưng theo tôi được biết không phải ngay lập
tức Amiang gây ảnh hưởng sức khỏe, thông thường phải từ 20-30 năm sau khi tiếp
xúc mới phát bệnh và thường là bị ung thư phổi. Vậy xin cho tôi được biết có
cách gì hạn chế tối đa tổn thương do dùng amiang lâu ngày không ạ?
PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ: Khi Amiang vào cơ thể sẽ tồn tại và lắng đọng trong các tế bào, tổ chức cơ thể (ví dụ như phổi hoặc màng phổi) và hiện tại chưa có bất kỳ biện pháp nào để loại bỏ bụi Amiang khỏi cơ thể. Ngay lúc này, đối với những người phải tiếp xúc với bụi Amiang thì cần phải có các phương pháp bảo hộ cá nhân và môi trường lao động.
Hoàng Thị Hiền ,
Nữ - 27 Tuổi
Có cách nào để xác định người bị ung thư trung biểu mô là do đâu không? Chuyên
gia có bảo 80% trường hợp u trung biểu mô là do amiang - vậy 20% còn lại là do
đâu?
PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ: Khi sử dụng các biện pháp hóa mô miễn dịch, người ta
có thể chỉ ra được Amiang là yếu tố gây nên ung thư trung biểu mô (ung thư
màng). Đây là một tác nhân gần như đặc hiệu cho loại ung thư này nhưng không
phải là duy nhất nên 20% còn lại có thể do các yếu tố khác.
Quynh Hoa , Nữ - 32 Tuổi
Tôi nghe nói phường Phả Lại ở Hải Dương đang rất bức xúc về vấn đề ung
thư. Không biết thực trạng ở đây có đúng không? Các chuyên gia có thể lí giải
tại sao không?
Ông Trương Quốc Bảo - Người dân đang sống ở Phả Lại Hải Dương: Về thực
trạng ung thư ở Khu Chợ Sáng - Phố Lục Đầu Giang - Phường Phả Lại - Chí Linh -
Hải Dương là hoàn toàn có thật. Hiện tại tổng số người chết là 30 người, số
người đang mắc bệnh và đang điều trị là trên 20 người.
Hiện nay, chưa có kết luận điều tra về vụ việc này. Tuy nhiên, theo chúng tôi
nhận thấy, những người bị mắc bệnh hầu hết sinh sống ở khu vực xung quanh nhà
máy Tấm Lợp FACO Đông Anh (bây giờ là nhà máy Thiên Lộc).
Sơn Hải , Nữ - 27 Tuổi
Tôi nghe trên báo chí, các bác quan chức bảo vẫn sản xuất tấm lợp vì
người dân nghèo không có điều kiện mua tấm lợp thay thế. Như vậy là nghèo thì
phải chịu sử dụng những vật liệu có hại cho sức khỏe, nghèo thì không được đòi
hỏi sản phẩm an toàn với bản thân và gia đình mình hay sao?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Chúng tôi trên quan điểm của người bảo vệ sức
khỏe, thì không có phân biệt giữa giàu nghèo trong việc chăm sóc sức khỏe. Và
người nghèo, hơn ai hết lại cần được quan tâm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe hơn.
Điều này cũng nằm trong chiến lược bảo vệ sức khỏe nhân dân của ngành y tế.
Không có ngưỡng an toàn cho amiang?
Thanh Hải , Nam - 42 Tuổi
Một số ý kiến cho rằng sử dụng các sản phẩm có hàm lượng Amiang thấp là
an toàn cho người sử dụng. Điều đó đúng không?
PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ: Các nghiên cứu khoa học quốc tế đã chứng minh:
"Không có ngưỡng an toàn cho Amiang" nên không có bất kỳ sản phẩm nào có Amiang
được phép nói là an toàn cho người sử dụng.
Hồng Thu , Nữ - 34 Tuổi
Thưa bà, WHO đã có những cảnh báo gì đối với amiang trắng?
PGS. TS Nguyễn Thị Hồng Tú: Vì Amiang là 1 trong những chất gây ung thư
ảnh hưởng đến sức khoẻ người lao động và cộng đồng với khoảng trên 100 nghìn
người tử vong liên quan đến amiang mỗi năm, ngay từ năm 2003 Tổ chức Y tế thế
giới và tổ chức Lao động Thế giới đã đưa ra những khuyến nghị cần đặc biệt quan
tâm đến bệnh liên quan đến amiang tại kì họp thứ 13 của UB liên tịch về sức khoẻ
nghề nghiệp.
Năm 2005 Nghị quyết của Hội đồng Y tế thế giới về phòng chống ung thư đã đề nghị
các quốc gia thành viên quan tâm tới các bệnh ung thư do hoá chất tại nơi làm
việc và môi trường, trong đó có Amiang.
