Du xuân đầu năm là dịp mà các "thượng đế" phải "toát mồ hôi" trước việc hàng loạt dịch vụ đua nhau "chặt chém".

Gửi xe 50-70 nghìn đồng/lượt

Những điểm trông xe tự phát ở Văn Miếu, Thủ Lệ (Hà Nội) hay quanh những ngôi chùa nổi tiếng như chùa Vĩnh Nghiêm, Đại Giác, Hoàng Pháp... (TP.HCM) mọc lên như nấm. Tuy nhiên, phí trông giữ xe được đẩy lên gấp nhiều và mỗi nơi một mức, loạn phí trông giữ xe.

Khu vực Văn Miếu Quốc Tử Giám, phí trông giữ ôtô nơi thì áp đồng một mức là 50.000 đồng/xe, nơi thì 40-70.000 đồng/ xe (tùy xe 5 hay 7 chỗ), thậm chí có chỗ thì trông xe theo giờ với mức 40.000 đồng/giờ; không phân biệt xe to hay bé. Còn tại công viên Thủ Lệ, phí trông giữ ôtô cũng được đẩy lên 50.000 đồng/xe.

{keywords}
Một bãi trông xe chật kín trong những ngày tết tại HN.

Ngày bình thường những điểm giữ xe quanh chùa Vĩnh Nghiêm, Đại Giác, Hoàng Pháp... (TP.HCM) chỉ thu 5.000 đồng/ lượt xe máy, 20.000 đồng/ lượt xe ô tô 4 chỗ nhưng những ngày tết Ất Mùi giá tăng lên 20.000, 30.000 đồng/lượt xe máy và 100.000 đồng/lượt xe ô tô. Đây không phải lần đầu tiên dịch vụ trông giữ xe tự phát tại các cửa Chùa tăng giá đột biến nhưng do nhu cầu cần thiết nên nhiều người dân đành “ngậm bò hòn làm ngọt”.

Chị Như (ngụ quận 3) cho biết trên Dân Trí: “Tôi rất bất ngờ khi một điểm giữ xe tại chùa Vĩnh Nghiêm thu đến 30.000 đồng/ lượt xe máy. Những ngày rằm, lễ Vu Lan tôi cũng thường đi lễ chùa tại đây nhưng cùng lắm cũng chỉ lên tới 10.000 hoặc 15.000 đồng/lượt là cùng. Tôi có trao đổi về chuyện ép giá với người trông giữ xe thì họ kêu cả năm mới có ngày tết nên họ phải thu thêm. Nghĩ họ cũng là những người lao động theo thời vụ và những ngày tết tôi không muốn đôi co nên bỏ qua cho xong chuyện”.

Chị Thu (Hà Nội) chia sẻ: Chị đưa con vào nhà sách 10 phút. Khi ra một thanh niên ở đâu chạy lại đòi 50 nghìn đồng. Chị nói, ngày thường ở đây có trông xe đâu mà thu tiền vậy. Anh này tỉnh bơ: "Tết mà!".

Theo nhiều người dân, nhiều bãi trông giữ xe còn có "chiêu trò" là không để biển niêm yết mức giá cũng không có biển thông báo dịch vụ trông giữ xe. Nếu có người cẩn thận hỏi trước mức giá giữ xe thì nhân viên trong bãi chỉ dùng ký hiệu là năm ngón tay giơ lên cao để "lòe" khách khiến nhiều người hiểu nhầm là 5.000 đồng/xe. Đến khi gửi xe vào bãi, rút ví ra trả mới hay là 50.000 đồng.

Bún, phở đắt "cắt cổ"

Cùng với dịch vụ trông giữ xe, việc tăng giá của nhiều quăn ăn cũng khiến nhiều người bất ngờ. Tại một quán bánh cuốn trên đường Hoàng Văn Thụ (TP.HCM) ngày bình thường có giá 20.000 đồng/đĩa thì bỗng dưng tăng giá lên 30.000 đồng với lý do thuê người giúp việc những ngày tết cao hơn.

Một quán phở trên đường Phan Xích Long có giá niêm yết là 20.000 đồng/tô nhưng những ngày tết cũng tăng lên 35.000 đồng/tô do quanh khu vực rất ít quán ăn mở cửa trong suốt cả dịp tết. Khảo sát trên những con đường nổi tiếng về ăn uống như Phan Xích Long, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Hồng Đào, Hoàng Sa, Trường Sa… gần như chỉ lác đác vài quán ăn mở cửa nên các chủ quán tự ý tăng giá để ép khách hàng.

Trên đường Nguyễn Lương Bằng, Đội Cấn…(Hà Nội) bún riêu bò đậu 50.000 đồng/bát, phở bò, gà 60.000 đồng/ bát. Một suất bún chả trên phố cổ là 75.000 đồng. Nhiều khách hàng cho rằng, tuy giá bán gấp 2-2,5 lần ngày thường nhưng chất lượng thì rất kém. Bát bún chỉ lèo tèo vài sợi, thịt thì thái mỏng như lụa Hà Đông. Tuy nhiên, vì là ngày tết nên cũng đành chấp nhận.

Chủ một hàng ăn trên phố Đội Cấn giải thích muốn bán giá như ngày thường cũng không được. Bởi, giá nguyên liệu, rau thơm đắt gấp đôi ngày bình thường mà muốn có hàng đều phải đặt trước từ trong tết.

M.T (tổng hợp)