Đối với mọi người, Tết là khoảng thời gian vợ chồng vui vẻ, hạnh phúc sum vầy sau một năm bận rộn. Nhưng đối với những người là vợ hai - Tết đôi khi lại là những giọt nước mắt tủi hờn vì việc đón con riêng của chồng về nhà ăn Tết.
Gặp Hằng (27 tuổi, Đồng Nai) ai cũng dễ dàng nhận thấy sự buồn bã trên gương mặt. Hỏi ra mới biết cô mới trải qua một cái Tết chán ngán, đau khổ nhất trong suốt 27 năm có mặt trên cõi đời này.
Hằng mới lên xe hoa được nửa năm với một người bạn đồng nghiệp, hiện chưa có con cái. Điều đáng nói là trong khi cô là gái tân thì anh chàng này đã qua một đời vợ và có một cô con gái lên 8. Bình thường cứ cuối tuần, vợ cũ của chồng cô lại chở con gái về nhà nội chơi một ngày, mối quan hệ giữa cô với con riêng của chồng cũng không mấy suôn sẻ vì con bé từ lúc đầu đã từ chối sự quan tâm của cô.
“Mình thương bé vì thấy bé thiệt thòi nhiều, bằng này tuổi đã phải xa cha. Nhưng chẳng hiểu sao nó cứ khăng khăng cho rằng vì mình mà ba mẹ nó chia tay, trong khi mình đến với anh khi anh đã li hôn gần hai năm trời. Chính vì suy nghĩ đó mà con bé hết lần này đến lần khác làm khó mình, thậm chí nhiều khi còn ‘chơi xỏ’ mình nữa. Đặc biệt là trong dịp Tết vừa rồi, lắm lúc mình chỉ muốn tét vào mông nó một cái thật đau cho hả giận”, Hằng chia sẻ.
Theo như lời Hằng kể thì vợ chồng cô dự tính chỉ đưa bé về thăm ông bà ngày mùng 2 Tết rồi thôi. Không ngờ tối 30, vợ cũ chồng cô đã gọi điện nói anh về chở con về nội vì mấy ngày Tết phải đi phượt Đà Lạt với bạn bè. Không thể làm khác hơn, chồng cô đành qua đón bé về.
“Nghe chồng nói trong điện thoại là mình đã thấy buồn rồi, trong thâm tâm không hề muốn anh chở bé về suốt cả Tết. Biết thế nào cũng có chuyện xảy ra vì vốn dĩ quan hệ giữa mình và bé cũng không tốt lắm. Thế nhưng ba mẹ chồng vừa nghe nói thế thì mừng lắm, bắt anh qua chở bé về ngay. Và ngay trong đêm giao thừa, mình đã muốn ‘cuốn gói’ con bé về nhà ngoại rồi”, Hằng buồn bã nói.
Cô mới trải qua một cái Tết chán ngán, đau khổ nhất trong suốt 27 năm có mặt trên cõi đời này (Ảnh minh họa). |
Đêm đó, sau khi được ba chở về nội, con bé hầu như chẳng xem Hằng ra gì. Ai cũng vui vì lâu lắm rồi mới được đón Tết với bé, chồng cô cũng vậy nên ra sức chiều chuộng. Tất cả đều xem như đó là một sự bù đắp cho những thiệt thòi bé phải chịu, nhưng chẳng ai nghĩ đến cảm giác và tâm trạng của Hằng.
“Khi dọn cơm lên ăn, con bé cầm đũa soi một lượt thức ăn rồi bắt đầu… chê bai. Nào là cô Hằng nấu món này nhìn không ngon bằng mẹ con, màu sắc món này kém quá. Rồi thì sao món này cô Hằng không có tỏi cho thơm, món kia không cho cà rốt cho ngon… và sau đó là một loạt câu: Mẹ con nấu ăn ngon nhất đời, mẹ con dạy con nấu ăn phải thêm hành, tỏi cho thơm thì món ăn mới ngon. Những tưởng mọi người nghe con bé nói thế sẽ bênh cho mình vài câu, không ngờ quay sang hùa theo nó và nhắc lại những cái Tết có mặt cô vợ cũ. Mình chỉ biết cắm mặt xuống bát cơm mà không sao nuốt nổi”, Hằng buồn kể lại.
