Xúc phạm đến bạn đời bằng lời nói là một kiểu gây thương tích không để lại dấu vết, không nhìn thấy được. Tuy vô hình nhưng hậu quả thì khó lường, bởi nó để lại sự tổn thương sâu sắc trong tâm hồn người bị bạo hành. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc tan đàn sẻ nghé khi người trong cuộc “bùng nổ”.

Lời nói ngàn cân

“Xin tòa cho phép tôi được ly hôn. Có như vậy tôi mới đủ tỉnh táo để tiếp tục sống nuôi con”. Và, để chứng minh cho lời nói của mình, vừa nói chị Phương Anh (H.Hóc Môn, TP.HCM) vừa run rẩy lật quyển sổ khám bệnh chìa ra phía trước.

Chị kể, suốt mười năm, chị sống triền miên trong những chuỗi ngày chịu đựng sự hành hạ tinh thần của chồng. Vì xấu hổ, chị không dám tâm sự cùng ai; buồn bực, u uất không chia sẻ được khiến chị mắc bệnh trầm cảm hơn ba năm qua.

Trước đây chị và anh Trung Kiên cùng công tác trong một đơn vị rồi cưới nhau. Sau khi sinh con, chị xin thôi việc ở nhà buôn bán, vừa có thêm thu nhập vừa có thời gian chăm sóc chồng con. Dù vậy, gia đình chồng và chồng không công nhận sự đóng góp tiền bạc của chị, mà luôn coi chị như người ăn bám. Việc lớn, việc nhỏ trong nhà, anh Kiên đều tự quyết, xem như vợ không hề tồn tại. Chị làm được việc thì không được khen ngợi, nhưng lỡ gây ra sơ suất gì là bị chồng mắng chửi.

Những lần như vậy anh dùng những lời lẽ thô tục xúc phạm chị khiến chị luôn cảm thấy ức chế, thất vọng về chồng. Cuộc sống của chị càng trở nên ngột ngạt hơn kể từ khi chồng bê tha rượu chè. Sau giờ làm, anh ta đắm chìm trong men rượu, vui cũng nhậu mà buồn cũng nhậu. Say xỉn thì lôi chị ra chửi mắng, đập phá đồ đạc trong nhà. Thấy chị niềm nở với khách hàng, anh mắng nhiếc chị là đồ lẳng lơ, con ốm đau anh cũng đổ lỗi cho chị.

Có lần mẹ vợ đến chơi, chứng kiến cảnh con rể say xỉn bắt vợ dọn cơm rồi ngồi bên cạnh, anh ta vừa ăn vừa chì chiết. Không chịu được, bà lên tiếng bênh vực con gái. Anh ta chẳng kiêng nể mắng luôn cả mẹ vợ “không biết dạy con thì để tôi dạy”. Sau đó, anh ta chẳng những không biết lỗi còn cấm vợ về nhà mẹ ruột.

Mặc dù vậy nhưng ra ngoài, Kiên luôn thể hiện là người chồng lịch lãm, yêu thương, quan tâm đến vợ con. điều đó càng khiến cho chị khó mở lời tâm sự với bạn bè. Năm lần bảy lượt chị viết đơn xin ly hôn, anh ta đều xé bỏ, năn nỉ, hứa hẹn sẽ thay đổi nhưng chỉ vài ba ngày thì đâu lại vào đấy. Anh ta còn kiểm soát cả thời gian của chị, bỏ bê công việc kè kè một bên mỗi khi chị đi giao hàng, cấm đoán chị giao thiệp với bạn bè.

{keywords} 

Theo TS Võ Văn Nam, giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, Trường đại học Sư phạm TP.HCM, bạo hành về tinh thần tuy không gây ra vết thương trên cơ thể, nhưng nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thần kinh của nạn nhân. Người bị bạo hành tinh thần trong một thời gian dài dễ dẫn đến suy sụp cả về thể chất lẫn tinh thần, có những suy nghĩ tiêu cực, chẳng hạn tìm đến cái chết.

Mạnh mẽ để thoát

Thực tế, khi bị bạo hành tinh thần, không phải người phụ nữ nào cũng mạnh mẽ tìm cho mình một lối thoát. Bằng cách này hay cách khác, họ biện minh cho hành động của các ông chồng, hoặc vì con cái, vì danh dự gia đình mà cam chịu.

