- Người ta thường đùa những người “chăm bệnh thuê” là những “con ma xó” trong bệnh viện. Gọi theo một cách trịnh trọng, họ là những “tình nguyện viên cao cấp”. Thế mới biết cái nghề mà một vài năm trở lại đây bị gắn mác là “tự phát”, “chẳng qua đào tạo bài bản” cứ năm hết Tết đến lại trở thành một nghề “hot”.

Kiếm nửa triệu đồng/ngày nhờ “chăm bệnh” dịp Tết

Trên khắp các diễn đàn “người tìm việc” hay “việc tìm người” những ngày này đang khá rầm rộ. Bà Nguyễn Xuân, admin của một trung tâm giới thiệu việc làm cho biết, dạo gần đây bà nhận được cả trăm cuộc điện thoại, đến nỗi bà phải tắt máy vì “cứ mối nào là xong mối đó, cứ gia đình, người thân nào cần tìm, tôi cũng đều có nhân lực để đáp ứng luôn. Vậy nên, tôi đành phải giới hạn thời gian gọi. Tôi chỉ nhấc máy lúc giữa trưa khi ăn cơm hay trước 10 giờ tối khi chuẩn bị đi ngủ”.

{keywords}

Vào những ngày này, lượng người tìm đến với công việc chăm người ốm ngày càng cao. Họ thường để lại số điện thoại đi kèm số năm kinh nghiệm của mình (Nguồn: Internet)

Gọi điện cho bà Phạm Thị Hạnh (Hàng Buồm), một gia chủ cần “người chăm bệnh” đã chia sẻ thông tin trên một diễn đàn. Sau vài hồi quanh co, bà thú nhận đang sở hữu một trung tâm giới thiệu dịch vụ chăm sóc người ốm. Bà nói: “Giờ này, cái gì chẳng dịch vụ”. Bên cạnh việc muốn có thêm thu nhập, bà cũng giải thích: “Mình cũng đã từng là người trong nghề nên mình hiểu gia đình bệnh nhân đang mong mỏi thế nào. Người tìm việc cũng tranh thủ dịp này để mang về nhà cái Tết “tươi” hơn, dù muộn”.

Thực tế, trong bệnh viện đã “ngầm” hình thành dịch vụ chăm người ốm. Những người “chăm bệnh” cũng “ngậm ngùi” ở lại bệnh viện hay theo bệnh nhân về chăm sóc tại nhà vào dịp Tết này một phần vì khoản thu nhập “tươi rói”, một phần vì trách nhiệm và lương tâm với người bệnh.

“Xuân này, con không về!” là điệp khúc đầy bi ai cho những người “chăm bệnh thuê”. Nghề này “gió chiều nào xoay chiều nấy thôi”, khổ lắm em ạ”. Anh Giang, một “người trong nghề” chân thật: “Nghề này chị giới thiệu cho em, bà con cô bác thân thuộc giới thiệu cho nhau. Giống như câu nói “Trên mặt đất làm gì có đường, người ta đi mãi cũng thành đường thôi”.

Theo anh Giang, lương tùy theo bệnh, bệnh nặng thì lương cao. Ở đây lương tối đa là 300 ngàn đồng/ca (trông ngày đêm), nhưng làm Tết giá cũng “Tết”. “Một gấp đôi em ạ. Làm Tết bằng lương cả tháng luôn”. “Nửa triệu đồng/ngày đêm” là cái giá cho một cái Tết xa nhà.

Gọi họ là “ma xó” trong các bệnh viện lớn là bởi tính chất công việc “theo lộ trình của bệnh nhân”. Với họ, chuyện phải di chuyển từ khu này sang khu khác, bệnh viện này qua bệnh viện khác, hay thậm chí là từ viện về nhà và ngược lại, tùy mức độ tăng nặng hay thuyên giảm của căn bệnh là chuyện “như cơm bữa”. Vì vậy, thông tỏ các “ngõ ngách” trong viện cũng chính là một kĩ năng thiết yếu, cơ bản của một người “chăm bệnh thuê”.

