- Dưới cái mác là “nghi thức truyền thống”, các màn chém giết động vật dã man trong các lễ hội vẫn diễn ra mặc những luồng ý kiến đề nghị chấm dứt.

Từ chém lợn đến đập đầu trâu

Những hình ảnh bạo lực trong các lễ đang là tâm điểm của dư luận trong thời gian vừa qua. Đáng chú ý nhất là lễ hội Chém Lợn và Cầu Trâu với màn chém giết động vật đầy máu me để tế lễ.

Lễ hội Chém Lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh) diễn ra vào mùng 6 Tết. Lễ hội này bắt nguồn từ một truyền thuyết xưa, vị tướng Đoàn Thượng khi đánh trận chạy đến vùng núi Ném Thượng đồn trú đã chém lợn rừng nuôi quân. Từ đó, hằng năm người dân mở hội chém lợn để tưởng nhớ người có công khai khẩn đất đai.

Theo đó, mỗi mùa lễ hội có 2 con lợn khỏe mạnh (dân Ném Thượng gọi là “ông Ỉn”) được đem ra tế lễ. “Ông Ỉn” sẽ bị chém đứt làm đôi dưới sự chứng kiến của hàng nghìn người trong đó có cả trẻ em (hai năm trở lại đây màn chém đứt đôi được thay bằng việc lấy dao cứa cho đầu đứt lìa khỏi cổ trong lúc con lợn đang còn sống). Những người tham dự lễ hội thường cầm những tờ tiền lẻ chấm vào máu lợn rồi mang về nhà đặt lên ban thờ, cầu cho một năm may mắn và sung túc.

{keywords}
ảnh minh họa

 

Lễ hội Cầu Trâu (đêm mùng 9, rạng sáng mùng 10 tháng Giêng) ở xã Hương Nha, Tam Nông, Phú Thọ mới được khôi phục lại nhưng đã khiến người ta ghê rợn bởi màn “tra tấn” con trâu để tế lễ. Theo đó, 12 thanh niên có sức vóc, chưa lập gia đình, được chọn lọc kỹ lưỡng từ các hộ gia đình văn hóa thay phiên nhau dùng búa, vồ đập đất đập vào đầu con trâu đực béo khỏe cho đến khi con trâu ngã gục mới thôi. Dân làng quan niệm con trâu quay về hướng nào thì ban phước cho dân làng hướng đó.

Khi trâu ngã gục và chết, người ta phải thử lửa vào bộ phận 'sinh thực khí' là bộ phận nhạy cảm nhất của trâu xem trâu đã chết chưa. Nếu trâu chưa chết thì đánh tiếp đến khi trâu chết hẳn mới được mổ. Sau khi trâu được lột da, người ta chôn 4 chiếc cọc rồi căng da trâu làm 'nồi da nấu thịt' tái hiện việc mổ trâu khao quân của nữ tướng Xuân Nương. Người ta còn cắt 12 miếng thịt trâu ngon ở bắp làm 12 quả đài xinh để tế thần.

Nghi thức bình thường hay man rợ?

Trước những hình ảnh chém giết tàn bạo, tổ chức Động vật châu Á (AAF) đã phát động chiến dịch kêu gọi chấm dứt lễ hội chém lợn. Theo thông cáo báo chí của AAF, đây được coi là là lễ hội tàn bạo, đã và đang bị rất nhiều cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước lên án. Hoạt động này không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý con người, mà còn tác động đến kinh tế xã hội, mà cụ thể là ngành du lịch và hình ảnh của Việt Nam.

“Theo tôi việc chuyển từ chặt sang cắt sẽ làm cho con lợn thêm đau đớn dai dẳng, đồng thời cũng tác động xấu hơn đối với người xem, đặc biệt là trẻ em. Nó không hề làm giảm đi tính bạo lực, dã man mà thậm chí còn tăng thêm” - ông Nguyễn Tam Thanh, cán bộ phúc lợi động vật của Tổ chức Động vật châu Á.

“Cũng giống như lễ chém lợn ở Bắc Ninh, lễ hội Cầu Trâu có lối đối xử tàn ác, phi nhân đạo đối với động vật. Những lễ hội này đều có ảnh hưởng tới xã hội về nhiều mặt và không nên được tiếp tục. Tổ chức Động vật châu Á kịch liệt phản đối và kêu gọi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan có thẩm quyền can thiệp nhằm chấm dứt những lễ hội phản cảm này", ông Thanh nhấn mạnh.

Tiến sĩ Tuấn Bendixsen, một thành viên của Tổ chức Động vật Châu Á chia sẻ trên AFP cũng phản đối kịch liệt: “Những người thực hiện lễ hội chém lợn này đã lấy văn hóa làm cái cớ, và việc thiếu các điều luật chống đối xử tàn nhẫn với động vật đã khiến việc này đi xa hơn”.

Trong khi các tổ chức bảo vệ động vật thế giới và đông đảo trí thức cho rằng các nghi thức chém giết trong lễ hội là man rợ, nhẫn tâm cần thay đổi thì người dân địa phương lại cho rằng đó là truyền thống đẹp được truyền từ xưa tới nay cần được duy trì.

Ông Trần Văn Đức (trưởng thôn Ném Thượng) bày tỏ trên một tờ báo: “Mục đích của lễ hội là ôn lại truyền thống về tình yêu quê hương đất nước nói chung và bản sắc vùng miền nói riêng, tinh thần đoàn kết động viên nhau hăng say sản xuất lao động. Những từ như “phản cảm”, “man rợ” khi nói về tục lễ này chỉ là góc nhìn của mỗi cá nhân. Theo tôi, đây là nghi thức bình thường. Lễ hội năm vẫn được tổ chức, tuy nhiên sẽ thay đổi hình thức theo chỉ đạo của cấp trên. Từ 2 năm nay, dân làng chúng tôi đã thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo huyện, tỉnh là không chém lợn ở giữa sân đình nữa mà thực hiện kín đáo hơn”.

