40 năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, một cuốn sách mang tựa đề “Vietnam, 40 years later” (tạm dịch: Việt Nam, 40 năm sau) của tác giả Robert Dodge – nhiếp ảnh gia và cũng là một phóng viên kỳ cựu người Mỹ hiện đang cư ngụ tại thủ đô Washington đã được phát hành. Cuốn sách mang nhiều ý nghĩa về mảnh đất, con người Việt Nam.
Yêu mến Việt Nam từ thuở nhỏ
Lý do để ông bỏ rất nhiều công sức thực hiện cuốn sách “Việt Nam, 40 năm sau”, theo ông Robert Dodge, chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến của thế hệ ông, trong bối cảnh khắp nước Mỹ lúc bấy giờ nổ ra một cuộc tranh cãi gay gắt. Báo chí, truyền thanh, truyền hình tràn ngập những tin tức về cuộc chiến, được đưa tới tận phòng khách của mỗi gia đình hàng ngày. Đó cũng chính là lý do từ lúc còn nhỏ, Robert đã chú ý tới Việt Nam và chọn nghề báo.
Bìa cuốn sách là hình ảnh một người phụ nữ đứng tuổi, ngồi bán bánh mì bên hè đường. Robert chọn hình ảnh ấy vì nó nói lên nhiều điều về lịch sử của Việt Nam. Một phụ nữ bán thực phẩm ở ngoài đường, cảnh đã diễn ra trong nhiều thế kỷ ở Việt Nam. Bà đội chiếc nón lá truyền thống, nhưng mặc áo vét theo kiểu phương Tây, chân mang dép và vai đeo ví cũng theo kiểu phương Tây. Dù đã đứng tuổi, người phụ nữ ấy cũng cố gắng vươn ra thế giới bên ngoài để nối kết với nền kinh tế toàn cầu. Những ổ bánh mì baguette nhắc nhở thời kỳ Pháp thuộc, phía sau bà là những người trẻ tuổi lái xe mô tô chạy qua thật nhanh.
Nhiếp ảnh gia Robert Dodge |
Dưới con mắt của Robert, Việt Nam vẫn là một đất nước còn nằm sâu ở châu Á cổ kính. Điều đó được cảm nhận sâu sắc nếu người ta rời xa các thành phố lớn, đến với những ruộng đồng – nơi người dân vẫn lao động khó nhọc để sản xuất nông phẩm. Nhưng mặt khác, Việt Nam cũng là một đất nước đang vươn ra với thế giới rộng lớn. Người ta có thể thấy rõ điều đó mỗi ngày ở các thành phố lớn của Việt Nam.
Robert chia sẻ: “Việt Nam hiện giờ là một quốc gia mang hai bộ mặt: vừa hoang sơ, cổ kính và phần nào e ấp, nhưng cũng lại phóng khoáng, mạnh mẽ vươn mình tiếp nhận những cái mới từ thế giới. Việt Nam là đất nước đẹp tuyệt vời, từ cảnh núi rừng trên vùng cao nguyên phía Bắc, tới những bãi biển chạy dọc theo vùng duyên hải. Tôi cho rằng người Việt Nam rất thân thiện, cởi mở. Trong tư cách một nhiếp ảnh gia, tôi vô cùng thích thú bởi vì bất cứ nơi nào đi qua, tôi đều gặp những con người sẵn sàng cho phép tôi chụp ảnh. Điều đó không xảy ra ở Mỹ hay châu Âu. Ở những nơi đó, người ta tỏ ra nghi ngờ hơn và thường tránh các nhiếp ảnh gia”.
Bìa cuốn Vietnam, 40 years later. |
Robert cho biết, khi sang Việt Nam lần đầu tiên, ông mang theo một máy ảnh kỹ thuật số. Tới Hà Nội, trong khi chờ xe lửa để đi Sapa (Lào Cai), ông đi loanh quanh thành phố này để chụp hình. Nhìn những màu sắc hiện lên trên máy, ông tự nhủ, không thể nào chỉ chụp ảnh trắng đen mà thôi, bởi vì Việt Nam có quá nhiều màu sắc. Đa số những tấm ảnh mà Robert chụp trong chuyến đi đầu tiên ấy là ảnh phong cảnh.
Sau này, ông cảm thấy mình cần chụp nhiều ảnh hơn và bắt đầu chụp con người. Đây là một bước ngoặt trong sự nghiệp nhiếp ảnh của ông trong tư cách một nghệ sĩ, ngày càng đi sâu hơn vào lĩnh vực nhiếp ảnh báo chí. Với Robert, điều thú vị nhất là tìm hiểu về cuộc sống của người dân Việt Nam. Từ việc làm, tập tục và văn hóa của đất nước và con người Việt Nam đều được Robert thu vào ống kính.