Đến năm 2007 Nghị quyết của HĐ Y tế thế giới kêu gọi chiến dịch toàn cầu loại bỏ
các bệnh liên quan đến aminang.
Năm 2013 Nghị quyết mới nhất đã đề cập phòng chống các bệnh không lây nhiễm và
các bệnh ung thư. WHO cũng kêu gọi các nước để loại trừ tốt nhất các bệnh liên
quan đến amiang là không sử dụng amiang. Hiện nay, trên 50 nước đã cấm sử dụng
amiang, nhiều nước đã giảm dần sử dụng amiang.
Tháng 8/2014 Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương và Giám
đốc Tổ chức Lao động quốc tế khu vực châu Á Thái Bình Dương cũng đã gửi thư đến
Thủ tướng Chính phủ kêu gọi VN sớm ngừng sử dụng Amiang trắng để bảo vệ sức khoẻ
cộng đồng.
PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Tú đang trả lời trực tuyến |
Trần Ngọc , Nam - 33 Tuổi
Một người dân xây nhà không sử dụng vật liệu có chứa Amiang có hoàn toàn loại
bỏ được nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến Amiang không?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Không thể khẳng định hoàn toàn điều này. Vì nó phụ
thuộc vào sự hiện diện của Amiang tại khu vực người đó sống, khu vực làm việc.
Ví dụ như trong khu vực sinh sống có nhà máy, mỏ khai thác Amiang, hoặc có những
hoạt động xây dựng, phá dỡ có sử dụng các vật liệu chứa Amiang... thì người đó
vẫn có nguy cơ bị phơi nhiễm. Vì vậy, muốn loại bỏ hoàn toàn nguy cơ bị mắc các
bệnh liên quan đến Amiang, thì chúng ta cần loại bỏ hoàn toàn Amiang ra khỏi các
hoạt động sản xuất và đời sống. Đơn cử như chính phủ Australia đã cấm nhập khẩu
các sản phẩm má phanh nhập từ Trung Quốc có chứa Amiang.
Nguyễn Hoàng , Nam - 45 Tuổi
Theo tôi được biết tiếp xúc với amiang thường xuyên thì rất gây hại nhưng nếu
dùng làm tấm lợp trong gia đình thì có ảnh hưởng gì không?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Sử dụng tấm lợp có chứa Amiang, người dẫn rất dễ
bị phơi nhiễm Amiang trong quá trình lợp, sửa chữa, phá dỡ... Đặc biệt lúc xử lý
phế thải sau sử dụng không đúng cách như: dùng lót đường, xay bột Amiang làm
gạch... hoặc sử dụng vào các mục đích khác như ngăn để nuôi cá, nuôi hàu... Ngoài
ra, việc sử dụng nước mưa hứng từ mái nhà lợp Fibro Cerment cũng khiến người dân
dễ dàng bị phơi nhiễm loại độc tố này. Ở Australia, vừa qua, chính phủ họ đã đề
nghị thu hồi toàn bộ các loại tấm lợp này từ người dân với chi phí rất tốn kém.
Vì thế, nếu gia đình bạn đang sử dụng tấm lợp, thì cách tốt nhất bạn nên hạn chế
các hành động có thể tạo ra bụi Amiang như: phá dỡ, đập, cưa, xay...
Nguyễn Vũ , Nam - 37 Tuổi
Một số ý kiến cho rằng, Amiang chỉ gây độc trong quá trình sản xuất, còn
sản phẩm tiêu dùng hoàn toàn không độc, do vậy chỉ cần bảo vệ người tham gia sản
xuất. Điều này có đúng không?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Điều này là không đúng. Ngoài việc gây bệnh nghề
nghiệp cho người lao động trực tiếp thao gia vào quá trình sản xuất, Amiang cũng
gây độc hại trong cộng đồng: như người sống quanh khu vực khai thác Amiang,
những người thi công lắp đặt, xây dựng nhà cửa sử dụng vật liệu Amiang, những
người phá dỡ các công trình... và ngay cả những người sử dụng các sản phẩm có chứa
Amiang.
Nên có cảnh báo rõ về amiang
Huyền , Nữ - 40 Tuổi
Hiện nay xu hướng chung của thế giới là không sử dụng hoặc cấm hoàn toàn
việc sử dụng amiăng. Nếu tiếp tục ủng hộ việc sử dụng amiăng, Việt Nam đã và
đang đi ngược lại với xu thế chung của toàn cầu. Làm sao để phổ biến cho người
dân biết đến sự độc hại của tấm lợp amiang?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Năm 2013, Việt Nam là 1 trong 07 nước bỏ phiếu
phản đối việc đưa Amiang vào danh mục của phụ lục III (công ước về Rotterdam về
Quy trình cho phép có báo trước đối với các Hóa chất độc hại và Thuốc trừ sâu
trong Thương Mại quốc tế). Trong 07 nước này thì có 06 nước là xuất khẩu Amiang
(Nga, Trung Quốc, Braxin,..), chỉ riêng Việt Nam là nước nhập khẩu Amiang.