Tối đó, Hằng nói với chồng thì anh cho rằng cô tính toán với trẻ nhỏ. Thậm chí nói thẳng thừng rằng cô nấu ăn tệ hơn vợ cũ thật. Nghe những lời đó, Hằng trào nước mắt cho phận vợ hai của mình và nghĩ đến viễn cảnh tồi tệ khi cùng con chồng đón Tết.
Đúng như Hằng dự đoán, con bé không từ mọi cơ hội để làm bẽ mặt cô và so sánh cô với vợ cũ. Sáng mùng một, trong khi mọi người còn ngủ, Hằng đã phải dậy sớm chuẩn bị thức ăn cúng bái tổ tiên. Nhìn mâm cơm tươm tất đầy đủ các món mà con chồng thích, cứ ngỡ con bé sẽ vui vẻ. Không ngờ, khi thấy mâm cơm được dọn lên, con riêng chồng cô đã phán một câu khiến cô tức xanh mặt: “Cô Hằng bắt chước mẹ con!”. Rồi khi thắp hương, con bé cũng nhìn cách cô làm mà chê bai: “Mẹ con thắp nhang thẳng lắm, không như cô Hằng, nhang bị xéo rồi kìa!”. Bà nội chồng nghe cháu nói thì quay sang bắt cô cắm thẳng lại. Dù bực tức nhưng nghĩ đầu năm, lại muốn tạo ấn tượng tốt với nhà chồng nên Hằng đành ngậm bồ hòn làm ngọt mà bỏ qua.
“Khi mình rút bao lì xì mừng tuổi cho bé thì cơn tức lên đỉnh điểm. Con bé nhìn bao lì xì rồi nói ‘Con không cần tiền của người cướp ba con khỏi mẹ con, phá tan hạnh phúc nhà con’. Mọi người sững người, mình thì chết đứng tại trận. Thế nhưng bất ngờ hơn, cứ tưởng mọi người sẽ đính chính lại cho bé hiểu, không ngờ mẹ chồng mình chỉ nhắc bé một cách nhẹ nhàng lần sau đừng nói vậy nữa rồi thôi. Bao lì xì trên tay mình cũng như chính bản thân mình như thứ thừa thãi không còn ai để ý tới nữa. Thậm chí, khi vắng mặt mình trong mâm cơm, cũng chẳng ai hỏi xem mình đi đâu, ăn gì chưa”, Hằng chua xót nói.
Mùng hai Tết, Hằng bàn với chồng về nhà ba mẹ đẻ thì con bé không chịu mà bắt ba chở sang nhà ngoại nó. Chồng Hằng không đồng ý thì mẹ chồng lên tiếng bảo chở con bé về ngoại chứ đưa nó về bà của mẹ kế làm gì. Nghe những lời nói đó thốt ra từ miệng người từng nói thương mình hơn con đẻ và nhìn vẻ mặt vui hớn hở của bé con, Hằng thấy tủi thân thật sự. Nước mắt cô cứ thế trào ra. Chồng cô thấy vậy thì bảo ở nhà, không đi đâu nữa.
Trưa đó, Hằng cố ý gắp cho con bé một miếng thịt từ bát măng hầm. Không ngờ, con bé gạt phắt miếng thịt bay xuống đất: “Con không cần cô gắp cho con. Con ghét cô nhất, tại cô khóc mà ba không chở con về ngoại. Con ghét cô!”. Ban đầu, Hằng sững người, sau đó cô tức giận phát vào tay bé một cái. Bỏ về phòng, Hằng còn nghe tiếng khóc la đòi mẹ của con bé và tiếng trách móc của gia đình chồng vì mình lỡ đánh cháu họ.
“Nếu biết trước thế này thì mình đã không bất chấp để lấy anh...”, Hằng đau đớn nói.
(Theo Trí Thức Trẻ)