Hay đó là cách gọi đầy ám ảnh bởi theo dọc các hành lang bệnh viện, sẽ thấy người ngồi, kẻ đứng, những người chăm bệnh lang thang, mòn mỏi ở những hành lang heo hút lạnh hay chẳng ngại mưa nắng xói vào mặt vào đầu. Bởi đó là lúc “chờ việc”, “chuyển ca” giữa người nhà và người chăm bệnh thuê, “khốn khổ vì bác sỹ chỉ cho một người vào đó chăm bệnh thôi”, một chị buông lời chua xót.

Thành thử, từ các bác sỹ, y tá đến các bệnh nhân trong bệnh viện, cứ hỏi đến tên “anh Nam”, “chị Hải” là họ đã nhớ mặt, chỉ lên tận nơi.

Thành phố người ta “mũ áo đề huề, một bước lên xe”, chứ đâu như “người quê” chúng tôi. Thời buổi có tiền, sinh ra nhiều thứ dịch vụ “lạ đời”. “Người Phú Thọ xuống đây làm cái nghề này đông nhất. Họ có một làng đổ đi các nơi. “Người Phú Thọ, kẻ Vĩnh Phúc, người Hà Nam, Thái Nguyên, Hưng Yên,… chung quy là dân tứ xứ rải mình ra ở mấy cái bệnh viện lớn này”, anh Thanh Phương phân trần.

Hầu hết, hơn 50 con người “chăm bệnh thuê” trong bệnh viện Hữu Nghị đều đã ngót nghét hơn chục năm kinh nghiệm chăm người già. Họ đều có bố mẹ già ở nhà nên cũng hiểu những quá trình “lão – bệnh – tử” mà người già phải đối mặt.

Tôi tình cờ gặp anh Nam – một “tình nguyện viên” đầy nhiệt tâm trong một lần đẩy giường nằm cho bệnh nhân vào phòng Siêu âm – Chụp X quang.

{keywords}

Anh Nam cẩn trọng cùng người nhà bệnh nhân đẩy chiếc cáng, đưa bệnh nhân trở về Khoa Tiêu hóa, bệnh viện Hữu nghị (Ảnh: Đỗ Dung)

Với anh Nam, nghề này “khó hơn cả làm dâu trăm họ”. Công việc của một người “làm dâu trăm họ” triền miên như một vòng luẩn quẩn, chẳng rõ ngày hay đêm.

Anh cứ trải mình bằng một giọng kể đều đều như cố trốn chạy khỏi cơn buồn ngủ, do thức nhiều đêm liền: “Một đêm phải trở dậy 25 – 30 lần là chuyện bình thường. Có khi phải cả tháng trắng đêm triền miên để chiến đấu với cơn nguy kịch của người bệnh”. Anh rùng mình khi nhớ lại những đêm trắng an ủi cơn nổi loạn, la hét của một bệnh nhân mắc chứng tai biến nặng.

Có lẽ, chính sự luẩn quẩn trong cái vòng quay vô thường này khiến cho cả một đội ngũ chăm người ốm như anh trở nên thèm người, quý người hơn. “Mình coi họ cũng là cha, là mẹ mình”.

Anh tâm sự đã gắn bó với công việc này mười lăm năm nay. Trước đó, anh có “chăm bệnh” tại Viện Nhi Trung ương, song quá ám ảnh bởi tiếng kêu khóc của “kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh”, anh đã rời bỏ khỏi đó đến với bệnh viện Hữu nghị này: “Họ đều là người già, sinh lão bệnh tử cũng hợp quy luật tự nhiên thôi”. Đúng như cái tên “tình nguyện viên” mọi người đặt cho anh, trong suốt 15 năm qua, anh chưa khi nào từ chối bất cứ một cuộc điện thoại nào cần trợ giúp. Có thể là bác sỹ gọi đẩy cáng cho bệnh nhân đi tiêm, truyền hay thậm chí là đi “vệ sinh thân thể” cho người đã chết để đưa vào nhà lạnh. Không quản đêm hôm, lúc bệnh nhân của mình ngủ, anh cũng không quản ngại một cuộc điện thoại gọi đưa bệnh nhân từ trong khoa chuyển sang phòng Cấp cứu.

