Mới đây, nhà văn Trang Hạ lại “gây bão” cộng đồng mạng với bài viết trên trang Fanpage bày tỏ những suy nghĩ từ việc dạy con của những người mẹ Hong Kong.


“Tự yêu bản thân” là đầu tư có lãi

Trong khi những người mẹ Việt “hi sinh thời gian trong những xó xỉnh không vui nào đó, hi sinh bản thân trong những cuộc hôn nhân miễn cưỡng, quên chăm sóc bản thân vì phải lo thay chồng con điều gì đó” thì người mẹ Hong Kong dù giàu hay nghèo, thất nghiệp hay bận rộn,… đều “tự yêu bản thân” theo những cách khác nhau: ăn mặc thời thượng, luyện tập để có thân hình đẹp, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm cuộc sống, lan tỏa những yêu thương,…

Bác bỏ quan niệm “Làm mẹ trọn đời” của đa số mẹ Việt , nhà văn Trang Hạ chia sẻ: “Nếu như bạn chạy theo nhu cầu của con cái suốt 24h, bạn chẳng còn để lại không gian nào cho trẻ tự lập nữa. Liệu có bao giờ chúng ta đang hy sinh luôn vào đó cả những điều tốt đẹp nào đó trong tương lai của con cái mình không?”

“Nếu mẹ ăn mặc thời thượng, con càng tự tin. Nếu mẹ có thân hình đẹp, con càng kiêu hãnh”, bạn nhớ lại ngày còn nhỏ, bạn đã ngưỡng mộ mẹ bạn khác ăn diện, chỉ cần có một vòng tay đẹp, một cái áo đẹp hơn thôi, bạn đã thấy thích và mơ ước mẹ mình như thế rồi”.

Nhận định về phương pháp giáo dục con của những người mẹ Việt, nhà văn bày tỏ: “Chúng ta luôn dạy con phải tự hào về những gì bản thân các con có được. Nhưng con còn nhỏ, chỉ mới học mầm non, cấp 1, cấp 2, chưa có đủ trải nghiệm và tự tin để tự hào về những giá trị tốt đẹp các con có như yêu tự do, sáng tạo, chăm học, yêu gia đình,… Bên cạnh đó, rất nhiều giá trị về sau phụ thuộc vào những giá trị bên ngoài. Và mẹ chính là một trong những môi trường của các con”.

“Không có tiền, không có thời gian, bạn cũng phải cố dành ra một ngày, hay một nửa ngày, tắm lâu hơn một chút, soi gương lâu hơn một chút, chăm sóc bản thân mình kĩ lưỡng hơn một chút”, nhà văn Trang Hạ chia sẻ bí kíp.

Nhà văn Trang Hạ khích lệ người phụ nữ Việt/người mẹ Việt, cho dù bị hạn chế về thời gian hay tiền bạc, cũng nên luôn trang bị mình trong tư thế chủ động tươm tất, tươi tắn và hài lòng nhất, tự tin nhất.

“Sự tươm tất đi theo bất kì phong cách nào, kể cả bạn có phong cách bụi phủi như Trang Hạ; vì đó là phong cách bạn lựa chọn, chứ không phải bị hoàn cảnh đẩy vào sự luộm thuộm”,

“Yêu bản thân” tưởng chừng là một sự ích kỉ cá nhân, nhưng đó lại chính là một cách yêu con, thương con đúng mực.

Với Trang Hạ, “yêu bản thân” còn là biểu hiện của một người phụ nữ biết trân trọng mọi giá trị đích thực của đời sống. Bởi biết yêu bản thân, biết tôn trọng bản thân mới mong đòi hỏi người khác yêu thương và tôn trọng lại chính bản thân bạn!

{keywords}
Chị cho rằng “Làm mẹ 24h không phải là một người mẹ tốt”, “Mẹ cũng cần được yêu như mẹ đã yêu” (Ảnh minh họa)

Không thể sao chép công thức giáo dục con của người khác

Nhà văn của nữ quyền cho rằng: “Mọi công thức chỉ là một sự tham khảo. Không ai có thể làm mẹ thay chính bạn”.

Với nữ nhà văn, không nên có chuyện mẹ cầm tay con nắn nót từng nét chữ, hay hầm hố một tay cầm bát, một tay cầm thìa, đuổi theo con vòng quanh nhà trẻ chỉ để dỗ cho con ăn hết bữa sáng. Để trẻ tự lập, thay vì mẹ ngày ngày tảo tần đi mua đồ ăn sáng cho con, con cái sẽ lên kế hoạch dậy sớm để mua đồ ăn sáng cho mẹ.

