- Lúc bận khách, tiếng chửi mắng quát tháo vang khắp quán; đứng tụm năm tụm ba bàn tán sôi nổi về khách: anh này xấu, cô kia xinh, bà đó thì lắm chuyện... là chuyện thường ngày ở một quán ăn sang trọng của người Việt ở Berlin.

Hồi còn đi học thạc sĩ, tôi qua Berlin (Đức) nửa năm theo một chương trình chuyển tiếp. Cũng có chút thời gian rảnh, tôi đi làm thêm phụ chút sinh hoạt phí.

Nơi tôi làm việc là một nhà hàng Việt Nam sang trọng nổi tiếng ở Berlin với khoảng 20 nhân viên đi lại tấp nập mỗi ngày. Tất cả là người gốc Việt. Vợ chồng chủ nhà hàng vốn người gốc Bắc, di cư vào nam rồi sang định cư ở Đức vào những năm 80.

Trừ một vài sinh viên sang học đi làm thêm chạy bàn như tôi, còn lại đều là các anh chị cô chú thế hệ đầu 7x trở về trước, đã sang bên này nhiều năm. Vợ chồng chủ nhà hàng có hai cô cậu quý tử, thay phiên nhau giúp bố mẹ trông coi và quản lý cơ ngơi. Hai cô cậu sinh ra và lớn lên ở Đức song đều nói tốt tiếng Việt và nhiệt huyết với công việc kinh doanh của bố mẹ. Lẽ ra chẳng có gì phải nói, song sang tới ngày làm việc thứ ba tôi đã đi từ ngạc nhiên này sang cái ngạc nhiên khác, bởi môi trường ở đây…Việt Nam quá.

Từ ngày ra trường, tôi chỉ đi làm cho công ty nước ngoài một thời gian ngắn, nơi việc ai nấy làm, rồi lại đi học lang bạt khắp nơi đến giờ, chẳng mấy khi có cơ hội tiếp xúc với người Việt, thành ra chuyện môi trường làm việc kiểu Việt Nam ít nhiều chỉ qua miệng kể của bạn bè. Vậy mà giờ tôi được tự thân trải nghiệm, ngạc nhiên là không phải ở Việt Nam, mà lại ở thủ đô của một trong những quốc gia văn minh và giàu mạnh nhất thế giới.

Đầu tiên là phải kể đến những thói quen “khó bỏ” của người Việt mình như gọi nhau từ cửa quán vào tới bếp, qua cả mặt khách đang ngồi ăn ở giữa, hay đứng tụm năm tụm ba giữa nhà bàn tán sôi nổi ngoại hình và hành vi của khách, anh này xấu, cô kia xinh còn bà đó thì lắm chuyện.

Có lần một anh khách hỏi đổi bàn, bởi bàn đang ngồi không có ghế tựa cho vợ anh bụng bầu, tôi chưa kịp trả lời thì một chị làm cùng đứng ngay cạnh lườm khách một cái sắc lẹm, bỏ lại một câu tiếng Việt trước khi bước đi: “Đang đông, ghế này còn không muốn ngồi đòi đổi cái nỗi gì”. Người khách mặt ngơ ngác không hiểu chị ấy nói gì nhưng cũng chẳng dốt tới mức không hiểu thái độ đó là như thế nào.

Những lúc bận khách, tiếng chửi mắng quát tháo từ bếp ra tới quầy nước, ra tới bồi bàn, vang khắp quán, đến mức thậm chí thi thoảng khách phải dừng ăn hỏi tôi có chuyện gì xảy ra, khiến mặt tôi cứ chuyển dần sang tím.

