- Mấy tháng ở nhà chăm con, mua gì mình cũng phải ngửa tay xin chồng từng đồng. Thấy vợ có gì mới là y như rằng chồng mình lại ca bài ca “hoang phí, không biết quý trọng đồng tiền…”. Vợ bắt đầu đi làm cũng là lúc chồng tuyên bố, ai có tiền người đó tiêu.

Đang lúc mệt mỏi vì chuyện tiền nong trong gia đình, lên báo thấy mọi người tranh luận sôi nổi về vấn đề này. Vợ chồng mình kết hôn tính đến nay mới được hơn hai năm. Nhà cửa không phải đi thuê mà thấy cuộc sống hôn nhân nó mệt mỏi chán chường quá. Khác với nhiều gia đình, tiền nong chồng làm ra do vợ quản lí, nhà mình thì tiền chồng là của chồng.

Khi mình còn đi làm, có đồng lương để chi tiêu thì tình cảm vợ chồng còn thoải mái. Tới lúc mình nghỉ việc để sinh con thì mọi thứ bắt đầu khủng hoảng. Suốt 6 tháng ở cữ, tiền không làm ra nhưng đủ thứ phải chi tiêu, phải ngửa tay xin chồng từng đồng một như kẻ ăn xin. Mà cứ mỗi lần như thế, chồng mình lại tỏ vẻ không vui ra mặt.

{keywords}
Minh họa: Internet

Anh mắng vợ không biết tiết kiệm, hoang phí và không biết quý trọng tiền người khác làm ra. Khổ nỗi mình đâu có mua gì cho bản thân, có chăng chỉ là chút thức ăn để thay đổi cho con có sữa bú. Còn lại nào là bỉm, quần áo, đèn sưởi… toàn những thứ cần sắm cho con.

Về sau anh mua hẳn cho mình một quyển sổ, hàng ngày chi tiêu những gì phải ghi chép cụ thể lại cho anh xem. Một nghìn cũng phải ghi lại. Do quá căng thẳng nên khi bé được 5 tháng thì mình bị mất sữa. Lúc này lại thêm khoản tiền mua sữa ngoài cho con khiến chồng mình suốt ngày chì chiết vợ. Mình quyết tâm đi làm, dù đồng lương chưa tròn 3 triệu.

Tháng đầu tiên mình nhận lương, chồng tuyên bố thẳng “từ nay tiền ai có người ấy tiêu” và anh chỉ đóng góp khoản tiền ăn. Còn mình kiếm được bao nhiêu thì tự đi xoay xở các khoản (sữa, bỉm, thức ăn dặm, quần áo, thuốc men...) cho con và tự túc lo cho nhu cầu bản thân mình. Bởi theo chồng mình thì những việc đó trước đây anh đã lo hết rồi, giờ đến lượt vợ.

Thành thật mà nói, lương mình thấp vậy nên chỉ đủ lo cho con. Lương tháng nào hết sạch tháng đó, không dư ra đồng nào chứ đừng nói là phục vụ nhu cầu bản thân (mua quần áo hay giày dép, mỹ phẩm). Quần áo ai cho thì xin, tiền hết thì đành ngửa tay vay mẹ hoặc em gái chứ cũng không dám hỏi chồng. Bởi có lần hỏi, chồng bảo “anh đã ra quy định như thế thì cứ y mà làm. Tiền ăn anh đã nuôi em rồi, em không phải đóng góp gì cho gia đình mà sao tiền nhanh hết vậy?”

Mỗi lần thấy vợ có quần áo ai cho mặc lại là y như rằng chồng lại ca bài ca “rước mãi đồ về gì mà chẳng hết tiền”. Ấm ức nên mấy lần mình cũng bật lại và hai vợ chồng cãi nhau. Nhiều lúc nghĩ không biết đồng tiền sinh ra để làm gì, khiến bao gia đình phải sứt mẻ tình cảm.

Ngẫm nghĩ lại cũng có thể do mình không may mắn khi lấy phải ông chồng quá kĩ tính. Nói có thể nhiều người không tin, nhưng lấy nhau hai năm rồi mà mọi thông tin về lương lậu của chồng mình không hề biết. Hỏi thì chồng mình bảo để làm gì, kiểu như lúc nào cũng hằm hè sợ vợ nuôi ý tưởng giữ hết tiền chồng ấy. Thậm chí điện thoại anh ấy còn khóa bằng mật khẩu để mình không biết thông tin.

Thấy mọi người tranh cãi chuyện tiền bạc trong hôn nhân với đủ các quan điểm. Mình thì chỉ xin góp câu chuyện, chứ cũng chẳng có quan điểm gì. Bởi mình nghĩ đơn giản, trong gia đình tiền bạc không thể sánh bằng tình cảm vợ chồng dành cho nhau.

Chỉ cần hai người tin tưởng tôn trọng lẫn nhau, có tinh thần xây dựng gia đình thì tiền ai giữ cũng không quan trọng. Tôi không nề hà chuyện chồng tôi không đưa tiền cho mình, kể cả anh ấy có giữ hết lương của tôi thì cũng không sao. Nhưng với điều kiện anh ấy biết tôn trọng, hiểu và chia sẻ cùng vợ mình.

Tôi có nên ly hôn người chồng chỉ biết khăng khăng giữ tiền của mình hay không?

Thanh Thanh (Thanh Xuân - Hà Nội)