Để người dân được biết về sự độc hại tấm lợp Amiang, theo tôi, cần có sự thông
tin cảnh báo rõ ràng trên các sản phẩm có chứa Amiang. Chúng tôi cũng cần có sự
phối hợp của các cơ quan báo chí, truyền thông để đưa thông tin về sự độc hại
của chất Amiang đến với mọi người dân để họ biết và hạn chế tối đa việc sử dụng
các sản phẩm này.
Huyền Trang , Nữ - 33 Tuổi
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại tấm lợp từ các loại vật liệu
khác nhau. Làm sao để người tiêu dùng nhận biết được một sản phẩm có Amiang hay
không?
PGS. TS Nguyễn Thị Hồng Tú: Hiện người tiêu dùng không thể nhận biết được
tấm lợp có chứa amiang hay không do chúng ta chưa thực hiện nghiêm chỉnh thực
hiện quyền của NTD theo Luật Bảo vệ NTD. Các kiến nghị tại nhiều hội thảo trong
thời gian qua đã đưa ra là phải dán nhãn mức độ độc hại các tấm lợp chứa amiang
để cảnh báo cho NTD trước khi quyết định lựa chọn sử dụng. Cũng giống như thuốc
lá, trước đây không cảnh báo về các chất gây ung thư có trong thuốc lá thì nay
đã có cảnh báo rõ ràng trên bao bì sản phẩm. Hi vọng các cơ quan quản lý nhà
nước kiểm soát nghiêm ngặt việc dán nhãn sản phẩm có chứa amiang.
Mai Xinh đẹp , Nữ - 29 Tuổi
Ở quê tôi, mọi người không hề biết tấm lợp này có chứa chất gây ung thư,
khi tôi nói cho họ biết, thì họ đều nói sẽ không bao giờ mua nữa. Nhưng họ đều
thắc mắc, tại sao nó độc mà nhà nước lại bán cho dân? Tôi xin gửi câu này tới
các quí vị, câu trả lời sẽ được gửi đến người dân quê nhà tôi!
PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ: Không phải nhà nước bán các sản phẩm có hại sức khỏe
cho dân. Trước đây, chúng ta chưa có luật cấm nhập khẩu, sản xuất và sử dụng các
sản phẩm có chứa Amiang trắng cho nên các doanh nghiệp, các nhà sản xuất vẫn cho
ra đời các thành phẩm có chứa Amiang. Hiện nay, bộ Y tế đang cùng các cơ quan
chức năng đệ trình lên chính phủ để cấm nhập khẩu, sản xuất các sản phẩm có
Amiang. Hy vọng, trước năm 2020, Việt Nam sẽ không nhập khẩu Amiang và các sản
phẩm có Amiang sẽ được thay thế bằng các nguyên liệu khác.
Trần Lưu Tâm , Nam - 50 Tuổi
Làm thế nào để người lao động phòng tránh phơi nhiễm với amiang?
PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ: Cách phòng tránh phơi nhiễm với Amiang đơn giản
nhất:
- Không sử dụng các nguyên vật liệu có chứa Amiang.
- Sử dụng các biện pháp bảo hộ cá nhân như khẩu trang, quần áo theo đúng quy
định an toàn lao động.
- Làm ẩm môi trường lao động để tránh phát tán bụi Amiang khi sản xuất và thi
công.
- Các phế thải có Amiang phải được thu gom, quản lý và cảnh báo nguy hại theo
quy định của nhà nước.
Mỹ Vân , Nữ - 47 Tuổi
Xin các chuyên gia cho tôi được biết vì sao Amiang rất độc nhưng nhà nước
không cấm sản xuất và sử dụng?
TS. Trần Tuấn: Thực ra Chính phủ ngay từ năm 2001 đã có quyết định số 115 đặt ra thời hạn cấm sử dụng các loại Amiang trong sản xuất tấm lợp fibroximang (dân thường gọi là tấm pro) vào năm 2004.
Bộ Y tế thì có công văn báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 28/8/2014 đề nghị cấm sử dụng Amiang vì đây là chất độc hại gây ung thư phổi, thực quản, buồng trứng và việc sử dụng Amiang trong sản xuất tấm lợp những năm vừa qua đã mang lại nhiều nguy cơ bệnh tật sau này cho người dân.