Đây là lần thứ ba chị Hồng Phương (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đơn phương nộp đơn xin ly hôn rồi lại xin rút đơn. Không phải chị không muốn giải thoát cho mình, nhưng chị không đủ can đảm nói lên lý do ly hôn nên lần nào cũng vậy, sau đôi ba câu khuyên nhủ, hàn gắn của vị thẩm phán, chị lại lặng lẽ rút đơn.

Chị kể, vợ chồng chị đều là giảng viên, ngoài giờ dạy chính ở trường, chị lui về chăm sóc con cái, nhà cửa; anh còn “cày” ở trường khác để kiếm thêm thu nhập. Bên ngoài nhìn vào, cuộc sống gia đình chị rất ấm cúng, nhưng có ở trong chăn mới biết chăn có rận. Khoác bên ngoài lớp vỏ trí thức nhưng anh Hoàng Nam - chồng chị, lại thường xuyên dùng ngôn từ “chợ búa” với vợ.

Bất kể chuyện gì anh cũng mắng nhiếc, miệt thị vợ thậm tệ. Mỗi lần vợ chồng cãi nhau ông chồng giảng viên vô tư gọi vợ bằng con nọ, con kia. Mắng vợ chưa thỏa, anh ta còn lôi cả gia đình nhà vợ ra mắng nhiếc. Là giảng viên nên chị chăm chút hình ảnh bên ngoài của mình, nhưng khi chị sắm cái quần, cái áo không vừa ý là anh ta dùng những lời lẽ dung tục so sánh chị với những cô gái bán phấn buôn hương, còn xé tan nát đồ của chị.

Bảy năm chung sống, chị luôn phải chịu đựng miệng lưỡi cay độc của chồng. Anh ta không đánh chị nhưng những lời anh ta nói còn sắc hơn dao, cứa vào tim gan chị. Những tổn thương âm thầm bào mòn tình yêu trong chị. Sự kiệt quệ không chỉ tâm hồn mà cả thể xác, khiến chị không còn tha thiết đến việc vun vén cuộc sống, chăm chút bản thân.

Chị thở dài: “Thật khó để diễn tả khi nỗi đau đã trở thành sạn trong tâm hồn. Tôi chỉ thấy mệt mỏi, muốn vứt bỏ tất cả, ngán ngẩm đến nỗi không còn muốn nói ra buồn chán của mình. Thôi thì vì con mà sống!”.

Bày tỏ quan điểm, TS Võ Văn Nam cho rằng, đấy không thể gọi là bạo hành kiểu “trí thức”, vì đã là trí thức thì phải hành xử có văn hóa. Một người nhẫn tâm với bạn đời như vậy là phản văn hóa, là không trí thức. Cách hành xử như vậy không chỉ là có lỗi, mà còn là tội. Bạo hành tinh thần gây đau khổ còn hơn cả bạo lực thể chất. Nhưng theo ông, người vợ cũng không phải vô can, chính sự âm thầm chịu đựng vô hình trung đã tạo điều kiện cho chồng lấn tới, hành xử nhẫn tâm đến vô cảm với vợ.

TS Võ Văn Nam chia sẻ, muốn thoát ra khỏi người chồng quen dùng “võ miệng”, trước hết người vợ phải thay đổi thái độ. Cương quyết giúp chồng thoát khỏi cách hành xử theo bản năng vô thức, bằng cách xây dựng ý thức hành xử bình đẳng, tôn trọng người bạn đời. Dĩ nhiên việc làm này rất khó vì phải giúp chồng xóa bỏ thói quen vô thức và hình thành thói quen văn hóa.

Cuối cùng, nếu mọi cố gắng đều trở nên vô nghĩa thì chính người vợ phải mạnh mẽ vùng lên giải phóng cho mình. Người vợ cần tự mình thoát ra khỏi cái sĩ diện hão, phải biết yêu thương và tôn trọng bản thân mình. Nên hiểu rằng với một ông chồng không biết sửa lỗi lầm, những gì người vợ hy sinh không thực sự mang lại hạnh phúc cho con cái như họ nghĩ.

(Theo PNO)