Quả thật, như lời anh Nam kể, “nghề này không phải ai cũng làm được và muốn làm”. Cô Thắng, người chăm bệnh tại Khoa hồi sức cấp cứu, bệnh viện Bạch Mai hài hước: “Mấy bà chăm trong viện “mệt phờ râu”, “tay bắt chuồn chuồn” vì “không chịu được nhiệt”. Ngày tối đa tiêu 50.000 đồng, sáng gói xôi, trưa hai cái bánh mỳ, tối suất cơm. Làm 8 – 9 triệu, coi như hết 1,5 triệu tiền ăn “cũng không lại”. Thành thử, các bà ấy lại chuyển sang trông trẻ “cho lành”, việc vừa sức, tầm tuổi đó “kinh nghiệm đầy mình” rồi.

“Vào thì phải có cửa chứ chui ở đâu”

Trong vai một học viên điều dưỡng vừa mới ra trường, tôi xin vào bệnh viện thực hành “chăm bệnh”, tôi được một bác U50 trông mẹ bị tai biến mách nước: “Trông không cơm ở đây, một ngày được 300.000 đồng, “Đêm có ghế ngủ từ 11 giờ đến sáng, trông (bệnh nhân) tai biến nhàn không ấy mà”.

Theo sự chỉ dẫn của một người nhà trong Khoa Cấp cứu tâm thần (bệnh viện Bạch Mai), tôi đi tìm chị Vân, một “ma xó” lâu năm ở bệnh viện này. Tôi không gặp chị bởi đã tới giờ người nhà vào chăm, chị đã tranh thủ giấc ngủ hiếm hoi buổi trưa. Giới thiệu mình là người đi xin “chăm bệnh thuê”, bà Tuyết Đan (chủ của chị Vân) liền nhiệt tình cho tôi số điện thoại của một “cai đầu dài” (người đã dắt mối cho chị Vân có được công việc tại BV Hữu Nghị. Bà còn dặn, nếu chăm nam giới mà bị “bắt nạt” thì “từ chối thẳng”: “Chứ chị thấy đấy, ông nhà tôi nằm liệt như thế này. Chị học Y thì biết, cái đó cũng “chết cả rồi”, còn làm ăn gì được nữa”. Nói đoạn, bà hứa sẽ gọi tôi nếu chị Vân không theo về gia đình chăm sóc bệnh nhân khi ra viện.

“Cô cai đầu dài này nghe nói đâu ở tận bên Hàn Quốc, ăn nói sắc sảo. Một đối lại mười, nắn nắn bóp bóp chuyên nghiệp. Cháu còn lâu mới “mùa rìu qua mắt thợ được”, bà cũng dặn tôi “phải nỗ lực” mới lọt “mắt xanh” của chị ta.

Được tận “mục sở thị” một chị trạc ngoài 40 trong Khoa Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai đang tất bật với những chậu và xô nước nặng để lau mình mẩy cho bệnh nhân nằm liệt. Cô tên Kim Thoa, quê ở Hưng Yên, đã gắn bó với nghiệp “chăm bệnh” 11 năm nay. Cô hài hước: “Người nhỏ thó làm sao làm sao nâng được người bệnh những 70 – 80kg. Phải to khỏe, mông má nây đều. Hút đờm ư? Pha sữa ư? Ăn bằng ống xông ư? Cháu phải biết và thạo”. Cô khuyên tôi nên tìm một công việc nào đó ổn hơn: “Trong viện thực sự không còn chỗ vì người nọ giới thiệu cho người kia.

{keywords}

Người chăm bệnh to khỏe luôn lọt vào mắt xanh của người nhà bệnh nhân ngay từ lần đầu tiên với sự nhanh nhẹn và thạo việc (Ảnh: Đỗ Dung)

“Vào thì phải có cửa chứ chui ở đâu”. Đã thành dịch vụ rồi. Theo lời cô, phải có thâm niên, có kinh nghiệm và thạo việc rồi nên “chẳng cần qua đào tạo hay thử việc gì sất” có thể làm được ngay.

Cô Thanh Hương, người nhà của bệnh nhân kể, chồng cô bị bệnh ung thư máu, đã ở lại viện được hai cái Tết rồi. Đã có lần qua trung tâm giới thiệu việc làm, nhưng “ảo lắm”, cô thở dài thất vọng: “Trung tâm hứa hẹn đảm bảo người làm đã được qua đào tạo, nhưng mà khi về nhà thì vụng trương vụng nứt”, “Có trung tâm còn ăn cả tháng lương đầu tiên của người làm việc, mặc dù cam kết, chỉ bên người nhà phải trả 900.000 đồng tiền phí dịch vụ.