Như vậy có thể nói đang có phản hồi về việc cấm sử dụng Amiang. Từ năm 2014 các nhà khoa học đã và đang kết họp với Bộ Y tế và cả tổ chức y tế thế giới đề nghị Thủ tướng Chính phủ cấm sử dụng Amiang.
Ngày 19/9/2014, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn số 7307/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc ngừng sản xuất amiang vào năm 2020, có kế hoạch triển khai đánh giá và kiểm soát tác hại vật liệu amiang trắng đến sức khỏe con người.
Hong Ha , Nam - 44 Tuổi
Mức độ phổ biến của Amiang trắng tại Việt Nam? Ai là những người sử dụng
Amiang?
PGS. TS Nguyễn Thị Hồng Tú: Amiang được sử dụng nhiều ở VN, trung bình
nhập 65 nghìn tấn/năm chủ yếu là trong sản xuất các tấm lợp với khoảng trên
80triệu m2 sản phẩm được đưa ra thị trường và được sử dụng chủ yếu cho người
nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng thiên tai bão lụt. Theo nghiên cứu mới nhất tại 1
số xã tại Thanh Hoá và Yên Bái, 85% người dân nông thôn có sử dụng Amiang lợp
nhà, làm chuồng trại, tường, hàng rào và các vùng ven biển thậm chí 1 số người
còn sử dụng amiang làm dụng cụ để nuôi trồng hải sản.
Pham Thanh Binh , Nam - 55 Tuổi
Tại sao vấn đề amiang trắng lại gây nhiều tranh cãi như vậy tại Việt Nam
?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Ở Việt Nam cũng như một số nước, đây là một
vấn đề gây tranh luận giữa một bên là những người bảo vệ sức khỏe và một bên là
những người bảo vệ ngành công nghiệp sử dụng Amiang. Bên những người bảo vệ sức
khỏe thì yêu cầu loại bỏ hoàn toàn chất này ra khỏi sản xuất, kinh doanh do
những tác hại của nó đến sức khỏe là vô cùng nghiêm trọng. Tuy nhiên, ngành công
nghiệp sản xuất tấm lợp Amiang hiện nay cũng đang mang lại lợi nhuận cao.
Chính phủ Việt Nam đã có chỉ đạo các bộ ngành liên quan ngừng sử dụng Amiang từ
năm 2020.
TS Trần Tuấn giải đáp các thắc mắc về amiang |
Nguyễn Mạnh Nam , Nam - 40 Tuổi
Tại sao amiang trắng với kích thước nhỏ hơn nâu và xanh rất nhiều lại vẫn
không thể được các bạch cầu trong máu đào thải ra khỏi phổi?
PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ: Dù các Amiang có kích thước khác nhau nhưng do độc
tính khác nhau nên bạch cầu có thể bị chết khi thực bào, hoặc cùng với Amiang bị
"chôn" trong các tổ chức bạch huyết, màng phổi tạo thành các "nghĩa địa" ở màng
phổi. Đây là vị trí sẽ xuất hiện ung thư trung biểu mô.
Khánh Nam , Nam - 40 Tuổi
Amiang trắng và amiang màu khác nhau như thế nào? Tại sao thế giới đồng ý
cấm amiang màu nhưng vẫn tranh cãi về amiang trắng?
PGS. TS Nguyễn Thị Hồng Tú: Amiang là tên gọi chung của 6 loại khoáng
dạng sợi có thành phần hoá học chủ yếu là SiO2. Nói một cách đơn giản các loại
amiang được chia thành 2 nhóm là amiang trắng và amiang màu. Các nhóm amiang màu
(nâu, xanh) đã bị loại bỏ trên thị trường (không khai thác và sử dụng) hơn 2
thập kỉ cho nên việc tranh luận đề cập đến amiang chỉ có 1 loại duy nhất đang sử
dụng trên thế giới là amiang trắng.
Nguyễn Văn Tình , Nam - 67 Tuổi
Nhà tôi đã từng đập tấm lợp này ra để lót đường, gần đây mới biết nó độc,
giờ tôi phải bỏ đi đâu.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Nếu bạn đã vô tình đập tấm lợp ra để lót đường,
bạn có thể cô lập nó để hạn chế tối đa việc phát tán thêm, như láng xi măng lên
để ngăn bụi amiang phát tán. Hoặc bạn có thể tham khảo thêm ý kiến của các
chuyên gia về môi trường để có cách xử lý an toàn nhất.
Vân Hà , Nữ - 34 Tuổi
Xin cho tôi hỏi, hứng nước từ mái lợp bờ rồ ximang có bị ung thư không?
Nhà tôi hứng nước ăn đã chục năm nay rồi, và nếu bỏ thì bỏ đi đâu?
PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ: Sử dụng nước từ máng lợp pro ximang sẽ làm gia tăng
nguy cơ tiếp xúc với Amiang. Không nên tiếp tục sử dụng nước mưa hứng từ mái lợp
này nữa mà sử dụng nguồn nước khác. Còn tấm lợp, bạn nên tháo dỡ, thu gom vào
một góc vườn ít người qua lại, có các biện pháp ngăn ngừa bụi Amiang phát tán từ
đó và chờ các cơ quan quản lý hướng dẫn cách xử lý triệt để.
Mạnh Hải , Nam - 25 Tuổi
Tại sao gần đây cơ quan chức năng và các phương tiện thông tin đại chúng
đề cập rất nhiều tới Amiang?
TS.Trần Tuấn: Điều này có nguyên do của nó. Đúng là năm 2014 có sự vận
động Chính phủ cấm sử dụng Amiang trắng ở VN mạnh mẽ hơn những năm trước. Lý do
xuất phát từ việc tại kỳ họp thứ 6 của Công ước Rotterdam tại Thuy Sĩ tháng
5/2013, đoàn VN đã đứng cùng 6 nước sản xuất và xuất khẩu Amiang không đồng ý
đưa Amiang trắng vào phụ lục III Công ước Rotterdam (nhằm quản lý hóa chất độc
hại, chất độc theo quy định nghiêm ngặt về thông báo hóa chất độc hại trong nhập
khẩu và xuất khẩu).
Việc VN là nước nhập khẩu Amiang đáng ra hưởng lợi từ việc đưa Amiang trắng vào
phụ lục III lại bỏ phiếu chống là một việc gây chấn động giới khoa học y khoa, y
tế công cộng và dư luận bảo vệ môi trường và quyền chăm sóc sức khỏe quốc tế.
Trong năm 2014 đã có sự vào cuộc mạnh mẽ của các tổ chức nghiên cứu khoa học độc
lập thuộc liên hiệp khoa học kỹ thuật VN phối hợp cùng Bộ Y tế để đưa thông tin
khoa học đến các nhà hoạch định chính sách, Quốc hội, Đảng, giới truyền thông và
người dân. Liên tiếp các hội thảo khoa học tháng 2, tháng 6, tháng 7, tháng 9,
tháng 11, tháng 12/2014 đã được tổ chức. Mạng vận động cấm sử dụng Amiang trắng
ở VN được thành lập để thuyết phục Chính phủ cấm sử dụng Amiang trắng chậm nhất
vào năm 2020.
Trong năm nay các hoạt động vận động cũng có những điểm mới. Đó là các tổ chức
tham gia mạng vận động cấm sử dụng Amiang không chỉ nhắm vào các nhà hoạch định
chính sách của chính phủ mà còn chuyển tải thông tin đến các đại biểu quốc hội
và đặc biệt thu thập thêm bằng chứng từ cộng đồng để chứng minh thực sự VN đang
rơi vào nguy cơ cao về bệnh tật do Amiang gây ra và vấn đề ô nhiễm môi trường do
rác thải chứa Amiang đang đặt ra vấn đề rất nan giải trên thực tế. Những bằng
chứng này sẽ giúp chính phủ nhận ra rõ hơn nguy hại của việc không dừng sớm việc
nhập khẩu và sử dụng Amiang.
Mặc dù có những vận động quyết liệt như vậy nhưng vẫn có các thông tin làm chậm
lại tiến trình cấm Amiang trắng ở VN, tạo ra những luồng thông tin trái nhau
trên phương tiện thông tin đại chúng.
Quyên Trần , Nữ - 28 Tuổi
Tại sao tác hại của Amiang đã rõ mà ta còn tranh cãi có cấm sử dụng hay
không? Việt Nam đã và đang làm những gì để cấm sử dụng Amiang?
TS.Trần Tuấn: Câu trả lời thu được từ hội thảo tổ chức sáng nay
23/12/2014 phối hợp giữa bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới và nhóm vận động phát
triển chính sách y tế dựa vào bằng chứng khoa học (EBHPD) là: chắc chắn VN phải
cấm sử dụng Amiang trắng. Trong khi Chính phủ chỉ đạo hạn cấm là năm 2020, thì
hội thảo này, với những bằng chứng khoa học chỉ ra và nếu những mô hình mà các
nhà khoa học đề xuất được thực hiện thì việc Amiang bị cấm sử dụng ở VN còn có
thể sớm hơn - trước năm 2020.
Các hoạt động dự kiến thực hiện sau hội thảo này bao gồm:
1. Hỗ trợ, thúc đẩy, giám sát các bộ thực thi đúng chỉ đạo của công văn số
7307/CV/VPCP-VX. Hoạt động này hy vọng góp phần thuyết phục Chính phủ đưa Amiang
vào phụ lục III công ước Rotterdam vào tháng 5/2015 tới đây.
