Do chứng bệnh rối loạn hoang tưởng dai dẳng, bà T luôn ám ảnh trong đầu việc mình bị chồng âm mưu đầu độc. Để đề phòng, đêm đến bà ngủ ít đi. Đến ăn uống bà cũng sợ trúng độc, phải đi xin nước, vay gạo nhà hàng xóm…

Đó là trường hợp bệnh nhân nữ Hoàng Thị T 54 tuổi, quê Hưng Yên. Bà T có chồng là cán bộ nhà nước, được tiếng hiền lành, sống có trách nhiệm với vợ con và hai bên nội ngoại. Kinh tế gia đình nhờ việc buôn bán của bà T nên cũng khá giả, con cái học hành đỗ đạt. Cứ tưởng cuộc sống hai vợ chồng bà T viên mãn cho tới cuối đời, không ngờ khoảng thời gian 52 tuổi, bà T bỗng nhiên thay tính đổi nết khiến gia đình đảo lộn.

Bỗng nhiên nghi ngờ chồng

Đầu tiên là việc bà T nghi ngờ chồng lấy trộm tiền của mình. Bác sĩ H kể: “Hai vợ chồng sống với nhau bao nhiêu năm, hiểu và tin tưởng nhau nhưng bỗng nhiên bà T lại có suy nghĩ chồng rút trộm tiền của mình lúc trông hàng giúp. Từ suy nghĩ ấy, bà liền nghĩ đến việc chồng sẽ hãm hại, đầu độc mình hòng chiếm đoạt tài sản. Ngoài việc đi nói với tất cả con cái và anh chị em của mình về nỗi lo sợ ấy, bà T còn không dám ngủ để đề phòng chồng ra tay.”

{keywords}
ảnh minh họa

Thái độ yêu thương mọi khi dành cho chồng của bà được thay thế bằng ánh mắt đầy cảnh giác. Một mặt tỏ thái độ với chồng, mặt khác, bà T làm ra vẻ khẩn thiết cầu cứu các con. Do thấy mẹ mình có thái độ giống như thật nên các con bà T tỏ ra nghi ngờ bố.

Bị vợ đề phòng, con cái nghi ngờ dò xét, nhiều lần ông Đ chồng bà T nổi cáu quát lên “hay bà bị bệnh”. Bà T càng được thể, nói rằng chồng đầu độc không được nên muốn nói thế để tống bà vào viện nhằm chiếm đoạt tài sản của bà cho vợ bé. Hàng chục tờ đơn ly hôn được Bà T viết ra một mực bắt chồng kí, ông Đ thì nhất định không chịu vì cho rằng mình bị oan, còn vợ mình mắc bệnh.

Xin nước hàng xóm vì sợ chồng đầu độc

Sau năm lần bảy lượt viết đơn ly hôn không xong, bà T tìm đủ mọi cách để đuổi chồng ra khỏi nhà. Bà dùng ánh mắt để hù dọa chồng. Có đêm đang ngủ, ông Đ bỗng giật bắn mình khi bắt gặp ánh mắt bà T đang nhìn mình lừ lừ không chớp mắt. Cái ánh mắt chực như muốn ăn tươi nuốt sống của bà T hướng về ông cả ngày lẫn đêm khiến ông Đ ám ảnh.

Một lần đang gọt hoa quả, bỗng bà T trừng mắt lên rồi từ từ đưa con dao sáng loáng hướng về phía chồng khiến ông Đ hoảng quá phải bỏ chạy. Đêm đó, ông lại tá hỏa khi phát hiện con dao gọt hoa quả đó được bà T giấu dưới gối. Cực chẳng đã, ông Đ đành phải dọn ra ở riêng.

Sau khi chồng ra khỏi nhà, bà T liền thay toàn bộ khóa trong nhà nhưng như thế vẫn khiến bà chưa đủ yên tâm: “Bà T luôn nghĩ rằng chồng mình có chìa khóa khác và có thể lẻn vào nhà bất cứ khi nào. Hoặc không lẻn vào được, chồng bà sẽ bỏ độc vào nguồn nước hay thổi khói độc vào nhà.

Khi con cái tỏ ra nghi ngờ mẹ vì thái độ sợ sệt thái quá, bà còn chứng minh cho chúng thấy bằng việc mang mẫu nước đi xét nghiệm. Trùng hợp nước sinh hoạt nơi bà sống có nhiều lượng độc tố có hại, con bà tin theo mẹ hoàn toàn.

Từ lúc ấy bà T không dám dùng nước nhà mình để sinh hoạt nữa mà ngày nào cũng đi xin nước nhà hàng xóm. Hôm nào không kịp xin là bà nghỉ luôn ăn uống tắm táp để đề phòng bất trắc.”, bác sĩ H kể lại.

Nghi ngờ chồng mua chuộc nhân viên y tế

Sau việc xét nghiệm nước có chất độc hại, bà T càng tin việc chồng đang cố gắng đầu độc mình là sự thật. Để chứng minh thêm việc mình không bị bệnh và để con cái “sáng mắt” thêm về ông bố độc ác, bà T đồng ý nhập bệnh viện Tâm thần Hà Nội khám và để bác sĩ chứng minh cho mình.

 

{keywords}
Đang ăn cơm,nhiều bệnh nhân bỗng bỏ chạy. ảnh minh họa

Bác sĩ H. kể: “Khi vào viện, bà T mới chợt nhớ ra rằng có thể chồng bà đã mua chuộc nhân viên y tế để làm hại bà. Thế nên cơm cháo bà ấy không dám ăn mà phải bảo con gái nhờ bạn thân là công an đưa cơm cho mới ăn. Nhưng cũng chỉ được một ngày, ngày hôm sau bà T không tin ai kể cả con gái và bắt đầu bỏ cơm. Nghe bác sĩ giải thích, con gái bà T lúc ấy mới vỡ lẽ mẹ mình mắc bệnh và đồng ý để mẹ được điều trị chứng bệnh rối loạn hoang tưởng bà đang mắc phải. Trường hợp này nếu không đưa đến viện kịp thời thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra”, bác sĩ H thở dài.

Trong mấy chục năm gắn bó với nghề bác sĩ tâm thần, mỗi bệnh nhân mỗi hoàn cảnh đều khiến bác sĩ H phải suy ngẫm. “Và dù là ai, hoàn cảnh thế nào, thì với tôi họ cũng đều là những người bất hạnh cần được quan tâm che chở”, bác sĩ H chia sẻ.

Hạnh Thúy – Minh Thùy

Còn tiếp