Tết Nguyên đán, miền Bắc chìm trong giá rét nhưng các gia đình vẫn phải đưa con nhỏ về quê. Ốm vì lạnh, thay đổi môi trường là mối lo lớn nhất vì không phải ai cũng có điều kiện đi xế hộp. Đi xe khách thì quá "ngộp".

Theo PGS. BS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), rét đậm, rét hại khiến trẻ rất dễ bị ốm, đặc biệt trẻ dưới 5 tuổi. Do đó cha mẹ cần đặc biệt chú ý giữ ấm cho con. Sau đây là những kinh nghiệm để cha mẹ chống rét cho con khi về quê xa:

Chuẩn bị đồ chống rét

-Nên mặc cho trẻ để giữ nhiệt được nhiều tầng: Đầu tiên mặc một lớp quần áo cotton bó sát để giữ ấm (và hút mồ hôi khi nóng). Độn thêm 2 – 3 áo mỏng (vừa cản nhiệt, vừa có thể cởi dần ra dễ dàng). Mặc tiếp áo len giữ ấm, khoác áo ngoài dày (nên mặc áo khoác người lớn để ấm cả chân tay bé).

{keywords} 

-70% nhiệt lượng cơ thể thoát ra từ vùng mặt, đầu, lòng bàn chân, bàn tay, mỏ ác (thóp) và ngực, do đó cần khăn quàng cổ, đeo khẩu trang che mũi miệng, đội mũ len, đeo bịt tai... bảo vệ. Đi 2-3 lớp tất mỏng, giày ủng cao su chống ướt, bốt lông... để giữ ấm đùi, gan bàn chân.

-Nếu về nơi có điện nên dùng túi sưởi bỏ túi, máy sưởi mini khá hữu dụng.

Người ở phía Nam nắng ấm đi du lịch ra Bắc rét buốt cần mua đồ chống rét từ nhà, không nên tới nơi du lịch mới mua sẽ đắt và có thể bị nhiễm lạnh trước khi mua được đồ.

-Tiêm phòng bệnh mùa đông cho trẻ trước khi về quê.

-Chuẩn bị đầy đủ các thuốc chống cảm lạnh, cúm, sốt, nhức đầu vì thời tiết.

-Mang theo dầu gió, dầu gừng để chống rét kịp thời. Men tiêu hóa và thuốc trị tiêu chảy đề phòng trẻ đau bụng vì lạnh...

Khi đi xe máy đường dài

Về quê bằng xe máy nên để trẻ ngồi sau xe. Nên ấp mặt trẻ vào ngực mẹ cho ấm. Trẻ nhỏ nên dùng bỉm để tránh bị ướt, nhiễm lạnh khi đi vệ sinh. Sau 3-4 giờ cần rửa bằng nước trà ấm, lau khô và đóng bỉm mới tránh hăm.

Dùng chăn, áo rộng ủ ấm cho con, nhưng không nên quấn chặt các loại chăn, áo khăn vì trẻ sẽ khó thở, thậm chí bị ngạt thở, dẫn đến tử vong.

Có thể dùng miếng dán tạo nhiệt dán vào lớp quần áo bó (vùng bụng, lưng, đùi), hoặc bít tất ở vùng gan bàn chân. Miếng dán giữ ấm cơ thể 10-15 giờ liên tục, an toàn, dễ sử dụng. Nhưng khi dùng cần thận trọng, nếu thấy nóng quá cần chuyển vị trí miếng dán.

Không cởi quần áo cho trẻ ngay khi tới nơi

Về tới quê không nên cởi bớt quần áo cho trẻ ngay. Hãy đóng kín các cửa để tránh gió lùa, nhóm lửa sưởi (hoặc dùng máy sưởi) cho trẻ ấm lên rồi hãy cởi bớt đồ cho trẻ. Khi phòng ấm cần sờ lưng trẻ, nếu thấy nhiều mồ thì lau khô, thay áo ngay để tránh bị nhiễm lạnh.

Không tắm lâu

-Đi đường bụi bẩn nhưng đừng tắm kỹ ngay cho trẻ. Chỉ nên rửa chân, tay, mặt mũi, thay quần áo nhanh và ủ ấm. Có thể dùng máy sưởi nhỏ, hoặc bóng đèn 200w sưởi, hoặc dùng máy sấy tóc để sưởi ấm đầu, cổ, chân tay, mông trẻ sau mỗi lần dùng nước sẽ giúp trẻ sạch và dễ chịu.

-Không nên cho trẻ tắm quá thường xuyên để tránh nhiễm lạnh.

{keywords} 

Đi ngủ che chắn kỹ

Chỗ trẻ ngủ cần che chắn kín, có chăn đệm đủ ấm là tốt nhất. Nếu giường lạnh, hãy trải thêm chăn để tăng sinh nhiệt cho trẻ ấm hơn. Hoặc dùng máy sưởi, đệm nước nóng làm ấm chăn đệm hơn.

Nếu không hãy cho trẻ mặc áo len người lớn đi ngủ sẽ ấm và đêm trẻ trở mình cũng không bị hở bụng, lưng.

Thường xuyên kiểm tra thân nhiệt trẻ bằng cách sờ trán xem nóng hay lạnh để xử lý kịp thời.

Nếu ở quê đốt lửa, hoặc sưởi ấm bằng than cần lưu ý dặn dò trẻ cách tránh bỏng. Mở cửa thông khí để tránh tai nạn ngộ độc khí CO (do sưởi than tổ ong trong nhà kín), và các tai nạn sưởi lửa...