2. Buộc các cơ sở sản xuất nếu còn sử dụng Amiang phải in rõ trong nhãn sản phẩm
là có sử dụng Amiang trong sản xuất sản phẩm này.
3. Bộ Y tế phối hợp với nhóm EBHPD, nhóm vận động cấm sử dụng Amiang ở VN
(Vn-nBEN) và các cơ quan truyền thông chuyển tải thông tin khoa học do Bộ Y tế
và tổ chức Y tế thế giới đưa ra về tác hại sức khỏe và môi trường của Amiang
trắng tới cộng đồng, đặc biệt ở khu vực nông thôn và miền núi.
4. Từng bước xây dựng mô hình xã nói không với Amiang, huyện nói không với
Amiang. Và khi người dân không sử dụng các tấm lợp Amiang thì các cơ sở sản xuất
sẽ buộc phải chuyển đổi sang sản xuất các vật liệu xây dựng không sử dụng
Amiang. Việc này mở ra cơ hội sử dụng công nghệ sản xuẩt tấm lợp không Amiang mà
chương trình nghiên cứu khoa học của nhà nước đã phát triển đã đưa ra sản phẩm
đảm bảo tiêu chuẩn xuất sang các nước có quy định nghiêm ngặt về độ an toàn như
Hàn Quốc, Nhật Bản...
Trần Thị Thu Hương , Nữ - 32 Tuổi
Tôi đã từng học tập tại Hà Lan, mỗi khi họ dỡ nhà có chứa amiang, đều rất
nghiêm ngặt và người tháo dỡ phải mặc trang phục bảo hộ như các nhà du hành vũ
trụ. Tôi rất ngạc nhiên khi ở Việt Nam, các tấm lợp hay sản phẩm có chứa Amiang
phổ biến đến mức đi từ Bắc vào Nam, ở đâu cũng thấy. Tôi thấy rất lo lắng cho
con em chúng ta, khi phải sống trong môi trường nhiều nguy hiểm như thế này! Tôi
rất mong nhà nước có chế độ chính sách cấm sử dụng, sản xuất Amiang và xử lý rác
thải để duy trì môi trường.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Các nước trên thế giới hiện nay đang phải bỏ ra
chi phí rất lớn cho việc phá dỡ, thay thế và xử lý các loại vật liệu có chứa
amiang. Ở Việt Nam, ngày 28/08/2014, Bộ Y Tế đã có báo cáo Chính phủ "Về vấn đề
tác hại của Amiang trắng đối với sức khỏe con người" và đề nghị Chính phủ sớm có
biện pháp cấm sử dụng amiang trong sản xuất và đời sống để ngăn ngừa những hậu
do amiang gây ra trong tương lai. Ngày 05/08/2014, WHO và ILO đã có thư gửi Thủ
tướng Chính phủ đề nghị Việt Nam "quan tâm đến việc sử dụng Amiang trắng và có
lộ trình chấm dứt việc nhập khẩu và sử dụng loại hóa chất này". Chính phủ đã
giao cho Bộ KH-CN trả lời chính thức vấn đề này.
Là một người có nhiều năm công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng, bản thân tôi
mong muốn Việt Nam hội nhập vào xu hướng bảo vệ sức khỏe cộng đồng của thế giới.
Việt Nam hiện nay không còn là một nước nghèo, cho nên việc bảo vệ sức khỏe nhân
dân cũng cần được chú trọng hơn. Và tôi mong rằng, Chính phủ sẽ sớm chỉ đạo cấm
việc sử dụng amiang trong sản xuất các vật liệu xây dựng để ngăn chặn những hậu
quả nghiêm trọng do amiang gây ra đối với sức khỏe con người.
Hồng Hạnh, Nữ - 32 tuổi
Tại sao nhiều nước trên thế giới cấm sử dụng Amiang? Hiện nay có
những quy định nào (ví dụ như Hiệp định thư Tokyo về chống biến đổi khí hậu hoặc
Công ước Rotterdam) nhằm hạn chế Amiang trên thế giới? Việt Nam có áp dụng hoặc
tham gia các hiệp định, công ước đó không? Nếu không, tại sao?
PGS. TS Nguyễn Thị Hồng Tú: Do amiang là chất gây ung thư cho con
người và nhiều nước đã phải bồi thường cho nạn nhân, điều trị cho người đang bị
bệnh và 1 số chính phủ bị đưa ra kiện cáo, các ca bệnh vẫn ngày càng gia tăng
tại các nước đã cấm sử dụng trong gần 30 năm qua vì vậy có 54 quốc gia đã cấm và
nhiều nước cũng đã giảm lượng amiang sử dụng.