Hầu hết dân làng Ném Thượng đều cho rằng lễ hội chém lợn đã tồn tại hàng trăm năm nay, được lưu truyền nhiều đời tại địa phương, ăn vào tâm thức của bao thế hệ, không thể nói bỏ là bỏ ngay được.

Lê Thị Thoa, Trưởng phòng Di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch Phú Thọ khi được hỏi về lễ hội Cầu Trâu thì cho biết: “Đây là nghi lễ được thực hiện theo đúng truyền thống của làng xã này. Con trâu được buộc vào một cọc tre ở miếu hạ. Sau đó, 12 thanh niên tượng trưng cho các con chùa cầm vồ đập vào đầu con trâu cho đến chết”.

Bà Thoa cũng cho hay, có nhiều ý kiến bày tỏ về việc giống như lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh hay một số lễ hội đập khác, nghi lễ dùng vồ đập trâu đến chết ở lễ hội Cầu Trâu được xem là hành động dã man, phản cảm. Tuy nhiên, đó vẫn là truyền thống. “Có nhiều ý kiến cho rằng đây là hành động dã man và dần dần phải thay thế hình thức khác. Nhưng thực tế, lễ hội này xuất phát từ một nghi lễ của làng xã ở Phú Thọ, chúng tôi cũng chưa nghiên cứu sâu về việc thay thế vì năm nay từ lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh mới có nhiều ý kiến bày tỏ phản đối. Còn hiện giờ các cụ vẫn làm theo đúng truyền thống là đập trâu", bà Thoa nói.

Nhà nghiên cứu nói giữ, Nhà quản lý nói bỏ

GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho biết, ông không đồng tình với ý kiến của tổ chức bảo vệ Động vật châu Á gọi lễ hội chém lợn, cầu trâu ở Việt Nam là phản cảm, tàn bạo. Tổ chức này là những người đứng ngoài cuộc, không hiểu được bản chất của lễ hội nên mới đưa ra những ý kiến như vậy.

“Thế nào là phản cảm, thế nào là tàn bạo? Nói theo cách nói của họ thì đất nước Việt Nam này có một làng gọi là làng tàn bạo, làng dã man à? Khi nói như thế họ có hiểu lý do tại sao người ta làm như thế không? Phát ngôn như vậy là không chấp nhận được!”, ông Thịnh bức xúc nói.

Theo ông, việc duy trì lễ hội là cần thiết và không tổn hại đến ai. Hơn nữa, những người đang đánh giá Lễ hội Chém lợn là dã man là tàn bạo đang không hiểu gì về văn hóa, những người này đang đứng ngoài chứ không phải chủ thể văn hóa nên không thể cảm nhận được ý nghĩa thiêng liêng mà lễ hội mang đến cho người dân.

“Lễ hội tại Việt Nam là một lễ hội đậm nét văn hóa truyền thống, không có bất kỳ lễ hội nào bị coi là dã man hay ghê sợ cả. Vì người dân không hiểu ngọn ngành phong tục tập quán của từng vùng, từng nơi mới đưa ra những lời nhận xét như vậy. Nếu mọi người khẳng định những hình ảnh này cho rằng đó là "dã man" hay "ghê sợ" thì đừng nhìn vào đó và tôi cũng chưa thấy có tài liệu nào khẳng định những hình ảnh tế trâu hay chém lợn đó ảnh hưởng đến nhân cách con người, làm gia tăng sự bạo lực của con người cả” - giáo sư Thịnh khẳng định.

GS.NGND Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội ngành sinh học Việt Nam cũng cho rằng không nên can thiệp vào phong tục tập quán của các lễ hội. “Chúng ta đừng làm to chuyện phong tục, tập quán của một ngôi làng riêng lẻ. Tại đấy, dân làng tin rằng nghi thức này bắt nguồn từ xa xưa, cầu cho con người được mùa săn bắn trong cả năm. Hiện nay là cầu mùa mạng bội thu, phát triển sinh sôi và đem lại hạnh phúc cho cộng đồng. Đây không phải là phong tục, tập quán của nhân dân cả nước và không đáng để Tổ chức Bảo vệ động vật Châu Á phải quan tâm”, ông nói.

Tuy nhiên, ông Phạm Đình Tân, người phát ngôn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, quan điểm của Bộ Văn hóa trước khuyến cáo này là không ủng hộ lễ hội mang tính bạo lực vì văn hóa Việt Nam rất nhân văn, nhân đạo, hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ. Ông Tân chia sẻ, bản thân không bao giờ có thể xem được nghi thức chém lợn với máu me be bét khiến trẻ con khóc thét, người yếu tim xem có khi còn đột quỵ.

Những hủ tục không mang lại giá trị phát triển thì không nên bảo thủ giữ lại. “Đừng lấy lý do truyền thống của cộng đồng. Cộng đồng của làng chém lợn có lớn bằng cộng đồng còn lại không? Theo dõi phản ứng của dư luận qua các báo, tôi thấy phần đa độc giả phản đối lễ hội chém lợn. Một số người dân và nhà nghiên cứu ủng hộ duy trì nghi thức đó là có tư duy bảo thủ”, ông Tân nói.

"Theo dõi phản ứng của dư luận qua các báo, tôi thấy phần đa độc giả phản đối lễ hội chém lợn. Một số người dân và nhà nghiên cứu ủng hộ duy trì nghi thức đó là có tư duy bảo thủ", ông Tân nói thêm.

Kim Minh (tổng hợp)