Cho trẻ đi chơi trời rét

Về quê phải đi chơi, thăm họ hàng. Nhưng chỉ nên cho trẻ đi lúc 9-10h sáng, hoặc 14 - 15 giờ chiều – là lúc nhiệt độ cao nhất trong ngày. Cho trẻ chơi ở nơi có không khí trong lành, sạch sẽ và thoáng. Tránh nơi quá nhiều cây cối, vì sẽ cảm thấy bị lạnh hơn. Chú ý canh trẻ chơi đùa, hoặc dặn trẻ lớn thấy toát mồ hôi là cần cởi áo, hoặc dùng khăn mềm lau mồ hôi để tránh bị cảm lạnh, viêm họng...

Tránh xa mầm mống gây bệnh, giảm cơ hội lây nhiễm, phòng chống cảm lạnh, bệnh tật bằng cách không tới các nơi công cộng, hội hè, đình đám... đông người.

Khi nào không nên cho trẻ ra ngoài

-Khi trẻ bị ốm, sốt, mệt mỏi. Hoặc những ngày nhiệt độ dưới 10 độ C, có gió cần tránh cho trẻ ra ngoài vì dễ bị cảm lạnh, ho, sốt...

-Nếu buộc phải ra ngoài trời lạnh, cần có áo mưa, ô để tránh nước mưa làm ướt trẻ.

-Luôn trữ sẵn nước ấm, sữa ấm cho trẻ uống khi khát, hoặc quá lạnh, bởi uống xong sẽ rất ấm người.

-Nếu sờ người trẻ thấy lạnh toát, cần nhanh chóng ủ ấm, mặc thêm áo, xoa dầu cho trẻ để tăng nhiệt độ cơ thể.

Phòng cảm lạnh, cúm

Theo BS Thúy Lan, khoa Nhi (Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội), rét đậm khiến trẻ dễ sinh bệnh vì sức đề kháng kém, dễ nhiễm virus và lây bệnh cảm cúm từ người lớn. Vì vậy nhà cửa, vật dụng quanh trẻ cần thoáng, sạch để phòng ngừa vi khuẩn, không khí bẩn dễ làm trẻ dị ứng, sinh bệnh. Dạy trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để ngừa cảm lạnh. Hàng ngày vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý...để rửa trôi chất nhầy và vi khuẩn, giúp phòng bệnh.

-Mỗi sáng thức dậy, trước khi ra ngoài nên cho trẻ uống một cốc trà gừng nóng, hoặc nước mật ong giúp trẻ ấm áp, ổn định tinh thần, thân nhiệt và tăng cường khả năng miễn dịch (nhưng tuyệt đối không cho trẻ dưới 12 tháng tuổi uống mật ong).

-Buổi tối nên ngâm chân trẻ với nước nóng ấm.

-Nếu dùng điều hòa, quạt sưởi cần mở cửa lưu thông không khí, có ẩm độ thích hợp và không nên dùng cả ngày.

-Nếu trẻ bị cảm lạnh, khó thở cần dỗ trẻ ngủ nhiều, gối cao đầu để dễ thở và vẫn cần lau rửa hàng ngày bằng nước ấm. Trẻ nhỏ ngạt mũi, có đờm sẽ ăn uống kém, cần kiên trì bón cho trẻ ăn ít, nhưng ăn nhiều bữa.

-Dù dùng thuốc cảm, thuốc xịt mũi cũng cần có y lệnh. Theo dõi sát diễn biến bệnh, nếu bị cảm lạnh lâu khỏi, thở khò khè, khóc nhiều, sốt... tình trạng bệnh nặng lên cần cho trẻ đi khám để có hướng điều trị kịp thời.

Ăn uống

-Đảm bảo chế độ dinh dưỡng tốt giúp trẻ có sức đề kháng. Cho trẻ ăn nhiều tiêu, ớt, sả, gừng... cay nóng để dễ sinh nhiệt, ấm người, tăng sức đề kháng.

-Mỗi khi đi ngoài trời về, hoặc trước khi đi ngủ ban đêm nên cho trẻ uống trà nóng, canh nóng, hoặc ăn cháo nóng giúp bổ sung nước cho cơ thể và giữ ẩm đường hô hấp. Súp gà rất tốt cho trẻ khi bị cảm cúm, có tác dụng tống chất nhầy ra ngoài. Các gia vị cay như hành tây, ớt, hạt tiêu, tỏi, cà ri (dùng gừng thì cho ít) giúp thúc đẩy tuần hoàn máu, tăng sinh nhiệt, giảm nghẹt mũi, ngừa cảm lạnh, cúm.

-Tăng cường cho trẻ ăn rau, nhất là rau xanh giàu vitamin và dưỡng chất để tăng sức đề kháng.

-Hạn chế cho trẻ ăn đồ đông lạnh, các thực phẩm lạnh để bảo vệ cổ họng cho trẻ.

-Hàng ngày cho trẻ uống nhiều nước vì trời lạnh cơ thể cần nhiều nước để hoạt động.

Quyết định cuối cùng

Nếu quá rét thì không nên cho trẻ về quê, hay du xuân. Nếu có buộc phải đưa trẻ về, việc giữ ấm và đảm bảo sức khỏe cần chú trọng hàng đầu. Nếu có điều kiện nên thuê ô tô cho trẻ về quê.

(Theo Trà Giang/GiadinhNet)