Ở cấp quốc tế, công ước Basel về Kiểm soát Vận chuyển xuyên biên giới các
Chất thải nguy hại và việc thải bỏ chúng có hiệu lực năm 1992 đã có 181 quốc gia
thành viên trong đó có VN, amiang được liệt kê là loại chất thải phải được kiểm
soát trong công ước này. Các nước trong công ước được yêu cầu cấm hoặc không cho
phép xuất khẩu chất này cho các nước thành viên đã cấm nhập khẩu.
Công ước Rotterdam (2004) có 154 quốc gia thành viên, trong đó VN tham gia
từ 2007, cho phép báo trước về các chất độc hại và thuốc trừ sâu đối với các
nước trước khi đồng ý nhập khẩu hoặc không đồng ý nhập khẩu và amiang trắng là
hoá chất công nghiệp dự kiến đưa vào phụ lục 3 của công ước. Tuy nhiên cho đến
nay chỉ còn 7 nước phản đối và VN là nước nhập khẩu duy nhất, 6 nước còn lại là
nước xuất khẩu amiang.
Năm 2015 Ban thư ký của công ước vẫn đưa amiang trắng vào phục lục 3 của
công ước và chính phủ đã chỉ đạo tại công văn số 7307 ngày 19/9/2014 thông báo ý
kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Công thương chủ trì phối hợp các
Bộ, ngành không phản đối việc đưa amiang trắng vào phụ lục 3 của công ước. Hiện
nay các Bộ Y tế, Bộ Lao động TBXH, Bộ KHCN, Bộ Môi trường và Bộ Công Thương đã
thực hiện đúng theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng.
Thay thế bằng sản phẩm không có amiang
Văn Hưng , Nam - 41 Tuổi
Tiến tới cấm sử dụng Amiang, Việt Nam có chuẩn bị các giải pháp thay thế
phù hợp và được cộng đồng chấp nhận như thế nào?
PGS. TS Nguyễn Thị Hồng Tú: Nếu cấm sử dụng Amiang, thông qua các chương
trình, dự án trọng điểm cấp nhà nước, Viện Công nghệ, Bộ Công Thương đã nghiên
cứu các sản phẩm không chứa amiang để thay thế các sản phẩm có amiang. Các
nghiên cứu này đã thực hiện từ năm 2001 và đến nay sản phẩm không amiang đã đủ
điều kiện theo tiêu chuẩn quốc tế và xuất khẩu sang Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản...
Một số nước cũng đã sang VN để học tập. Các sản phẩm này đạt chất lượng quốc tế
và giá thành chỉ cao hơn 15-20% so với các sản phẩm chứa Amiang.
Tuy nhiên do việc tiếp cận thị trường, cung cấp thông tin cho người dân chưa
được rộng rãi nên lượng tiêu thụ ở VN chưa cao.
Đoan Trang , Nữ - 36 Tuổi
Một số bài báo đề cập tới việc cấm sản xuất Amiang sẽ làm nhiều công nhân
mất việc, nhiều nhà đầu tư thua lỗ. Do đó, có thể ảnh hưởng đến kinh tế và tình
trạng lao động việc làm tại một số khu vực. Vấn đề này nên được nhìn nhận như
thế nào?
PGS. TS Nguyễn Thị Hồng Tú: Hiện nay có khoảng 5.000 người trực tiếp sản
xuất amiang trong ngành sản xuất tấm lợp. Nếu chuyển sang công nghệ không sử
dụng amiang thì những công nhân này hoàn toàn không bị mất việc mà sẽ được tập
huấn để sử dụng công nghệ thay thế. Việc thay đổi công nghệ tiên tiến hơn không
những tăng năng suất lao động, giúp doanh nghiệp không thua lỗ mà thu nhập của
người lao động còn cao hơn. Đối với các dây chuyền quá cũ và lạc hậu nếu không
có khả năng thay thế phải chuyển sang sản xuất mặt hàng khác thì Bộ Xây dựng nên
đề xuất với Nhà nước hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề cho người lao động.
Linh , Nữ - 35 Tuổi
"Hiện tại có loại vật liệu nào có thể thay thế được amiang? Thế giới đã
nghiên cứu mức độ an toàn của loại vật liệu đó chưa?"
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Việt Nam đã sản xuất được loại tấm lợp không chứa
Amiang và đã xuất khẩu sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ. Đây là kết
quả của chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp Nhà nước do Viện Công Nghệ - Bộ
Công Thương thực hiện. Loại vật liệu này có độ bền tương đương với tấm lợp chứa
Amiang. Tuy nhiên, giá thành của vật liệu này cao hơn khoảng 20%. Việc Hàn Quốc
và Nhật Bản, những nước có yêu cầu nghiêm ngặt về các sản phẩm độc hại với sức
khỏe, đã cho nhập khẩu sản phẩm này, chứng tỏ đây là vật liệu đảm bảo an toàn sử
dụng.
