“Chúng tôi thường trêu đùa nhau rằng đã làm ở bệnh viện tâm thần thì rất khó lòng chuyển công tác đi nơi khác. Có lẽ do hằng ngày chúng tôi thường xuyên tiếp xúc với những bệnh nhân bất thường về tâm lý nên bạn bè cũng rất ái ngại khi gặp”, tâm sự của các y - bác sĩ bệnh viện tâm thần Bắc Giang về nghề nghiệp của mình.

Bị bệnh nhân đánh như cơm bữa

Những gương mặt bơ phờ, hoảng loạn, những bệnh nhân cười cười, nói nói rồi cởi phăng chiếc áo chạy loanh quanh khu điều trị của những bệnh nhân tâm thần khiến chúng tôi không khỏi bàng hoàng.

Hiện tại, bệnh viện tâm thần Bắc Giang tiếp nhận, điều trị rất nhiều bệnh nhân với các dạng bệnh lý như: Rối loạn tâm thần, tự kỷ,động kinh, trầm cảm, nghiện rượu..., trong đó có cả người mắc bệnh nan y. Do kinh tế gia đình eo hẹp nên khi bệnh chuyển nặng, nhiều người mới được thân nhân đưa đến bệnh viện.

{keywords}
Khi lên cơn, hầu hết những bệnh nhân mắc chứng tâm thần không ý thức được hành vi của mình. Ảnh minh họa

Đã gần 20 năm gắn bó với nghề, bác sĩ Ngô Tiến Hưng, khoa 1 chia sẻ, "Vào đây, bác sĩ xác định bị thương tích, sưng chân tay, bầm tím là chuyện bình thường.

Tôi nhớ, có một bệnh nhân rất to khỏe, hằn học, đã giết chết người, ai cũng sợ. Anh này mắc bệnh hoang tưởng, luôn nghĩ rằng ai cũng là tội phạm nên hễ thấy là ném đồ vật người. Có lần, tôi đang hỏi thăm bệnh, đột nhiên anh ta chạy vào cầm cốc ném và chửi tục, may mắn mình đã tránh kịp".

Bác sĩ Hưng bộc bạch: “ Bình thường họ rất hiền nhưng khi lên cơn thì liều mạng lắm, không sợ gì đâu. Đa phần khi được người nhà cưỡng ép họ tới bệnh viện thì mức độ bệnh cũng đã chuyển sang thể nặng. Đối với những bệnh nhân bị hoang tưởng, ảo giác, trong đầu luôn nghĩ có người tấn công mình thì họ còn thủ dao, kéo trong người, chờ cơ hội là ra tay.

Trong tình huống này, chúng tôi phải miệng nói tay làm, khéo léo cố định bệnh nhân rồi khẩn trương tiếp cận kiểm tra khắp người. Chúng tôi cũng không dám để bất cứ vật gì sắc nhọn hay đồ sành sứ, tránh việc bệnh nhân gây hại cho bản thân mình và cho bác sĩ.

Thực tế, đã có nhân viên y tế bị chấn thương trong quá trình điều trị cho bệnh nhân. Ví như trường hợp của điều dưỡng viên khoa 1 là anh N khi bệnh nhân lên cơn tâm thần đã dùng thắt lưng da vụt gãy xương ngón tay. Hay như điều dưỡng viên anh T bị bệnh nhân nam hành hung chảy máu khi đang khám bệnh...

“Có lần, bệnh nhân cầm dao cố thủ, với tuyên bố đứa nào sang đây tao đâm chết, tao tâm thần tao không phải đi tù, cả bảo vệ hay công an cũng không dám lại gần. Vậy mà khi tôi bước vào, chỉ cần nói mấy câu là họ sợ và “ngoan” lại ngay. Cái nghề này đặc thù lắm” Bác sĩ Hưng nói

Chúng tôi bị mặc cảm về tinh thần rất nhiều

Ngoài chuyên môn, yếu tố tâm lý chiếm hơn 50% trong việc chữa trị bệnh nhân tâm thần. Đôi khi các bác sĩ phải “hóa thân” thành người bệnh để cùng nói, cười, tâm sự, dỗ dành họ ăn, uống thuốc...

Bác sĩ Phạm Thanh Thảo, khoa 2 giãi bày: "Hơn 20 năm trong nghề, từng chăm sóc hàng nghìn bệnh nhân, bản thân tôi rất đồng cảm với nỗi bất hạnh của họ và nỗi buồn tủi của thân nhân người bệnh. Đã bao lần tôi và đồng nghiệp bị bệnh nhân chửi mắng, hành hung nhưng chính những thời điểm ấy tự trong lòng lại thấy cảm thương họ mà không hề giận dữ.

{keywords}
Bác sĩ Nguyễn Thái Long, Giám đốc Bệnh viện tâm thần Bắc Giang

Tuy nhiên, mỗi ngày đều đối diện với người tâm thần, mối quan hệ giữa thầy thuốc với bệnh nhân đã khiến đa số các bác sĩ như chúng tôi bị ảnh hưởng một phần.

Khi điều trị cho bệnh nhân tâm thần phân liệt, chúng tôi phải đặt mình vào tâm trí của người bị bệnh để hiểu họ. Chính vì thế, bản thân chúng tôi lại nhận được phần nào các biểu hiện bệnh lý của bệnh nhân chia sẻ lại. Do cùng chung sống nên chồng, con chúng tôi nhiều khi cũng ái ngại vì điều đó.

“Có lần con gái tôi kể, bạn bè con hỏi bạn sống ở đâu, mẹ làm gì. Con tôi nói lại rằng nhà ở trên cây số 5 nhưng nói mẹ làm ở đâu thì không dám nói làm ở bệnh viện tâm thần mà làm ở viện điều dưỡng vì con rất mặc cảm”, bác sĩ Thảo nói.

Rồi bác sĩ Thảo kể tiếp, “Chữa bệnh cho bệnh nhân tâm thần chúng tôi bị mặc cảm về tinh thần rất nhiều. Đi đâu, ai hỏi cũng không dám nói. Đôi khi kể cả việc chúng tôi đi làm, đi học thêm về chính trị hay bất cứ điều mà gì đứng lên lấy chứng chỉ thì nhiều cán bộ trong ngành y tế vẫn còn nhìn chúng với ánh mắt cười cợt, bông đùa”.

Theo bác sĩ Nguyễn Thái Long - Giám đốc Bệnh viện cho biết, do đặc thù công việc, nhiều năm qua, ít có bác sĩ mới về làm việc tại đây. Một số người khi được điều về công tác một thời gian ngắn lại xin chuyển nơi khác, phần vì lương và phụ cấp ít ỏi, phần vì áp lực công việc và những lời dị nghị là "bác sĩ tâm thần".

"Chỉ những ai can đảm, yêu nghề, có trái tim đồng cảm với người bệnh thì mới bám trụ được ở nơi này. Và tất cả đồng nghiệp của tôi, họ đã hội tụ được những điều cao cả ấy" - bác sĩ Long nói.

Hạnh Thúy - Minh Thùy

Còn nữa