Đón Tết Việt và nhận lì xì
Dọc theo dải đất hình chữ S, sau những cuộc trò chuyện, ghi chép và tham gia vào nhiều hoạt động thường nhật của người dân, đọng lại nhất với Robert vẫn là hình ảnh sinh hoạt đời thường. Ông nhớ nhất là những bữa cơm vào ngày cuối tuần của người Hà Nội và TP HCM. Trong những bữa cơm ấy, ngoài chủ gia đình (thường là vợ chồng, đôi khi có thêm cả ông bà nội hoặc ngoại) thì các con, các cháu từ khắp các nơi ùa về. Các nàng dâu thì tíu tít đi chợ và làm “ầm ỹ cả căn bếp”, còn các con trai và những ông bố thì ngồi nhâm nhi ly rượu, hoặc thưởng thức chén trà, hoặc cùng bàn luận về một vấn đề gia đình, con cái, xã hội… Đó là những giây phút rất vui vẻ và ấm cúng tại Việt Nam.
Robert cũng đã từng sống trọn một cái Tết “rất Việt Nam”, tại ngôi nhà của người bạn ở phố Lê Thánh Tông (Hà Nội) vào năm 2009. Khi đó, Robert đã ở Việt Nam hơn 4 năm. Ông nhớ, tiết trời năm ấy lạnh đến nhức xương. Bà cụ chủ nhà (mẹ của bạn ông) cứ chiều tối là mặc lớp lớp áo dạ, áo len, đầu quấn khăn, chân mang tất mà cứ ngồi nhìn ra cửa nhà – một cái nhìn mông lung và vô định. Bạn ông cho biết, ấy là bà cụ nhớ các con, các cháu đang làm ăn, sinh sống ở xa, tận miền Nam, miền Trung. Bà cụ lo thầm, không biết các con, các cháu làm ăn ra sao, sức khỏe và học hành thế nào, Tết này có về nhà sum vầy với bố mẹ và chòm xóm hay không? Rồi hàng ngày, bà cụ cứ thấp thỏm bên chiếc điện thoại như chờ một cuộc gọi nào đó khiến ông chồng cứ lâu lâu lại phải gắt lên.
Hình ảnh trong cuốn Vietnam, 40 years later của Robert Dodge. |
Hình ảnh trong cuốn Vietnam, 40 years later của Robert Dodge. |
Những ngày giáp Tết, trời lạnh là thế mà từ tờ mờ sáng, bà cụ đã lọ mọ xách giỏ đi chợ. Rồi bà tha về nào những măng khô, giò mọc, miến, hàng trăm thứ linh tinh khác mà Robert không hình dung được. Đến sáng ngày trừ tịch (30 Tết) thì Robert phát hoảng thật sự vì không biết lấy sức khỏe ở đâu mà bà cụ “vác” về nhà nhiều thứ quá. Từ lá, gạo, đậu, thịt, trái cây, hoa tươi, vài chậu quất, một cành đào, đến nồi niêu, xoong, chảo… Sức người đâu à làm, mà bày biện. Mà như có phép thần thông, đến chiều tối 30 Tết thì tất cả những thức ấy, ngần ấy thứ đã được bà cụ chế biến thành những món ăn thơm lừng cả căn nhà, tinh tươm, gọn ghẽ.
Đến tối là khoảnh khắc “vỡ ra” của bà cụ. Ngỡ như cả năm bà cụ ngóng chờ giây phút này. Các con, các cháu của bà cụ lục tục kéo về, ai cũng tay xách nách mang hàng đống quà Tết. Bà cụ như trẻ ra, đi lại nhanh nhẹn hẳn, luôn miệng giục con cháu đi tắm rửa, thay đồ và trả lời hàng đống câu hỏi của các cháu. “Theo tôi tìm hiểu và cảm được phần nào, đó mới chính là cái không khí ngày Tết mà chỉ có ở con người và đất nước Việt Nam”, Robert xúc động kể.
Robert cũng kể lại một kỷ niệm nhỏ nhưng khó quên trong cái Tết ấy. Ông được chính bà cụ chủ nhà chúc Tết và nhận tiền… lì xì mừng tuổi lấy may. Robert cũng nhận được nhiều bao lì xì khác của các thành viên trong gia đình và theo phong tục Việt, ông cũng lì xì, chúc Tết ông bà cụ chủ nhà và các thành viên trong gia đình. Robert bộc bạch: “Cái Tết ấy là kỷ niệm rất đáng nhớ của tôi trong suốt 9 năm thực hiện bộ sách ảnh “Việt Nam, 40 năm sau”. Và từ những gì trân quý nhất của con người và đất nước Việt Nam, tôi đã thực hiện được bộ sách ảnh đầu tay của mình. Một tác phẩm từ đáy lòng với tất cả niềm đam mê, khả năng của mình”.
Nguyên Quốc
(Theo báo Gia đình & Xã hội xuân Ất Mùi)