Hoàng Hà , Nam - 35 Tuổi
Nếu Chính phủ vẫn tiếp tục "bỏ phiếu chống", đưa amiang trắng vào phụ lục
III công ước Rotterdam, các cơ sở sản xuất vẫn sản xuất tấm lợp hoặc các sản
phẩm có chứa amiang trắng nhưng không thông báo cho người sử dụng, và lộ trình
cấm sử dụng amiang trắng ở Việt Nam tiếp tục đẩy lùi tới 2030, xin các chuyên
gia cho biết ý kiến?
TS Trần Tuấn: Tôi có thể khẳng định sẽ không có tình huống nếu như bạn
nói xảy ra. Bởi tình hình bây giờ đã khác so với năm 2013 trở về trước.
Thông tin về tác hại của Amiang tới sức khỏe và môi trường giờ đây không còn bị
giới hạn trong các thông điệp gửi ra từ một bộ hay một hiệp hội. Chính phủ, Quốc
hội và người dân đã tiếp nhận được những thông tin đúng về tác hại của Amiang
tới sức khỏe, môi trường. Chính phủ đã có công văn 7307 ngày 19/9 yêu cầu các bộ
thực hiện các nội dung về cơ bản đúng theo đề xuất của Bộ Y tế và khuyến cáo của
WHO.
Chúng tôi cũng được biết thông tin mới nhất là Chính phủ đã giao cho Bộ KH&CN
chủ trì phối hợp với các bộ: Y tế, Xây dựng, Công thương, GTVT, LĐTB&XH phúc đáp
thư WRV/14/0889 ngày 5/8/2014 của WHO và ILO gửi Thủ tướng Chính phủ về vấn đề
sử dụng Amiang tại VN.
Nội dung văn bản này cho thấy Chính phủ rất có thể không phản đối đề xuất đưa
Amiang trắng vào phụ lục III trong Công ước Rotterdam năm 2015. Thực hiện mục
tiêu dừng sử dụng Amiang trắng trong sản xuất tấm lợp năm 2020. Có kế hoạch hành
động quốc gia loại trừ các bệnh liên quan đến Amiang và đưa ra biện pháp giảm
thiểu tác động độc hại của Amiang trắng tới sức khỏe và môi trường ở VN.
Ngoài ra vì đã có mạng Vn-nBEN được thành lập nên tôi tin rằng mạng này sẽ phối
hợp với Bộ Y tế, Tổ chức Y tế Thế giới và chính quyền các địa phương vận động
dân nói không với Amiang thành công.
Thậm chí chúng tôi còn tin rằng có thể VN sẽ sớm trở thành nước đang phát triển
đi đầu trong việc cấm sử dụng Amiang.
vũ hoàng , Nam - 35 Tuổi
Tôi thấy có rất nhiều chất độc được công nhận là gây ung thư: khói thuốc
lá, mỳ tôm, mì chính, hoá chất trong thuốc trừ sâu... Tại sao người ta không vận
động cấm những chất này còn amiang thì có?
PGS. TS Nguyễn Thị Hồng Tú: Hiện nay có rất nhiều chất gây ung thư và ảnh
hưởng đến sức khoẻ. Tuy nhiên WHO, ILO, các tổ chức quốc tế cũng như các cơ quan
bảo vệ sức khoẻ tập trung vào các chất có nguy cơ cao đến sức khoẻ cộng đồng,
thời gian ủ bệnh dài, đặc biệt là amiang có thể lên đến 30 - 40 năm. Vì vậy,
gánh nặng bệnh tật liên tục gia tăng trong thời gian kéo dài sẽ ảnh hưởng đến
sức khoẻ cho nhiều thế hệ trong tương lai và tổn thất chi phí điều trị cao, tổn
thất về kinh tế cho quốc gia rất lớn đặc biệt đối với amiang, việc xử lý môi
trường rất phức tạp và tốn kém. Amiang cũng được đưa vào một số công ước quốc tế
(công ước Bazel, Công ước Rotterdam) mà VN đã gia nhập vì vậy trách nhiệm của VN
là phải tuân thủ các công ước quốc tế đã đưa ra.
Do thời gian giao lưu có hạn, lượng câu hỏi bạn đọc gửi đến quá lớn, nên một số thắc mắc chưa được giải đáp, VietNamNet đã chuyển các câu hỏi còn lại của quý vị đến các khách mời.
Xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị!
VietNamNet