{keywords}

Mọi người cứ đứng tụm năm tụm ba giữa nhà bàn tán sôi nổi ngoại hình và hành vi của khách, anh này xấu, cô kia xinh còn bà đó thì lắm chuyện. Ảnh minh họa

Ngày nào cũng như ngày nào, cứ hễ đến giờ một trong hai cô cậu quý tử đặt chân vào quán là tôi lại được nghe những điệp khúc tới thuộc lòng: “Em Th hôm nay có cái áo xinh thế nhỉ, đáng yêu quá! Đi học có mệt lắm không, khổ thân, thế muốn ăn gì chị chuẩn bị cho”, “Cậu T hôm nay nhìn bảnh bao quá nhỉ, thế này bao em xếp hàng cho đủ, áo này mới hả cậu, mua ở đâu sang quá!”. Chưa hết, tới giờ dọn mâm cả nhà ăn cơm cùng nhau thì thể nào cũng lại có màn các chị các cô tranh nhau hỏi bà chủ “Chị H muốn ăn gì để em dọn? Chị ăn nước chấm gì hôm nay ạ? Này, cô lấy ớt chỉ thiên cho vào mắm nhé, chị H không thích loại ớt gì khác đâu. Xào rau thì cho ít xì dầu vào nhé, anh M thích ăn như thế!”.

Tôi nghe riết rồi cũng phải từ ngạc nhiên cũng chuyển thành quen, nhưng vẫn không thể nào không choáng váng khi một ngày, cậu anh con trai hùng dũng mang tới một đôi giày hàng hiệu bóng loáng mới mua, đặt chễm chệ lên giữa cái bàn to nhất giữa quán, cho mọi người cùng… chiêm ngưỡng. Tôi đứng góc xa xa mà nghe rõ đủ tiếng mọi người xuýt xoa: “Đẹp thế nhỉ, đôi này sang thật, cậu T tinh mắt quá cơ, cái màu xanh này đi với trắng nổi ghê, cậu xỏ vào để ngắm cái xem nào, Đúng là tiền nào của nấy, phong cách thật!” Tôi không buồn nhìn sang đôi giày xanh đỏ gì đó chễm chễ trước ánh mắt xu nịnh của mọi người, chỉ ngó nhanh sang khuôn mặt mãn nguyện của anh chàng, trước khi tôi mỉm cười nhớ lại bao lần nghe mọi người nói xấu sau lưng cậu ấm được nuông chiều này.

Và còn nhiều nữa, những nịnh bợ ghen tuông đố kỵ ngấm ngầm hàng ngày giữa cái mô hình Việt Nam thu nhỏ này, chẳng kể hết qua dăm ba câu chuyện ở đây, song nó khiến tôi day dứt nhiều lần tự hỏi bản thân, những con người này, có may mắn được sống và làm việc ở một quốc gia phát triển nhiều năm rồi, lẽ ra nên học được những văn hóa ứng xử tốt đẹp và văn minh hơn thì lại chăm chăm bảo tổn những lề thói xấu xí cũ.

Chẳng khó khăn gì để nhận ra người Đức cực kỳ đề cao sự lịch sự trong giao tiếp, đặc biệt tối kỵ chuyện nói to nơi công cộng, bàn tán chỉ trỏ sau lưng người khác hay nói xấu trước mặt bằng thứ tiếng họ không hiểu. Khi tôi ngồi chuyện với bạn bè người Đức, dù chỉ mình tôi là không hiểu nhiểu tiếng Đức, tất cả mọi người vẫn sẵn sàng đổi sang tiếng anh khi giao tiếp với nhau, chỉ để thể hiện sự tôn trọng với tôi, vậy tại sao nhiều người Việt mình lại lợi dụng việc người Đức không hiểu tiếng Việt để buông lời khiếm nhã ngay trước mặt họ?

Vẫn biết rằng có những nét đẹp văn hóa Việt nên tự hào và gìn giữ, song chắc chắn không phải những cư xử thô lỗ với khách hàng, thói xu nịnh và đố kỵ như những gì tôi thấy ở đây. Chỉ mong rằng sẽ không có thêm lần nào nữa tôi phải nghe từ những người bạn nước ngoài: “Đồ ăn Việt Nam ngon thật, nhưng mỗi lần vào nhà hàng Việt Nam là lại tưởng người ta cãi nhau”.

Huyền Trang (Berlin, Đức)