Nhà văn Trang Hạ tự hào là mẹ của ba con, nhà không có người giúp việc từ nhiều năm nay, nhưng nữ nhà văn không chọn “làm mẹ 24h”. Bạn không giàu hơn người khác, nhưng bạn vẫn có thể làm những điều mình thích. Quan trọng bạn phải có kế hoạch đời mình.

“Chúng ta tiêu xài đời mình theo những cách khác nhau. Ai cũng có 24h mỗi ngày. Việc có làm được hay không là quyết định của bạn, không thể đổ lỗi do bạn không có thời gian hay ai đã kìm nén việc đó”. Nữ nhà văn chia sẻ quan điểm mà mình tâm đắc nhất: “Nếu bạn không có kế hoạch cuộc đời bạn, thì ngay lập tức, bạn sẽ rơi vào kế hoạch của cuộc đời người khác”.

Nữ nhà văn cũng tâm sự về cách duy trì gia đình trong một số năm gần đây: Cứ một buổi một tuần, cả nhà đi ra ngoài ăn cùng nhau, khi ăn bánh mỳ, khi ăn bánh cuốn, khi phở xào, khi bún bò Huế,… Chính việc thay đổi món ăn và không gian ăn khiến trẻ rất tự tin trong các câu chuyện với bạn bè. Hơn thế nữa, những câu chuyện trong bữa ăn sẽ trở thành sợi dây kết nối giữa các thành viên trong gia đình.

Đó là cách để gia đình sống cùng nhau, chứ không phải là người vợ/người mẹ phải chạy theo để phục vụ nhu cầu của chồng/con cái.

Trang Hạ ví những đức ông chồng giống như những con đại bàng, người vợ lúc nào cũng như một con gà mái chạy quanh giữ ổ trứng của mình. “Cần gì phải te tái như vậy, bởi cho dù ông chồng có là đại bàng, họ cũng cần một tổ ấm. Tại sao bạn phải giữ tổ ấm theo cách của một con gà mái? Bạn càng giữ, thì chồng sẽ càng buông mà thôi?”, nữ nhà văn nói.

{keywords}
Nhà văn Trang Hạ tự hào chia sẻ ngoài việc trở thành người mẹ ba con, chị còn lên kế hoạch thực hiện niềm đam mê với boxing của mình (Nguồn: Facebook Trang Hạ)

Nói về bản chất của việc “tiêu xài đời mình”, nhà văn Trang Hạ đúc kết: “ Sẽ vĩnh viễn không bao giờ có thời gian rỗi. Chỉ là bạn không làm việc này để làm việc kia. Vì vậy, bạn sẽ luôn phải cân nhắc giữa 2 – 3 việc cùng một lúc, bạn sẽ chọn làm những việc gì?”

Ngoài học thêm tiếng Anh, nữ nhà văn có 2h/ngày để học võ, một tuần vẫn 2 – 3 buổi đi tập boxing. “Đơn giản thôi, trong lúc bạn ngâm móng tay vào một chậu nước đục ngầu ở cửa hiệu cắt tóc - gội đầu, tôi đang ở trong một say mê nào đó, không bao giờ đánh đổi. Đó là lý do vì sao, bạn chỉ là người chất vấn, mà không bao giờ làm được những điều mà bạn mơ ước”, nữ nhà văn chia sẻ.

Khi có một đứa con, người phụ nữ nghĩ mình không thể làm được gì, ngoài việc chăm con, bởi nghĩa vụ làm mẹ và hàng tá nhu cầu của đời sống gia đình.

Trang Hạ khích lệ: “Nếu bạn không yên tâm về tất cả mọi chuyện thì bạn sẽ buộc phải nhúng tay vào tất cả mọi chuyện; còn nếu bạn yên tâm giao phó cho người khác, bạn sẽ thấy tất cả mọi chuyện đều được giải quyết một cách ổn thỏa, bạn sẽ lại có thời gian yêu bản thân và theo đuổi đến cùng những đam mê của mình”.

Người mẹ ba con cũng tự hào chia sẻ kinh nghiệm: Ngoài việc phấn đấu trở thành những tấm gương của con, người làm cha, làm mẹ đôi khi phải chiến đấu với những thói xấu của con cái. Ngoài những tật xấu như việc ăn xong, không giúp cha mẹ cất bát đũa, hay vứt rác bừa bãi, những biểu hiện như quá độc lập, quá yêu thương thế giới, hay quá cảnh giác với những người xung quanh,… đều có thể trở thành con dao hai lưỡi đối với trẻ.

Đỗ Dung