“Kiếm cơm khổ lắm ai ơi!”

Không mặc định là công việc của các chị em, các anh cũng đều phải kiếm kế sinh nhai từ nghề “làm dâu trăm họ” này. Nhưng những người “chạy bền”, “đa di năng” như anh Nam chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Bởi “các chị” cũng thừa nhận “nhẫn nhịn thì có thừa” nhưng sức chịu đựng của họ “không đủ”. Có những người già đến 70, 80kg, lại nằm liệt, họ cũng đành “chịu thua”. Nhất lại với mức ăn 20.000 đồng/suất cơm bệnh viện, “các chị bới đâu ra sức”.

“Nghề chọn người, người không chọn nghề”, ai cũng lạc quan nghĩ đó là “cái duyên cái nghiệp” của mình rồi. “Những người ở đây, không phải vì làm ruộng, vì làm nương thì họ cũng chẳng “đâm đầu” vào cái nghề này. Nhiều nhà cha mẹ ốm nằm đó, không chăm được, thế mà lại phải đi chăm người khác, để có tiền nuôi lại những “tàu há mồm” ở nhà”, chị Đặng Thị Lụa (quê ở Phú Thọ) ngậm ngùi.

Nỗi nhớ nhà ngày cận Tết mênh mang trong lòng anh Thanh (quê Bắc Giang), khiến hộp cơm rau với vài hạt lạc không nuốt trôi. Bệnh nhân của anh liên tục phải đi cấp cứu do cơn trụy tim liên tục phát tác. “Nhiều khi ngày Tết vợ con gọi điện, mình không dám nghe. Nhiều khi nỗi nhớ nhà khiến mình không ít lần bỏ bệnh nhân để trở về”. Anh Nam, anh Thanh, chị Lụa,… đều thở dài ngao ngán vì rất có thể họ sẽ phải “ăn Tết bệnh viện”.

Hưng (quê Thái Bình) chăm bệnh tại Khoa điều trị Thần kinh nặng – bệnh viện Bạch Mai. Chàng trai vừa tròn 20 tuổi kể, chứng kiến ba mất vì một cơn bạo bệnh tại bệnh viện này, nên em đã bỏ học năm thứ hai tại trường Đại học Y Hà Nội.

{keywords}

Lao động cực nhọc với những đêm trắng triền miên, người chăm bệnh thuê cũng chỉ dám nhai rồi nuốt vội những suất cơm hộp chừng 20.000 đồng tại các quán cơm gần bệnh viện. Ảnh: Đỗ Dung

Suốt 4 năm nay, công việc hàng ngày của Hưng là “dử” cho bệnh nhân uống thuốc. Hưng rùng mình: “Có những bệnh nhân nặng cứ 5 phút họ lại đập đầu vào tường một lần đòi chết. Rồi lại la hét, đánh đập bác sỹ, đánh đập cả người nhà”. Mắt Hưng chợt vụt tối: “Có người đã rời khỏi nơi này, nhưng chính người nhà của họ đã lại mang họ vào đây thêm một lần nữa”.

Hưng thấy 4 năm trải qua cùng người bệnh tại Khoa tâm thần này là một niềm hạnh phúc nhỏ nhoi trong cuộc đời, bởi Hưng đã gắn bó với những người bệnh, làm bạn , làm người thân của họ và thấy phải có trách nhiệm chăm sóc họ để họ quay trở lại với cuộc sống đời thường”.

Tôi lại nhớ đến ám ảnh những lời gan ruột của anh Nam. Anh kể, có nhiều người nhà đã cáu với bệnh nhân, vì không chịu được sức ép của việc phải triền miên thức đêm. “Tết về rồi, nhiều người con cứ mải tiệc tùng, bỏ cha mẹ cho chúng tôi trông. Họ làm ra nhiều tiền không đếm xuể, phải trả lương của chúng tôi có thấm gì”. Nhưng với cái tâm của một người làm nghề này, anh không đành lòng bỏ mặc bệnh nhân dù chỉ là một phút. Anh hiểu “người già đã khó tính, thêm chút bệnh họ càng trở nên “kĩ tính” hơn. Họ sợ cô đơn và rất cần được chia sẻ”.

Đỗ Dung